Bài 1
Kn 9, 13 – 18; Lc 14, 25 – 33
Chủ đề: Chúa tạo điều kiện đưa con người đi vào sự hiệp thông với mầu nhiệm Thánh Ý Chúa.
*Kn 9, 17: Ý định của Chúa, nào ai biết được … nếu Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gởi Thần Khí Thánh.
*Lc 14, 33: Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ Tôi được.
Lời Chúa của Chúa Nhật XXIII C Mùa Thường Niên mời gọi con người thông hiệp vào ý định yêu thương của Thiên Chúa, được biểu lộ qua việc Thiên Chúa cho con người, vốn là loại thụ tạo giới hạn mọi bề cả xác lẫn hồn, được dần dần khám phá ra và tham gia vào ý định thần linh, nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người còn rộng ban các phương tiện dồi dào, hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi giúp con người vượt qua được giới hạn phàm nhân để thể hiện đường lối, dự tính cứu độ Thiên Chúa và cuối cùng được nên môn đệ Chúa ngay ở thế này, và được cứu độ.
Thánh Ý Chúa, tự thân, đã là một huyền nhiệm vượt quá tầm hiểu biết tự nhiên của nhân loại! Thêm nữa do sa ngã, do tội phạm, các năng lực, xác hồn Chúa ban cho con người cũng bị giới hạn, lệch lạc. Thiên Chúa thương muốn hồi phục! Thế nhưng cách thể hiện của Chúa luôn lạ kỳ, luôn đầy bất ngờ, thường làm đảo lộn tầm nhìn, bậc thang giá trị của con người đã bị tội và các khuynh hướng xấu làm suy yếu, mất định hướng. Thế nên, tự sức mình nhân loại không thể khám phá ra dự tính Thiên Chúa trong thế giới, lẫn trong cuộc đời cá nhân từng người; Và dĩ nhiên việc thực thi ý Chúa lại càng xa vời hơn nữa. Nhưng dự tính của Thiên Chúa là bất biến, Người vẫn tìm ra được phương thức đưa nhân loại đến cùng đích mà Người đã định: Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại ĐỨC KHÔN NGOAN, THẦN KHÍ THÁNH của Người; Rồi khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa sai chính Con Một của Người là Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác phàm, đồng hành với nhân loại cho tới ngày Tận Thế (x. Mt 28, 20b) để mặc khải, chỉnh sửa, chỉ dẫn đưa nhân loại tới đích.
Bài đọc 1 trích từ Sách Khôn Ngoan, là một suy niệm ngắn về đề tài nói trên: dự tính khôn ngoan, diệu huyền của Thiên Chúa, được tác giả trình bày dưới dạy một lời cầu nguyện, thưa trực tiếp cùng Thiên Chúa, do Salomon, vị vua khôn ngoan mẫu mực của người Do Thái, vì ý thức được sự giới hạn của mình, nên đã nài xin Chúa ban cho vua sự khôn ngoan và thần khí của Chúa hầu nhận ra được ý định của Thiên Chúa, được hiệp thông với Chúa và được cứu độ (x. Kn 7,7; 8, 21; 9,4). Và ông đã truyền đạt kinh nghiệm, đó cho hậu thế.
Bài đọc 1 gồm 3 ý:
*9, 13 – 16: trình bày khoảng cách, vực thẳm ngăn cách vô phương vượt qua được giữa năng lực giới hạn của con người và dự tính cao siêu của Thiên Chúa.
*9, 17: nhưng Thiên Chúa đã đưa ra giải pháp khắc phục: ban Đức Khôn Ngoan và Thần Khí.
* 9, 18: kết thúc bằng một lời khuyên dụ, đề nghị thái độ đáp trả phải có từ phía con người trước những gì đã được trình bày trên.
Mở đầu bài đọc 1, câu 13 cho thấy dự tính cao sâu, huyền diệu của Chúa, tự sức con người không sao vươn tới: “nào có ai biết được ý Chúa?…” Nguyên do của sự vô tri ấy là vì trí tuệ con người giới hạn: “tư tương không sâu, lý luận không vững”; và nhất là vì con người phải chết (9, 14). Và hậu quả của xác phàm yếu đuối đó khiến cho linh hồn ra nặng nề, trĩu xuống (9, 15). Để kết thúc phần này, tác giả khẳng định một lần nữa rằng con người xác phàm hoàn toàn bất lực không thể dò biết được dự tính của Thiên Chúa: ngay cả chuyện dưới đất, xác phàm cũng phải khổ cực để có thể hiểu được, huống hồ chi chuyện trên thượng giới làm sao hiểu thấu! (9, 16)
Phần thứ 2, tác giả cho thấy cách thức mà Thiên Chúa làm để cho con người có thể hiệp thông vào mầu nhiệm Thánh Ý Người: đó là Thiên Chúa ban cho con người Đức Khôn Ngoan và Thần Khí Thánh của Người. Vào thời Cựu Ước, Mầu Nhiệm Ba Ngôi chưa được mặc khải, nên Đức Khôn Ngoan và Thần Khí được dân Cựu Ước hiểu là những ân huệ lớn lao nhất mà Thiên Chúa ban cho những ai Người muốn chọn cho tham dự vào sứ mạng cứu độ của Người (x. Ds 16, 17 – 25; Tl 13, 25; 1 Sm 16, 13; Kn 9, 1 – 6. 9 – 11).
Chính vì thế, phần ba kết luận bằng một lời khuyên dụ mời con người chỉnh sửa đường lối, sống sao cho đẹp lòng Chúa để được ơn cứu độ (9, 18).
Như vậy để hiệp thông được với mầu nhiệm Thánh Ý Chúa, điều trước nhất là con người phải nhìn nhận rằng các suy tư cho dầu hợp lý nhất của mình cũng còn đầy giới hạn, tiếp đó là khiêm tốn nài xin Chúa ban Đức Khôn Ngoan và Thần Khí của Người cho mình. Bài đọc Tin Mừng chính là một minh họa rõ nét cho ý tưởng trên,
Thật vậy, Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem để hoàn thành Thánh Ý của Chúa Cha. Là phàm nhân, ai lường được ý Cha? Ai dám nghĩ rằng phương thế cứu độ lại là Cây Thập Giá? Trong khi đó, tất cả những kẻ theo Đức Giêsu, kể cả mười hai tông đồ, đều nuôi dưỡng trong đầu tham vọng được chiếm chỗ nhất trong Nước Chúa (x. Lc 9, 46; 14, 7). Vì thế Đức Giêsu phải chỉnh sửa họ: chỉnh sửa các tông đồ (x. Lc 9, 46 – 50); chỉnh sửa nhóm thủ lãnh, biệt phái nhân một bữa ăn (tuần trước Lc 14, 7 – 11). Và hôm nay đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới là đám đông. Tất cả cùng chung một bài học.
-
Trước tiên là bài học “Từ Bỏ”: cách nói trong Lc 14, 26 gây sốc cho chúng ta: ai muốn là môn đệ Đức Giêsu thì phải dứt bỏ những gì mà trước giờ chúng ta vẫn hằng gắn bó, vốn là lẽ sống của chúng ta: cha mẹ, vợ con, … kể cả mạng sống mình. Nhưng “dứt bỏ” là gì?
“ Dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, hủy diệt mọi tương quan vốn là cũng do Chúa tạo nên, nhưng mà là NHƯỜNG BƯỚC trước một mối tương quan mới, vừa được thiết lập nhằm giúp nhân loại sống tồn tại và vĩnh tồn. Đó là qui luật Chúa đã đặt để trong công trình sáng tạo: “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình” (St 2, 24), để tạo thành một cộng đồng sự sống mới giúp giúp nhân loại tồn tị và phát triển.
-
Chọn tương quan mới: Lc 14, 27 cho thấy bước tiếp theo – sau khi đã dọn trống cõi lòng mình bằng “từ bỏ” – là mở lòng đón nhận sự khôn ngoan và thần khí của Thiên Chúa để dám bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá.
Đó là hai điều mà Đức Giêsu cảnh tỉnh cho những người đang ùn ùn đi theo Người (14, 25).
Vậy Lc 14, 26 – 27 chỉ muốn nói ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu thì trong lòng trí họ, Đức Giêsu phải chiếm vị trí số MỘT, vị trí trước giờ chỉ dành cho Thiên Chúa (x. Đnl 6, 5).
Đó là đòi buộc nền dẫn vào sự sống mới, sự hiệp thông với Thiên Chúa. Đòi buộc nhưng không cưỡng ép! Qua sống bên Mỹ, phải biết tiếng Mỹ, đó là điều buộc; nhưng không ÉP, không biết tiếng Mỹ cũng chẳng chết chi ai, tuy nhiên người ấy sẽ không thể hiệp thông trọn vẹn với cuộc sống Mỹ. Không dứt bỏ, không vác thập giá thì không hiệp thông được với thánh ý Thiên Chúa, có thể vẫn lê lết theo Đức Giêsu, nhưng không trở nên môn đệ Người được. Thế thôi! Và Đức Giêsu làm rõ tư tưởng của Người bằng hai dụ ngôn: một người sắp xây nhà mới, và một ông vua sắp đi giao chiến với kẻ địch. Điều quan trọng là phải có tầm nhìn, biết mình biết ta để chọn lựa quyết định chiến lược thích hợp. Vậy gút lại là: CÓ THỰC TÂM muốn theo Đức Giêsu hay không? Và có biết được là theo Người sẽ được gì hay không?
Đó là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gởi tới đám đông đang lẽo đẽo theo Người với bao ý đồ, dự tính riêng tư. Còn đối với Kitô hữu chúng ta, sứ điệp là: có muốn hiệp thông với mầu nhiệm thánh ý Chúa không?
Nếu muốn thì phải làm một cuộc đổi mới: trong mọi tương quan, liên hệ của cuộc đời mình, Đức Giêsu phải chiếm vị trí số MỘT, vị trí chỉ được dành cho Thiên Chúa mà thôi!
Bài 2
Ai không vác Thập giá mình mà đi theo tôi (c.27) Ai không từ bỏ hết những gì mình có (c.33) thì không thể làm môn đệ tôi được.
Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm niệm dự tính của Thiên Chúa muốn con người thông hiệp vào mầu nhiệm Thánh Ý Người dù tự sức con người là không thể được. Chính vì thế Thiên Chúa đã tạo nên các phương tiện, điều kiện giúp con người vượt giới hạn phàm nhân thông hiệp vào ý định thần linh. Phần con người phải hoán cải để đón nhận Ý Chúa và để Thiên Chúa hoàn tất công trình của Người trong cuộc đời chúng ta. Các chi tiết trong hai bài đọc làm nổi bật chủ đề trên:
-
Thiên Chúa có dự tính cứu độ và muốn thông chia cho con người:
Bài 1. Lạy Chúa nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa (Kn 9, 13a). Chi tiết trên cho thấy Thiên Chúa có một ý định. Con người biết được là có, chắc là được Chúa tỏ cho biết, nhưng không rõ cụ thể ý định đó là gì.
Tin Mừng. Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem (Lc 13, 22), đám đông ùn ùn kéo theo … và Người cứ để họ theo.
-
Nhưng phận phàm nhân và còn đầy tội lỗi nên con người không thể hiểu, không thể hiệp thông được với dự tính của Thiên Chúa:
Bài 1. “Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi” (Kn 9, 13b. 17a)
Tin Mừng. “Đức Giêsu quay lại bảo họ” (Lc 14, 25b): họ theo Đức Giêsu nhưng không rõ mục đích, ý nghĩa, nên Đức Giêsu quay lại cảnh cáo họ.
-
Thiên Chúa không bỏ ý định của Người. Từng bước một, Người tìm đủ phương thức để giúp con người hoán cải, đi dần vào con đường lối của Chúa.
Bài 1. Con người vì nhiều lý do không hiểu ý Thiên Chúa (Kn 9, 14. 15. 16) thì Thiên Chúa giúp con người khắc phục bằng cách ban cho Đức Khôn Ngoan và Thần Khí (9, 17b)
Tin Mừng. Để cho con người biết ý Thiên Chúa, chính Đức Giêsu nhập thể và hôm nay Người đang lên Giêrusalem thi hành ý Cha và giải thích cho đám đông con đường đó bằng lý thuyết (Lc 14, 25 – 27), rồi bằng dụ ngôn minh họa (Lc 14, 28 – 32).
-
Đáp lại Tình Yêu Thiên Chúa, con người cần hoán cải, học hỏi:
Bài 1. “… đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng … và con người được dạy cho biết …” (Kn 9, 18)
Tin Mừng. Ai muốn theo Đức Giêsu phải từ bỏ hết những gì mình có (Lc 14, 26. 33) và vác thập giá mình mà theo (14, 27).
Lời Chúa trong trích đoạn Tin Mừng hai tuần trước cũng đã dọn đường cho chủ đề từ bỏ, vác thập giá qua cách diễn tả: “hãy chiến đấu để vào Nước Trời bằng cửa hẹp” (CN XXI C Lc 13, 24); phải khiêm nhường đừng chọn chỗ nhất trong bàn tiệc, hãy quảng đại hào phóng đón tiếp hết mọi người, nhất là những ai bất hạnh bị loại trừ (CN XXII C Lc 14, 8. 12. 13).
Trở lại câu hỏi nền của chặng hai lên Giêrusalem: Lc 13, 23. Vấn đề không nằm ở số lượng đã được định trước ít hay nhiều mà là vấn đề “hoán cải”, ai chấp nhận “đổi đời”, “mêtanoia” đều được cửa Trời rộng mở đón chào.
Lời Chúa hôm nay mời “hoán cải”, đón nhận đường lối của Chúa.
BÀI ĐỌC I: Kn 9, 13 – 18
Cái nhìn chung về Sách Khôn ngoan: xem “bài chủ đề” và “bài suy niệm” của bài đọc 1 của Chúa Nhật XIX C.
Bài đọc 1 hôm nay là một tâm tình cầu nguyện tác giả dâng lên Thiên Chúa (xem “bài chủ đề” hôm nay). Trích đoạn này nằm ở phần 2 của Sách Khôn Ngoan.
Nội dung gồm 3 ý chính với cấu trúc như sau:
-
Ý thức rõ con người giới hạn không thể biết được ý Chúa, đồng thời cũng thấy được các lý do khiến con người không biết được ý Chúa.
-
Câu 13: con người bất lực, không sao biết được ý Chúa.
-
Câu 14 – 16: các lý do không biết được ý Chúa
-
Câu 17a: lập lại ý c. 13: Ý Chúa không ai biết được
-
Thiên Chúa giúp con người khắc phục sự dốt nát bằng cách (17b)
-
Ban Đức Khôn Ngoan (c. 17c)
-
Gởi Thần Khí Thánh (c. 17d)
-
Câu 18: phần con người, để đổi đời đích thật, thông hiệp với Thiên Chúa:
-
Sửa lại đường lối cho thẳng
-
Học hỏi những điều đẹp Ý Chúa
-
Và chạy đến với Đức Khôn Ngoan.
-
Nhân loại không thể biết được ý đinh của Thiên Chúa (9, 13- 27b)
Câu 13 là lời cầu nguyện của Salomon, vị vua nổi tiếng là Khôn ngoan của dân Chúa. Ông nói lên kinh nghiệm của bản thân mình về sự vô tri, không biết đường lối cai trị dân Chúa; Ông đã khiêm nhường xin Chúa ban cho ông ơn biết lắng nghe và biện phân phải trái để cai trị dân Chúa theo đúng ý Chúa. Ý tưởng này nối kết với chủ đề của tuần trước: khiêm nhường và lắng nghe (MTN XXII C bài đọc 1).
* Lạy Chúa nào có ai biết … ai hiểu được Ý Chúa (9, 13 và 17a)
Theo Kinh Thánh, con người là hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26 – 17) nên phải lắng nghe và thi hành Ý Chúa (St 2, 16 – 17). Bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới thấu hiểu được con người và biết được đâu là hạnh phúc thật cho nhân loại (St 2, 18 – 24); Vì thế con người bị cám dỗ, nảy sinh ra tham vọng muốn biết được thiện ác, phúc họa như Chúa, muốn tự mình làm chủ đời mình thì đã đi lạc vào đường lầm, tội lỗi. May thay, Thiên Chúa đã không bỏ mặc nhân loại trong lầm lạc; Người tìm đến và tỏ cho con người biết ý định của Người. Tuy nhiên không dễ để con người nhận ra được ý định của Thiên Chúa, vì “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi” và “đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi”. (Is 55, 6 – 9). Nếu không khiêm nhường ý thức rõ sự bất lực của mình, con người sẽ mãi đắm chìm trong u mê, xa lìa Thánh Ý Thiên Chúa. Để thông hiệp được vào đường lối, dự tính của Thiên Chúa, con người phải nguyện cầu, nài xin Thiên Chúa phái, ban Đức Khôn Ngoan đến trên con người (Kn 9, 4. 10a. 17bc).
* Các lý do làm con gười không tự mình biết được Ý Thiên Chúa (9, 14 – 16)
Tất cả đều là do thân phận hữu hạn bất toàn của thân phận phàm nhân được diễn tả ra qua 3 nét ghi trong câu 14:
-
Là loài phải chết: thiếu thốn về mặt thời gian lẫn không gian, vì đời người quá ngắn ngủi. Cái chết hủy diệt, ngăn cản mọi công cuộc của kiếp người. Con người hữu hạn làm sao hiểu được dự tính vô biên của Thiên Chúa.
-
Tư tưởng không sâu: cuộc đời giới hạn về thời gian, không gian khiến cái nhìn của con người cục bộ, nhất thời không thể đi vào chiều sâu của sự vật.
-
Và lý luận không vững: lý luận là cách diễn tả ra bên ngoài của tư tưởng. “Tư tưởng đã không sâu” thì làm sao lý luận vững chắc được!
Vậy tồn tại, phận người giới hạn về mọi mặt, tất cả đều vô thường phù du thì làm sao hiểu được dự tính trường tồn, vô biên của Thiên Chúa.
* Khai triển ý câu 14: “Quả vậy”:
– Thân xác … khiến linh hồn ra nặng: mượn khái niệm triết lý Hy Lạp phân biệt xác hồn để cho thấy hậu quả xấu của xác thịt nặng nề gây ra cho phận người: “một linh hồn quá bị trói buộc vào thân xác và vào những khát vọng của nó là một vật nặng nề, trì trệ, trần tục: “một linh hồn bị trĩu nặng như vậy bị lôi cuốn về trở lại với cái thế giới hữu hình” (Monique Piettre “Comprendre La Parole” năm C trang 190 nốt 7). Tuy nhiên, tác giả sách Khôn Ngoan đã không bị quan niệm nhị nguyên Hy Lạp thao túng: ông vẫn coi việc linh hồn kết hiệp với thân xác là chuyện bình thường, không hề có vấn đề thân xác là nhà tù cầm giữ linh hồn, xác hồn chung một vận mệnh (x. Kn 1, 4; 8, 19 – 20; 15, 11).
– Cái vỏ bằng đất … vì lo nghĩ trăm bề: hình ảnh gợi St 2, 7. Trong sáng tạo, cái xác không phải là cái cớ làm hồn ra nặng nề, vì chính ngang qua xác mà hồn nhận được ý Chúa, đúng hơn cả xác lẫn hồn nhất trí nhận ý Chúa (x. St 2, 16.17). Theo câu này, chính cái suy tư không sâu của loài phải chết và lý luận phàm trần lo lắng trăm bề mới làm tinh thần bị trĩu nặng. Thật vậy, thiên thần đâu bị giới hạn bởi xác phàm nhưng tự mình họ cũng không thể biết Thiên Chúa cho đủ, bằng cớ là đã có những thiên thần sa ngã.
Vậy để biết được ý Chúa, vấn đề là làm sao cho “tư tưởng không sâu”, “lý luận không vững” của thụ tạo được thông hiệp vào thánh ý Thiên Chúa. Điều này được giải quyết ở c. 17: Thiên Chúa ban cho con người Đức Khôn Ngoan và Thần Khí của Người.
-
Câu 16 là một minh họa cụ thể cho thấy sự bất lực của con người trong việc tìm biết ý Chúa: chuyện dưới đất lo còn chưa xong, nói chi chuyện trên trời.
-
Để biết đươc ý Chúa: cần Chúa ban Đức Khôn Ngoan và Thần Khí của người (17)
Cũng trong lời cầu nguyện dưới dạng câu hỏi thân thưa cùng Chúa. Salomon cho thất con người cũng có thể biết được ý Chúa nếu được Chúa thông ban Đức Khôn Ngoan và Thần Khí của Người. Đây là hai thuộc tính của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban cho những ai Người muốn để mời họ cộng tác trực tiếp, đặc biệt vào chương trình cứu độ của Người. Đặc ân khôn ngoan, Chúa đã tặng ban cho Israel qua Lề Luật (x. Hc 24,23-24): khiến họ thành dân khôn ngoan, biết được ý Thiên Chúa (x. Đnl 1,6-8). Tiếc thay họ không biết gìn giữ hồng ân này khi không tuân hành Luật Chúa. Còn về Thần Khí, Chúa hứa ban cho mọi người vào thời Mêsia (x. Ge 3,1-2). Theo dòng lịch sử, mặc khải tỏ lộ dần, Đức Khôn Ngoan và Thần Khí được ngôi vị hóa. Cuối cùng trong Tân Ước, chúng ta biết Đức Khôn Ngoan chính là Đức Giêsu và Thần Khí là Chúa Thánh Thần: 2 ngôi vị trong 3 ngôi Thiên Chúa.
Vậy câu 17 này là một chuẩn bị cho một mặc khải chóp đỉnh trong Tân Ước về huyền nhiệm Thiên Chúa. Chính nhờ Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần mà chúng ta được thông hiệp hoàn toàn vào huyền nhiệm Thánh Ý của Thiên Chúa. Và với Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần thì những giới hạn phàm nhân nói ở các câu 13 -16 không còn là cản trở nữa. Thật vậy, những Maria, Giuse, Giakêu, tên trộm lành…chỉ trong tích tắc đã được Đức Khôn Ngoan và Thần Khí của Thiên Chúa đưa vào huyền nhiệm vĩnh cửu của thần linh.
-
Phần đáp trả từ phía con người (c.18)
Đức Khôn Ngoan và Thần Khí là do tình yêu quan phòng của Thiên Chúa ban tặng giúp con người khắc phục những giới hạn của kiếp người tội lỗi, nhờ đó nhận ra được ý định của Thiên Chúa, bước theo đường lối của Người và được cứu độ. Vậy về phần con người, phải làm một cuộc hoán cải, đổi đời, mở rộng tâm hồn để Đức Khôn Ngoan và Thần Khí Chúa hoạt động cụ thể trong ta. Cụ thể là cộng tác cùng với ơn Chúa để thực hiện nơi bản thân mình những điều sau:
-
Sửa lại đường lối cho thẳng ngay nghĩa là KHIÊM NHƯỜNG nhìn nhận những sai trái của mình rồi sửa đổi theo đường lối sửa dạy, phục hồi của Chúa; Đừng như Ađam: trốn Chúa, chối tội, đổ lỗi cho nhau.
-
Học hỏi những điều đẹp ý Chúa: hãy đi con đường hẹp; đừng tranh dành chỗ nhất; hãy phục vụ, đón tiếp người nghèo, bị bỏ rơi…
-
Và chạy đến với Đức Khôn Ngoan: nghĩa là đến với Đức Giêsu, từ bỏ mọi sự rồi vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu.
Đó là những điều Đức Giêsu đòi hỏi nơi môn đệ muốn theo Người trong 3 Chúa Nhật XXI C, XXII C và XXIII C rồi còn tiếp tục… Đức Giêsu đang dẫn đầu đoàn môn đệ lên Giêrusalem để cùng với môn đệ phục hồi nhân loại nhờ Thập Giá, Phục Sinh và Thánh Thần.
Tóm lại:
Lời cầu nguyện của Salomon, con người được coi là mẫu mực của khôn ngoan trong Kinh Thánh, cho thấy thân phận hèn yếu, giới hạn của kiếp người: tự sức mình, con người không sao tiếp cận được với huyền nhiệm thần linh. Và như vậy hàm ý con người không thể có được hạnh phúc thật, vững bền. Vì thế Salomon nài xin Thiên Chúa ban cho con người Đức Khôn Ngoan và Thần Khí.
TIN MỪNG: 14, 25 – 33
Đức Giêsu đang ở chặng, giai đoạn 2 của cuộc hành trình lên Giêrusalem (Lc 13, 22 – 17, 10). Người vẫn tiếp tục dạy dỗ, giáo dục về mầu nhiệm Nước Trời cho đám đông luôn vây bám Người mỗi khi Người dừng chân giảng dạy. Các bài giảng dài của Đức Giêsu trong giai đoạn này được Luca gom lại chung quanh vấn nạn “có ít người được cứu thoát phải không?” (13, 23). Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi “ít/ nhiều”, Đức Giêsu đã chuyển dịch trọng tâm của vấn đề bằng cách đưa ra những lời dạy khuyên mời người nghe phải phân định rồi chọn lựa điều chi, chọn lựa như thế nào trước những nét lạ lùng về mầu nhiệm Nước Trời được Đức Giêsu đang từ từ mặc khải.
Hai trọng tâm được Tin Mừng Luca chọn để qui tụ lại các lời dạy dỗ của Đức Giêsu cho câu hỏi là: – “Bữa ăn”: chương 13, 14 – 15; – Và “giàu nghèo”, tương quan với của cải: chương 16, 17.
Các bản văn được trích đọc trong phụng vụ. Từ Chúa Nhật XXI C đã chọn gần hết nội dung của hai chủ điểm chính trong giai đoạn này để làm bài đọc Tin Mừng: Chi tiết về “bữa ăn” được đề cập đến trong các Chúa Nhật XXI, XXII, XXIV C; Còn vấn đề “giàu nghèo, tiền của” là chủ đề của Chúa Nhật XXV, XXVI, XXVII C.
Riêng Chúa Nhật XXIII C hôm nay, đề cập thẳng đến chủ đề phải biện phân, chọn lựa để có thể theo được Đức Giêsu tiến về Nước Trời. Thấy đám dân chúng rất đông đi theo Người, Đức Giêsu cảnh cáo nhắc họ điều cần phải có để nên môn đệ Người:
-
Từ bỏ tất cả rồi vác thập giá của mình mà theo (14, 25 – 27)
-
Và Người đưa ra hai dụ ngôn minh họa (14, 28 – 33) mời họ phải biện phân, suy nghĩ kỹ lưỡng để có thể theo Người đến cùng.
-
Khung cảnh của trình thuật (25)
* Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem.
* “Có rất đông dân chúng cùng đi đường với Đức Giêsu”
Người ta đang ùn ùn theo Chúa … Có thể với tâm trạng phấn khích vì những lời dạy dỗ và những phép lạ của Người. Điều này ngầm chứa nguy cơ họ theo Người chỉ vì những lợi lộc hời hợt bên ngoài. Đức Giêsu – là Đức Khôn Ngoan được Thiên Chúa phái đến – cần phải đưa họ về lại đường lối Thánh Ý của Thiên Chúa. Và Người mở lối đưa ra những đòi hỏi dưới 2 dạng: mời trực tiếp (26.27.33) và dụ ngôn (28 – 32).
* Người quay lại: Đức Giêsu đi đầu, đám đông theo sau. Hàm ý là môn đệ.
-
Điều kiện để có thể làm môn đệ Đức Giêsu: các yêu sách (26.27)
* Đối tượng: “Ai”, nhắm vào mọi người dù chưa là môn đệ.
* Phải dứt bỏ …dịch sát “… ai đến với tôi mà không GHÉT …” cách nói đặc biệt của ngôn ngữ hi bá nhằm diễn tả ý niệm “thích hơn”. Ai yêu thích cha mẹ … hơn Tôi thì không thể làm môn đệ Tôi. Khi trao sứ vụ mục tử cho Phêrô, Đức Giêsu cũng chỉ đòi một điều “yêu Người trên hết” (x. Ga 21). Mọi tương quan thế trần mật thiết đều phải nhường bước trước tình yêu đối với Đức Giêsu.
* Phải vác thập giá mình … Đức Giêsu đã chọn đường Thập giá để cứu độ. Trò phải đi trên con đường của Thầy thôi! Nhưng ở đây Luca nhấn mạnh “CỦA MÌNH”. Đó chính là phận phàm nhân của mỗi người với tất cả hệ lụy của nó. “Được làm người”, được dựng nên theo hình ảnh Chúa”; đó là ân huệ cội nguồn, đầu tiên của mọi ân huệ và lớn nhất. Đối với Kitô hữu, thập giá là hồng ân, là quyền năng của Thiên Chúa (x.1Cr 1, 24). “Vác thập giá mình” chính là đi cho trọn kiếp người với tất cả các hệ lụy của nó. Thật vậy, ngay từ đầu con người đã chiều theo cơn cám dỗ khước từ phận làm người qua việc ăn trái cấm. Từ đó, dưới nhiều hình thức, cá nhân hay tập thể, con người luôn bị rơi vào cạm bẫy chối từ phận người, muốn phong thần cho mình. Thiên Chúa muốn sửa sai bằng mầu nhiệm nhập thể và thập giá: đảm nhận và đi đến cùng kiếp người cho dù nó có tệ đến đâu đi nữa, đó là đường cứu độ.
-
“…làm môn đệ tôi”: đây là động lực và cùng đích của các yêu sách trên. Chỉ những ai “muốn” và “nhắm tới” ân huệ “được làm môn đệ Đức GiêSu” thì mới hiểu và chấp nhận được các yêu sách trên. Điều này hàm ý rằng Luca kín đáo mặc khải Đức GiêSu là Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi như thế.
-
Điều kiên để làm môn đệ suốt đời: 2 dụ ngôn minh họa và 1lời giải thích (28-33)
Sau khi “quay lại” (hàm ý Đức GiêSu đi đầu dẫn đường, Người nói những lời ấy với tư cách là Thầy dạy bảo môn sinh) mặc khải cho đám đông đang đi theo Người những yêu sách cơ bản để có thể làm môn đệ Người, Đức GiêSu đi thêm một bước nữa: mời những ai đã quyết tâm làm môn đệ hãy làm môn đệ cho đến cùng. Đã theo Đức GiêSu thì theo cho trót, nghĩa là đi cho tới đỉnh Canlvê như là một môn đệ chân chính đến suốt đời mình.
-
Đối tượng: “ai trong anh em”. Không còn nhắm trực tiếp vào cả đám đông nữa dù là vẫn nói với cả đám đông. Đối tượng là “ai trong” nghĩa là những ai chấp nhận đáp trả yêu sách ở cc. 26-27.
-
“Quả thế”: 2 dụ ngôn tiếp sau là lời mời gọi ai muốn làm môn đệ Đức GiêSu phải suy nghĩ cách nghiêm chỉnh: không có vấn đề dấn thân cách nhẹ dạ theo Đức GiêSu, hay làm việc nửa vời, phải bảo đảm hoàn tất công việc.
-
Hai dụ ngôn: đây là dạng dụ ngôn kép nghĩa là trọng tâm sứ điệp nằm nơi công thức được lặp lại trong 2 dụ ngôn. Ở đây là “mà trước tiên lại không ngồi lại tính toán (bàn tính) xem mình” có đủ năng lực để thực hiện đến cùng các ước muốn, dự tính của mình. Sứ điệp của dụ ngôn chắc chắn không nhấn mạnh vào khía cạnh tiêu cực: ngồi tính toán, thấy khó khăn thế là rút lui không theo Đức GiêSu. Không! Sứ điệp là tích cực: mời biện phân cân nhắc kỹ lưỡng, nhận ra những thách đố và quyết tâm tìm cách thực hiện cho được việc bước đi theo Thầy. Đó là sứ điệp chính. Nhưng nếu đi vào chi tiết thì có nhiều vấn đề: “tính toán” như thế nào đây? Dựa vào chuẩn mực nào để tính toán? Theo Chúa không phải là sáng kiến của con người, chính Đức GiêSu cho câu đáp: c. 33.
-
Cũng vậy: 2 dụ ngôn cho thấy cách thức, phương tiện giúp 2 nhân vật đi đến kết quả tốt nhất; Ở đây, c.33, Đức GiêSu đưa ra phương cách để người môn đệ có thể đi theo Thiên Chúa đến cùng:
-
Từ bỏ hết những gì mình có:
-
Những gì mình có: huparkhusin. Từ này bao hàm vừa của cải vật chất vừa tất cả những gì thuộc quyền sử dụng của mình: thời giờ, của cải, ý chí, lý trí, tình cảm… nghĩa là cả con người.
-
Từ bỏ hết: trong văn mạch từ cc. 26-32, “từ bỏ” có nghĩa là dám đầu tư hết để có thể trở nên môn đệ trọn vẹn, vĩnh viễn của Đức GiêSu. Đối với người môn đệ thì những yêu sách ở các câu 26.27 phải luôn là ưu tư hàng đầu, luôn là chuyện hiện tại mỗi ngày chứ không chỉ là một thời điểm hứng khởi lúc ban đầu. Điều này đã được Đức GiêSu nói riêng cho Nhóm 12 (và Lc đã tổng quát hóa cho tất cả) sau khi mặc khải thập giá lần thứ nhất: “ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, HẰNG NGÀY mà theo” (9, 23).
Vậy “tính toán phí tổn” hoặc lượng sức mình (dụ ngôn 2) không phải là cậy dựa vào năng lực trần thế, tài năng cá nhân…mà tưởng rằng có thể (hay không có thể) đi theo Chúa. Tính toán ở đây là từ bỏ nghĩa là sẵn sàng bỏ đi tất cả những gì, dù quý giá đến đâu đi nữa, gây trở ngại cho việc yêu Đức GiêSu trên hết, cho việc vác thập giá mình hằng ngày mà theo Đức GiêSu. Để đạt được điều này, hăng say nhiệt huyết ban đầu chưa đủ mà phải đầu tư trọn vẹn và suốt đời. Việc yêu Chúa trên hết và vác thập giá mình phải luôn là một biện phân, chọn lựa của hiện tại và làm như thế mãi cho đến chết.
Tóm lại
Để giúp con người nhận ra mầu nhiệm thánh ý của Thiên Chúa hầu có thể theo Đức GiêSu làm môn đệ Người, Đức GiêSu đã mặc khải con đường “TỪ BỎ”.
Theo tinh thần của Tin Mừng hôm nay, từ bỏ là đi theo Đức GiêSu, là muốn làm môn đệ Người, là biện phân để chọn lựa yêu Đức GiêSu trên hết mọi sự, là chấp nhận phận người Chúa đã trao ban trong tin yêu phó thác.
Và nhất là, từ bỏ không phải là kết quả của lòng nhiệt huyết nhất thời nhưng phải là một lập trường, một chiến lược bền vững được kiên trì theo đuổi thực hiện mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Đó là một cuộc đua dài hơi, cần phải thanh luyện dần để mọi cái trong con người ta đều qui tất cả về Đức GiêSu. Một khi đã chọn làm môn đệ Đức GiêSu thì phải là môn đệ trọn vẹn và suốt đời.
Frère pierre Đình Long FSC