CHÚA NHẬT 6A MÙA THƯỜNG NIÊN

 Bài 1

Hc 15, 15-20 ;   Mt 5, 17-37
Chủ đề: Hãy tuân giữ điều răn Chúa mà chuẩn mực tối thượng là Đức Giêsu

   * Hc 15, 15 : Hãy tuân giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp Người

   * Mt 5, 17. 21 : Thầy đến để kiện toàn Lệ Luật: … Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo…

        Và để giúp nhân loại đạt tới đích điểm trên, Thiên Chúa đã ban cho con người Lề Luật, tự do, sự khôn ngoan biện phân, chọn lựa và nhất là bày tỏ ý định chung cuộc của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.

 Lời Chúa của CHÚA NHẬT 6 MÙATHƯỜNG NIÊN đề cập đến hai chủ đề thoạt nhìn tưởng chừng là đối chọi, xung khắc nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, cả hai đều là ân huệ của Thiên Chúa ban cho nhân loại để con người có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể và có được những hướng dẫn chuẩn mực giúp biện phân và làm theo ý Người. Đó chính là LỀ LUẬT và TỰ DO. Hai dạngThiên Chúa biểu lộ ý định sự khôn ngoan của Người.

        Lời Chúa mời gọi con người hãy sử dụng tự do mà Thiên Chúa đã thương ban để tuân giữ lề luật và giới răn vốn cùng là ân ban của Thiên Chúa. Chóp đỉnh và điểm tới  của luật chính là Đức Giêsu. Chính khi tự nguyện, ý thức tuân giữ luật Chúa, sống theo giáo huấn của Đức Giêsu thì nhân loại sẽ được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời. Ai tự do tuân hành và dạy người khác làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

       Bài đọc một cho ta thấy quyền năng và sự khôn ngoan bao la của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Chúa thương ban cho con người lề luật và tự do. Câu 15 mời con người hãy sử dụng tự do Chúa ban mà trung tín làm điều đẹp ý Chúa, tức tuân giữ lề luật. Thiên Chúa có can thiệp vào đời sống luân lý của mỗi người thì không phải bằng cách thay thế người đó, nhưng bằng cách soi sáng làm cho người đó nhận biết luật Người, giới răn của Người rồi tự nguyện tuân giữ. Lề luật có thể coi như liều thuốc thử xem con người có thực sự trung tín với Chúa hay không; Và con người chỉ thực sự tự do khi biết CHỌN LỰA TUÂN THỦ LUẬT CHÚA.

   Để minh họa hồng ân tự do và khẳng định vận mạng con người tùy thuộc vào chính mình, câu 16-17 đưa ra hai cặp hình ảnh đối nghịch nhau “ NƯỚC và LỬA ” ; “ SỐNG và CHẾT ” đặt ngay trước mặt con người và MỜI CHỌN LỰA. Chọn lựa của mỗi người thế nào sẽ quyết định vận mạng người đó theo hướng chọn đó. Đó là ý nghĩa của cách nói “ ai thích gì sẽ được cái đó ”.

Tại sao Thiên Chúa lại dám để cho con người có tự do lớn lao như thế ?

Câu 18-20 cho câu đáp: Vì Thiên Chúa khôn ngoan và quyền năng: Người THẤY, Người ĐỂ MẮT, Người BIẾT RÕ mọi sự, không có gì thoát khỏi tầm kiểm soát, sự hiểu biết, khôn ngoan của Thiên Chúa; Người luôn muốn, luôn hướng dẫn con người làm điều thiện, tạo điều kiện thuận lợi để con người chọn lựa điều tốt theo chuẩn mực Luật Chúa, theo chuẩn mực là chính Chúa; và nhất là Người có quyền năng khống chế sự dữ, khắc phục hậu quả và hồi phục những ai sám hối.

Qua Tin Mừng, Đức Giêsu khẳng định giá trị của Luật và Người đến là để kiện toàn Lề Luật, đồng thời ân thưởng cho những ai trung thành tuân giữ. Tin Mừng nhấn mạnh hơn khía cạnh KIỆN TOÀN LỀ LUẬT: Đức Giêsu chính là chuẩn mực tối thượng, và là điểm đến của LUẬT: “ Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng … CÒN THẦY, THẦY BẢO CHO ANH EM BIẾT ”.

Điều Đức Giêsu “ BẢO ” đó là NỘI TÂM HÓA LỀ LUẬT: Luật thay vì được ghi trên Bia Đá thì phải được khắc ghi vào CON TIM, những điều khoản pháp lý phải trở thành LẼ SỐNG cho đời mình, thành một động cơ nội tâm thúc đẩy mình hành động thuận theo ý Chúa.

Thật vậy: “ chớ giết người ”; “ mắng chửi anh em ”; “ chớ ngoại tình ”; “ muốn rẫy vợ phải trao ly thư ”; “ chớ bội thề ” đều là những điều khoản pháp lý đến từ bên ngoài. Chúa Giêsu muốn môn đệ Chúa phải biến thành động lực nội tâm: “ chớ giận ghét anh em ”; “ chớ nhìn người nữ với ý xấu ”; “ chớ có ý nghĩ rẫy vợ ”; “ không thề gì cả: có nói có, không nói không ” … Một khi đã nội tâm hóa lúc đó chúng ta thật là CON NGƯỜI TỰ DO và KHÔN NGOAN. Nội tâm hóa Luật Chúa theo lời Đức Giêsu dạy, đó là bí quyết GIÊSU để ta trở thành TỰ DO và KHÔN NGOAN.

Con đường về Trời, Chúa đã vạch sẵn; con đường sự sống, Chúa đã khai quang; Lề Luật và Thánh Ý Chúa đã được tỏ lộ hết trong Đức Giêsu; Tự do, ân sủng, phương tiện cũng đã được trao ban đầy đủ. Nguyện xin Thánh Thần giúp ta nhập tâm Lời sự sống của Đức Giêsu, biến chúng thành nhựa sống trong ta để đời ta sinh hoa trái khôn ngoan trong Chúa.

Bài 2

Thầy đến là để kiện toàn Luật Môsê và lời các ngôn sứ ( Mt 5, 17 ) … Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng…( 5, 21. 27. 31. 33 ) còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết … ( 5, 22. 28. 32. 34 )

Lời Chúa của Chúa nhật 6A Mùa Thường Niên mời tín hữu suy niệm về CÁCH THỨC, Thiên Chúa dùng để biểu lộ tình yêu, quyền năng, sự khôn ngoan của Người đối với loài thọ tạo, nhất là đối với con người đã được Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa; đồng thời cũng bày tỏ sự mong đợi đáp trả của nhân loại trước ĐƯỜNG LỐI của Thiên Chúa.

Cách chung khi nói về Thiên Chúa, phàm nhân dễ dàng suy nghĩ cách đơn giản rằng phải thờ lạy, tuân phục, kính sợ, gìn giữ các lệnh truyền, giới luật của Người cho nghiêm túc, được biểu lộ qua phụng vụ, nghi thức, quy chế, Lề Luật, tập tục… kèm theo những lời khen thưởng hoặc trách phạt tương ứng. Điều mà phàm nhân thường dễ lãng quên là mối tương quan hỗ tương mà con người phải có đối với Thiên Chúa trong khi thực thi các bổn phận đối với Chúa: Thiên Chúa muốn con người ứng xử với Chúa như là một người con HIẾU THẢO đối với Cha; và lối sống của các tín hữu phải biểu lộ rõ nét ơn gọi làm người mà Thiên Chúa đã ban khi sáng tạo: “ con người là hình ảnh Thiên Chúa ”. Và thiên đàng chính là nơi mà gia đình gồm những người con hiếu thảo tụ về quanh Cha.

Để thực hiện dự tính đó của mình, Thiên Chúa có cách hành động đặc biệt và Thiên Chúa cũng muốn con người phải thần phục CÁCH HÀNH ĐỘNG, đường lối đó của Người. Vì đường lối, tư tưởng của Chúa khác với loài người ( Is 55, 8 ).

Lời Chúa hôm nay mời ta suy gẫm về Tình Yêu quan phòng, quyền năng đầy khôn ngoan của Thiên Chúa khi cùng lúc ban tặng cho con người “ Luật ” và “ tự do ”. Dưới tầm nhìn phàm nhân, dường như “ Luật ” và “ tự do ” chống đối nhau. Thực tế cuộc sống đã chứng minh điều đó: khi hai đối tượng chống lại nhau, bên nào cũng tự cho mình chiến đấu vì công lý để bảo vệ tự do. Bên nào cũng cho mình là chuẩn mực là chân lý và buộc tất cả những ai khác đều phải suy bái thần phục mình. Họ quên rằng tự bản thân con người là giới hạn, mọi sự rồi sẽ chấm dứt với cái chết; Chẳng có tạo vật nào có thể làm chuẩn mực tuyệt đối và vĩnh viễn cho mọi sự được.

Phần Thiên Chúa, Người là chuẩn mực vì Người là Đấng Tạo Hóa: tất cả mọi sự, hiện hữu được, lớn lên , tồn tại và hướng về một mục đích chung cuộc là do Tình Yêu, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa ban tặng, hướng dẫn tất cả. Khi con người lẫn vũ trụ tuân phục Tình Yêu Quan Phòng đó của Thiên Chúa thì mọi sự “ đều tốt đẹp ” và hưởng bình an, hạnh phúc Thiên Chúa trao ban. Nhưng đến khi con người “ đòi làm Chúa ”, đòi lấy mình làm chuẩn mực “ tự biết hết mọi điều thiện ác ” theo kiểu của mình thì tất cả đổ vỡ, có nguy cơ đi tới diệt vong. May thay Thiên Chúa vẫn trung tín với dự tính nguyên thủy của Người: Người muốn can thiệp giúp con người nhận ra và hồi phục điều “ mọi sự đều tốt ” do Chúa dựng nên. Người can thiệp mạnh để đưa mọi sự về lại sự ổn định, trật tự ban đầu ( Nên nhớ công trình sáng tạo được trình bày như là:

1/ Cho hiện hữu; và

2/ Ổn định trật tự đâu vào đấy theo cách xếp đặt của Chúa.

Vì vậy đối với Lời Chúa, Luật không phải là những quy ước do con người tự đặt ra; Nhưng Luật là Ý Chúa được biểu lộ ra trong cuộc sống cụ thể và Chúa sẽ tỏ lộ ra đúng thời đúng nơi cho từng giai đoạn lịch sử của con người; Và do đó “ sự tự do ” của con người không là sáng chế ra Luật theo sở thích của mình mà là “ CHỌN LỰA ” , biện phân để nhận ra đâu là Ý Chúa trong tình huống cụ thể hiện tại.

Cả 2 bài đọc I và Tin Mừng đều làm nổi bật tính biện chứng và quy hướng về Thiên Chúa của “ Luật ” và “ Tự do ”. Thực vậy chúng ta phải nhớ rằng: trong hiện tại, nhân loại đang sống trong tình trạng hỗn độn sau khi hai nguyên tổ sa ngã. Những hậu quả sai quấy đang hoành hành trên thế giới là do con người muốn chiếm quyền uy tối thượng của Thiên Chúa, đòi lấy mình làm chuẩn. Thiên Chúa đang nổ lực đánh thức con người ra khỏi cái u mê đang bao phủ họ, Thiên Chúa đang cố giúp con người nhận ra đâu là sống, đâu là chết và giúp con người chọn lựa.

Bài đọc 1 nói rằng: Thiên Chúa đã đặt lửa và nước trước mặt  con người và con người  có tự do mà chọn ( câu 16); Câu 17  còn nói mạnh hơn  và cho thấy thế nào là tự do: Trước mắt là cửa sinh và cửa tử “ AI THÍCH GÌ, SẼ ĐƯỢC THỨ ĐÓ ”. Quả thực, đó đúng là tự do: Muốn gì được nấy!

Còn trong Tin Mừng Đức Giê Su cũng mời các môn đệ, những ai nghe Người hãy chọn lựa: Luật dạy người xưa rằng….. Còn Thầy, Thầy bảo anh em….

BÀI ĐỌC I : Hc 15, 15 – 20

Thuộc thể loại triết ngôn, văn chương khôn ngoan. Đương nhiên  chủ đề chính  của sách Huấn Ca là vấn đề “ hạnh phúc ” và “ bất hạnh ”.

Chương 14 – 16 tạo thành một khối đề cập đến vấn đề này.

– Hc 14, 20 -15, 10 ca ngợi hạnh phúc của người khôn ngoan;

– Hc 16, 1 – 14 đề cập đến những lời nguyền rủa dành cho kẻ gian ác.

  Giữa hai hình ảnh đối nghịch nhau đó, tác giả xen vào đoạn Hc 15, 11 – 20, nói về sự tự do, quyền chọn lựa của con người trước thực tế như thế. Cụ thể là chọn sống theo những giá trị khôn ngoan theo truyền thống tiền nhân như đã nói trong Hc 14, 20 – 15, 10; hoặc là chọn theo những hào nhoáng bên ngoài, những thành đạt của văn hóa Hy Lạp ngoại đạo đang lan tràn khắp nơi. Rõ ràng là tác giả Ben – Sirac muốn bảo vệ các giá trị truyền thống của dân tộc, chống lại sự thâm nhập của nền văn hóa Hy Lạp đang lấn vào Palestin, có lẽ vào khoảng 200 Trước công nguyên.

 Bài đọc 1 là phần trích của đoạn văn nói về khôn ngoan của Thiên Chúa và tự do của con người:

   – Các câu 11 – 13 chống lại thuyết định mệnh tiêu cực, gán cho Thiên Chúa là nguyên nhân của những tội lỗi của con người.

   – Câu 14 khẳng định Thiên Chúa đã dựng nên con người có tự do.

   – Câu 15 khẳng định con người có khả năng sử dụng tự do ấy: Nếu con người muốn biết mình có tự do thì hãy giữ luật Chúa, và giữ luật chính là hoa trái của tự do.

   – Các câu 16 – 17 trình bày hai cặp hình ảnh ( “ lửa / nước ” và “ cửa sinh / cửa tử ”) để con người lựa chọn cho thấy con người có tự do.

  Và vận mạng của con người nằm trong sự lựa chọn của chính  mình ( “MUỐN /  THÍCH ” ), hàm ý của tác giả là con người phải chọn điều tốt.

– Các câu 18 – 20 : Lý do phải giữ điều răn, phải làm điều tốt. Vì có Thiên Chúa khôn ngoan, Người mạnh mẽ, Người thấy tất cả, Người để mắt tới mọi việc và nhất là Người không muốn ai làm điều xấu.

Phần phụng vụ chọn đọc hôm nay bắt đầu từ c.15 đến c. 20. Như vậy mối liên hệ hỗ tương giữa bộ ba: “ Tự do của con người ” ; “ Luật ”  và “ quyền năng khôn ngoan của Thiên Chúa ” là điểm nổi bật mà phụng vụ Lời Chúa mời ta suy gẫm.

  1. Tự do của con người và lề luật ( 15, 15 )

Trong c.14 tác giả đã xác định rằng từ nguyên thủy Thiên Chúa đã dựng nên con người có tự do. Trong c.15 tác giả mời gọi con người hãy sử dụng tự do ấy bằng cách tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Thiên Chúa can thiệp vào đời sống luân lý của mỗi người thì không phải bằng cách thay thế người đó, nhưng bằng cách soi sáng làm cho người đó nhận biết luật Người, giới răn của Người; Rồi ban sức mạnh để sẵn sàng tự do tuân phục.

  Vào thời Ben – Sirac, giới răn bao gồm những điều khoản trong “ MƯỜI LỜI ” và tất cả những qui tắc phải tuân thủ. Các quy tắc này xác định rõ những đòi hỏi của lề luật và cấu tạo nên một bản trắc nghiệm  để lượng giá lòng trung tín của con người. Con người hoàn toàn có đủ tự do để làm theo ý mình; Tuy nhiên con người chỉ thực sự tự do khi biết chọn tuân thủ theo những quy luật ấy ( cũng như trong bài làm trắc nghiệm, thí sinh có quyền đánh dấu vào bất kỳ ô nào mình muốn; Tuy nhiên tất cả mọi chi tiết trong cuộc thi đều hàm ý mời thí sinh suy tư rồi chọn ô nào đúng nhất ).

Thật vậy chỉ có những con người tự do mới có được lề luật và rồi chính lề luật sẽ che chở bảo vệ người tự do.

  1. Con người tự do quyết định vận mạng của mình ( 15, 16, 17 )

Sau khi xác nhận con người có tự do ( c.14 ) và có khả năng sử dụng tự do cách đúng đắn ( c.15 ) tác giả triển khai chủ đề khôn ngoan bằng cách sử dụng những cặp hình ảnh đối nghịch nhau (“ nước/ lửa ”; “ sống / chết ”) để khẳng định rằng vận mạng của con người nằm trong chính bàn tay của mình.

  • Lửa / nước là hai hình ảnh đối nghịch không đội trời chung: nơi nào lửa mạnh thì nước phải bay hơi và ngược lại, nơi nào nước mạnh thế thì lửa phải tắt. Ý nghĩa: chỉ có thể chọn một trong hai, không cần tìm gán cho yếu tố này là có ý nghĩa tích cực, yếu tố kia là tiêu cực; Vì trong Kinh Thánh cũng như ngoài đời thì “ lửa ” và “ nước ” đều mang ý nghĩa kép: vừa phá hoại vừa xây dựng.

  • Sống / chết là hình ảnh được gợi ý từ Đnl 11,25-26; 30,15-20. Theo các đoạn văn trên và theo truyền thống Kinh Thánh thì:

  • “ Sống ” chính là thực thi lề luật, là yêu mến Yavê và tuân giữ các giới răn của Người.

  • “ Chết ” là xa cách, vắng bóng Thiên Chúa, là hậu quả khốc hại của một chọn lựa sai lầm: nghe lời Rắn, không nghe Lời Chúa. Thật vậy hai nguyên tổ sau sa ngã thì vẫn tiếp tục sống, nhưng bị đuổi ra khỏi vườn Eđen, sống xa nhan thánh Chúa. Như vậy khi nói đến “ chết ” ở đây Ben – Sirac không nhằm đề cập đến “ sống / chết ” theo nghĩa sinh lý: bởi vì trong thực tế cũng như trong Kinh Thánh thì “ chính nhân ”  lẫn  “ ác nhân ” đều phải chết; Và nhiều chỗ trong Kinh Thánh còn cho thấy rằng chết phần xác không hẳn là một bất hạnh: Môsê, Êlia, Gióp ( 3 nhân vật này là đại diện của “ Luật ”, “ Ngôn sứ ” và “ các văn phẩm ”) đều có lần xin Chúa cho được chết.

Chính Hc 41, 3-4 cũng khuyên là không nên sợ cái chết, bởi vì chết là “ điều Thiên Chúa đã quyết định cho tất cả mọi người ”.

Vậy “ chết ” ở đây chính là tình trạng xa lìa Thiên Chúa vĩnh viễn. Vì theo niềm tin Do Thái giáo ( lẫn Kitô giáo ) thì chỉ có Thiên Chúa là ĐẤNG HẰNG SỐNG còn mọi loài đều phải chết; Do đó muốn sống và sống vĩnh cửu thì phải nối kết với Thiên Chúa là nguồn sống vô biên.

Vậy chọn “ sống / chết” là chọn Chúa hoặc ngược lại là chọn một cái gì đó không phải là Chúa. Hình ảnh “ chọn sống / chết ” này chắc là Ben – Sirac đã được gợi hứng từ và có cùng ý nghĩa với trình thuật 2 nguyên tổ đứng trước cây trái cấm ở Eđen và phải chọn lựa.

    Tiếc thay nguyên tổ đã chọn “ chết ”. Giờ đây, qua trình thuật này, sách Huấn ca đặt mỗi cá nhân đích thân đối đầu với “ cây trái cấm ” của cá nhân mình để chọn cho mình “ sống / chết ”.

  1. Lý do Chúa dám ban cho con người sự tự do ( 15, 18-20 )

    Là vì Thiên Chúa khôn ngoan và quyền năng yêu thương của Người: Người có thể tha thứ, đảm nhận mọi hậu quả có thể xảy ra và hồi phục tất cả trong tình yêu bao la của Người. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đảm nhận tất cả mọi hậu quả, mọi tiêu cực do tự do con người gây nên; Rồi tha thứ tất cả, đóng đinh tất cả vào Thập Giá; Và thông ban cho nhân tính bản tính thần linh; và chung cuộc là Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự, “ Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài ” ( 1Cr 15, 28 ).

  • “ Ai thích gì thì được nấy ” ( 15,17 ):

Câu trên không có ý nghĩa là ý muốn của con người giữ vai trò quyết định tối thượng và tuyệt đối cho mọi sự. Nó chỉ được áp dụng cho trường hợp cá nhân khi mỗi con người chọn “ sống / chết ” cho chính bản thân mình thôi; Còn yếu tố điều khiển mọi sự vẫn luôn là Tình Yêu và Quyền Năng của Thiên Chúa.

Mỗi người vẫn là chủ vận mạng của bản thân mình và ngay từ lúc sáng tạo, Thiên Chúa vốn đã muốn như thế; Con người vẫn tự do, nhưng Thiên Chúa vẫn là toàn năng và là chủ tể tuyệt đối trên mọi thọ tạo. Tuy nhiên, Người không thể hiện quyền chủ tể ấy cách độc đoán nhưng một cách khôn ngoan, chừng mực vì lợi ích tối đa, chung cuộc cho các thọ tạo của Người.

  • Thiên Chúa “ thấy ” ( c. 18 ), “ để mắt ” ( c. 19 ):

        Uy quyền làm chủ của Thiên Chúa được mô tả bởi 3 động từ:

  • “ Người trông thấy tất cả ” ( c.18 )

  • Người “ để mắt ” nhìn xem những ai kính sợ Người ( c. 19a )

  • Và “ biết rõ ” tất cả những gì người ta thực hiện ( c. 19b )

Cách diễn tả đó hàm ý không có gì thoát khỏi tầm mắt, sự hiểu biết, khôn ngoan của Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa ( x. Tv 33,13-15): Uy quyền Chúa bao trùm chư dân, vạn quốc, toàn thể vũ trụ.

“ Chúa để mắt ” ( 19 a ) ám chỉ toàn bộ những phúc lành , ân lộc mà Chúa dành cho các tín hữu trung thành để họ mãi kiên trung dù phải đương đầu bao thử thách ( x. Tv 115, 11 – 13 ; 128, 1 – 6 ; 34, 1…)

         Còn c. 20,  tác giả khẳng định lại một lần nữa điều ông đã nói  ở các câu 11- 14: Thiên Chúa không thể nào là nguyên nhân của tội được; Chẳng những thế, Người còn cấm cản không cho con người làm điều xấu, không cho phép con người phạm tội.

  1. TÓM  KẾT :

Bài đọc một cho thấy quyền năng và sự khôn ngoan bao la của Thiên Chúa được tỏ lộ qua việc Thiên Chúa ban lề luật và tự do cho con người, để nhân loại ( cá nhân cũng như tập thể )  có được chuẩn mực đến từ Thiên Chúa ( luật ) hầu dựa vào đó mà có thể tự quyết định ( tự do ) vận mạng của mình, cũng như của tập thể, cộng đoàn của mình.

Vậy tự do ở đây là khả năng chọn lựa và chính xác hơn là khả năng chọn lựa điều tốt nghĩa là phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa như đã được tỏ lộ trong công trình sáng tạo: Thiên Chúa thấy mọi sự là TỐT ( St 1, 4. 10b. 12b.18b….) và cuối cùng vì mọi sự đều tuân theo  đúng ý Chúa nên kết quả là mọi sự đã được dựng nên đều “ quả là rất tốt đẹp ” ( 1, 31 ), chứ không phải là muốn làm gì thì làm . Và càng không phải là tưởng rằng với tự do thì cứ muốn gì là được nấy trong mọi sự (x. 1Cr 10, 23 và nhất là 1Cr 6, 12 với các nốt “i” và “h” của các giờ kinh phụng vụ “ Tân Ước ” 1995)

Vậy cách nói “ ai thích gì, sẽ được cái đó ” có thể xem như là một thành ngữ tương đương với “ gieo gió thì gặt bão ” của Việt Nam. Thật vậy, cả cuộc đời chỉ đi tìm sự bất ổn, xa Thiên Chúa, thì chung cuộc của cá nhân cũng như vào ngày tận thế sẽ được cái mà cả đời mình đi tìm là “ xéo khỏi mắt Ta ”.

Bài đọc một nhắc lại cho nhân loại, đặc biệt cho dân Chúa rằng tiêu chuẩn để chọn lựa chính là Luật Chúa, và cùng đích phải đến cũng chính là Thiên Chúa. Chính vì thế mà mặc dù với tự do Chúa ban, con người có thể khước từ Ý Chúa, chống lại Thiên Chúa để chọn làm điều xấu; nhưng đừng vì thế mà tráo trở đổ lỗi cho Thiên Chúa, lật lọng rằng chính Thiên Chúa là căn nguyên gây cớ cho tôi phạm tội. Cặp đôi đầu tiên của nhân loại đã làm thế sau khi ăn trái cấm và bị Chúa vạch tội: “ người đàn bà mà Chúa cho ở với con đã cho con trái cây ấy, nên con ăn ” ( St 3, 12 ). Vậy đầu mối tội nhợ khiến con người sa ngã là chính Chúa: NẾU TC đừng dựng nên trái cây cấm, đừng ra lệnh truyền, đừng dựng nên người nữ, đừng cho phép con Con Rắn núp trên cây trái cấm để cám dỗ….và vô số cái “NẾU ” khác để kết luận: “ Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội ” ( Hc 15, 11).

       Thực ra Thiên Chúa rất tốt lành:  Người không muốn sự ác hiện hữu và tồn tại; Người không xúi ai làm  điều thất đức ( c. 20 ); Vì để giúp con người khỏi sai lầm,  Chúa đã đưa ra những định hướng chỉ dẫn, đó là luật. Luật vừa là cảnh cáo nhắc nhở, vừa là những qui ước chuẩn mực để con người  có nền tảng vững chắc rồi từ đó suy xét chọn lựa.

       Vậy luật và tự do đều là ân huệ Thiên Chúa thương ban giúp con người biện phân Thánh Ý và tự nguyện trung thành. Cho dù biết rằng với tự do, con người có thể làm điều sai quấy, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ thương ban vì Chúa muốn có những người con chứ không cần các nô lệ. Phần Thiên Chúa, Người có đủ mọi cách để cuối cùng sẽ đưa vạn vật về lại trong trật tự sáng tạo của Người. (Hc 15, 18 – 20 )

TIN MỪNG  :  Mt 5, 17 – 37

        Tin Mừng Chúa Nhật 6A Mùa Thường Niên tiếp tục đọc phần thân của Bài Giảng Trên Núi. Theo cách trình bày của Matthêu, đối tượng Đức Giêsu nhắm đến là “ đám đông ” ( x. Yếu tố bao hàm 5, 1 và 7, 28; Thêm 8 phúc) . Tuy nhiên phần giữa của bài diễn từ  ( 5,11 – 7, 20 ), Matthêu đổi cách xưng hô: gọi các đối tượng đang nghe Đức Giêsu là “ anh em ” thay vì là “ AI ” như trong phần đầu ( 5, 1 – 10 ) và cuối ( 7, 21- 29 ).

       Điều thay đổi ấy ắt phải có ý nghĩa thần học là điểm nhấn mà tác giả muốn độc giả lưu ý : Thật vậy, những ai chấp nhận cương lĩnh của Bát Phúc, nhìn và đánh giá các thực tại trần gian theo một nhãn giới mới, sống theo bản hiến chương của Nước Trời thì sẽ trở thành thần dân Nước Chúa, thành môn đệ Đức Giêsu, trở nên anh em với Người và với nhau. Để đạt được mối thâm giao ấy, người môn đệ phải quyết tâm và sống cách triệt để, tận căn những đòi hỏi của Luật theo tinh thần mới do Đức Giêsu mang lại. Cụ thể là cố gắng thực hành những gì được Matthêu gom lại trong 5,13 – 7,20.

              Mở đầu là 5, 13- 16 đã được đọc trong Chúa Nhật 5A: người môn đệ của Đức Giêsu phải là “ ánh sáng ” cho trần gian. Chúa Nhật hôm nay 6A trích đọc đoạn tiếp theo là 5, 17-37 và tuần sau 7A sẽ đọc Mt 5, 38- 48.

              Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng lời khẳng định của Đức Giêsu: Người đến không để hủy bỏ Luật Môsê và lời các ngôn sứ, nhưng để kiện toàn. Từ đó, Người tuyên bố giá trị vĩnh cửu của Cựu Ước ( cc. 17-19 ).

               Tiếp đến là một lời cảnh cáo ( được coi như là hệ quả của lời khẳng định trên ) về sự công chính: người môn đệ nếu không sống công chính hơn những Pharisêu thì không được vào Nước Trời ( c.20 ).

              Và trích đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng những đòi hỏi triệt để của Đức Giêsu liên quan tới 4 trường hợp cụ thể có ghi trong Luật để minh họa cho việc kiện toàn Lề Luật của Người, và cũng như là lời giải thích tại sao môn đệ Người phải công chính hơn biệt phái mới đáng được gia nhập cộng đoàn Giêsu.

    Bốn trường hợp cụ thể ấy liên quan tới những khoản Luật về:

– giết người ( cc. 21-26 ) ; – ngoại tình ( cc.27-30 ); – về ly dị ( cc. 31-32 ); – và thề thốt ( cc. 33-37 ).

Qua 4 trường hợp cụ thể trên ( tuần sau 7A sẽ đọc thêm 2 trường hợp 5 và 6 ), Matthêu phác họa chân dung người thần dân của Nước Trời. Sở dĩ Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ gắt gao như thế là vì Người muốn môn đệ sống như con, nên hoàn thiện như CHA.

    Cùng đích, ý nghĩa của đời sống luân lý cũng như tôn giáo của người môn đệ Đức Giêsu không phải là cố gắng giữ Luật sao cho khỏi vướng sai lầm nào mà là sống như người CON HIẾU THẢO với lẽ sống của đời mình là Ý CHA THỂ HIỆN nơi bản thân mình và qua mình nơi mọi người nữa.

  1. Đức Giêsu kiện toàn Luật và lời các ngôn sứ ( c. 17 )

Mở đầu Bài Giảng Trên Núi, nội dung Bát Phúc thoạt nhìn tưởng chừng như đi ngược lại với Kinh Thánh. Vì trong Cựu Ước thì “ nghèo, đói, khổ …” là những dấu chỉ tố cáo những người đang chịu các bất hạnh đó là kẻ tội lỗi, đáng phạt. Vậy mà Đức Giêsu lại tuyên bố họ “ có phúc ”. Phải chăng Đức Giêsu là kẻ đến phá bỏ truyền thống tiền nhân, tập tục đạo đức từ bao đời? Đức Giêsu khẳng định: KHÔNG! Người đến không để phá hủy mà để KIỆN TOÀN.

  • “ Luật Môsê hay lời các ngôn sứ ” là cách nói ám chỉ toàn bộ Cựu Ước, vừa như là một cuốn sách, một thể chế, một quan niệm sống đã hình thành, hiệp nhất và hướng dẫn chỉ đạo cả một dân tộc trong suốt dòng lịch sử.

  • Không phá bỏ: Như vậy phá bỏ Luật và các ngôn sứ đồng nghĩa với xóa sổ cả một nền văn hóa, một dân tộc chứ không chỉ là chống đối trên lý thuyết một bộ luật. Thực vậy, lịch sử Israel luôn gắn liền việc không tuân giữ “ luật và lời các ngôn sứ ” với những biến cố kinh hoàng tưởng chừng tiêu diệt cả dân tộc lẫn tôn giáo: lưu đày; thời Macabê.

…Và cứ mỗi lần như vậy, Cựu Ước lại được đọc lại, giải thích lại, thích nghi hơn với những đổi mới của dòng lịch sử để ĐỊNH HƯỚNG, SOI SÁNG cho lịch sử theo ánh sáng của Thiên Chúa.

Vậy những thay đổi của Đức Giêsu đem đến cũng đi trên đà tiến ấy của dòng lịch sử. Đọc Tin Mừng cách hời hợt, ta dễ có cảm tưởng Đức Giêsu coi thường giá trị vốn có từ trước tới giờ của Luật: Người không giữ Luật Sabat – không rửa tay trước khi ăn … ( cần lưu ý điều quan trọng này: ba thứ luật: 1/ Sạch dơ; 2/ Sabat; 3/ Cắt bì, trong dòng lịch sử Do Thái, là ba luật cơ bản, thiết yếu để xác nhận căn tính lẫn dung mạo của một người Do Thái giúp họ gìn giữ được bản sắc Do Thái và tôn giáo thờ Yavê của họ trong những thời khắc tối tăm của lịch sử, khi họ chung đụng sống lẫn lộn với chư dân ). Thực ra những gì Đức Giêsu loại bỏ chỉ là lớp vỏ khô cứng đã chết sắp phải tróc đi của một thân cây tràn đầy nhựa sống đang trên đà phát triển mạnh. Các lớp vỏ ngoài cùng ấy phải nứt nẻ ra, khô đi, rơi rụng xuống thì cây mới phát triển to ra, lớn mạnh và có được lớp vỏ mới xanh tươi trẻ trung.

  • Nhưng để kiện toàn: Sống, lớn lên đòi hỏi phải luôn đổi mới, thích nghi. Lịch sử Israel luôn có những lần đọc lại Kinh Thánh trong bối cảnh mới. Với Đức Giêsu, Cựu Ước được đọc lại một lần dứt khoát, chung cuộc:

  • Nơi Đức Giêsu, những điều Thiên Chúa đoan hứa thời Cựu Ước được thực hiện đầy đủ.

  • Chỉ hiểu đúng được Cựu Ước trong cái nhìn quy Kitô.

  • Cựu Ước chỉ thực sự là Kinh Thánh trong tương quan với Đức Kitô.

Với sự kiện toàn do Đức Giêsu mang đến, Luật không còn là một hệ thống cơ cấu pháp lý được khắc trên bia đá nữa, nhưng đã là lẽ sống được thấm nhập vào con tim của dân Chúa, gắn liền với bản chất của người môn đệ, trở thành yếu tố nội tại cấu thành hiện sinh của người thần dân Nước Trời. Hoặc nói theo kiểu nói biểu tượng của hai ngôn sứ Êdêkien và Giêrêmia: thay quả tim mới ( Ed 18, 31 ); ban Thần Khí mới ( Ed 36, 25-27 ); khắc Luật vào tim ( Gr 31, 33-34 ), không cần ai dạy Luật nữa…. Việc giữ Luật không còn là một áp đặt từ bên ngoài mà là kết quả của lòng ao ước của người con muốn càng ngày càng trở nên giống Cha mình hơn bằng cách nỗ lực thực thi ở mực độ cao nhất, hoàn hảo nhất những gì Cha đã dạy ( x. Mt 5,48 ). Như thế, giữa Thiên Chúa và dân Người bảo đảm sẽ có một sự hiệp nhất vĩnh viễn.

  1. Giá trị trường tồn của Luật Chúa ( cc. 18-19 )

  • Trước khi trời đất qua đi ” : “ Trời đất ” là cách nói ám chỉ toàn thể vũ trụ. “ Trời đất qua đi ” tức là tận thế.

thì một chấm, một phết ” … đây là cách dịch thoát ý từ Hy Lạp là  1 “ iôta ” ám chỉ chữ yod  mẫu tự nhỏ nhất trong bảng chữ cái Do Thái; và  1 “ kêraia ” ám chỉ “ một nét hay một gạch nhỏ ” dùng để phân biệt 2 mẫu tự với nhau: Ví dụ “ d ” phân biệt với “ đ ” bằng một dấu gạch ngang. Cách chung lối nói ấy hàm nghĩa rằng không một chi tiết nhỏ nhặt nào của Lề Luật bị bỏ qua ( TOB; Mt 5,18 nốt “o” ).

          Ở đây không có ý nói phải vụ Luật, “ chẻ sợi tóc làm 4 ”, bới móc, bắt bẻ chi li … Thật vậy đó là điều Đức Giêsu chống tới cùng. Đó là kiểu nói Do Thái, đặc biệt của các giáo sĩ, nhằm làm nổi bật uy quyền tuyệt đối và trường tồn của Torah (luật). “ luật ” ở đây phải hiểu là cái nhựa sống tinh tuyền nguyên thủy mà Chúa đã trao ban chứ không phải là những lớp vỏ bề ngoài đã chết khô cần phải bóc bỏ đi theo từng giai đoạn lớn lên của cây (x. Chú giải P.A Chúa Nhật 6A trang 86).

*Ai bãi bỏ và dạy…ai tuân hành và dạy…(c.19)

Đây là lối văn “ đối ngẫu nghịch ” (Parallélisme antithétique) nhằm làm nổi bật ý tích cực chứ không có ý nói kẻ bãi bỏ không giữ luật và dạy kẻ khác như thế cũng sẽ vào được Nước Trời để làm “ binh nhì ”, làm tôi tớ (nhỏ nhất).

Nối với c. 18 ở trên, c. 19 được hiểu là: vì luật có giá trị mọi nơi mọi lúc, nên Nó (luật nguyên tuyền) có khả năng giúp con người vào được Nước Trời. Thật vậy, Luật nguyên tuyền được Thiên Chúa trao tặng cho con người là để đưa con người đến với Đức Kitô (x. Ga 5,39.46…)

Trở lại Cựu Ước: Luật Chúa ban ở Sinai chỉ có “ Mười Lời ”. Trừ ba lời đầu là đặc biệt cho Do Thái giáo; còn bảy lời sau có giá trị cho toàn nhân loại: đó là những nét luân lý cơ bản của một con người đúng nghĩa. Do đó không ai có thể viện cớ rằng không biết luật, không biết Chúa để chạy tội (x. Rm 1, 18- 32). Những yếu tố nhân bản trong Mười Lời ở Sinai đã được Thiên Chúa đảm nhận làm của Người và ban cho Chúng một giá trị siêu nhiên, tôn giáo đến độ những ai vì biết Chúa mà giữ những điều nhân bản ấy thì sẽ được Chúa nhận cho trở thành Dân Chúa, được Chúa bảo vệ, chúc phúc, được hưởng ơn cứu độ, được sống đời đời.

3.Hệ quả thực hành dành cho môn đệ (c. 20)

Một khi đã tin nhận Đức Giêsu thì những lời dạy của Người (ở đây là trong tương quan với Luật) phải tác động tích cực trên thái độ sống của người môn đệ: Đức Giêsu đòi hỏi sự công chính của môn đệ Chúa phải vượt hơn sự công chính của biệt phái.

Sự công chính ở đây chính là thái độ đáp trả từ phía con người để tuân giữ và sống thánh ý Thiên Chúa đã được Người phán ra hay được ghi trong luật, và được Thiên Chúa nhìn nhận (x. St 15,6 và có thể xem thêm nốt “h” trong “ Ngũ Thư ”. CGKPV)

Vậy sự công chính của môn đệ phải hơn sự công chính của biệt phái có nghĩa là môn đệ phải thực hiện Luật cách triệt để hơn theo tinh thần của Đức Giêsu (x. CGKPV “ Tân Ước ” 1995 trang 70 nốt “i” )

Và để cụ thể hóa những đòi hỏi theo tinh thần của Đức Giêsu, Matthêu đã chọn đưa ra sáu trường hợp cụ thể. Chúa Nhật 6A mùa thường niên sẽ đề cập đến bốn trường hợp đầu, và Chúa Nhật 7A sẽ nói đến hai trường hợp cuối.

4.Lời mời gọi “ hãy chọn lựa ”

“ Anh em đã nghe Luật dạy (người xưa) rằng… CÒN THẦY, Thầy bảo cho anh em biết…

Cả sáu trường hợp đều được trình bày theo công thức trên

– Nêu lên một điều luật cũ: luật dạy (người xưa) rằng …

– Ngay sau đó đưa ra một yêu sách của Đức Giêsu: CÒN THẦY, THẦY BẢO…

Cách nói đó hàm ý Lời của Đức Giêsu có thế giá hơn Luật. Người là ai và dựa vào đâu mà dám thêm bớt, sửa đổi luật điều mà Yavê Thiên Chúa đã ban cho dân qua Môsê ( x. Đnl 4, 2; 13, 1).

Nhớ rằng đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới khi đưa ra các đòi hỏi này là các môn đệ. Họ là những người đã được biến đổi nên mới theo tinh thần Bát Phúc. Họ đã dám đặt cọc cuộc đời họ vào Đức Giêsu và họ đã nhận lãnh từ Người một sứ mạng giữa thế trần tăm tối này: là Muối, là ÁNH SÁNG cho đời. Và những điều mà Đức Giêsu đã hỏi không phải là những gánh nặng đè nén họ, mà là những phương thế mà họ phải tu luyện để giữ vững được bản sắc , căn tính, tư cách ơn gọi của mình là MUỐI, ÁNH SÁNG giữa dòng đời đang đắm chìm trong đêm tối.

Vấn đề không phải là làm cho xong các bổn phận đang được đòi hỏi    mà là phải trở thành những con người của Chúa, phải là “ cán bộ ” của Chúa, là cánh tay nối dài của Chúa, hồi phục phẩm giá làm người cho bản thân và cho đồng loại, là con Thiên Chúa, thánh thiện như CHA (5, 48).

Vậy nối kết với chủ đề chung của Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu đang đặt ra trước mặt các môn đệ một chọn lựa: chọn Lề Luật hay chọn Đức Giêsu. Trong bài đọc một, Thiên Chúa đặt dân Chúa trước một chọn lựa: “ lửa / nước ”. “ sống / chết ” và Thiên Chúa nói rõ Người muốn dân Chúa làm điều thiện. Song song ý tưởng chủ đề với bài đọc một, trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng muốn các môn đệ phải chọn nghe theo lời của Người. Đức Giêsu mời đoàn môn đệ tiến thêm một bước nữa trên con đường đức tin. Trong bài một, Chúa mời dân Chúa dùng tự do để chọn làm điều thiện. Qua Tin Mừng, điều thiện, giữ luật không còn là mục đích tối thượng của người Kitô hữu nữa, mà cùng đích chính là Thiên Chúa, là nên hoàn thiện như CHA. “ Cha ” mới là mẫu mực, cùng đích cho cuộc sống các kẻ tin. Nên giống Cha là hoàn tất ơn gọi nguyên thủy mà Thiên Chúa muốn cho con người: “ là hình ảnh Thiên Chúa ”.

5.Tóm kết:

Khởi đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người trong tình trạng hoàn thiện “ theo hình ảnh Chúa ” và con người đã tuân hành lệnh truyền của Thiên Chúa, kết quả là mọi sự “ rất tốt đẹp ”. Thế nhưng sau sa ngã, tầm nhìn con người đổi thay: Luật, lệnh Chúa bị con người coi là gánh nặng, chèn ép làm con người mất tự do. Thiên Chúa đã kiên trì qua dòng lịch sử giúp con người biện phân được thiện ác và ý thức lại được rằng tự do là tự nguyện “ giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Chúa ” ( Hc 15,15 ).

 Rồi đến Đức Giêsu, Người bổ sung cho Luật tầm nhìn mới, hoàn thiện Luật, hoán cải tâm hồn nhân loại nhờ đó khám phá ra lại ý nghĩa nguyên thủy của Luật trong công trình sáng tạo: gìn giữ con người sống đúng vị trí của mình trong công trình của Thiên Chúa.

Mọi sự được phục hồi nhờ Đức Giêsu. Lời dạy bảo của Người chính là chuẩn mực để trả lại cho Luật khả năng đưa con người đến cùng Thiên Chúa và phục hồi cho con người hồng ân “ hình ảnh Thiên Chúa ”.

Tất cả mọi sự: con người, Luật, tự do được ổn định lại, sống hài hòa với nhau trong Tình Yêu Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu.

Tín hữu hãy là cộng tác viên của Đức Giêsu cho công trình của Thiên Chúa mau được hoàn tất.

Vì bài đã dài, các suy tư chi tiết xin hẹn dịp khác.

Frère Pierre Đình Long FSC