Ga 14,15-21
“Mỗi khi bố mày đi cày ruộng về, còn đang rửa chân ngoài cầu ao, thì mày đã nhanh nhảu lấy đôi guốc mộc của bố để trước ngưỡng cửa”. Mẹ thường kể cho tôi nghe những chuyện lặt vặt như vậy, kể cả khi tôi đã ngoài 60. Tôi mồ côi cha lúc 3 tuổi, mẹ tôi lúc đó 23. Một buổi tối cuối năm 1954 mẹ cõng tôi, tay cấp thúng, có hai bộ quần áo của mẹ, hai bộ của con và một chiếc nón lá. Mẹ nói với bà con lối xóm là đưa cháu xuống ngoại đi cắt thuốc. Thực ra mẹ con tôi tìm đường vào Nam cùng với bà ngoại và các cậu, các dì.(Thầm khen, bà ngoại là một phụ nữ không biết chữ, nhưng đã lên kế hoạch như một nhà chiến thuật chuyên nghiệp. Ông ngoại làm thầy thuốc, bị kết tội là địa chủ, bị bắt đi tù tại Khu Tư, Lý Bá Sơ). Mẹ bỏ lại hết: Ngôi nhà ngói ba gian, mấy nếp cửa lim, sân lát gạch và ruộng lúa nếp đang chín rũ trước ngõ. Mẹ bỏ lại tất cả, nhưng không quên mang theo tấm hình 4*6 của bố, mà bố đã chụp trước đó mấy tháng, khi ra Hải Phòng. Nhờ đó, sau này tôi mới biết mặt bố. Hơn 60 năm mẹ vẫn kể lại chuyện của bố như mới xảy ra hôm qua, mặc dù thời gian và không gian đã thay đổi rất nhiều. Bố vẫn luôn hiện diện trước mắt và trong tim mẹ.
Có cha kể lại, ngày còn bé, nhà có bốn mẹ con, mỗi lần đi chợ về, mẹ đều mua ba củ khoai, phát cho ba đứa. Các con mời mẹ ăn, Mẹ nói mẹ không thích ăn khoai.
Tôi biết có cha luôn để di ảnh của mẹ trên bản làm việc của mình.
Người Tây nói Loin des yeux, près du coeur. Xa mặt, gần lòng.
Sự hiện diện vắng mặt nhiều khi mãnh liệt và sâu đậm hơn sự hiện diện có mặt.
Trước khi lìa xa các tông đồ, Chúa Giêsu cũng sợ các ông lo lắng, nên Người nói: Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào thầy.(Ga 14,1).
Cuộc chia ly nào không đau khổ, không đoạn trường, không đứt ruột, nhất là lại phải chia ly với người mình đang yêu mến. Chúa Giêsu hứa chắc: Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống… Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (Ga 14,19-20).
Chúa Giêsu nhấn mạnh anh em sẽ được thấy, sẽ được sống, anh em ở trong Thầy.
Những việc này có được là nhờ Tình Yêu. Đây là một sự hiện diện hai chiều rất thâm sâu, khắng khít. Chúa Giêsu cũng đã hứa: Đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Giữa những người thân yêu, cái chết thể xác không hẳn tạo nên chia ly.
Anh em sẽ được thấy. Ở đây Chúa Giêsu không muốn nói đến việc thấy bằng cặp mắt thể lý của thân xác, vốn bị hạn hẹp trong không gian và thời gian, mà là bằng việc thấy bằng con tim, bằng tình yêu.
Trong đoạn tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nhắc đến động từ yêu mến năm lần.
Tình yêu mến đó liên kết môn đệ với Thầy, và từ đó, cũng liên kết với Cha.
Tình yêu đó đưa đến sự hòa nhập: Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em.(Ga 14,20). Thấy Thầy bằng con tim sẽ giúp môn đệ liên kết mật thiết và sống khắng khít với Thầy.
Tình yêu không thể chỉ là lý thuyết, mà luôn phải dẫn tới hành động. Môn đệ yêu mến Thầy thì phải tuân giữ lời thầy, giữ các giới răn, các lệnh truyền của Thầy.
“Nếu Anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”(Ga 14, 15). Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. (Ga 14, 21).
Sau khi Chúa về trời, các lời rao giảng và minh chứng của các tông đồ luôn vang vọng sự hiện diện, dẫu vắng mặt, của Thầy, nên đã lôi cuốn rất nhiều người về với Chúa. (Cv 2,41).
Các thánh luôn liên kết với Chúa trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ. Các vị truyền giáo cũng luôn kết hợp với Chúa trong thành công cũng như trong thất bại. Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, khi bị biệt giam, ngài cũng luôn kết hợp với Chúa trong bình an và hy vọng. Ngài được Chúa soi sáng là tìm Chúa hơn tìm việc Chúa. Các linh mục và các Kitô hữu vững niềm tin, vẫn luôn bình an hơn những tù nhân khác, dẫu cho những năm tháng tù đày dài đằng đẵng.
Người Kitô hữu đích thực phải sống đạo bằng con tim, bằng tình yêu mến. Vì chính tình yêu mới giúp ta nhận ra Chúa hiện diện gần gũi trong mọi tình huống cuộc đời.
Đức Kitô phục sinh sẽ về với Chúa Cha, Ngài không hiện diện thể lý, nhưng Ngài sẽ ở với các môn đệ và với Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế bằng Lời của Ngài, bằng các Bí tích và bằng sự hiện diện thiêng liêng.
Cốt lõi của cuộc sống Kitô hữu là yêu mến Thiên Chúa, là kết hợp với Thiên Chúa, là sống trong Thiên Chúa, là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đức tin và tình yêu được thể hiện qua hành động, qua lối sống:Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.(Ga 15,12)
Một gia đình, một cộng đoàn, một tổ chức mà mọi thành viên đều tuân giữ luật Chúa thì thật sự là một thiên đàng hạ giới. Ngày nào mọi người trên thế giới đều tuân giữ giới luật Chúa, ngày đó sẽ không còn tòa án, không còn nhà tù.
Lạy Chúa, chúng con cám tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con giới luật của Chúa, giới luật Yêu Thương. Xin cho mọi người chúng con biết thực hành giới luật yêu thương này để chúng con liên kết với Chúa, sống mãi trong Chúa, để chúng con tìm được hạnh phúc viên mãn của Chúa.
Nguyễn Đức Lân