CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY – năm A

Bài 1

Xh 17, 3-7  ;  Ga 4, 5-12
Chủ đề : Nước hằng sống: quà tặng của Thiên Chúa, là chính Đức Giêsu.

  • Xh 17,6 : từ TẢNG ĐÁ, nước sẽ chảy ra cho dân uống.

  • Ga 4,14 : Đức Giêsu nói :

“Ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa vì nước tôi cho sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”.

Lời Chúa trong phụng vụ Chúa Nhật 3A và 4A Máccô hướng về bí tích Rửa Tội: các bài đọc được chọn nhằm chuẩn bị cho các dự tòng đón nhận phép Rửa vào lễ Vọng Phục Sinh: hai chủ đề được đề cập tới là NƯỚC (3A) và ÁNH SÁNG (4A). Nước và Ánh Sáng là hai yếu tố quan trọng trong nghi thức cử hành phép rửa.

Chủ đề Chúa Nhật 3A Mùa Chay là NƯỚC HẰNG SỐNG.

Nước là yếu tố thiết yếu, tuyệt đối cần thiết cho sự sống, sự tồn tại và phát triển của muôn loài. Không có Nước thì con người, thú vật phải chết đã đành, mà kể cả cây cỏ, đất đai cũng phải chết khô, cằn cỗi, nứt nẻ không sinh ra sự sống được.

Để nói lên chân lý: Thiên Chúa là nguồn sống cả xác lẫn hồn của chúng ta, Lời Chúa hôm nay mượn hình ảnh biểu tượng là NƯỚC, với tất cả tầm quan trọng của NƯỚC trong tương quan với cuộc sống con người.

Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành: Dân Chúa sau khi vượt Biển Đỏ, đang tiến về núi Sinai. Trong những bước đầu tiên trong hành trình sa mạc, Chúa đã dưỡng nuôi dân bằng việc hóa nước đắng ra ngọt (Xh 15,22-27), ban Manna và chim cút (16,1-36). Thế nhưng dân Chúa vẫn cứng lòng chưa chịu TÍN THÁC vào Thiên Chúa. Bài đọc 1 hôm nay thuật lại chặng đường tiếp theo: tại Rơphidim, dân Chúa lại thiếu nước. Thay vì có thái độ phản ứng chừng mực, tín thác thì dân đã GÂY SỰ với Môsê, thử thách Chúa, đòi Môsê cho nước (17,2); họ quy tội cho Môsê đã dẫn họ ra khỏi Ai Cập để phải chết khát (17,3); họ đòi ném đá ông(17,4c). Môsê kêu cứu Chúa và Chúa đã can thiệp chỉ cho Môsê cách tìm ra nước cho dân. Chúa bảo Môsê: “cầm lấy cây gậy mà ngươi đã dùng đập xuống sông Nil…đập vào tảng đá (trên núi Khoreb). Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Thiên Chúa quả thật là MẠCH NGUỒN, SUỐI MÁT đồng hành, giải khát dân đưa dân vượt sa mạc về tới Đất Hứa.

Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người đàn bà Samari bên bờ giếng Giacóp. Và một sự biến đổi kì diệu đã xảy ra nơi người đàn bà này: nơi bà đã có “mạch nước hằng sống”  trào vọt ra, bà trở thành chứng nhân cho Đức Giêsu, bằng chính cuộc đời tội lỗi của bà. Diễn tiến của cuộc biến đổi linh thiêng ấy :

  • Đức Giêsu đang mệt, khát, ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacob. Một người đàn bà Samari đến giếng kín nước.

–  Đức Giêsu đi bước trước, mở đầu cuộc gặp gỡ bằng một hành vi của người THỌ ƠN: “Chị, cho tôi xin chút nước uống” (c.7).

  • Rồi từng bước một, Đức Giêsu dẫn bà từ “cái khát thể xác” đến “nỗi khao khát thiêng liêng”; từ “nước vật chất hữu hạn” tới “nước hằng sống”. Đồng thời tỏ mình cho bà nhận ra Người chính là Mạch Suối Nước Hằng Sống, uống rồi không khát nữa và có được sự sống đời đời (cc 13-14). Và rồi có sự thay đổi vị trí, vai trò: người đàn bà trở thành người thọ ơn và Đức Giêsu thành người ban ơn (c.15).

  • Điều tiên quyết để nhận được ơn Nước Hằng Sống của Đức Giêsu : phải nhận ra con người thật của mình. Bà chỉ thú nhận sự kiện “tôi không có chồng”; Đức Giêsu mời bà đi sâu vào vấn đề: “bà đã có 5 đời chồng, còn người đang sống với bà không phải là chồng bà” (cc 17-18). Đức Gieessu đã khéo léo giúp bà dám tự nhận con người thực của mình mà không bị tủi nhục, không bị mặc cảm.

  • Dám chấp nhận sự thật về đời mình và nhờ Đức Giêsu giúp, bà nhận ra Người là NGÔN SỨ (c.19). Bà đã bắt đầu TIN vào Đức Giêsu Ngôn Sứ.

  • Từ đó bà bày tỏ ưu tư về Đấng Mêsia, về phụng tự cho Đức Giêsu.

  • Đức Giêsu đưa bà vào sự thật: “Thờ Cha trong Thần Khí và sự thật” (c.24) và Người chính là Đấng Mêsia (cc. 25-26).

Bà đã được đổi mới ! Bà không đi tìm nước giếng Giacob nữa: “bà để vò nước lại” (c.28) vì bà đã gặp “Mạch Nước Hằng Sống” và thành chứng nhân cho Người. Bà không ngần ngại dùng chính cuộc đời không mấy tốt đẹp của bà để làm chứng từ lôi cuốn dân thành Sykha đến cùng Đức Giêsu.

Nơi bà đã có Mạch Nước Hằng Sống vọt ra cho bà và tha nhân: Đó là Đức Giêsu Kitô.

Còn trong trường hợp của dân Samaria, thành Sykha (c.5). Mặc dù bản văn không nói rõ, nhưng chắc là họ cũng có một khát khao, mong đợi nào đó, nên khi vừa nghe người phụ nữ làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Kitô và mời họ “đến mà xem” (Ga 4,29) thì họ đã vội đến ngay.

Và người phụ nữ Samaria đã gặp được “Nước Hằng Sống” là Đức Giêsu; Bà được biến đổi, bà trở thành một mạch nước vọt lên đem lại sự sống cho bà và cho kẻ khác (c.14). Bà đã dùng chính cuộc đời tội lỗi của bà để làm thành lời minh chứng, thành CÁNH TAY NỐI DÀI của Đức Giêsu tới cho dân làng Xykha. Ở đây, cuộc đời “đã vứt đi” của bà, trong tay Đức Giêsu đã trở nên “ống dẫn” đưa “Nước Hằng Sống” là Đức Giêsu đến với dân làng Sykha.

Cuộc đời của mỗi tín hữu, dù tội lỗi đến đâu đi nữa, một khi nhờ các bí tích đã đón nhận “Nước Trường Sinh” là Đức Giêsu, thì tất cả đều có cơ may, có khả năng được Đức Giêsu làm cho đời mình thành mạch nước trường sinh cho người khác. Chúa đang “KHÁT”, đang xin chúng ta “chút nước” (tức con người dù đầy tội của ta) để rồi Người ban lại cho ta phúc trường sinh và còn hơn nữa biến đổi ta nên mạch nước trường sinh, nên cánh tay nối dài của Chúa.

Bài 2

Đức Giêsu nói: Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị NƯỚC HẰNG SỐNG (Ga 4,10 )… Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây (4, 26).

  Chúng ta bước vào Chúa Nhật 3A Mùa Chay. Ngoài các chủ đề đã thường được đề cập đến trong Mùa Chay là:

– Mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng;

– Mùa sám hối trở về cùng Thiên Chúa qua chay tịnh, chia sẻ, nguyện cầu;

– Là thời gian chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh; thì trong truyền thống của Giáo Hội, đây cũng là thời gian để người dự tòng hoàn tất giai đoạn chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy vào đêm canh thức Phục Sinh (Từ điển Công Giáo – “Mùa Chay”).

   Việc cử hành nghi thức đêm Vọng Phục Sinh và nghi thức làm phép Rửa tội có 2 yếu tố cơ bản quan trọng đó là:

–  “NƯỚC”: Làm phép nước ở giếng rửa tội; và rửa tội bằng “nước”

–  “ÁNH SÁNG”: Làm phép lửa mới và Nến Phục Sinh; trao nến khi rửa tội.

            Các bài đọc năm A đề cập đến 2 chủ đề chính đó. Chúa Nhật 3A nói đến chủ đề “NƯỚC”. NƯỚC là yếu tố quan trọng, tuyệt đối cần thiết cho sự sống và sự phát triển của con người, vật, cây cối. Nước là nguồn và là tiềm năng của sự sống: Không có nước trái đất chỉ là một hoang địa khô cằn, xứ sở của đói khát, ở đó người và vật chỉ còn  đợi chết. Tuy nhiên, nước chỉ thực sự là nguồn sống đúng nghĩa khi con người biết tôn trọng những định luật của vũ trụ, thiên nhiên mà Thiên Chúa đã dựng nên, an bài mọi sự, bằng không khi các định luật bị xáo trộn (bất cứ vì lý do gì) thì nước sẽ trở nên tai họa đe dọa hủy diệt tất cả (Hồng Thủy).

          Lời Chúa hôm nay chỉ đề cập đến khía cạnh tích cực, tốt của “Nước”. Nước đem lại sự sống; Và hơn nữa Lời Chúa còn hé mở cho chúng ta một khía cạnh mới của nước: Nước hằng sống (Ga 4, 10) do Đức Giêsu mang đến, “Nước ấy sẽ trở thành nơi ai uống nó thì sẽ có một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14b).

Chủ đề “nước” kéo theo chủ đề “KHÁT”. Cái khát của con người (dân Israel và người phụ nữ Samaria cùng các đồng hương Sykha) và cái khát của Thiên Chúa (Yavê và Đức Giêsu).

Và Lời Chúa cũng chỉ ra cách thức phải đáp trả thế nào trước cơn khát và trước ơn huệ nước được trao ban để hồng ân “nước” tự nhiên được ban trước mắt trở thành “mạch nước đem lại sự sống đời đời” cho nhân loại.

Bài đọc 1 thuật lại “cơn khát” của dân Israel giữa sa mạc. Đứng trước thử thách nhất thời ấy, dân đã bộc lộ thái độ vô ơn của đám người nô lệ dù đã tận mắt chứng kiến bao kỳ công Thiên Chúa đã làm đã làm để đưa họ ra khỏi Ai Cập. Thay vì tin tưởng kêu xin Chúa giúp thì họ kêu trách và kết án Môsê bằng những lời nói vô ơn, cay độc (Xh 17,3); Tệ hơn nữa qua hành vi đó đối với Môsê, họ thách thức cả Thiên Chúa: có Yavê ở giữa chúng ta hay không?. Đám đông sinh ra trong đất nô lệ Ai cập này chỉ đòi “nước” phần xác mà không lưu tâm đến “Nước Hằng Sống” là chính Lề Luật, Mười Lời mà Thiên Chúa sẽ ban để thực sự giải thoát họ khỏi nô lệ… Và kết quả họ đã phơi thây trong sa mạc. Chỉ có những ai sinh ra dưới sự che chở của Luật mới được vào Đất Hứa.

Bài đọc Tin Mừng Gioan 4,5-42 thuật lại cuộc gặp gỡ diệu kỳ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria. Đây là một người tội lỗi đang cô đơn đi kín nước giữa trưa. Chị đã chân tâm đối thoại, bày tỏ con người thật của mình cho Đức Giêsu, nhất là tin và đón nhận “ nước hằng sống”mà Người trao ban nên đã trở nên con người mới là chứng nhân cho Đức Giêsu, là cánh tay nối dài của Người đem “ Nước Hằng Sống” đến cho dân cùng làng Sykha.

Israel là dân được Chúa tuyển chọn để được ưu tiên hưởng “Nước Hằng Sống” là Lời Chúa, lại nghi ngờ, gây sự, thử thách Chúa nên không được hưởng vinh phúc trong Đất Hứa; con người phụ nữ Samaria, dù là thù nghịch với tuyển dân, nhưng đã tin vào Đức Giêsu, đón nhận “Nước Hằng Sống” do Người mang đến, nên cuộc đời được đổi mới, thành cộng tác viên của Chúa trong công cuộc của Người.

Mọi người đều bình đẳng trước ân huệ của Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay mời các tín hữu hãy tin vào Đức Giêsu, đón nhận “ Nước Hằng Sống” mà Người mang đến để biến mình thành “mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (5,14b), trở thành máng chuyển đưa “Nước Hằng Sống” đến cho tha nhân.

Gương phụ nữ Samaria nhắc nhở tín hữu: Mùa Chay không chỉ là sám hối, chiến đấu cho và vì lợi ích bản thân mình mà còn là dám dùng ngay cuộc đời tội lỗi của mình đã được Chúa cứu để làm cầu nối chuyển hồng ân Chúa đến cho mọi người. Sống Mùa Chay là sống chứng nhân, là cánh tay nối dài của Đức Giêsu cho tha nhân.

Trong tầm nhìn của Tin Mừng hôm nay, chúng ta các tín hữu có nhận ra rằng mỗi lần tôi chân tâm đi xưng tội là tôi đang công bố, rao giảng cho mọi người biết Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa là tha thứ. Cho dù tôi tội lỗi và sa ngã, phạm tội đi phạm tội lại không biết bao nhiêu lần, Chúa đều sẵn sàng thứ tha khi tôi đến với Người trong bí tích Hòa Giải. Chính vì thế tôi mới dám xưng tội và xưng tội thường xuyên. Mỗi lần chân tâm xưng tội, là tôi đã dùng chính con người tội lỗi của tôi để làm chứng nhân cho Tình Yêu khoan dung bao la của Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC 1 : Xh 17,3-7

Dân Israel vừa ra khỏi đất nô lệ, diệt chủng Ai Cập; vừa chân ướt chân ráo vượt Biển Đỏ tiến vào vùng đất tự do. Những kì công Thiên Chúa đã làm để giải thoát họ chắc chắn còn in đậm nét trong tâm trí họ: 10 tai ương ở Ai Cập; Vượt Biển Đỏ; và ngay trong vùng đất tự do.

Lời đầu tiên Yavê ngỏ cùng dân cách trực tiếp (không qua trung gian Môsê: Xh 15,25c) là một lời khuyên dụ mời dân hãy sử dụng tự do mà Chúa vừa ban cho dân để CHỌN CHÚA, chọn lắng nghe Lời Chúa, tuân giữ mọi mệnh lệnh, Thánh Chỉ của Yavê thì họ sẽ được giữ gìn bảo vệ và đối với họ Yavê là “ĐẤNG CHỮA LÀNH” (Xh 15,26). Những yếu đuối, tật nguyền, bất hảo của họ không cản trở tình yêu, công trình của Chúa : Chúa chữa lành tất cả.

Một lời hứa trấn an đem lại niềm tin yêu, hi vọng cho dân – Nhưng đó cũng là “một cây TRÁI CẤM” được Chúa đưa ra để tôi luyện, thử thách dân. Cũng như Adam, Eva, Yavê đòi dân điều cơ bản: tín thác, vâng phục Chúa tuyệt đối. Yavê muốn họ xác tín bằng chính kinh nghiệm bản thân “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh; nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Yavê phán ra” (Đnl 8,3), và thử thách đó, cuộc chiến đó sẽ là một bảo đảm cho hạnh phúc lâu bền trong tương lai (Đnl 8,16). Chúa đang ráo riết dọn lòng dân để ban Lời Chúa (Mười Lời). Trong Cựu Ước, Lời của Thiên Chúa được ví như mưa rơi xuống biến đất nên trù phú (Is 55,10-11; Am 8,11-12) và giáo thuyết mà Đức Khôn Ngoan truyền dạy chính là nước ban sự sống (Is 55,1; Hc 15,3; 24,25.29-31) (x. ĐNTHTK “Nước” III, 2).

Dân đang tiến về núi Sinai và Yavê tiếp tục can thiệp bằng dấu lạ để củng cố lòng tin của dân vào Chúa: ban Manna, chim cút. Tiếc thay dòng máu nô lệ do 400 năm sống dưới sự áp bức của Ai Cập đã thấm sâu vào xương tủy của họ: vô ơn, chỉ biết tìm tư lợi nhỏ nhoi trước mắt cho bản thân (x. Xh 2, 11-15), nên khi gặp những thử thách, những chiến đấu cần phải vượt qua thì họ liền trở mặt.

Bài đọc 1 là trích đoạn nói về phản ứng của dân trước việc thiếu nước tại Rơphidim: cơn khát trước mắt làm họ quên hết mọi kì công Chúa làm trước đó cho họ; Họ trách Môsê bằng những lời cay độc, vô ơn; Họ xuyên tạc bằng cách gán cho công trình giải phóng cứu họ khỏi diệt chủng ở Ai Cập trở thành một công việc hủy diệt đưa họ vào sa mạc để cho họ chết khát (giống Con Rắn ở Eden xuyên tạc ý Chúa) và tệ nhất họ coi như Yavê Thiên Chúa không có giữa họ (lúc Adam, Eva sa ngã, Thiên Chúa như vắng mặt).

Phần Thiên Chúa, Người vẫn trung tín, kiên nhẫn trong dự tính yêu thương của Người: cụ thể trước mắt, Người đã ra lệnh cho Môsê nhượng bộ dân, lấy cây gậy ông đã từng dùng làm các dấu lạ ở Ai Cập, đập vào tảng đá để có nước tuôn ra giải khát cho dân. Nước này vừa giải khát vừa tẩy rửa dần tính nô lệ còn bám sâu trong họ, chuẩn bị họ đón nhận ân huệ mới của sự tự do: đó là LUẬT GIAO ƯỚC.

  1. Sự vô ơn, thiếu tin tưởng của dân trước những khó khăn (17,3)

  • Sự cố: dân khát nước vì ở Rơphidim không có nước (c.1)

  • Phản ứng: gây sự (c.2) kêu trách Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập làm gì? Có phải để cho chúng tôi và … bị chết khát hay không?”

Và họ định ném đá Môsê ( c.4c)

          Không có nước giữa sa mạc, đúng là một tình thế nguy ngập có thể dẫn đến cái chết. Cơn khát này, tự sức dân lẫn Môsê không sao giải quyết được. Chỉ một mình Thiên Chúa mới đủ sức giải nguy.

          Cơn khát bên ngoài này là hình ảnh cơn khát bên trong của dân mà họ không biết phải làm cách nào để giải khát. Mặc dù đã ra khỏi Ai Cập, thực ra họ vẫn còn là một đám nô lệ, vì lòng họ luôn hướng về Ai Cập mỗi khi gặp khó khăn. Cái nô lệ ấy đã làm cho họ nên mù tối không nhận ra được bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong đời mình cho dù đã chứng kiến không biết bao kì công của Chúa và đã tận hưởng bằng kinh nghiệm đích thân những ân huệ của Người.

          Chúa đã thỏa mãn cái khát thể lý của dân bằng dòng nước vọt ra từ tảng đá. Đó là hình ảnh báo trước Chúa sẽ giải tỏa cái khát tâm linh cũng từ Bia Đá, Bia Đá Lề Luật của Người. Từng bước Người đưa dân tới mạch nước tự do, chuẩn bị dần cho dân sau này sẽ làm chủ đất tự do : Đất Hứa.

          Họ kêu trách: Đây là thái độ thường xuyên của dân mỗi khi gặp phải khó khăn trong suốt hành trình sa mạc (Xh 15,24; 16,2). Thái độ này cho thấy họ vẫn còn là nô lệ. Họ không muốn lãnh trách nhiệm chiến đấu, đối đầu với thử thách; ngược lại họ muốn thử thách Chúa; Họ xuyên tạc, làm suy thoái tận căn ý nghĩa của cuộc Xuất hành: Chúa dẫn họ khỏi Ai Cập để đưa vào đất chết, trong thực tế, đó chính là quyền năng cứu độ của Chúa đang từng bước tập cho họ sống tự do. Như thế làm sao họ có thể thừa hưởng được Đất Hứa là vùng đất dành riêng cho những người tự do. Thái độ của họ cho thấy họ thà cam tâm làm nô lệ để được ăn nồi thịt bố thí của Ai cập trong nước mắt tủi nhục hơn là nỗ lực vượt thắng chút gian nan nhất thời để đi đến tự do vĩnh cửu. Với khát vọng thấp hèn chỉ muốn hưởng thụ cách thụ động, họ đòi Thiên Cháu phải đáp trả tức thì những yêu sách nhất thời, tại chỗ của họ, mà không hề chịu cố gắng chút nào để nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đang săn đón, từng bước đào tạo họ – qua các đòi hỏi, thử thách – nên những con người tự do đích thực.

  1. Thái độ của Môsê (17,4)

  • Phó thác: “ Ông Môsê kêu lên cùng Ya

  • Nội dung: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ mt chút nữa là họ ném đá con!”

Trước những khó khăn do thiếu nước, do sự vô ơn thiếu tin tưởng của dân, thay vì phạm thượng thất vọng, Môsê đã phó thác tất cả cho Thiên Chúa, chạy đến cầu cứu Người.

  1. Đáp trả của Ya (17,5-6)

  • Ra lệnh cho Môsê đáp ứng đòi hỏi của dân: “ngươi hãy đi trước dân… cầm lấy cây gậy… Còn ta, Ta sẽ đứng đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khoreb. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”

  • Thi hành: “Môsê đã làm như vậy…”

Đáp trả yêu sách của dân: Thiên Chúa nhẫn nại trước những yêu sách của dân. Dù sao thì dân rời Ai Cập chưa được hai tháng. Người khoan dung biểu lộ tình yêu quan phòng để từng bước đào tạo cho Người một dân thực lòng tín thác, tôn thờ Người. Trước tiên, Người thỏa mãn nhu cầu khát nước của dân.

Chúa sẽ đứng… trên tảng đá ở NÚI KHOREB: Biến cố này xảy ra ở Rơphidim, núi Khoreb tức Sinai thì còn một chặng nữa mới tới (x. Xh 19,1-2). Cách nói sai lệnh về địa danh ở đây có lẽ phải được hiểu theo nghĩa biểu tượng. Vấn đề là dân luôn di chuyển, nước phải uống mỗi ngày, mạch nước trong đá đâu phải chỗ nào trong sa mạc cũng có; Vậy tìm đâu ra nước để nuôi dân suốt hành trình sa mạc ? Câu 6a có lẽ là lời đáp: Nước vọt ra cho dân đang ở Rơphidim uống phát xuất từ tảng đá ở Khoreb, trên đó có Đức Chúa đứng; Mà Chúa thì luôn theo dân từ bước đầu của cuộc xuất hành (13,20-22). Từ đó truyền thống các rabbi giải thích rằng: “…tảng đá đây (biểu tượng của Yavê) đã đồng hành với dân Israel từ trước trong cuộc xuất hành. Thánh Phaolô đã theo cách giải thích này để nói rằng “Tảng Đá vẫn đi theo họ là Đức Kitô” (x. 1Cr 10,4). Thánh tông đồ đã áp dụng bản văn xuất hành này theo nghĩa tiên trưng ngụ ngôn (x. CGKPV “Ngũ Thư” trang 208 nốt “d”).

  Vậy cách nói dân ở Rơphidim được nuôi bằng nước từ Tảng Đá ở Khoreb có thể hiểu: chính Chúa theo sát và nuôi dưỡng dân; Tùy hoàn cảnh Đức Chúa sẽ có những can thiệp thích hợp để đáp trả những nhu cầu của dân. Điều đáng buồn trách dân Israel là dân đã phản ứng như những kẻ đui mù chưa hề thấy những kì công dồn dập của Chúa bảo vệ họ, thế nên họ mới có cử chỉ than trách phạm thượng mỗi khi gặp thử thách. Tảng Đá luôn theo dân là HÒM BIA: Đó là Mạch Nước thần linh nuôi Israel (và sau này là Giáo Hội) cho đến nay và vẫn còn tiếp tục.

Nước chảy ra từ tảng đá: về mạch địa chất, trong các vùng núi đá vôi, nước có thể thấm vào các tầng lớp đá vôi và tích tụ lại ở đó, có khi tạo nên những mạch nước lớn. Và Môsê, suốt 40 năm chăn cừu trong hoang mạc này, có thể đã biết những mạch nước này. Nhưng như đoạn trên đã cho nhận xét: các mạch nước cố định này không thể giải quyết được vấn đề nước hằng ngày cho đám dân đông đảo luôn di chuyển; nên phải tìm sứ điệp theo hướng biểu tượng. Điều mà Kinh Thánh muốn gửi đến chúng ta là sự can thiệp diệu kì của Chúa đã cứu dân khỏi cơn khốn cực: Người chính là Đá Tảng, là Mạch Nước sự sống nuôi dưỡng dân vượt qua sa mạc về tới Đất Hứa. Ý tưởng: Đức Chúa là Nước sự sống cho dân, được lặp lại nhiều nơi trong Kinh Thánh (x. Tv42; Tv143…).

4.Ý nghĩa của biến c: dân thử thách Ya (17,7)

  • Môsê đặt tên nơi đó là “Ma-xa và Mơ-ri-va”

  • Hành vi của dân bị coi là “gây sự và thử thách Chúa”

  • Là dân nghi ngờ tình yêu quan phòng của Thiên Chúa: “có Yavê ở giữa chúng ta hay không?”

Bản văn không kết thúc trên dấu lạ nước vọt ra từ tảng đá mà lại kết trên thái độ tiêu cực của dân: Môsê đã đặt tên cho nơi đó là “gây sự và thử thách”. Chuyện thiếu nước chỉ là cái cớ để nói lên sự thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa của Israel. Đó là dân cứng đầu luôn chống lại Thiên Chúa. Chúng không bao giờ hiểu được lòng quảng đại của Thiên Chúa ẩn tàng trong những thử thách để huấn luyện chúng thành những con người tự do đích thực có khả năng làm chủ vận mạng của chúng, biết tín thác vào Chúa. Khi có nhu cầu nảy sinh, chúng chỉ biết nổi loạn với những lời lẽ, thái độ của những kẻ dường như chưa hề biết đến các kì công của Chúa: chúng phủ nhận tất cả, chỉ đòi thỏa mãn tức khắc cái nhu cầu trước mắt. và tác giả Kinh Thánh đã cắt nghĩa thái độ đó là “gây sự và thử thách” Chúa.

          “Thách thức Chúa” : thái độ xấc xược, phạm thượng. Họ đòi hỏi và thách xem Thiên Chúa có làm được cho họ những yêu sách họ đưa ra hay không; Và họ coi việc Chúa phải làm theo ý họ như là một quyền lợi họ có quyền đòi Thiên Chúa. Họ muốn Thiên Chúa dẹp bỏ ý định từ muôn đời của Người để thực hiện những ý định nhất thời của họ. Và để làm áp lực trên Chúa, họ đã xuyên tạc Thiên Chúa nhân lành theo cái nhìn ích kỷ của họ: đem họ vào sa mạc để chết khát. Đây quả là một lối phạm thượng rập khuôn theo hành vi Con Rắn ở Eden : “ăn trái đó không chết đâu”.

          “Có Yavê ở giữa chúng ta hay không?”: ở đây không có nghĩa là họ phủ nhân sự hiện diện của Chúa ở giữa họ, nhưng là : Thiên Chúa có thể chiều theo tính khí thất thường của họ hay không ( cách hiểu này được Đức Giêsu bộc lộ rõ trong Lc 7,31-34 và Mt 11,16-19). Đối với họ, Thiên Chúa hiện hữu đồng nghĩa với họ muốn gì Chúa phải chiều theo ngay tức khắc.

  1. Tóm kết:

Đoạn sách Xuất Hành tiếp tục đưa chúng ta vào trong kế đồ cứu độ của Thiên Chúa qua tương quan tay ba giữa Thiên Chúa – dân – Môsê trong biến cố thiếu nước tại Rơphidim. Trình thuật muốn làm nổi bật lên sự vô ơn, phản loạn của dân, thái độ phó thác tất cả cho Chúa của Môsê và nhất là lòng nhân hậu quảng đại, kiên trì của Thiên Chúa đối với đám dân bội bạc. Cuối cùng ra dân cũng có được nước uống, nhưng bộ mặt xấu xa của dân đã bị vạch trần: bọn gây sự và thử thách Thiên Chúa.

          Tuy nhiên trong ý hướng phụng vụ, chủ đề “Thiên Chúa là mạch nước sự sống” được nhấn mạnh hơn. Phụng vụ dạy chúng ta bài học kép:

  • Thiên chúa luôn là nguồn sống cho con người bất chấp sự phản bội, từ khước của con người.

  • Tuy nhiên Thiên Chúa cũng cần sự cộng tác tối thiểu (ở bài 1 là của Môsê) từ phía con người.

Ơn cứu độ toàn diện đã được Thiên Chúa ban hết trong Đức Giêsu. Chúng ta là dân Chúa hãy đóng góp lòng tín thác của mình như Môsê để ân lộc Chúa sinh hoa trái dồi dào nơi mỗi người cũng như trên toàn thế giới. Cụ thể, trong hiện tại của Mùa Chay, là can đảm sống trung thực ơn sám hối và được tha thứ mà Thiên Chúa ban qua Giáo Hội nhờ các bí tích (đặc biệt là bí tích Hòa Giải) để dùng chính con người tội lỗi của mình, góp phần vào việc loan báo Thiên Chúa là Tình Yêu.

TIN MỪNG : Ga 4,5-42

Trong Tin Mừng Gioan, cuộc sống công khai của Đức Giêsu bắt đầu bằng “TUẦN LỄ KHAI MẠC” (Ga 1,19-2,12). Trong tuần lễ này, Người đã quy tụ các “cán bộ nòng cốt và thiết lập cộng đoàn thiên sai; đưa họ vào nhiệm cục mới của ơn cứu độ qua dấu lạ biểu tượng hóa nước ra rượu để củng cố đức tin của họ vào Người và vào sứ điệp người sắp công bố. Với cộng đoàn thiên sai đó, người chính thức bước vào giai đoạn hoạt động công khai.

          Việc làm đầu tiên của Đức Giêsu và của cộng đoàn thiên sai là tham dự vào Lễ Vượt Qua Do Thái làm một nối kết và kế thừa với truyền thống Do Thái tức Cựu Ước. Hành động đầu tiên của Người là “ TẨY UẾ ĐỀN THỜ”; qua hành động đó, Người báo trước cái đỉnh cao mà Người sẽ thực hiện là Thập Giá và Phục Sinh: “cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (2,19). Đức Giêsu công bố thiết lập ĐỀN THỜ MỚI.

          Tiếp sau đó, qua chương 3, Đức Giêsu công bố với Nicôđêmô phải tin vào Người, sinh ra trở lại vào CUỘC SỐNG MỚI nhờ Nước và Thần Khí.

          Qua chương 4, gặp phụ nữ Samaria, Đức Giêsu tiếp tục mở ra những CÁI MỚI: Nước mới, Nước Hằng Sống (4,10.14); THỜ PHƯỢNG MỚI: không thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem hoặc ở Garizim nữa là thờ Thiên Chúa trong THẦN KHÍ và SỰ THẬT. Được Đức Giêsu dẫn vào những mặc khải mới, người phụ nữ đã tin Đức Giêsu là “ĐẤNG KITÔ”. Rồi bà trở thành CHỨNG NHÂN cho Đức Giêsu, trở thành cánh tay nối dài của Đức Giêsu; Nơi bà trở nên “một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” và chuyển thông Nước Hằng Sống ấy đến cho dân làng Sykha: bà bỏ lại hết gầu, vò, dây để loan báo Tin Mừng cho dân Sykha. Chương 4 là bài đọc Tin Mừng hôm nay.

          Với chủ đề của Mùa chay, hướng về Phục Sinh và phép rửa, yếu tố chính được nhấn mạnh là NƯỚC HẰNG SỐNG. “Nước Hằng Sống” đó là gì ?

          LÀ LỜI CHÚA (xem “Bài đọc 1”), là chính Đức Giêsu, là thần Khí ( Ga 7,37-39). Tuy nhiên, ở đây trước mắt trong Mùa chay đang chuẩn bị mừng Phục Sinh, làm phép rửa cho các dự tòng thì “Nước Hằng Sống” đây chính là Nước được thánh hiến trong đêm Vọng Phục Sinh, là Nước để cử hành bí tích Thanh Tẩy. Quả vậy, chính nhờ Nước Thanh Tẩy, nơi các tín hữu đã trào vọt lên mạch nguồn sự sống, biến người tín hữu thành con Thiên Chúa cách vĩnh viễn, không quyền lực nào cướp được quyền làm con Thiên Chúa của chúng ta, kể cả hỏa ngục.

          Để đạt tới được hồng ân “Nước Hằng Sống” do Đức Giêsu mang đến, người phụ nữ phải CHIẾN ĐẤU để nhận ra được con người thật của mình, không che đậy, không trốn chạy, né tránh; Kế đó phải tín thác, tỏ bày mọi khát vọng của mình cho Chúa; Từ bỏ những gì trước kia mình bám víu: gầu, vò,… Và một khi đã được Chúa biến đổi con người tội lỗi của ta thành “mạch nước đem lại sự sống đời đời” thì ta không ngần ngại để Chúa sử dụng con người tội lỗi đó của ta thành CHỨNG NHÂN, thành CÁNH TAY NỐI DÀI của Chúa để thông chuyển Nước Hằng Sống đến cho kẻ khác. Bài đọc quá dài, ý tưởng đa dạng phong phú. Chỉ xin đưa vài suy niệm về chủ đề kép của Chúa Nhật 3A Mùa Chay: NƯỚC – KHÁT.

  1. “KHÁT” và “NƯỚC”

  • Đức Giêsu đang ở trong cơn khát gay gắt muốn đem đến cho nhân loại ơn cứu độ: Người vừa đối thoại mặc khải cho Nicôđêmô về cuộc sống mới, nhưng dường như ông chưa hề hiểu ( chương 3); Người sau khi nhận phép rửa từ Gioan, cũng đã tham dự vào sứ vụ làm phép rửa như Gioan, nhưng lại gặp một số chống đối, Người phải ôm lấy cái “KHÁT” đó ra đi về Galilê (4,1-3).

Dọc đường, đến Samari, người phải đối đầu với cái KHÁT vật chất, vì đường xa, trời nắng gắt. Và nơi Ngài tìm đến tạm nghỉ chân là giếng Giacob. Người ngồi đó với hai cái “KHÁT” đang xâm chiếm Người, và Người chưa tìm thấy được chút gì để giải khát. Môn đệ cũng đang đi tìm và cái các ông mang về chắc chắn là NƯỚC vật chất.

  • Cái khát của người nữ Samaria: bà đang khát nước vật chất và đang đi tìm nước. Bà đang có đủ yếu tố để giải quyết được khó khăn vật chất đó của mình.

Nhưng nơi bà cũng có một cái khát tâm linh mà bà không muốn đối đầu trực diện: đời sống đạo đức gia đình của bà không tốt: đã có 5 đời chồng (cách nói hàm ý bà đã 5 lần nhận giấy ly hôn) và người đang sống với bà không phải là chồng. Vì vậy bà né mặt dân làng, đi lấy nước một mình giữa trưa.

  • Và một cái khát chung cho cả Đức Giêsu và bà mà cho đến phút này chưa có lối thoát: đó là bức tường ngăn cách hận thù giữa người Do Thái và Samaria.

Hai nhân vật này với những cái khát gay gắt như thế đang tồn tại trong họ, đã gặp nhau tại bờ giếng Giacóp. Sẽ có xung đột đào sâu thêm chia rẽ, hay đây là dịp may để nối kết lại tình thân của những người con có chung một ông tổ ?

  1. Phản ứng của Đức Giêsu và người phụ nữ:

Cả hai người đều đang khát nước vật chất. Người nữ có ưu thế hơn vì đang ở “sân nhà” và có đủ công cụ để lấy nước. Còn Đức Giêsu tuy đang là tay không, nhưng chắc chắn sẽ được giải khát vì các môn đệ đang đi mua lương thực. Trong một tình huống như vậy, điều gì có thể xảy ra ?

  • Đức Giêsu đi bước phá vỡ bức tường ngăn cách:

“Chị cho tôi xin chút nước uống”: Đức Giêsu đến gặp gỡ không trong tư cách là người đối kháng mà là một người THỌ ÂN: xin nước uống. Đức Giêsu không hề giả bộ, không làm để nêu gương. Người khát thật sự, đang có nhu cầu gấp thật sự. Thiên Chúa muốn đối thoại bình đẳng với con người. Cụ thể, ở đây, Đức Giêsu xin người phụ nữ một chút nước uống. điều đó bà ta có được trong tầm tay và có thể cho một cách dễ dàng. Đức Giêsu mở ra con đường tự trọng để người nữ (mà Đức Giêsu dư biết là tội lỗi) có thể ngẩng đầu mà đến với Người. Và chính trong mối TƯƠNG QUAN BÌNH ĐẲNG như thế, Đức Giêsu mới hé mở cho bà ta biết Người là Đấng đang nằm trong tay quyền “ban cho bà Nước Hằng Sống” (4,10b).

Phản ứng của người phụ nữ (4,9):  thấm sâu trong người, mối hận thù của tiền nhân, người phụ nữ ngay tức khắc phản xạ dựng lên “một bức tường ngăn cách”: “Ông là người Do Thái, còn tôi là phụ nữ Samaria, vậy mà ông đến xin nước tôi à?”

          Tuy nhiên Đức Giêsu đã chộp lấy cơ hội đối thoại để hướng dẫn người phụ nữ tiến qua lãnh vực thiêng liêng: cơn khát nội tâm: Người phụ nữ, đứng trước thái độ trân trọng của Đức Giêsu đối với bà, bà đã từ từ bộc lộ con người thật của mình từ thể lý đến nội tâm và Đức Giêsu đã giúp nơi bà trào vọt một mạch nước đem lại sự sống đời đời (4,14)

          Và còn hơn nữa, bà còn là máng chuyển Nước Hằng Sống đó đến cho toàn thể dân Sykha. Cuộc đời tội lỗi của bà trở thành máng hồng ân.

  1. 3. Cuộc biến đổi diệu kỳ:

Khơi dậy những khao khát nội tâm:

          Phản ứng đầu tiên của người phụ nữ đầy vẻ nghi kị, mỉa mai, xây tường ngăn cách. Nhưng rồi với một trái tim rộng mở, một thái độ tôn trọng người đối thoại, Đức Giêsu từng bước một khơi dậy nơi bà niềm khao khát nội tâm: thực tế, nước mà người phụ nữ đang kín múc, uống rồi sẽ lại khát; đồng thời Đức Giêsu hứa ban “nơi người tin Đức Giêsu một mạch nước trường sinh”.

Và đến lúc này, mọi sự đổi vai: người nữ xin và Đức Giêsu cho.

          * Tinh tế, tôn trọng tha nhân:

          Dù biết rõ tình trạng luân lý của bà này, Đức Giêsu vẫn tôn trọng phẩm giá, tư cách của bà ta: “bà hãy gọi CHỒNG bà, rồi trở lại đây”. Đức Giêsu không mị dân! Người đang từng bước khơi lại điều cao quý nơi tội nhân để giúp ý thức về tội lỗi của mình.

          Có lẽ con người, tư cách, lòng tôn trọng của Đức Giêsu đánh động, khơi dậy lại lòng tốt, chân thật vẫn còn lại chút ít nơi bà: Bà thổ lộ tất cả sự thật về gia đình bà cho Đức Giêsu: “Tôi không có chồng!”. Thời điểm đã tới, Đức Giêsu giúp bà nhìn lại con người thật của mình cách can đảm.

* Biến đổi:  Khi đã an tâm chấp nhận sự thật về bản thân mình, bà ta không xấu hổ, che đậy, giận dữ nữa mà ngược lại khám phá ra đó là dấu chỉ, là ơn Chúa biến đổi giúp bà nhận ra Đức Giêsu là “ngôn sứ”.

* Từ bỏ: Thế là bà từ bỏ mọi thành kiến quá khứ, từ bỏ những thứ mà bà vẫn cậy dựa để có nước tự nhiên: gầu, vò … Vì nơi bà giờ đây đã có mạch nước sự sống đời đời vọt ra.

* Thành chứng nhân: Và cuộc sống tội lỗi mà bà hằng xấu hổ, che dấu giờ đây đã được bà biến thành “chứng từ”, trở thành máng chuyển nối dài chuyển tải Nước Hằng Sống đến cho tha nhân. Bà trở nên môi miệng của Đức Giêsu: Lời Đức Giêsu dùng mời gọi môn đệ “ ĐẾN MÀ XEM” (1,39) trở thành là của bà để mời dân Sykha (4,29).

Trong quá trình biến đổi ấy, bà còn được đưa sâu dần vào huyền nhiệm Giêsu: từng bước nhận ra Người là ngôn sứ (c.19), là Đấng Kitô, là “ êgô êmi = Đấng ấy chính là tôi” (c.24).

  1. Tóm kết:

          Từng bước một, ngang qua nhân vật người phụ nữ Samari, Tin Mừng 4 giúp độc giả dần khám phá dung mạo Đức Giêsu. Đối với người phụ nữ này, ban đầu Đức Giêsu là người xa lạ, thậm chí là thù nghịch, nhưng sau cuộc đối thoại liên quan tới một nhu cầu của cuộc sống là lấy nước uống thì chị nhận ra Đức Giêsu là người đáng tin cậy, để rồi khi dám nhìn nhận sự thật về cuộc đời mình, chị đã được soi sáng dần nhận ra Đức Giêsu là ngôn sứ, là Mêsia của chị lẫn của người Do thái và hơn nữa còn là “TA LÀ”, là Đấng cứu độ trần gian. Chị trở thành kẻ tin. Và từ niềm tin ấy, Thiên Chúa đã làm chảy vọt lên mạch Nước Hằng Sống để có thể thờ Chúa – là CHA – cách trọn hảo trong Thần Khí và Sự Thật; và trở thành chứng nhân, người giới thiệu Đức Giêsu cho kẻ khác, lôi kéo họ đến với  Đức Giêsu.

          Trong tinh thần của mùa phụng vụ, chủ đề Nước Hằng Sống được nhấn mạnh – Xưa, Thiên Chúa nuôi dân Cựu Ước bằng mạch nước vọt ra từ tảng đá; Nay, Đức Giêsu là Tảng Đá trào vọt Nước Hằng Sống nuôi dân mới. Còn hơn thế nữa, Người còn biến mỗi thành viên của dân mới “trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại Sự Sống đời đời.

          Điều huyền diệu, một kỳ công tuyệt vời của Đức Giêsu là đã biến đổi con người tội lỗi, nhơ bẩn thành mạch nước trong sạch, nước hằng sống, thành phương thế chuyển tải hồng ân Thiên Chúa đến cho mọi người. Với ân huệ, lòng quảng đại bao la của Thiên Chúa, mọi người đều có thể trở thành “mạch nước trường sinh”, thành máng chuyển “nước hằng sống” của Thiên Chúa đến cho mọi người.

          Hãy để Thiên Chúa hoàn tất kỳ công tuyệt vời của Chúa nơi chúng ta trong Mùa Chay này!

Frère Pierre Đình Long FSC