Lc 20,27-38.
Con người từ đâu mà có?
Trong vũ trụ bao la vô tận, người ta phải đo thời gian bằng triệu triệu năm ánh sáng, thì 70 năm, 80 năm, thậm chí 100 năm đời người có là gì?
Con người khi chết rồi đi đâu? Có cuộc sống mai sau không?
Đó là những vấn nạn muôn thuở của con người, nhất là vấn nạn thứ ba.
Có một số người, tắt thở một thời gian ngắn rồi hồi sinh. Có lẽ chỉ những người này mới có được cảm nghiệm sau cái chết, còn đa số chúng ta đều không biết gì về thế giới bên kia, sau cái chết, vì chưa có ai chết mà sống lại, có lẽ ngoại trừ ông Lagiarô, em của Matta và Maria hay cậu con trai bà góa thành Naim, được Chúa cho sống lại và nhất là chính Chúa Giêsu đã phục sinh.
Con người ra sức tìm giải đáp cho vấn nạn thứ ba này.
Có người tin rằng chết là hết, không còn gì nữa, tất cả chỉ là vật chất. Đó là những người duy vật, họ không tin có gì là linh thiêng, không tin có linh hồn. Cuộc sống này là tất cả, thế nên họ tham lam, vơ vét, ăn chơi, hưởng thụ bất chấp tiếng nói của lương tâm.
Nhóm Xađốc trong Tin Mừng Luca 20, 27- 38 hôm nay cũng không tin vào sự sống lại. Họ dựa vào sách Đệ Nhị luật (Đn1 25, 5-6), đưa ra một tình huống cá biệt: 7 anh em trai lấy chung một người vợ, theo luật Môsê để có con nối dõi tông đường cho người chồng trước, không có con, khi qua đời. Nhưng Chúa Giêsu dựa vào sách Xuất Hành (Xh 3,6) để chứng minh Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho ông Môsê: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”. Với Chúa, các tổ phụ này vẫn đang sống, dù các ngài đã chết từ lâu rồi.
Vẫn biết hữu sinh tất hữu tử. Nhưng chết rồi, ta sẽ đi đâu? Sau cái chết còn gì nữa không?
Phần đông loài người tin là chết chưa phải là hết. Các tôn giáo lớn như Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo đều tin có đời sau. Các nghi thức an táng trịnh trọng, trang nghiêm, tỉ mỉ. Các ngày cúng giỗ, lễ bái chứng minh điều đó. Người Việt Nam ta cũng tin sinh ký tử quy. Sống gửi thác về. Chết mới là về quê thật.
Kitô giáo, đặc biệt là Công giáo, càng xác tín hơn nữa, vì chúng ta tin Chúa Giêsu đã sống lại. Chúng ta nghe Chúa đã xác định:
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26).
Khi đi rao giảng, nhiều lần Chúa Giêsu đã nói đến cuộc sống sau khi chết như: dụ ngôn người giàu có và Lazarô. (Lc 16,19-31), dụ ngôn cỏ lùng. (Mt 13,24-30), cuộc phán xét chung. (Mt 25,31-46), cá tốt, cá xấu…
Rất nhiều lần Thánh Phaolô đã nhắc đến niềm tin này:
“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với người:đó là niềm tin của chúng ta”. (Rm 6,8)
“Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại”.(1Cr 15,20-21).
“Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em”. (2Cr 4,14)
Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính:“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là niềm hy vọng của mọi Kitô hữu.
Sách Macabê là quyển sách đầu tiên nói về sự sống lại. Bảy anh em và người mẹ đã can đảm chết trong niềm tin này: “Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”. (2Mcb 7,9).
Mọi nơi mọi thời đều có các tín hữu dám chết cho Thiên Chúa, vì tin vào sự sống đời đời, vì tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ở Việt Nam chúng ta, ngay khi Tin Mừng được rao giảng, số người tin còn ít ỏi, nhưng cũng có đến hơn 300.000 người chết vì danh Chúa Kitô và có hơn 117 vị đã được Giáo Hội tuyên phong lên bậc hiển thánh.
Chính sự sống lại và cuộc sống đời đời giúp cho cuộc sống trần gian nghiêm túc và đạo đức.
Vì tin cuộc sống mai sau, rất nhiều người đã hy sinh, sống công bình, bác ái, tu thân nghiêm ngặt.
Những người không tin có đời sau, không tin có sống lại, có phán xét thì cũng dễ sống bê tha, phóng túng, hưởng thụ …
Có những người sống như mình không phải chết, hay ít ra cũng còn lâu mới chết, nên tận hưởng những lạc thú trần gian.
Những người không tin thì rất sợ chết. Nhưng những người tin vào Thiên Chúa, tin rằng cái chết là cửa bước vào cuộc sống vĩnh hằng, thì họ coi cái chết nhẹ tênh.
Chúng ta thường nói về nhà Cha, hoặc được Chúa gọi về …
Nghĩ đến sự chết không làm chúng ta sợ hãi bi quan, trái lại nó giúp chúng ta yêu quý sự sống hơn; chúng ta sẽ đón nhận từng ngày sống như một món quà của Chúa, chúng ta sẽ sống yêu thương Chúa và tha nhân nhiều hơn:
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
ta có thêm ngày nữa để yêu thương’
(Kahlil Gibran)
Lạy chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đức tin Chúa đã ban cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống bác ái, yêu thương ở đời này, để chúng con cũng được vui hưởng hạnh phúc đời sau.
Nguyễn Đức Lân