Mt 14,22-33
Đoạn Tin Mừng chúa nhật 19 Thường Niên hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia. Rồi, sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. (Mt 14,22-23). Sao Chúa lại cư xử lạ vậy?
Để hiểu được việc này ta phải trở lại bối cảnh của tin mừng Matthêu đoạn 14. Sau khi Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 10.000 người ăn no, dân chúng phấn khởi tột độ. Mác cô và Matthêu không nói rõ, nhưng tin mừng Gioan thì khẳng định: Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt đi lên núi một mình.( Ga 6,15).
Dân Do Thái và cả các tông đồ cũng đều mong đợi Chúa Giêsu, Đấng Mêsia sẽ giải thoát dân khỏi ách nô lệ, khỏi đô hộ của người Roma. Cám dỗ thực hiện cứu độ không qua khổ nạn Thập Giá, mà bằng vinh quang trần gian, đã đeo đuổi Chúa Giêsu ngay từ khi Ngài ăn chay trong sa mạc. (Mt 4,1-10).Các tông đồ, đặc biệt là Phêrô, cũng tham gia vào cám dỗ này, khi ngăn cản Thầy đi chịu chết.(Mt 16,22). Nhất là trong vườn cây dầu.(Mt 26,39). Cám dỗ này còn đeo bám Chúa trong giây phút hấp hối, qua lời các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. (Mt 27,42). Chúa lên núi cầu nguyện một mình là để tránh cám dỗ cho dân và cũng để tránh cho chính Ngài.
Chiều đến, thuyền của các tông đồ bị sóng đánh vì ngược gió. Mãi canh tư, tức gần sáng, Chúa mới đi trên mặt biển mà đến với các ông.
Chuyện này gợi ta nhớ lại hai sự việc trong Cựu Ước:Thiên chúa tỏ uy quyền trên hỗn mang nguyên thủy để tạo dựng trời đất và khống chế Biển Đỏ, để giải thoát Dân Người. Nhiều bản văn khác cũng diễn tả quyền năng Thiên Chúa trên biển cả:
Duy mình Người trải rộng các tầng trời,
Đạp lên trên ba đào biển cả. (G 9,8).
Duy mình Ta rảo bước khắp vực sâu thăm thẳm,
Trên sóng biển , trên toàn cõi đất. (Hc 24,5-6)
Chúa Giêsu đi trên mặt biển chứng tỏ ngài làm được điều chỉ Thiên Chúa mới làm được. Ngài là Thiên Chúa toàn năng. Việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển, cùng với việc Chúa hóa bánh ra nhiều, chứng tỏ rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Ngài có quyền hành trên tất cả mọi sức mạnh tự nhiên và siêu nhiên.
Đi trên mặt nước và làm cho sóng gió im lặng, Chúa Giêsu muốn làm cho các tông đồ vững tin và cậy trông ở Chúa. Đang lúc các ông vật lộn với sóng gió, Chúa Giêsu hiện đến để giúp đỡ các ông. Lúc đầu các ông không nhận ra Chúa, nhưng Chúa đã trấn an: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ. Mt 14, 27).
Trong Cựu Ước, rất nhiều lần Thiên Chúa đã tự giới thiệu Mình:Ta là Thiên Chúa… (St 17, 1; St 26, 24; Xh 3, 6. 14).
Nhiều lần Thiên Chúa ngỏ lời với các tổ phụ: “Đừng sợ, Ta là…” (St 15,1; St 46,3; Is 41,10.13; Is 43,1).
Đang khi các môn đệ gặp bão táp, sóng gió, thì Chúa xuất hiện để cứu giúp họ. Trong khoảnh khắc mọi sự đều thay đổi, vì có Chúa. Ở đâu có Chúa là có bình an. Có Chúa là có thành công.
Nghe được tiếng Chúa, thấy Chúa đi trên nước, Phêrô cũng hí hửng xin Chúa cho được đi đến với Ngài. Chúa chấp nhận lời xin của ông, nhưng chẳng mấy chốc, thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với”(Mt 14,30).
Cũng như lần các tông đồ đi biển, gặp bão mà Chúa cứ ngủ yên trên thuyền:“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!”.(Mt 8, 25), tiếng kêu của Phêrô vọng lại lời cầu khẩn trong nhiều Thánh Vịnh:
Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ…
Xin Ngài kéo con lên cho khỏi lún xuống chỗ sình lầy,
cho con thoát tay thù, thoát dòng nước thẳm.(Tv 69,2.15).
Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy,
vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông.. (Tv 18,17).
Đây là một lời cầu nguyện tha thiết, tin tưởng vào Chúa Giêsu.
Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông…(Mt 14,31).
Bàn tay Chúa đã chữa bao bệnh tật, phung cùi (Lc 4, 40), đã chữa người băng huyết (Mt 9,20), cho người mù sáng mắt (Mt 9,29), cho bé gái hồi sinh (Mt 9,25), nhất là cho Lazarô sống lại, bốn ngày sau khi an táng. (Ga 11).
Chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phêrô, đang chới với giữa sóng biển, giúp ông khỏi bị chìm và đưa ông vào trong thuyền bình an. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói:” Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa” (Mt 14,32).
Chúa vẫn đưa tay ra, sẵn sàng nắm lấy tay chúng ta, nhưng chúng ta có nắm tay Chúa không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra bàn tay quyền năng và yêu thương của Chúa, xin cho chúng con luôn bám chặt vào bàn tay Chúa, để chúng con được chở che và cứu độ.
Xin cho chúng con trở nên bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra giúp đỡ những bàn tay khác.
Nguyễn Đức Lân