Bài 1
1V 19, 11-13; Mt 14, 22-33
Chủ đề: Chúa đến cùng môn đệ trong cơn nguy khốn.
* 1V 19,12b.13a: Chúa không ở trong động đất và lửa. Sau lửa, có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, Elia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.
* Mt 14,25.27: Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ và nói “cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”.
Chúa luôn đồng hành với con người để ủi an, trợ lực; Nhất là trong những lúc con người lâm cảnh ngặt nghèo thì Thiên Chúa luôn TỚI, HIỆN DIỆN ĐÚNG LÚC, KỊP THỜI đưa ta về lại sự bình an trong Chúa. Điều quan trọng là ta có biện phân ra được và chấp nhận được đường lối hành động VỪA ĐỦ, ĐÚNG LÚC của Chúa hay không. Đó là chủ đề chính của Lời Chúa Chúa Nhật XIX A Mùa Thường Niên. Thật ra CHÚA LUÔN LUÔN hiện diện với chúng ta.
Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy những đáp trả không thích hợp từ phía con người trước đường lối hiện diện, đồng hành của Thiên Chúa. Điều đó đã đưa con người tới chỗ sợ hãi, hoảng loạn khi có bão tố, gian truân ập tới. Và hậu quả là đưa ta tới chỗ lấy những quyết định, hành động sai lầm. Chúa phải can thiệp, điều chỉnh lại, giúp ta vượt khủng hoảng, dìu ta về lại đường lối của Chúa.
Điều quan trọng là vững tin NHẬN RA RẰNG CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN VỚI TA TRONG MỌI LÚC và NGƯỜI LUÔN CAN THIỆP VỪA ĐỦ ĐÚNG LÚC để GÌN GIỮ CHÚNG TA, là kẻ tin, LUÔN ĐI ĐÚNG ĐƯỜNG LỐI NGƯỜI.
Bài đọc một trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, thuật lại phần kết câu chuyện ngôn sứ Elia bị nữ hoàng Ideven truy sát vì ông đã giết hết các ngôn sứ của thần Baal sau vụ minh chứng AI LÀ THIÊN CHÚA THẬT trên núi Carmen (1V 18,20-19,3). Quá mệt mỏi, bất lực, thất vọng, ông XIN CHÚA CHO ÔNG CHẾT ĐI (1V 19,4). Nhưng Thiên Chúa đã đến, điều chỉnh, trấn an, nuôi dưỡng, bổ sức để ông có thể đi tới được NÚI CHÚA KHOREB để gặp gỡ được Chúa và được Chúa củng cố đức tin, tiếp tục sứ mạng Chúa trao cách tự nguyện.
Thật vậy, Elia đã tới núi Khoreb (tức Sinai). Ông được Chúa cho gặp; Nhưng cách thức Chúa đến gặp Elia thì khác hẳn cách Người đã đến gặp Môsê.
Với Môsê và cả đám dân đang háo hác mong Chúa đến thì Thiên Chúa đến với những biểu lộ uy hùng, áp đảo của những dạng thức thần hiện: sấm chớp chói lòa, mây mù dày đặc, tiếng tù và vang dội, núi nghi ngút khói, Chúa ngự xuống trong đám lửa sáng rực, núi rung chuyển mạnh (Xh 19,16-19). Trong bối cảnh kết Giao Ước, nét uy hùng của Chúa là cần thiết để nhắc dân không được coi thường Chúa mà vi phạm giao ước.
Trái lại hơn 400 năm sau, tới thời Elia, Thiên Chúa lại đến với vị ngôn sứ tại Khoreb, nhưng trong hơi gió nhẹ nhàng an bình của thời nhân loại sống trong Eden. Với Elia, Thiên Chúa không hiện diện trong gió bão, trong động đất, trong lửa, nhưng Chúa đến “TRONG GIÓ HIU HIU” (so với St 3,8). Lần này Elia đang chao đảo, nên Chúa đến đem lại cho ông bình an nội tâm, sự tĩnh lặng linh thánh của người gặp được Thiên Chúa an bình. Và một khi Elia đã bình tâm trở lại, được Chúa bồi dưỡng, ông đã từ bỏ ý định rút lui, bỏ cuộc để tiếp tục lao vào đường chiến đấu mà Chúa thương trao.
Chi tiết Thiên Chúa đến, hiện diện mang lại sự an bình – thể xác lẫn nội tâm – cũng là một điểm nhấn trong bài đọc Tin Mừng: giữa sóng biển phong ba, môn đệ đang hoảng loạn, Đức Giêsu chợt đến với các ông và ngay khi có Người trong thuyền thì ngay lập tức sóng im bể lặng.
Tuy nhiên diễn tiến việc Đức Giêsu đến với các môn đệ không diễn ra suôn sẻ như lần Thiên Chúa gặp Elia trong bài một. Bởi vì giữa cơn sóng gió, các môn đệ không hề nghĩ gì về Đức Giêsu, các ông chỉ cố gắng tự xoay xở, chèo chống theo sức riêng của mình; Cho nên khi Đức Giêsu tiến đến đồng hành, các ông không hề nhận ra được Người, lại còn hốt hoảng ngộ nhận là “Ma đấy”. Đức Giêsu đã phải lên tiếng chỉnh sửa và mặc khải dung mạo thần linh cho các ông. Thật vậy, qua lời trấn an: “CỨ AN TÂM – CHÍNH THẦY ĐÂY – ĐỪNG SỢ”, Matthêu đã kín đáo nói Đức Giêsu là Thiên Chúa:
-
“cứ an tâm, đừng sợ”: đây là lời Thiên Chúa trấn an những ai được gặp Chúa là họ khỏi phải chết vì Thiên Chúa chọn họ làm cộng tác viên (Tl 6,23).
-
“Chính Thầy đây” = êgô êimi= TA LÀ: tên Thiên Chúa mặc khải cho Môsê trong bụi gai (Xh 3,14).
Nhận ra Thầy, Phêrô phấn khích xin được đi trên biển đến cùng Đức Giêsu, nhưng vì yếu tin khi trực diện đối đầu với sóng gió, ông sợ hãi, chìm và kêu cứu “CHÚA ƠI (Kuriê) xin cứu con với”. Trách Phêrô yếu tin nhưng Chúa Giêsu vẫn ra tay cứu vớt. Rồi khi Người lên thuyền thì mọi sự đều yên ổn, an bình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi “những ai ở trong thuyền” (tức Giáo Hội) hãy xác tín rằng Chúa luôn hiện diện đồng hành với ta trong mọi lúc, nhất là khi gặp cảnh gian nan để can thiệp mang lại an bình và đưa ta đi sâu hơn vào mối tương quan ân tình với Chúa.
Bài 2
1V 19, 9.11-13
Mt 14,22-33
Chiếc thuyền bị sóng đánh vì ngược gió (Mt 14,24). Vào khoảng canh tư, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”…Đức Giêsu liền bảo: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (cc.25-27)…Khi Thầy trò lên thuyền thì gió lặng ngay (c.32).
Phụng vụ Lời Chúa của bài đọc 1 và Tin Mừng mời các tín hữu suy niệm về một khía cạnh của cách thức Thiên Chúa hành động: Chúa luôn có mặt đúng lúc, vừa đủ để đáp cứu cho những ai còn tin vào Người trước những phong ba bão táp đang vây bủa chung quanh làm kẻ tin mệt mỏi, chán nản đưa tới cơn cám dỗ muốn bỏ cuộc.
Thực ra Thiên Chúa luôn có mặt, hiện diện với chúng ta mọi nơi, mọi lúc để đáp cứu; vì tự bản chất, Thiên Chúa là “Đấng Hằng Hữu”= “êgô êimi ho on” (Xh 3,14) như Người đã mặc khải cho Môsê qua biến cố bụi gai rực cháy mà không bị thiêu rụi. Người luôn hiện diện, có mặt nơi mọi con người, nơi mọi loài thọ tạo để gìn giữ tất cả luôn hiện hữu; vì công trình Sáng Tạo của Chúa không gì khác hơn là việc Chúa thông ban cho mọi loài “sự hiện hữu” của chính Chúa: ban đầu chỉ có Thiên Chúa là “CÓ” và Thiên Chúa sáng tạo bằng LỜI: “Hãy có…” và “liền có như vậy” (St 1,3.6.9…). Thiên Chúa đã thông ban “cái có”, “cái hiện diện”, “cái có mặt” của Người cho mọi tạo vật. Mọi tạo vật có được, hiện hữu được, tồn tại được là nhờ “Đầng Hằng Hữu” có trong chúng. Do đó, một tín điều nền tảng của đức tin Công Giáo là “Thiên Chúa có mặt khắp nơi”, Thiên Chúa hiện diện trong từng tạo vật, mọi lúc, mọi nơi.
Lời Chúa hôm nay nhắc lại chân lý trên và nhấn mạnh ở chi tiết này: Thiên Chúa luôn đống hành với các tín hữu (và mọi người) trong mọi nơi, mọi lúc và sẽ tỏ mình đúng nơi, đúng lúc khi họ gặp các biến cố để trợ lực giúp họ vượt qua các trở ngại theo Thánh Ý Người.
Thiên Chúa đến đúng nơi, đúng lúc để củng cố đức tin các kẻ tín thác, trông cậy vào Chúa và nâng đỡ để họ tiếp tục sứ mạng mà Người trao phó.
Một nét đặc biệt nữa của việc “Chúa đến” được Lời Chúa của Chúa Nhật 19A nói tới là nét tĩnh lặng, an bình của việc Chúa hiện diện và các đối tượng gặp gỡ Chúa được trấn an cho dù thực trạng trước mắt vẫn còn đầy sóng gió; Để rồi tiếp sau đó là được bồi dưỡng, hồi phục để tiếp tục là cộng tác viên tốt của Thiên Chúa. Sự có mặt của Chúa (giờ đây đã được các người Chúa chọn khám phá ra) đã chuyển nguy thành an, vì đã đích thân cảm nghiệm “có Chúa ở cúng” một cách an bình, êm dịu (chứ không uy nghiêm, biểu lộ quyền năng cách đáng sợ như trong các lần thần hiện trước đó tựa nhu lúc ban Luật Giao ước ở Sinai). Hoa trái của việc gặp được Chúa là phục hồi sinh lực, trở nên con người mới đủ sức đương đầu với nghịch cảnh; nhờ đó làm cho người khác cũng nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện và đang làm chủ dòng lịch sử này.
Giữa bao sóng gió, bão táp cuộc đời, cho dù Ba Thù vẫn luôn còn điên cuồng quấy phá, thì việc kẻ được chọn ý thức được rằng “luôn có Chúa luôn ở cùng” sẽ mang lại bình an nội tâm, giúp dám thổ lộ hết mọi tâm tình cho Chúa trong cậy trông phó thác để tiếp tục theo Chúa. Đó là nét chủ yếu mà Thiên Chúa là “Đấng luôn có mặt” đang chờ đợi nơi kẻ được chọn.
Bài đọc 1 kể lại việc ngôn sứ Êlia, với tâm trạng bất an sợ hãi, đang trốn sự truy sát của hoàng hậu Idơven sau vụ hiến tế lễ vật trên núi Carmen chứng minh Yavê là Thiên Chúa thật, chứ không là Baal và giết hết các ngôn sứ Baal (1V 18,20-40). Thực ra, Êlia không trốn chạy mà ông tìm về với Thiên Chúa nơi NÚI CỦA CHÚA Khoreb, nơi phát xuất niềm tin của dân tộc (núi này chính là Sinai), để thở than, tâm tình với Chúa về tình trạng phản bội của dân, sự điêu tàn của đạo Yavê và số phận hẩm hiu của ông. Ông bị cám dỗ bỏ cuộc: xin được chết. Yavê đã tỏ mình cho Êlia thấy, gặp gỡ (không qua sấm sét, lửa hồng, bão tố…) mà qua cơn gió nhẹ hiu hiu gợi lại những lần gặp gỡ thân tình với hai nguyên tổ; Điều đó đã hồi phục sinh lực cho ông. Điểm nhấn là sự hiện diện an bình hồi sinh của Thiên Chúa.
Bài đọc Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu giữa đêm khuya, đi trên Biển Hồ đến với các môn đệ Người đang vất vả chèo chống gìn giữ con thuyền giữa phong ba…Khi Người đến, các ông hoảng sợ tưởng là “MA”; Nhưng khi nhận ra và đón nhận Người vào thuyền thì sự an bình đã ngự trị. Lời trách mắng nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương của Đức Giêsu là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay gởi cho ta: Thiên Chúa luôn có mặt đúng nơi, đúng lúc để can thiệp một cách ích lợi nhất cho kẻ tin; vậy hãy VỮNG LÒNG TIN!
BÀI ĐỌC I: 1V 19,9. 11-13
Trích đoạn này thuộc về khối văn chương 1V 17, 1- 2V 2,18 nói về Elia: vị ngôn sứ này hoạt động dưới các triều Vua Akhap (năm 874 – 853), Vua Akhatyahu (năm 853 – 852), và Vua Yôram (năm 852 – 841). Đặc nét thời này là:
-
Israel thịnh vượng về mặt đời.
* Hồi sinh thành Giê-ri-cô (x.1V 16, 34), những công trình xây cất lớn ở Samaria và Mêghiddô (x.1V 22, 39; Am 3,15). Khoa khảo cổ đã có những bằng chứng.
* Giao hảo và thông gia với xứ Phênixi. Cưới I-da-ven, con gái Vua Xi-đôn (x.1V 16, 31) ông này đồng thời cũng là tư tế của thần Baal. Đây là cửa ngõ mở rộng để đạo Baal xâm nhập Israel.
* Hòa hiếu, liên minh về với Vua Giu-đa (x. 1V 22, 4.45) và kết thông gia (x. 2Sb 18,1): con trai Giơ-hô-sa-phat Vua Giu-đa là Giô-ram cưới con gái của A-khap (x.2V 8, 18) là A-Than-Gia, nhưng ở 2V 8, 26 lại nói bà này là em của A-khap).
* Chiến thắng Đa-mat, lấy lại những vùng đất đã bị mất vào thời Vua Cha là Om-ri (năm 885 – 874); đồng thời cũng bang giao thương mại với xứ này (x.1V 20, 34).
-
Nhưng suy yếu về mặt đạo đức:
* Cổ súy việc thờ Baal do ảnh hưởng của Hoàng hậu I-dơ-ven.
* Chối bỏ Ya-vê, giết hại các ngôn sứ của Chúa (x.1V 19, 2. 10)
* Bất công, bóc lột người ngay chính (1V 21, 1-26) …..
Trước những tệ nạn như thế, Êlia đã được Chúa sai đến để cảnh tỉnh vua, dân. Tiếc thay, ảnh hưởng của I-dơ-ven quá lớn, tình trạng không chút cải thiện và triều đại đã kết thúc bằng cái chết của vua do nghe lời xúi dại của các ngôn sư Baal, đem quân đánh Galaad.
Văn mạch gần (x. 1V 18, 20 -19, 18).
Để bảo vệ danh dự Gia-vê, Elia thách đấu với 400 ngôn sứ Baal để xem Gia-vê hay Baal là Thiên Chúa thật.
Kết quả là Elia thắng và ông giết 400 ngôn sứ Baal.
Chiến thắng này đã phần nào cảnh tỉnh Vua và dân.
Nhưng thế lực ảnh hưởng I-dơ-ven quá lớn, mạng sống Elia bị đe dọa.
Đang đêm ông phải vội trốn chạy Hoàng Hậu, tìm về Núi Thánh Khoreb.
Dọc đường, mỏi mệt, nản lòng, ông xin Chúa cho được chết.
Nhưng Chúa đã sai Thiên sứ đem lương thực đến bồi dưỡng ông và ông đã đủ sức đi đến Núi Thánh.
Tại đây ông đã được Thiên Chúa cho gặp. Ông nhận ra sự hiện diện của Người qua lời thì thầm của cơn gió hiu hiu thổi. Ông được đối thoại với Thiên Chúa, được ban thêm sinh lực, nhận thêm sứ mạng và tiếp tục làm ngôn sứ cho Chúa.
Bài đọc 1 là một phần của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ngôn sứ, thuật lại một phần cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và ngôn sứ. Tuy nhiên, phụng vụ lại bỏ đi c.10 là lời đáp của Elia than thở về tình trạng bi đát của đạo Yavê và của ông, để chỉ nhấn mạnh tới điểm CHÚA ĐẾN GẶP ELIA, không phải trong sấm chớp, lửa gió kinh hoàng, nhưng là TRONG SỰ ÊM DỊU CỦA LÀN GIÓ HIU HIU THỔI. Hình ảnh này gợi lại sự thân tình của Thiên Chúa đối với con người lúc còn trong Eden. Phải chăng qua nét gặp gỡ này Chúa đang tìm cách nối lại tình thân với con người bất chấp những yếu đuối, tội lỗi của con người? Nét này dọn đường cho việc Đức Giêsu đến gặp con người trong xác phàm nhân tội lỗi để thứ tha, cứu vớt con người.
CẤU TRÚC BÀI ĐỌC I:
-
Tình trạng Elia trước khi được Chúa cho gặp (c. 9a).
* Qua đêm trong MỘT CÁI HANG tại NÚI CHÚA.
(Cuộc đối thoại trong hang: cc.9b – 10, phụng vụ không sử dụng. Hai câu này cho thấy tình trạng bi đát của Êlia đang đối đầu dẫn tới nỗi thất vọng, chán chường muốn bỏ cuộc của ông).
-
Lệnh Chúa truyền Êlia ra khỏi hang để gặp Chúa (c.11a)
* Hãy ra ngoài/ đứng lên núi/ trước mặt Chúa.
* Kìa Đức Chúa đang đi qua.
-
Cách thức Thiên Chúa hiện diện, tỏ mình (cc.11b – 12): Cuộc thần hiện trong bình an
* Không trong gió bão, động đất, lửa
* Nhưng trong gió hiu hiu êm dịu
-
Ra gặp Chúa (c.13a)
Che mặt / ra đứng ở cửa hang
-
Tình trạng Elia sau khi gặp Chúa (c.13b – 18): Phụng vụ không sử dụng. Cuộc gặp đã hồi phục sinh lực cho Êlia. Vì thế khi lặp lại ở đây (13b – 14) cuộc đối thoại ở 9b–10 thì ý nghĩa đã khác: c.14 không còn mang ý nghĩa chán chường, bỏ cuộc nữa mà là lời nhận chân thực tại để rồi thái độ phải có là dấn thân hơn như Chúa muốn trong cc.15 – 18. Nhờ Chúa đưa tay nâng đỡ (cho gặp) mà Êlia được đổi mới hoàn toàn, cũng như Phêrô trong bài Tin Mừng.
SUY NIỆM
*Núi Khoreb: Các truyền thống miền bắc (Elohiste và Đệ Nhị Luật) gọi núi Sinai là Khoreb.
Vậy trở về Khoreb là trở về nguồn: Nơi khai sinh dân tộc (đám nô lệ trở thành dân Chúa nhờ được ban Luật), nơi phát sinh tôn giáo thờ Yavê. Về nguồn để được Chúa bồi dưỡng, lấy lại lòng nhiệt thành và sinh lực để tiếp tục công cuộc của Chúa.
Cuộc trốn chạy của Êlia và sau đó được Chúa đến gặp tại núi Thánh này gợi lại tình cảnh của Môsê sau khi giết một viên đốc công Ai Cập. Cả hai đều bị dồn đến đường cùng, tính mạng bị đe dọa. Lòng nhiệt thành của hai ông phải trả giá. Lòng nhiệt thành cá nhân cùng với phương thức giải quyết bằng bạo lực chỉ đưa tới thất vọng. Điều ấy nói lên rằng chỉ có Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất cho những người được Chúa chọn làm công việc của Chúa. Mọi vinh quang thế tục như chiến thắng, lấy mạng kẻ thù… chỉ là nhất thời. Việc Môsê giết tên đốc công, Êlia sát hại 400 ngôn sứ Baal đã không cứu được dân khỏi cảnh cùng khốn. Không thể bám vào cái vinh quang phù du ấy được. Nơi duy nhất mà người của Chúa phải bám víu là chính Thiên Chúa. Phải trở về với cội nguồn của sự sống, ơn gọi của mình.
Lòng nhiệt thành, sức lực riêng của cá nhân hoàn toàn không đủ để làm việc Chúa. Phải cần đến Thiên Chúa. Cũng như Môsê ban đầu, Êlia đã sử dụng đường lối bạo lực cá nhân và tưởng rằng đó là ý Chúa. Thế nhưng trong lần gặp gỡ này ở Khoreb, Êlia được mặc khải: về lâu về dài, Thiên Chúa không hiện diện để gây kinh hoàng: sấm sét, gió, bão, lửa… Nhưng Chúa hiện diện trong tình thân êm ái biểu hiện bằng cơn gió nhẹ thổi hiu hiu.
* Cái hang (hốc đá): có mạo từ xác định đi trước, ám chỉ cái hang mà Đức Chúa đã giấu Môsê vào đó để ông khỏi thấy Người khi vinh quang của Người đi ngang qua (x.Xh 33, 21-23). Lại thêm một điểm trùng hợp nữa giữa Môsê và Êlia: có cùng nơi trú ẩn trước khi được gặp Thiên Chúa. Truyền thống được tiếp nối liên tục: Thiên Chúa ban lề luật cho Môsê cũng chính là Thiên Chúa của các ngôn sứ. Tất cả những chi tiết trùng hợp giữa hai nhân vật này nói lên sự liên tục và nhất quán của mặc khải của Thiên Chúa.
* Lệnh truyền ra gặp Chúa: Trước lệnh này, sách 1V 19, 9b – 10 cho thấy tâm trạng chán chường thất vọng của Êlia lúc ở trong hang, trong đêm tối. Giờ đây Chúa đi bước trước đến với Elia, bảo ông đi ra khỏi chỗ tối tăm đêm đen ấy mà đứng trước nhan Chúa. Có thể hiểu lệnh truyền này theo nghĩa biểu tượng: Chúa mời Êlia ra khỏi tâm trạng tiêu cực của ông. Chúa chuẩn bị cho ông gặp Chúa, cho ông một sứ mạng mới.
* Cuộc thần hiện êm dịu: Gió to (Xh 14,21), động đất (Xh 19,18b), lửa sấm sét (Xh 13,22; 14,24; 19,18a…) là cách thức mà trước đây Thiên Chúa thường sử dụng để biểu lộ sự hiện diện của người. Giờ đây Thiên Chúa đổi phương thức tỏ mình. Người hiện diện trong làn gió nhẹ hiu hiu thổi. Chi tiết này gợi lại hình ảnh Thiên Chúa đến với con người trong vườn Eden, lúc con người đang trốn ẩn vì đã ăn trái cấm. Chúa đến cách nhẹ nhàng cùng trong cơn gió nhẹ thổi (St 3,8), để con người – giờ là tội nhân – vẫn dám ra gặp Chúa nhờ vậy nhận ra được tình trạng hiện tại tệ hại của mình. Không trốn tránh, không đổ lỗi cho kẻ khác; cho thời thế… Phải nhìn thẳng sự thật phũ phàng để làm lại. Và Thiên Chúa đã hứa đồng hành với con người để hồi phục (x. St 3,15).
Ở đây cũng vậy, đáp lại lần hỏi thứ nhất của Chúa (1V 19,9b-10) (phụng vụ không dùng) Elia đã nói lên thực tại ê chề trước mặt và tỏ lộ tâm trạng chán chường muốn bỏ cuộc của ông. May thay Chúa đã can thiệp bảo ông đi ra khỏi tâm trạng tiêu cực, rồi Người đến gặp, đổi cách hiện diện, hàm ý mời ông đổi thay cách thi hành sứ vụ, đổi não trạng.
Một khi Elia đã chấp nhận đường lối Chúa thì các câu 9b-10 được Chúa lập lại ở 13b-14; thực tại tồi tệ vẫn còn đó, nhưng nơi Elia, tâm trạng tiêu cực không còn nữa; thay vào đó là nhiệt thành đáp trả lệnh lên đường, với não trạng mới, cách làm việc mới. Cũng như Môsê phải trở lại gặp Pharaô để cứu dân, nhưng theo lệnh truyền của Chúa chứ không theo ý riêng tự tiện giết người như trước nữa.
* Elia che mặt ra gặp Chúa: che mặt vì thấy Chúa là chết. Ra gặp Chúa có nghĩa là đã chấp nhận được cách hiện diện mới của Chúa và bày tỏ ý tuân phục. Chính nhờ vậy ông đổi mới. Bản văn phụng vụ dừng ở đây.
* Tóm kết:
Bài 1 hôm nay chú trọng đến việc Thiên Chúa đi bước trước đến với con người (đang trong cảnh hoang mang thất vọng, nguy khốn vì thực tại phũ phàng): đồng thời cũng cho thấy cách thức mới mà Thiên Chúa đã chọn để qua đó Người hiện diện, tỏ mình cho ai được chọn. Từ nay lối hiện diện an bình, êm dịu, thứ tha sẽ thế chỗ cho lối hiện diện áp đặt, gây kinh hoàng trước kia khi ban Lề Luật. Thực ra hai lối hiện diện được Chúa dùng song song tùy lúc; nhưng lối hiện diện an hòa sẽ dần chiếm ưu thế và sẽ hơn hẳn trong Đức Giêsu. Chúa đến là để thức tỉnh, hồi phục, nâng cao chứ không đến để đè bẹp, tố cáo, hạ nhục và nhất là không đến để tiêu diệt bằng bạo lực.
Nhờ nhận ra và chấp nhận được đường lối mới của Chúa mà Elia đã được phục hồi, đổi mới, được tiếp tế sinh lực tràn đầy để tiếp tục công cuộc Chúa trao phó giữa dòng đời vẫn chưa có gì thay đổi. Chính người của Chúa, sau khi đổi mới, sẽ phải góp phần đổi thay thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biện phân được dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa để ra gặp Người.
TIN MỪNG: Mt 14, 22-23
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 19A là nối tiếp với Tin Mừng tuần trước 18A. Nội dung chính là Đức Giêsu cùng con thuyền của đoàn môn đệ vượt qua sóng gió Biển Hồ, an toàn về lại vùng Đất Hứa, sau khi làm phép lạ nhân bánh nuôi dưỡng đoàn dân trong hoang địa. Việc Mattheu nối kết hai trình thuật nhân bánh trong hoang địa và vượt Biển Hồ (thượng nguồn sông Giođan) rõ ràng là muốn gợi lại cuộc xuất hành với lương thực chính là Manna và vượt sông Giođan vào Đất Hứa. Qua đó dung mạo thiên sai của Đức Giêsu được tỏ lộ: Đức Giêsu là Môsê mới, là “Mục Tử- Thiên- sai” (Ed34,23) và hơn nữa Người còn là “Yavê- Mục- Tử” (x. Ed 34, 11-16).
Thật vậy trong phép lạ hôm nay, sau khi Đức Giêsu và Phêrô (được Người cứu) lên thuyền thì trời êm biển lặng và đoàn môn đệ nhận ra Thầy mình là “Con Thiên Chúa” (x. Mt14,33). Mattheu chuẩn bị cho lời tuyên tín của Phêrô (x. Mt 16,16). Tuy nhiên tuyên tín ấy không được tách rời khỏi Mầu Nhiệm Thập Giá- Phục sinh (x. Mt 16, 22-28; 17, 21-23). Đó chính là chóp đỉnh của mặc khải thực tại Nước Trời tại thế (khối văn chương, Mt 13-17); còn về phía con người, “lúa tốt”, “đất tốt” chính là những ai nhận ra trong con người Giêsu đầy giới hạn, chính là Đấng Mêsia của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa (x. Mt 16,16 so với Mc 1,1). Và điều đó đã khởi sự rồi ngay tại thế này trong Đức Giêsu và trong Giáo Hội.
Như vậy căn tính của Đức Giêsu, Đấng thiết lập Nước Trời tại thế, tiếp tục được mặc khải:
-
Trong phép lạ nhân bánh, Đức Giêsu tỏ mình như một Môsê mới và hơn nữa là “Yavê- Mục- Tử”;
-
Trong trình thuật đi trên mặt nước, làm chủ thiên nhiên
-
Mattheu hé mở cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, hành động như một Thiên Chúa. Và kết quả cuối cùng là “sự an bình của Vườn Địa Đàng” được tái lập: thiên nhiên không chống phá con người nữa, trời êm biển lặng”; thiên nhiên, con người tất cả đều phủ phục, tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sự hài hòa của công trình sáng tạo được tái lập: an bình trên biển và an bình trong tâm hồn môn đệ: Thiên, Địa, Nhân hiệp nhất với nhau ngay giữa biển và trên con thuyền Giáo Hội.
CẤU TRÚC Mt 14, 22-33
-
Đức Giêsu với Chúa Cha: Về nguồn (cc 22-23)
Sau những hoạt động, Đức Giêsu cần có điều kiện để lấy lại sinh lực: Người tìm nơi thinh vắng một mình tiếp xúc với Cha.
* Tạm cắt đứt với các công việc hằng ngày (c.22).
– Buộc các môn đệ lên thuyền quay về trước
– Giải tán đám đông
* Một mình trong đêm lên núi cầu nguyện với Cha (c.23)
-
Đức Giêsu trở lại với các môn đệ (cc, 24-27)
Sau một đêm gặp Cha lấy lại sinh lực, Đức Giêsu trở lại với cuộc sống thường ngày, tiếp tục sứ vụ đã nhận từ Cha. Người trở lại như một vị Thiên Chúa: vượt thắng thiên nhiên
* Tình cảnh gian nan của môn đệ giữa biển khơi, ngược gió (c.24)
* Đức Giêsu đến với họ: – Thời điểm: canh tư
– Cách thức: đi trên mặt nước biển (c.25)
* Phản ứng của môn đệ: hai động từ chính: “RÚNG ĐỘNG” – “LA LÊN” (c.26).
– “Thấy” (động tính từ hiện tại) Đức Giêsu đi trên biển.
– Các ông rúng động (CGKPV: hoảng hốt) mà nói: “MA đó”)
– Rồi các ông la lên vì sợ.
* Đức Giêsu tỏ mình, trấn an môn đệ (c.27)
-
Đức Giêsu với Phêrô (cc. 28-31)
* Thông ban cho ông quyền thắng được biển (sự dữ)
– Phêrô xin dấu chỉ để tin: “- nếu quả là Ngài, thì….” (c.28)
– Chúa ban: “cứ đến”
– Và Phêrô đã được như ý xin (c.29)
* Cứu khỏi hậu quả của yếu tin (30-31)
-
Sự cố: Thấy gió thổi.
-
Đưa tới: sợ.
-
Hậu quả: chìm
-
Kêu cứu
-
Đức Giêsu đưa tay vớt – trách: kém tin, hoài nghi
-
Tỏ lộ dung mạo Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ (c.32)
Thắng vượt mãnh lực thiên nhiên và cũng là mãnh lực sự dữ “thầy trò vừa lên thuyền thì gió lặng ngay”.
-
Sự thần phục của môn đệ (c.33)
-
Bái lạy
-
Tuyên xưng: “Ngài là Con Thiên Chúa” (nói trực tiếp với Đức Giêsu).
Vậy Tin Mừng hôm nay cho ta thấy thêm một dung mạo nữa của Đức Giêsu: Người là Thiên Chúa tạo hóa và là Thiên Chúa chữa lành khi Người đi trên biển và cứu Phêrô – Người cũng là Con Thiên Chúa trong tương quan với Cha qua lời tuyên xưng của môn đệ. Hai nét dung mạo này phối hợp lại là một hé mở về mầu nhiêm Ba Ngôi sẽ được Mattheu nói rõ ở cuối sách Tin Mừng thứ nhất (Mt 28,19).
Trong hướng phụng vụ: ý “Thiên Chúa đến” được nhấn mạnh hơn. Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa đã đến với các môn đệ giữa đêm khuya và gió bão (quyền lực sự dữ) để giải cứu và tỏ bày thánh ý Thiên Chúa (như Thiên Chúa đã đến với Êlia trong bài đọc 1). Hoa trái là:
-
Nhận ra chân lý
-
Tiếp rục sứ vụ bất chấp sự dữ còn đó. Cuối cùng sự dữ sẽ bị tiêu diệt.
SUY NIỆM
* “Đức Giêsu ‘buộc’…” Đức Giêsu mâu thuẫn? Ở c.13 Người bắt các ông bỏ bờ tây đi tìm nơi hoang vắng vì thấy sự bội bạc phũ phàng bên vùng đất Do thái: bà con khước từ Người – Gioan bị giết; giờ đây Người lại “buộc” trở về lại chốn cũ. Yếu tố làm Đức Giêsu đổi ý: đó là Sứ Mạng: thấy đàn chiên bơ vơ không người chăm sóc, Người không thể buông tay. Đó là dấu chỉ Cha gửi tới cho Người: phải tiếp tục sứ vụ. Tiếp tục không chỉ mang tính đối phó: nuôi ăn một lần (nhân bánh) nhưng là vĩnh viễn, đến khi nào ý Cha thể hiện mới thôi. Nghĩa là tiếp tục cuộc nhập thế dấn thân vào vùng đất bội bạc để cứu. Chính vì thế Đức Giêsu “buộc” môn đệ phải về lại vùng đất cũ. Quyết định này làm ma quỷ kinh hoàng. Do đó chúng ta phải cản trở. Chúng tận dụng quyền lực của chúng: đêm đen, song biển, gió lớn, sự kém tin từ các môn đệ…để cản trở cuộc trở về này. Chúng tận dụng thời cơ lúc Đức Giêsu còn vắng mặt do đi cầu nguyện xin ý Cha. Tuy nhiên lệnh BUỘC của Đức Giêsu đã là một định hướng, một động lực cho các môn đệ: họ cố chèo chống, và Đức Giêsu không bỏ rơi họ….
Trong toàn bộ Mattheu, đây như là một dọn đường cho trình thuật “Hiển Dung”: các môn đệ bị buộc phải xuống núi dù họ muốn ở lại (Mt17, 4), sau đó Đức Giêsu mặc khải thập giá lần thứ hai (Mt 17,22-23). Rồi đến cuối Tin Mừng, Đấng Phục Sinh đòi các ông phải xuống núi và nhập thế triệt để hơn, rộng lớn hơn (28, 19-20).
Việc nhập thế vào những nơi bội bạc để hiến thân cứu họ đã là điều nghịch với sở thích bình thường của con người; Cần có cái BUỘC của Đấng chịu Thập Giá và Phục Sinh thì chúng ta là môn đệ mới có thể và dám dấn thân được.
* Đức Giêsu giải tán đám đông: hành động của Đức Giêsu ở đây có ý nghĩa hoàn toàn khác với hành động của môn đệ ở cc. 15-16. Đức Giêsu không bỏ mặc đám đông. Nhưng Người đã chữa lành, đã bổ dưỡng đầy đủ…rồi mới cho họ về. Họ đủ sức về và sẽ được đón tiếp, vì Người đã BUỘC môn đệ về trước và Người cũng sẽ về theo. Điều này ta sẽ thấy rõ trong trình thuật tiếp 14, 34-36 (tiếp tục đón tiếp và chữa lành cho dân).
Việc giải tán này là để chuẩn bị cho cuộc quy tụ chung cuộc do các môn đệ được Chúa BUỘC nhập thế, sẽ thực hiện vào lúc Chúa muốn (x. 28,19-20).
Một cách giải thích khác tại sao Đức Giêsu lại giải tán (dịch sát là “xua đuổi”) trong khi trước đó người đã cản môn đệ làm (cc. 15-16). Ở Ga 6,15, sau phép lạ nhân bánh, đám đông muốn tôn Đức Giêsu làm vua. Đức Giêsu dù xót thương đến đâu đi nữa cũng không thể chiều theo, đáp trả đòi hỏi này của dân, vì nó đi ngược thánh ý Cha đối với Đức Giêsu. Với đòi hỏi này, đám đông không còn là đàn chiên nữa mà là Satan, (và sau này là Phêrô: Mt 16,23) kẻ cám dỗ, Chúa phải tạm đuổi họ đi để có thể bình tâm nghe được tiếng Cha, sau đó sẽ trở lại cứu họ đúng theo ý Cha. Đừng quên đối với Matthêu, ý Cha là chuẩn mực tối thượng để được vào Nước Trời, mọi thứ khác là không đáng kể (x.7,21-23).
* “Người lên núi”: Với Matthêu, “núi” luôn là nơi Thiên Chúa mạc khải. Đức Giêsu muốn thỉnh ý Cha “đi riêng ra, một mình, ban đêm (chiều đến)”: tất cả các cụm từ này nói lên một trải nghiệm, một tương giao biệt vị, tận trong đáy thẳm tâm hồn mà mắt phàm không nhận ra được (đêm). Chỉ trong sự an tĩnh của tâm hồn, không bị ràng buộc bởi những cái thường tình và trong tương quan biệt vị, con người mới nghe được tiếng Chúa.
“mà cầu nguyện”: gặp gỡ Cha để thỉnh ý, nhất là trong những quyết định quan trọng (x.CGKPV “bốn sách Tin Mừng” trang 76 nốt x). Trong thân phận nhân loại, Đức Giêsu giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, nên Người cũng có lúc tối tăm, cần ơn Cha trợ lực để biện phân và can đảm đón nhận, thi hành ý Cha.
Một khi đã biết ý Cha, Đức Giêsu an tâm trở về với sứ mạng như là một vị Thiên Chúa: ở c.22 Đức Giêsu “buộc” môn đệ như lệnh của một vị Thầy, nhưng ở c.c.25-26 sau khi rõ ý Cha, Đức Giêsu đã trở về như vị Thiên Chúa, một vị “Thiên Chúa làm người” để thực hiện sứ vụ “cứu” với tất cả mặt trái phũ phàng của nó.
* “Thuyền đã ra xa bờ”…”bị sóng đánh vì ngược gió”: nghĩa là thuyền đang ở giữa biển. “Biển, sóng, nước, gió” là biểu tượng của sự dữ. Quyền lực sự dữ kinh hoàng trước quyết định của Đức Giêsu “buộc” môn đệ (Giáo Hội) trở về lại vùng đất vô ơn, bội nghĩa …để tiếp tục sứ vụ cứu độ. Vì thế bằng mọi giá chúng phải phá hoại chương trình này. Chúng cản trở và muốn nhấn chìm con thuyền Giáo Hội…Nhưng Đức Giêsu, sau đêm dài vắng mặt (biểu tượng cái chết của Người), nay đã trở lại với môn đệ (với xác tín vào ý Cha) như là một vị Thiên Chúa (ám chỉ Phục Sinh) đáp cứu các môn đệ và thông ban cho môn đệ qua Phêrô, quyền năng của Người.
* “vào khoảng canh tư”: người Do Thái chia đêm thành 3 canh. Tập tục La-hi thì lại chia làm 4. Vậy “canh 4 là sắp sáng theo cách chia Hi-la: từ 3g-6g (x. DEB – “Nuit”)
Đây là thời điểm Đấng Phục Sinh tỏ mình: “rạng sáng” ngày thứ nhất trong tuần, ra mộ, các bà thấy ngôi mộ trống. Sau đó biết Đức Giêsu đã Phục Sinh. Tất cả bái lạy Người.
* “đi trên biển” hình ảnh biểu tượng Đức Giêsu chiến thắng sự dữ. “Biển” dù sóng to gió dữ điên cuồng phá phách cũng không thể nhấn chìm được Người. Sau khi vượt qua đêm dài với Cha, để môn đệ 1 mình bơ vơ ( thập giá), nay Đức Giêsu với quyền năng của một vị Thiên Chúa đã trở về với các môn đệ và còn thông ban quyền năng ấy cho các ông. Đây là hình ảnh báo trước những gì Đấng Phục Sinh sẽ thực hiện cho môn đệ ( x 28,16-20) ( xem thêm CGKPV “bốn sách Tin Mừng” 75, nốt “v”)
* Môn đệ “BỊ RÚNG ĐỘNG”, “sợ hãi la lên”
Động từ “rúng động” TARASSEIN, Matthêu chỉ sử dụng 2 lần, còn cả Nhất Lãm chỉ có 5 lần:
-
Mt 2,3 Hêrôđê và cả thành Giêrusalem đều “Rúng Động” khi nghe 3 nhà chiêm tinh hỏi “vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu?”.
-
Mt 14,26 song song Mc 6,50 trong trình thuật chúng ta đang khảo sát.
-
Lc 1,12 Dacaria “bối rối” (rúng động) khi thấy Chúa thần hiện ra.
-
Lc 24,38 Đấng Phục Sinh trách các môn đệ tại sao “Rúng Động” nghi ngờ khi thấy người hiện đến với họ.
Vậy “Rúng Động” nói lên sự yếu tin còn nghi ngờ của con người trước một thực tại thần linh được mạc khải cho chính con người vì phần ích của con người. Từ sự yếu tin đó, con người đã nhìn và phán đoán thực tại một cách lệch lạc (thay vì vui mừng nhận ra Chúa thì nói là “Ma”) kéo theo hậu quả là sợ hãi, bất an.
Trừ trường hợp Lc 1, 12, bốn trường hợp còn lại đều liên quan đến việc Đức Giêsu đến trong xác phàm để giải cứu con người, thế nhưng con người đã không đón nhận Người như Người muốn, mà lại phán đoán về Người cách lệch lạc, dẫn tới những hành động sai trái:
-
Hêrôđê và dân Giêrusalem tưởng Người đến dành ngôi vua trần thế. Hậu quả là tìm giết Người, sát hại các hài nhi Bêlem.
-
3 trường hợp còn lại đều gán cho Đức Giêsu tước hiệu “Ma” (Lc 24, 37: thể phách linh khí). Và hậu quả là bấn loạn, hãi sợ thay vì vui mừng đón nhận. Như vậy, cả 3 sách Tin Mừng nhất lãm đều có một lần thuật lại sự cố các môn đệ tưởng lầm Đức Giêsu là Ma khi Người hiện đến để mang niềm vui, trợ lực cho họ. Cả 3 lần đều xa gần, trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới Đấng Phục Sinh tỏ mình cho họ.
Vậy thiếu đức tin, con người không thể nào nhận ra được Đấng Phục Sinh đang đến ở kề bên để trợ giúp chúng ta ngay trong những khốn quẫn của cuộc đời.
* “ Ma đấy!” : Ma trong tiếng Hi Lạp là “ phantasma” có nghĩa là sự xuất hiện trong chốc lát thế giới của các vong linh, hồn phách, linh khí. Ma không có thể xác, đó chỉ là hồn thiêng linh khí.
Theo quan điểm Hi Lạp, con người có hồn và xác. Hồn mới là thực thể con người, còn xác như là cái nhà tù giam hãm hồn. Con người chỉ thực sự được giải thoát khi loại bỏ được cái xác giới hạn mê muội này, để cho cái hồn linh thiêng, bất tử được hoàn toàn tự do. Cái chết được coi như là một giải thoát linh hồn khỏi tù ngục thể xác: hồn lìa khỏi xác về với thế giới tinh thần bất tử, còn xác ra hư hoại vĩnh viễn không bao giờ hồi sinh nữa. Khi muốn tiếp xúc với thế giới xác phàm nhân loại, hồn người đã khuất thường tạm mượn trong giây lát cái hình ảnh của xác thể mình lúc còn tại thế. Cái hình ảnh mà hồn vay mượn để hiện ra cho con người được gọi là “ Ma”. Vậy khi nói đến Ma là hàm nghĩa xác phàm vĩnh viễn không còn nữa. Do đó, người Hi Lạp đã cười nhạo Phaolô khi ông giảng về sự Phục Sinh thể xác (x. Cv 17, 32).
Vậy khi tưởng Đức Giêsu là Ma thì điều ấy có thể hiểu rằng:
-
Trong Lc 24, 38, việc tin rằng xác của Đức Giêsu đã được sống lại chưa được vững vàng, các môn đệ còn nghi ngờ. Điều này Mt 28,17 nói rõ: dù đã bái phục Đức Giêsu rồi, vài môn đệ còn nghi ngờ: các ông thấy hình bóng của người đứng trước mặt đúng là Đức Giêsu rồi đó, nhưng không rõ đó là xác phàm thật hay chỉ là hồn thiêng linh khí. Do đó, Lc 24, 39-43 mới thêm lời giải thích minh chứng Đức Giêsu đang hiện diện trong xác phàm: có xương thịt, biết ăn uống.
-
Còn trong 2 trường hợp Đức Giêsu đi trên mặt nước thì rõ ràng đây là chuyện xác phàm nhân nặng nề không thể làm được. Thêm nữa, các tông đồ dù sao cũng còn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian của thời đại mình, nên trước khi được ánh sáng Phục Sinh chiếu rọi, các tông đồ cũng chỉ có thể cho rằng cái bóng hình đang tiến về phía mình là bóng vía của Đức Giêsu, là Ma chứ không thể là xác phàm nhân được, là Đức Giêsu thật.
Tóm lại, việc sợ hãi kêu la “ Đức Giêsu là Ma” là dấu chỉ của lòng yếu tin, của hoài nghi (c. 31). Yếu tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh và yếu tin vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Người muốn cứu nhân loại và vũ trụ ngay qua xác phàm nhân loại mà Con của Người đã đảm nhận trong mầu nhiệm nhập thể. Vậy một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giêsu Phục Sinh thì mọi việc dù nhỏ nhặt nhất ta làm đều ẩn chứa trong đó mầm cứu độ. Cuộc đời tầm thường của Mẹ Maria, Thánh Giuse, Têrêsa Hài Đồng Giêsu là những điển hình.
* “ Cứ yên tâm”: động từ Tharsêô được dùng 7 lần trong Tân Ước, thường đặt nơi miệng Đức Giêsu (trừ 1 lần Mc 10, 49) và ở mệnh lệnh cách. Đối tượng là những ai đang gặp khó khăn tưởng chừng khó lòng vượt qua được. Đức Giêsu ngỏ lời khích lệ, thuyết phục những người ấy là Người có đủ năng lực giải cứu trợ giúp họ (x. Mt 9, 2-22; 14,27; Mc 6,50; Ga 16,33; Cv 23,11)
*“Đừng sợ”: lời trấn an thường được đặt trên miệng Thiên Chúa hoặc một hữu thể Thần Linh muốn ngỏ lời với một phàm nhân mời chọn họ làm công cụ để thực thi một dự định nào đó của Người. Thực tại dù khó khăn, nhưng được Chúa hộ phù, tất cả sẽ đến kết quả tốt đẹp. “Đừng sợ!” Người nghe lời này chính là người được Chúa đích thân chọn cho công trình của Người (x.St 15,1; Gs 1,9; Tl 6,23…Mt 1,20; 14,27; 28, 5-10; Mc 6,50; Lc 1,13-50; 5,10…). Ở đây Đức Giêsu kêu mời các môn đệ đừng sợ sự dữ (biển, gió, sóng) ; Và chính các ông sẽ là người phải thống trị sự dữ (x. c.29)
* “Chính Thầy đây”: “Êgo êimi”:
– Trước tiên chắc hẳn là Đức Giêsu muốn sửa sai điều ngộ nhận của các tông đồ: Người không phải là ma; Người là Giêsu, vị Thầy vừa mới nhân bánh nuôi đám đông, với đầy đủ yếu tố của một người phàm.
– Tuy nhiên trong văn mạch của văn bản này, được trình bày như một cuộc thần hiện, thì từ Êgo êimi gợi lại mặc khải tên Yavê. Một lần nữa, Mátthêu đã kín đáo giới thiệu Đức Giêsu là Yavê Thiên Chúa, Người đến với môn đệ như là Thiên Chúa Yavê xưa kia đến với dân Người.
* Phản ứng của Phêrô (c.28): “Nếu là Thầy…” trong văn mạch của thể văn thần hiện, thì phản ứng xin này được coi như một lời xin Thiên Chúa cho dấu chỉ để người nghe xác tín được vào Sứ điệp vừa mới tỏ lộ là đúng Mặc khải thần linh. Phêrô xin cho ông được thông phần quyền năng của Người. Lời xin này gợi lại câu chuyện Thấy trò Êlia- Êlisa trong 2V2,9-15. Êlisa đã đã thừa kế được quyền năng của Thầy mình nhờ thủ đắc được một di vật Thầy để lại, đó là chiếc áo choàng của Êlia. Phêrô cũng đi được trên mặt biển như Đức Giêsu- Thầy ông. Nhưng ông không chiếm hữu được quyền năng qua việc làm chủ một vật dụng nào. Quyền năng ông có được là hoàn toàn tuỳ thuộc vào niềm tin của ông đối với Đức Giêsu.
Điều xin của Phêrô cho thấy từ nay xác phàm nhân loại có thể thông phần được quyền năng của Thiên Chúa nhờ Tin vào Đức Giêsu.
* “cứ đến!”: thật bất ngờ! điều tưởng chừng to lớn, ghê gớm, khó khăn lắm lại được Đức Giêsu ban một cách hết sức dễ dàng. Và lập tức Phêrô thực hiện được ngay điều huyền diệu ấy. Đức Giêsu, với tư cách là Thiên Chúa, đã ban cho Phêrô quyền chiến thắng mãnh lực sự dữ. Sự dữ lớn nhất là tội. Chỉ Thiên Chúa mới khống chế được tội và có quyền tha tội (x. Mc 2,7); Ấy vậy mà trong Matthêu, uy quyền thần linh này cũng được người ban luôn cho môn đệ (x. Mt 9,8; 16,19; 18,18).
Tuy nhiên quyền năng này chỉ được thể hiện trọn vẹn nơi người môn đệ bao lâu họ sống lời này của Đức Giêsu:
-
“cứ yên tâm”: tức là tin tưởng hoàn toàn vào Đức Giêsu…
-
“chính Thầy đây”: xác tín người là Yavê Thiên Chúa…
-
“Đừng sợ”: không hoang mang, nghi ngờ Thiên Chúa, không chùn bước trước quyền lực hung tàn của sự dữ; dám đảm nhận sứ mạng Chúa trao.
*Thấy gió thổi, ông đâm sợ, và…chìm…: tiếc thay, Phê rô chưa tin tưởng, gắn bó đủ với Đức Giêsu; thấy quyền lực sự dữ điên cuồng tấn công (gió thổi), tứ bề vây bủa…, ông mất định hướng. Sợ và thế là chìm. Thiếu niềm tin thì quyền năng thần linh Chúa thông ban cũng không có cơ sở để sinh hoa trái, cũng như tại Nagiaret chính Đức Giêsu cũng chẳng làm được gì nhiều vì dân đó thiếu tin. Ngược lại với đức tin, nhiều rào cản kiên cố từ bao đời cũng bị dẹp bỏ như trường hợp phụ nữ xứ Canaan (Mt 15, 28); với đức tin, quyền năng Thiên Chúa sẽ tỏ hiện trước thời hạn như trường hợp lời Đức Mẹ cầu xin ở tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-1); Với đức tin, người ta có thể làm được những điều tưởng chừng là không tưởng (Mt 21, 21-22: bảo dời núi, lấp sông).
*Lạy Chúa, xin cứu con: Kuriê sosôn mê,… Phêrô kêu cứu với Đức Giêsu, dưới danh xưng chỉ dành riêng cho Yavê Thiên Chúa. Thêm nữa, tiếng kêu cứu của Phêrô vọng lại nhiều lời khẩn cầu trong các Thánh Vịnh, trong đó người tín hữu xin Thiên Chúa đến giúp mình khỏi Luồng Nước đang đe dọa (Tv 69, 2-15: 144,7: Tv 18,17; 32,6; Is 43, 2-3). Vậy đây là một lời cầu nguyện nói lên niềm tin vào Đức Giêsu như là Yavê Thiên Chúa dù vẫn còn chút hoài nghi. Xem thêm CGKPV “bốn sách TM” trang 170 nốt “đ”.
* “Đức Giêsu đưa tay nắm lấy ông”: Lời kêu cứu mang nét phụng vụ của Phêrô đi kèm với thái độ đáp cứu của Đức Giêsu ở đây, gợi lên hình ảnh Yavê đáp cứu, “đưa tay kéo” người kêu cầu ra khỏi sóng nước bao la (Tv 107, 23-28); và các câu tiếp theo Tv 107, 29-30 cũng tương hợp với các chi tiết trong Mt 14,32: Chúa vừa lên thuyền thì gió lặng và sau đó là tới bờ bình an. Vậy đây là một chi tiết nữa mà Mattheu đã khéo léo sử dụng để nói Đức Giêsu là Yavê Thiên Chúa.
* “Hỡi kẻ kém lòng tin…”: “Ôligôpistê” đây là thuật ngữ riêng của Mt (x. 6, 30; 8, 26; 14,31; 16,8). Nó biểu lộ một đức tin không có hành động tương ứng nhất là trong những lúc thử thách cam go: “khi theo Đức Giêsu, các môn đệ đã tin, nhưng điều còn lại đối với họ là phải sống đức tin này; Thái độ của họ (trong 8, 25-27) giúp nhận ra được điều này: hành động của họ chưa tương ứng với điều mà họ tuyên xưng. Một khó khăn xảy tới, họ tỏ lộ ra sự thiếu tin tưởng” (x. Xavier Léon – Dufour). Trong trường hợp bản văn trong chúng ta đang khảo sát, Phêrô phải có chút tin tưởng nào đó vào Đức Giêsu thì ông mới dám làm hành động liều lĩnh là ở giữa sóng gió to, mà dám bỏ thuyền, nhảy xuống nước để đi đến với Đức Giêsu. Tuy nhiên đức tin này chưa thật vững mạnh, nó còn chút hoài nghi nào đó nên chưa đủ sức để đương đầu với gió to, sóng dữ. Ông đã chìm! Và Chúa mắng ông là “kẻ yếu tin”.
Tin là nhảy xuống nước để đi gặp Đức Giêsu – Nếu lúc ấy ta sợ, nghi ngờ thì ta lại rơi vào tình thế nguy hiểm hơn là lúc ta bằng lòng ở lại trên thuyền với người khác (điều này không hàm ý bảo ta ù lì dậm chân tại chỗ trong đức tin, phải can đảm từ bỏ cái an toàn giả tạo nhất thời để dám mạo hiểm đến với Đức Giêsu hầu có được sự an toàn đích thực, vững bền). Một khi đã liều thì phải liều cho đến cùng (x. Lc 9, 62), nếu không, nỗi sợ hãi sẽ nhấn chìm chúng ta. Tuy nhiên dù bấy giờ sợ hãi, dù không còn sức tin tưởng trước cơn bão hoài nghi và chướng ngại, ta vẫn còn có thể kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con”; và Người sẽ không bỏ lỡ cơ hội để lặp lại với ta “cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” và đưa tay đỡ nâng ta.
* “Khi Thầy trò lên thuyền thì gió lặng ngay”: Chỉ cần có Chúa hiện diện là sóng gió lặng im. Thế lực sự dữ: Biển, gió, vẫn còn đó, nhưng không phát huy được hiệu lực tác hại đe dọa của chúng nữa. Thực tế là Chúa luôn hiện diện, nhưng vấn đề là chúng ta có đặt Đức Giê-su ở trọng tâm đời mình một cách đích thực và sinh động hay không. Nếu có, chúng ta sẽ được bình an nội tâm, dù bên ngoài phải tứ bề sóng gió.
* “ Những kẻ ở trong thuyền…” bản văn không nói “các môn đệ” mà dùng cụm từ mang tính Giáo Hội học, nói lên tương quan giữa môn đệ với con thuyền: “ những kẻ ở trong thuyền”. Ý nghĩa cụm từ này rộng hơn nhóm 12 và ám chỉ toàn thể tín hữu mọi thời, còn “con thuyền” là ám chỉ Giáo Hội.
* “Bái lạy Người”: Phối hợp với lời tuyên xưng đi sau, đây là hành động phụng tự bái thờ Thiên Chúa. Con người Giê-su chính là Thiên Chúa.
* Quả thật Thầy là con Thiên Chúa: Trước khi Đức Giê-su Phục Sinh, lời tuyên xưng này chắc chắn là chưa đạt tới tầm mức, ý nghĩa trọn vẹn của nó. Lúc ấy Phêrô chưa thể biết được hệ tử hệ thần linh của Đức Giê-su, “Con Thiên Chúa” chỉ mới nói lên Đức Giê-su là Mêsia. Tuy nhiên với tất cả những gì chúng ta trình bày ở phần suy niệm, với những hậu ý của Matthêu khi viết văn bản này cho cộng đoàn của ông. Sau khi Đức Giê-su Phục Sinh – thì lời tuyên xưng này phải được hiểu trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của nó. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa.
* TÓM KẾT: Ở đây, Matthêu trình bày một cuộc thần hiện dành riêng cho “Những kẻ ở trong thuyền”, nghĩa là Giáo Hội của Đấng Phục Sinh: trong Đức Giê-su, chính Thiên Chúa cứu thế của thời Xuất Hành tiếp tục đi đến giải thoát Israel mới khỏi những luồng nước khủng khiếp luôn rình chực nuốt lấy họ, cản trở con đường nhập thế, nhập thể mà Chúa của họ đã khởi đầu. Sự hiện diện đáp cứu này của Người giữa cơn bão táp là nền tảng niềm tin của các tín hữu và cho phép họ vững lòng tuyên xưng “ Ngài thật là Con Thiên Chúa”.
Sứ điệp trọng tâm của 2 bài đọc: Chúa đến đáp cứu con người (ở đây là những người Chúa chọn) đang trong cơn khủng hoảng. Việc Chúa đến được trình bày qua hai cuộc thần hiện (cho Elia ở bài đọc 1 và cho các tông đồ ở Tin Mừng). Nhưng đó là những cuộc thần hiện dịu êm. Những nét uy nghiêm đáng sợ biểu lộ qua các hiện tượng thiên nhiên cuồng nộ đi trước chỉ là cái phông đen để làm nổi bật sự bình an, êm dịu khi có Chúa hiện diện; và Chúa mời con người ra gặp Chúa, đến với Chúa, phó thác, đón nhận sự hồi phục từ Thiên Chúa và tiếp tục sứ mạng.
Frère Pierre Đình Long FSC