CHÚA NHẬT THỨ VI THƯỜNG NIÊN NĂM A

Mt 5, 17-37

      Độc giả đầu tiên của Tin Mừng thứ nhất, theo Thánh Matthêu, là các Kitô hữu gốc Do Thái. Trong Tin Mừng thứ nhất này có tới 130 điểm nối kết với Sách Thánh, trong đó có 43 điểm trích dẫn trực tiếp. Cộng đoàn Do Thái, đặc biệt là các kinh sư và phái Pha ri  siêu, đều rất thông suốt và trân trọng lề luật Môsê.

       Trong cuộc sống công khai, đôi khi Chúa Giêsu giảng dạy hoặc thi hành một số điều mà người Do Thái  thấy không giống như Luật Mô-sê và giáo huấn của các ngôn sứ, chẳng hạn như Tám mối phúc (Mt 5,3-12), Rượu mới bình mới ( Lc 5,37-39), Con Người làm chủ ngày sa-bát ( Mt 12,8), Con Người có quyền tha tội ( Mt 9,6),Giao du với người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm, phung cùi, bệnh tật, ô uế. Luật thanh tẩy trước khi ăn.(Lc 11,38-39). Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền ( Mt 7,29)…  Nhiều người nghĩ rằng Chúa Giê-su đã hủy bỏ Luật Môsê và lời các ngôn sứ. Nên, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định: Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (Mt 5, 17).

      Luật cũ chưa trọn hảo, đã bị giải thích và thêm thắt rườm rà, nặng hình thức, trở nên gánh nặng cho dân, nên Chúa Giêsu phải kiện toàn và bổ sung cho hoàn chỉnh.

      Kiện toàn luật cấm giết người: Giới răn thứ 5 dạy chớ giết người (. Xh 20,13; Đnl 5,17), Luật Môsê dạy: “Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5,21). Còn Chúa Giêsu dạy khi xúc phạm tới anh em mình như chửi rủa, giận ghét hay la rầy, mạt sát là đã phạm tội rồi. ( Mt 5,22). Về sau thánh Gio-an cũng dạy: “Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân…” (1 Ga 3,15).

      Phải yêu thương, phải tha thứ. Chúa Giêsu còn triệt để hơn, Ngài dạy: Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.( Mt 5, 23- 24). Người anh em đang bất hòa với mình (chưa hẳn mình có bất hòa với người đó không). Không đợi người ấy đến làm hòa với mình, mà mình phải bỏ lễ vật trước bàn thờ, về làm hòa với người ấy trước. Mình phải đi bước trước. Quá triệt để!

       Kiện toàn luật cấm ngoại tình:  Luật Môsê cấm ngoại tình ( Xh 20,14; Đnl 5,18). Chúa Giêsu còn cấm cả nguyên nhân phát sinh ngoại tình: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28).

       – Mắt giúp ta nhìn ra thế giới bên ngoài. Người đời thường nói: con mắt là cửa sổ linh hồn. Thực ra, nó là cửa chính. Rất nhiều thông tin, tốt cũng như xấu, đều vào qua cửa này. Hình ảnh, tư tưởng thường đưa đến hành động. Cứ hỏi vua Đa vít thì biết.

       -Chúng ta sống trong một thế giới “Nghe nhìn”: Tivi, phim ảnh, sách báo, video, internet, facebook, thời trang, quảng cáo… Tất cả đang tông cửa tâm hồn chúng ta, tìm cách lôi cuốn, thúc bách chúng ta thoả mãn các đam mê, lạc thú, nhiều khi, bất chính.

– Chúng ta luôn phải cảnh giác, giữ cho đôi mắt được trong sáng.

       Kiện toàn luật cấm ly dị: Luật Môsê cho phép chồng ly dị vợ, bằng cách trao cho vợ tờ giấy ly thư ( Đnl 24,1) Luật dạy: “Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.” Nhưng Chúa Giêsu dạy: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5,32).

      Chỗ khác Chúa Giêsu cũng dậy “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6b). Sau này, thánh Phaolô còn chi tiết hơn: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ. ( 1 Cr 7,10-11).

       Kiện toàn luật cấm thề gian: Luật Môsê dạy: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Chúa Giêsu dạy: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 34-37).

       Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn Lề Luật theo luật yêu thương, luật Tân ước.

Thánh Phaolô khẳng định: “Ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).

       Lạy Chúa xin dạy chúng con luôn biết quy hướng về luật yêu thương, để mọi người biết chúng con là môn đệ của Chúa.

Nguyễn Đức Lân