Mt 11,25-30
Đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay chỉ gồm có 6 câu nhưng lại chứa đựng nhiều vấn đề bao quát và quan trọng.Ta hãy giới hạn suy niệm của chúng ta trong ý tưởng: Hãy mang lấy ách của tôi.
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 11 thường niên trước, chúng ta nghe Chúa Giêsu nhắc nhở: Anh em đừng sợ…(Mt 10, 28).Chúa biết sợ là bản chất và là thân phận của con người. Trong đoạn tin mừng chúa nhật 14 hôm nay, Chúa lại nói đến cái ách của cuộc đời.
Người nông dân, người bình dân biết rõ: ách là đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu, bò hoặc lừa, ngựa để buộc dây kéo xe, kéo cày, kéo bừa. Nói ách thống trị, ách nô lệ là nói đến sự nặng nề, vất vả, mất tự do. Kiếp nhân sinh là những đè nén, ép buộc, gò bó, áp lực. Tục ngữ Việt nam có câu: ách giữa đàng quàng vào cổ.
Người ta quan niệm cái ách như cái gông, như gánh nặng đè bẹp con người.
Con người mọi nơi mọi thời đều vất vả mang gánh nặng nề.
Chúa Giêsu kêu gọi hãy đến với Chúa, Ngài sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng: Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường…(Mt, 11 29)
Mang lấy ách là kiểu nói bóng của các thầy Rabbi xưa, có ý nói nhận ai làm thầy, theo học với ai: Hãy tra cổ vào ách và đón nhận giáo huấn vào tâm hồn. (Hc, 51,26) .
Nhưng ách của Chúa là gì? Hiền hậu và khiêm nhường của Chúa là sao?
Ách hay gánh của Chúa Giêsu là đạo lý Tin Mừng, gồm 3 điểm:
* Tin: Thụ giáo với Chúa và trở thành môn đệ của Ngài.
* Hiền hậu: là thái độ của người môn đệ đối với tha nhân.
* Khiêm nhường: là thái độ của người môn đệ đối với Chúa.
– Học với Chúa Giêsu là học tính hiền lành và khiêm tốn.
1.Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi,…
Cuộc sống vất vả nặng nề cần được nghỉ ngơi dưỡng sức, để thân xác và trí óc thư giãn, tái tạo sức lao động. Tâm hồn cũng cần được nghỉ ngơi, nhất là trong cuộc sống biến động và bon chen ngày nay. Trong các nước phát triển rất nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress. Số người tự tử luôn gia tăng.
Chúa Giêsu mời gọi:“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. (Mt, 11,28). Hãy đến với Chúa. Hãy làm môn đệ của Chúa. Hãy học với Chúa. Hãy nghỉ ngơi trong Chúa. Hãy tin tưởng nơi Chúa..
2.Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu…(Mt, 11,29)
Nói về lòng nhân hậu của Chúa thì Nunquam satis– không bao giờ đủ.
Tiên tri Isaia đã nói trước về sự hiền lành của Người Tôi Trung: Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi…(Mt 12,19-20/ Is 42,2-3).
Các sách Tin Mừng nói rất nhiều về lòng nhân hậu của Chúa Giêsu.
Chúa xua đuổi ma quỷ, Chúa gắt gao với các kinh sư và Pharisiêu, nhưng lại rất dịu dàng, nhân từ với các tội nhân.
*Các kinh sư và Pharisiêu dẫn đến trước mặt Chúa một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Thái độ hằn học, tay nắm sẵn đá, họ mong Chúa kết án chị để họ xử tử chị, vùi dập chị dưới những hòn đá sắc nhọn. Nhưng cuối cùng, Chúa Giêsu nói: Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa. (Ga 8,11).
*Người Mục Tử tìm được con chiên lạc; người ấy mừng rỡ vác lên vai.( Lc 15,5).
*Người con đi hoang trở về, người cha chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để, rồi mở tiệc mừng. (Lc 15,11-32).
*Trong vườn cây Dầu, quân dữ hung hăng đến bắt Chúa. Phêrô rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ thầy cả thượng phẩm. Chúa Giêsu điềm tĩnh bảo Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ”. rồi Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành. (Lc 22,51).
*Đau đớn quằn quại trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.(Lc 23,34).
Trên trần gian này khó có thể tìm được một người nào có lòng nhân hậu như Chúa Giêsu.
Ngày nay người ta đề cao bạo lực và thù hận. Nhân hậu và tha thứ được coi như là nhu nhược, nhát gan.
Nếu mọi người biết yêu thương, tha thứ, thì người người hạnh phúc, nhà nhà an vui. Mọi cộng đoàn, mọi xã hội, mọi quốc gia đều an bình. Thế giới sẽ hòa bình viên mãn. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.(Is 2,4).
3.…Và khiêm nhường. (Mt, 11,29).
Thiên Chúa luôn yêu thích kẻ khiêm nhường .
David khiêm nhường sám hối đã được Thiên Chúa tha thứ và được đứng trong hàng ngũ tổ tiên Đấng Cứu Thế.
Gioan Tẩy Giả khiêm nhường, không xứng đáng cởi dây giày cho Chúa, đã được khen ngợi là cao trọng hơn mọi người nam.
Thiên Chúa mặc khải cho những người bé mọn.. (Mt 11,25).
Mẹ Maria là mẫu gương khiêm nhường vĩ đại.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. (Lc 1,48).
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. (Lc 1, 52).
Chúa Giêsu hạ mình xuống để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người:
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8).
Người khiêm nhường được Thiên Chúa yêu thương, ngược lại, kẻ kiêu căng bị Thiên Chúa triệt hạ.: Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế. (Lc 1,51-52).
Lucifer kiêu căng, không phục tùng Thiên Chúa, Adong Eva kiêu căng muốn trở nên bằng Thiên Chúa, đã bị Thiên Chúa giáng phạt. Tháp Babel bị sụp đổ.
Kiêu căng làm ta tự kiêu tự đại, không còn nhận biết Thiên Chúa là đấng toàn năng, là Cha yêu thương.
Lạy chúa, giữa cuộc đời thù hận, bon chen, ghen ghét, xin dạy chúng con biết mang lấy ách êm ái của Chúa, biết học với Chúa, sống hiền hậu và khiêm nhường để tâm hồn chúng con được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Nguyễn Đức Lân