Đồi Can-vê minh chứng tình yêu của Đức Giêsu
Trong bài giảng của Thứ Ba Tuần Thánh, cha Eymard cho thấy: Qua những khổ đau của Cuộc Thương Khó và đồi Can-vê, Đức Giê-su đã minh chứng tình yêu của Người. Cha Eymard nhấn mạnh đến ba khía cạnh: trong Người, đau khổ và tình yêu không thể tách rời nhau; trong đau khổ, Người đã nhận ra tình yêu của Chúa Cha. Người đã ôm lấy thập giá. Người động viên những kẻ nghe Người. Cha Eymard gửi gắm điều này tới Hội dòng ba, hầu giúp họ gánh lấy thập giá của mình với cùng niềm tin và tình mến như Chúa đã làm.
Tuần lễ kết thúc 40 ngày Chay thánh được gọi là Tuần Thánh, tuần lễ tuyệt vời, vì trong suốt tuầnấy, nhân loại học biết Thiên Chúa yêu thương họ dường nào, đồng thời biết được Thiên Chúa yêu thương mình đến mức nào, và chính nhân loại nên yêu mến Chúa như thế nào. Đồi Can-vê quả thực là sự diễn tả điều bí nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Hỡi chị em, chúng ta hãy quên đi núi Ta-bo: Đức Giê-su chỉ đi ngang qua đó mà thôi, nhưng chúng ta hãy ở lại trên đồi Can-vê, đó chính là ngai tòa của tình yêu. Đó là nơi chúng ta sẽ hiểu được đặc tính của tình yêu nơi Đức Giê-su, cũng như hiểu được những nguyên tắc đích thực của Người. Tôi có thể nêu ra ba nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất của tình yêu nơi Đức Giê-su: trong Người, tình yêu và đau khổ không tách rời nhau.
Ở trần gian này, nguyên tắc đầu tiên là: tình yêu và đau khổ không tách rời nhau. Đức Giê-su đã phán: “Ai muốn theo Tôi, nghĩa là muốn yêu mến Tôi, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Tôi” [Mt 16,24]. Đó là điều kiện dành cho các môn đệ của Đức Giê-su: vác thập giá mình và vác thập giá với tình yêu mến. Và thật ngạc nhiên làm sao, Chúa chỉ có thể được những con cái sinh ra từ đồi Can-vê hiểu mà thôi, vì Thiên Chúa đã đặt để bình an, niềm vui, và hạnh phúc nơi thập giá. Người đã liên kết hai điều trái ngược nhau: hạnh phúc và đau khổ. Hãy nhìn xem các Tông đồ: các ông bị lăng mạ, bị tù đày, và bị trừng phạt; thay vì than phiền và cảm thấy không hạnh phúc, thì các ông lại tràn đầy vui sướng vì coi mình là xứng đáng chịu đau khổ vì tình yêu dành cho Đức Giê-su [x. Cv 5,41]. Điều này hoàn trọn những lời của Thầy Chí Thánh: Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. [Mt 5,11]. […]
Nếu thập giá mà không có Đức Giê-su thì thập giá ấy trở nên nặng nề và khiến người ta ngã lòng, còn thập giá có Đức Giê-su sẽ trở nên đáng yêu làm sao. Nó chính là mối dây liên kết chúng ta với lang quân của linh hồn chúng ta, nó chính là ngai tòa của tình yêu.
Nguyên tắc thứ hai của tình yêu nơi Đức Giê-su: ngay cả trong lúc chịu đau khổ, Người vẫn nhận ra tình yêu của Chúa Cha.
Thập giá và đau khổ mà Chúa gửi đến cho chúng ta chính là một dấu chứng và đảm bảo cho tình yêu của Đức Giê-su dành cho Chúa Cha. Tình yêu của thế gian biểu lộ qua những lời đường mật, dạt dào cảm xúc của con tim, và qua việc sẻ chia những lợi lộc và niềm vui. Thế nhưng, khi thiếu vắng những điều ấy, tình yêu sẽ chết. Tuy vậy, Thiên Chúa không yêu theo kiểu thế gian, Người không biểu lộ tình yêu cho con cái mình theo cách ấy; đó là tình yêu của một vị lương y đối diện và chữa lành căn bệnh của chúng ta bằng những liều thuốc tự bản chất là đắng ngắt. Đó là tình yêu của một Người Cha sửa chữa những khuyết điểm mà sau đó có thể khiến con cái mình không vui. Đó là điều Người đã minh chứng cho chúng ta trong Sách Thánh: Ta phạt những kẻ Ta yêu mến [Kh 3,19; Cn 3,12; Hr 12,6] và chẳng phải Đức Giê-su đã phán: Cha trên trời sẽ cắt tỉa cành nào sinh hoa trái, để nó sinh hoa trái hơn [Ga 15,2]. […]
Thế nên, khi chúng ta chịu đau khổ, khi tâm hồn chúng ta bị đè nặng bởi những thử thách bên trong, chúng ta không nên nói: “Chúa nhân lành đang trừng phạt tôi, Ngài đã bỏ rơi tôi rồi.” Ôi! Không phải thế, Ngài không bỏ rơi bạn. Phải chăng Cha trên trời không còn yêu thương Con chí thánh của mình nữa khi Người rơi vào tâm trạng u buồn, phiền muộn, bị đè nặng vì sợ hãi trong Vườn Cây Dầu, mà trái lại, chúng ta phải nói rằng Người chính là đối tượng của lòng nhân từ của Chúa Cha trong Vườn Dầu hơn là trên núi Ta-bo. Và dưới sức nặng của những lời lăng nhục cũng như khi bị ruồng bỏ trên thập giá, Đức Giê-su thậm chí còn xứng đáng hơn với tình yêu của Chúa Cha, vì Người đã yêu mến nhiều và chịu đau khổ nhiều hơn.
Chúa Cha lại chẳng yêu thương Chúa Giê-su, là Đấng đã chịu đóng đinh vì tình yêu dành cho Ngài và cho chúng ta sao? Phải chăng Chúa Cha trừng phạt Chúa con qua việc bỏ rơi Người vào tay những kẻ lý hình sao? Ôi! Không phải thế, Ngài đang tạo cho Chúa Con cơ hội để yêu nhiều hơn, và đó là tất cả. Tôi biết rằng Chúa yêu thương các chị, và đó là lý do vì sao Người bao phủ các chị bằng thập giá, và thường đặt các chị ở đồi Can-vê của cõi lòng các chị. […]
Nguyên tắc thứ 3 của tình yêu nơi Đức Giê-su: Người đã đón lấy thập giá của mình.
Hãy mến yêu thập giá nhé, vì Đức Giê-su đã mến yêu thập giá trên hết. Sau khi trở thành khí cụ gây ra nỗi khổ đau cho Người, thập giá đã trở thành chiến tích vẻ vang của Người, trở thành vương trượng cho quyền năng của Người, và trở thành một trong những niềm vinh dự quý giá nhất cho vinh quang của Người. Hãy mến yêu thập giá, vì nơi thập giá có: ân sủng, sự sống và ơn cứu độ.
Hãy mến yêu thập giá, như Đức Giê-su đã mến yêu nó: Người đã mến yêu nó như bạn đồng hành trung tín của mình, và Người đã để nó lại cho chúng ta làm sản nghiệp thánh thiêng. Hãy thành tâm đón lấy những thập giá mà Chúa gởi đến cho chị em, chúng là những ân sủng lớn lao. Chúng là những phương thế mà lòng thương xót của Người dùng để tách chúng ta ra khỏi lợi lộc và những thụ tạo của thế gian này. Không có những thập giá, chúng ta sẽ trở nên những kẻ thờ ngẫu tượng và trở thành những tên nô lệ. […] Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này trong suốt Tuần Thánh, hãy cầu xin nhờ Đức Maria, mẹ của những nỗi ưu phiền, và là nữ vương các thánh tử đạo. […]
Vì sao Đức Giê-su lại chia sẻ quá nhiều chén Thương Khó của Người với thân mẫu Người vậy? Vì sao Người lại khởi sự những đau khổ của Mẹ ngay từ lúc hạ sinh cho đến hết thảy mọi nỗi ưu phiền của Mẹ? Vì sao Người lại gọi Mẹ bước theo Người lên đồi Can-vê? Vì sao Người lại muốn Mẹ đứng dưới chân thập giá? Thưa là vì Mẹ Maria yêu Người bằng một tình yêu trọn hảo, và đó là lý do vì sao Người muốn Mẹ ở rất gần thập giá của Người. […]Ngày 18 tháng 4 năm 1848, Thứ Ba Tuần Thánh (Bài giảng cho Hội dòng Ba Đức Mẹ. PT 44,2- 5)
Cát Bụi, sss. Chuyển dịch.