CHÚA NHẬT XXIII A THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Ed 33,7-9; Mt 18,15-20
Chủ đề: Đòi buộc của đức ái Kitô giáo:
nói cho tội nhân biết sai phạm của họ, giúp họ sửa lỗi.

* Ed 33,7: Ta đặt người làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.
* Mt 18,15: Nếu anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XXIII A Mùa Thường Niên đề cập đến một bổn phận BUỘC trong đời sống đức tin kitô giáo; Nhưng trong thực tế, nhiều tín hữu không quan tâm, thậm chí không hề biết có bổn phận buộc này, vì họ cho rằng hồn ai nấy giữ. Đó là bổn phận phải giúp tha nhân nhận ra sai lỗi của họ, đồng thời giúp họ chỉnh sửa. Người kitô hữu không được phép chỉ lo tìm sống an thân, cố né tránh phạm tội trọng để được lên thiên đàng là đủ rồi, còn tha nhân ra sao thì mặc. KHÔNG! Không được sống như thế! Đối với ai tin vào Đức Giêsu thì việc sửa lỗi cho anh em là một trách nhiệm buộc của đức bác ái kitô giáo.

          Lời Chúa còn nhấn mạnh và cảnh báo rằng số phận của tội nhân cũng sẽ là một yếu tố để phán xét các kitô hữu sống chung quanh tội nhân ấy, nếu cứ thờ ơ để mặc tội nhân ở lì trong lầm lạc của đương sự. Bời vì hậu quả của tội là cái chết, chết cả xác lẫn hồn; Mà Chúa thì muốn cứu sống tội nhân, cho nên những ai đã là môn đệ Chúa thì phải cộng tác với Người trong việc cứu vớt kẻ lầm lạc. Do đó, việc sửa lỗi cho tha nhân là BỔN PHẬN BUỘC đối với những ai tin vào Thiên Chúa, những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu.

          Chúa đã dựng nên con người là cộng đoàn, là “xương thịt” của nhau và cũng là “hình ảnh của chính Chúa” thì việc con người phải liên đới với nhau, giúp nhau vượt qua các sai lầm, chiến đấu để dần dần nên hoàn thiện theo ý Chúa, đó là điều mà tín hữu không được tránh né. Nhất là khi Đức Giêsu đã đến đồng hành, thúc đẩy, trợ lực chúng ta.

          Bài đọc một là lệnh truyền của Thiên Chúa cho ngôn sứ Êdêkien. Lệnh này là một minh họa rõ nét cho chủ để phải chỉnh sửa lỗi lầm cho người đồng loại, cho dù kẻ đó là “tên gian ác”. Vì Chúa là Tình Yêu, nên Người cũng muốn tên gian ác hoán cải và được cứu.

          Bài đọc một mở đầu bằng lời Thiên Chúa nhắc nhở ngôn sứ Êdêkien rằng chính Chúa đã chọn ông làm “NGƯỜI CANH GÁC cho nhà Israel”, nghĩa là phải luôn tỉnh thức, cảnh cáo dân kịp thời không được bê trễ, trốn chạy trách nhiệm kiểu Giona.Và bổn phận ngôn sứ sẽ phải làm là:

  • Trước nhất là phải “nghe lời từ miệng Chúa phán”: để chỉnh sửa tha nhân được tốt, điều tiên quyết là LẮNG NGHE Ý CHÚA, vì không phải ta sửa lỗi tha nhân mà là Thiên Chúa chỉnh sửa qua ta.

  • Tiếp đến là “thay Chúa báo lại cho chúng biết” cách trung thực.

  • Nội dung cụ thể phải công bố trong bài đọc một là Thiên Chúa muốn ngôn sứ báo cho kẻ gian ác biết “chắc chắn hắn phải chết”.

Phần hai của bài một là lời Chúa nghiêm huấn ngôn sứ: Ngôn sứ buộc phải nói trung thực Lời Chúa cho tên gian ác; bằng không thì hắn sẽ phải chết vì tội và vì không hoán cải, nhưng ngôn sứ cũng sẽ bị Chúa “đòi đền nợ máu” cho cái chết của kẻ ác do sự vô trách nhiệm của ngôn sứ. Còn nếu ngôn sứ làm tròn phận vụ thì sẽ vô can, được Chúa ân thưởng.

          Trong Tin Mừng, Matthêu cũng đề cập đến chủ đề phải sửa lỗi cho anh em. Bài một nhấn mạnh đến TRÁCH NHIỆM của người được Chúa sai đi; Còn Tin Mừng nhấn tới cách thức, diễn tiến phải làm khi sửa lỗi cho anh em.Phải tôn trọng tội nhân và sửa sai từng bước một:

  • Bước 1: môn đệ Chúa đích thân tới, đi bước trước gặp tội nhân. Điều lời Chúa nhấn mạnh là CÁCH ĐỐI XỬ: như anh em, với MỤC ĐÍCH: “chinh phục được một người anh em”. Không ứng xử như một quan toàn đối với tội nhân.

  • Bước 2: nếu bước một thất bại: nại đến một số ít chứng nhân đúng theo tinh thần Luật: chứng của hai người là có giá trị (Đnl 19,15); Vẫn hi vọng giải quyết được vấn đề kín đáo ngang qua lý lẽ, thuyết phục trong tình thân huynh đệ.

  • Bước 3 mới dùng đến kỹ luật: đưa ra trước Hội Thánh. Hội Thánh ở đây phải hiểu là các đấng lãnh đạo cộng đoàn. Và nếu cũng thất bại thì PHẢI công bố y không còn hiệp thông với cộng đoàn nhằm ngăn chận điều xấu lây lan gây hại cho những “kẻ bé mọn” (x.Mt 18,5-11).

  • Bước 4 là cầu nguyện, phó thác người ấy cho Thiên Chúa trong đồng lòng nhất trí cầu xin trong tín thác vào lời Chúa hứa: xin gì Chúa cũng cho. Việc hoán cải một tội nhân vượt tầm tay nhân loại. Đó là công trình của Thánh Linh.

Xin cho mỗi tín hữu xác tín rằng mình phải có trách nhiệm về đời sống đức tin của anh em mình, sửa lỗi nhau hết tình đồng thời phó thác tất cả cho Thiên Chúa trong tín thác chính Thiên Chúa hoàn thành lệnh “sửa lỗi cho nhau” nơi, và qua mỗi  người Kitô hữu chúng ta.

Bài 2

Ed 33, 7-9
Mt 18, 15-20

Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em (Mt 18, 15).

Lời Chúa  của Chúa Nhật 23A MTN tiếp tục chủ đề: vác thập giá mình đi theo Đức Giêsu. Cụ thể, Thập Giá được Chúa Nhật 23A đề cập đến chính là phải giúp anh em mình chỉnh sửa các lỗi lầm của họ. Tuần trước 22A, vác Thập Giá là bỏ ý riêng, tư tưởng cá nhân để làm theo ý Chúa, đường lối của Thiên Chúa. Tuần này 23A, Ý Chúa được bày tỏ rõ hơn: PHẢI SỬA LỖI CHO ANH EM.

Khi nhận thấy anh em, dân mình đang ở trong tình trạng sai lỗi và nhất là khi có nguy cơ bị hư mất, thì người môn đệ của Đức Giêsu, người được Thiên Chúa chọn phải tìm đủ mọi cách giúp tội nhân  tỉnh thức, giúp họ nhận ra ý Thiên Chúa trên đời họ, giúp họ hoán cải hầu tránh được tai hoạ và trở về sống lại trong ân tình với Thiên Chúa.

Việc sửa lỗi rất đa dạng. Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh vài chi tiết:

* Tư cách khi sửa lỗi anh em:

– Trong tương quan với Thiên Chúa: mình không phải là chuẩn mực, không tuỳ tiện xét đoán tha nhân theo suy nghĩ, tư tưởng riêng của mình. Mình sửa lỗi cho anh em trong tư cách “người được Chúa sai đi” để “làm công việc của Chúa”. Dù Luật Chúa công minh, nhưng sửa lỗi là để THỨ THA, CHỮA LÀNH, CỨU SỐNG, HIỆP NHẤT chứ không để kết án, huỷ diệt.

– Trong tương quan với tha nhân: mình sửa lỗi tha nhân trong tư cách là ANH EM với nhau. Sửa lỗi để giúp dân quay về với Chúa (bài 1); là để có lại được người ANH EM. Sửa lỗi anh em trong tư cách mình là “người lính canh” được Thiên Chúa sai đến bảo vệ anh em, và nhất là liên đới số phận của mình với số phận của tội nhân (bài 1) để đích cuối cùng là có được NGƯỜI ANH EM (Tin Mừng).

* Phương thức sửa lỗi:

– Thông đạt đến cho tội nhân Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA đối với họ bằng cách nói lại cho họ biết những gì mình đã nghe được từ Thiên Chúa. Điều quan trọng là THÔNG ĐẠT TRUNG THỰC ý định của Thiên Chúa đối với tội nhân và cố gắng giúp họ đón nhận Thiên ý đó. Phần còn lại là của họ, còn phán quyết là của Thiên Chúa (bài 1).

– Tôn trọng tội nhân, kiên trì sửa dạy, gìn giữ bảo toàn danh dự, phẩm giá tội nhân. Đừng quên tội nhân là thành viên của cộng đoàn, do đó phải phối hợp cộng đoàn để giúp tội nhân hoán cải (Tin Mừng). Tuy nhiên, cũng phải đề phòng lòng chai cứng của tội nhân và có biện pháp để giữ gìn các thành viên tốt của cộng đoàn không bị sa ngã vì gương xấu.

Và việc làm, cách làm tuyệt vời nhất để giúp tội nhân hoán cải là CỘNG ĐOÀN HIỆP NHAU CẦU NGUYỆN (18, 19-20). Chính sự hiện diện của Đức Giêsu giữa cộng đoàn là tác nhân hoán cải và hiệp nhất. Hoán cải tội nhân là công trình của Thiên Chúa, các môn đệ là máng chuyển ơn, là cánh tay nối dài của Thiên Chúa.

* Cùng đích của việc giúp sửa lỗi:

– giải cứu tội nhân lẫn người sửa lỗi tha nhân khỏi cái chết do tội và hậu quả gây ra (bài 1).

– để tất cả nối kết lại tình huynh đệ: có lại được người anh em (Tin Mừng).

Như vậy, việc giúp tha nhân nhận ra được sai lỗi của mình và thực tâm hối cải cũng là một Thập Giá của Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ của Người. Thật vậy, Đức Giêsu đã đi bước trước qua công trình nhập thể, xuống trần mang lấy phận phàm nhân, đảm nhận mọi bất công, thiệt thòi, kể cả phải hy sinh mạng sống để giúp cho nhân loại tỉnh ngộ, ý thức nhận ra tội lỗi của mình và hoán cải. Môn đệ của Đức Giêsu cũng phải đi theo con đường đó để công trình của Cha được hoàn tất.

* Giúp tha nhân hoán cải chính là “ vác Thập Giá mình theo Đức Giêsu”.

Thật vậy, vì theo suy nghĩ bình thường của phàm nhân tội lỗi thì ai cũng muốn 2 chữ “ bình an”, tội gì phải dây dưa vào chuyện của người khác cho mệt thân, sợ đụng chạm, sợ mất lòng…và nhiều lý do khác đã khiến cho việc giúp tha nhân nhận lỗi quả là một thách đố vì khi “chạm nọc” kẻ khác sẽ dễ bị thiệt thân. Thế nên những suy tư “dĩ hoà vi quý”, “nước sông không đụng đến nước giếng”, “người ta không đụng đến mình thì mình cũng đừng đụng chạm đến người ta”…được nhiều người trân trọng. Các suy tư đó không sai, vẫn là kinh nghiệm của “túi khôn nhân loại”. Nhưng đối với các môn đệ chân chính của Đức Giêsu thì như thế là chưa đủ. Lý tưởng của các Kitô hữu không dừng lại ở mức “tìm an toàn cho bản thân”, “tìm lên thiên đàng một mình” mà còn phải quan tâm đến ơn cứu độ của tha nhân, của tất cả mọi người; Và nhất là góp phần tích cực vào việc hoàn tất dự tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ (1Tm 2, 4).

Do đó, việc giúp tha nhân nhận ra lỗi lầm và tu sửa là bổn phận BUỘC đối với người môn đệ của Đức Giêsu. Và bài 1 còn nhấn mạnh: số phận của người môn đệ tuỳ thuộc vào việc hoàn tất (hay không hoàn tất) bổn phận BUỘC này.

* Sửa lỗi tha nhân: củng cố Nhiệm Thể Chúa Kitô:

Nếu chỉ xét dưới tầm nhìn phàm nhân thuần tuý và của từng cá nhân riêng rẽ không liên hệ gì với nhau thì những đòi buộc của Lời Chúa hôm nay có vẻ bất hợp lý và nhất là coi đó như bổn phận, trách nhiệm buộc thì thật là quá đáng. “Chĩa mỏ” vào việc riêng tư của kẻ khác là chuyện cấm kỵ…

Tuy nhiên, trong tầm nhìn Kitô giáo, trong Đức Kitô, tất cả nhân loại là NHIỆM THỂ ĐỨC KITÔ, thì quả thật, tất cả mọi thành phần trong thân thể đều liên đới hữu cơ mật thiết với nhau: mọi tác động vào bất kì một thành phần nào trong thân thể đều ảnh hưởng đến toàn thân; Một chi thể bị tổn thương thì toàn thân phải dốc sức vào để chữa lành phần bị đau yếu đó. Và đó là điều BUỘC nếu không muốn vết thương bị lan rộng và huỷ hoại toàn thân.

Như vậy, lệnh truyền buộc phải sửa lỗi cho nhau vượt xa tầm mức luân lý giữa nhữung cá nhân riêng rẽ nhau, nhưng đó là phương thức Đức Giêsu mang đến để hồi phục và hoàn thiện sức sống của toàn NHIỆM THỂ Chúa Kitô.

BÀI ĐỌC I: Ed 33, 7-9

Êdêkien là một tư tế, ông bị Nabucodonoso bắt dày qua Babylon vào năm 597 cùng với vua Do Thái Giogiakim. Tại đất lưu đày ông được Chúa kêu gọi làm ngôn sứ vào năm 593 (x.Ed 1, 2-3; 3,11). Trước khi lui quân vua Babylon đặt ông Mattangia là chú của Giohogikim làm vua, và đổi tên thành Xitkigiahu (2V24, 17). Nhà Đavit vẫn còn người kế vị ngai vàng, Đến Thờ vẫn còn tồn tại.

          Tiếc thay dân Chúa vẫn cứng lòng không chịu hoán cải: họ vẫn còn sống trong suy nghĩ lầm lạc là Chúa phải bảo vệ thánh thánh Giêrusalem bằng mọi giá vì đó là nơi Chúa ngự và họ không chịu hoán cải. Họ nói rằng chắc chắn Chúa phải đưa nhớm lưu đày năm 597 trở về hồi hương. Hai ngôn sứ Giêrêmia (ở Giêrusalem) và Edekien (ở Babylon) đã bác bỏ suy nghĩ sai lầm ấy và nỗ lực kêu mời dân lo sám hối. Hai vị loan báo tai họa sẽ ụp xuống dân.

          Phần mình, Edekien loan báo ý định của Thiên Chúa không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng cả cuộc sống ông với những hành vi bất hạnh mang tính biểu tượng báo trước số phận tối tăm của dân:

  • Ông phải nằm liệt giường (Ed 3, 24b; 4, 4-8)

  • Phải câm trong một thời gian (Ed 3,26-27) cho tới khi Lời Chúa được ứng nghiệm (Ed 24, 27; 33, 21-22)

  • Rồi vợ chết, ông không được than khóc (Ed 24, 15-24)

Như vậy vì lợi ích của dân, một dân cứng đầu cứng cổ mà Edekien phải lao đao, chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng ông vẫn trung tín loan báo Lời Chúa.

Bài đọc 1 có lẽ là một trong những mệnh lệnh Chúa truyền cho Edekiel sau khi Giêrusa lem sụp đổ nhằm nhắc nhở Edekiel bằng mọi giá, dù thua thiệt đến đâu cũng phải hoàn thành sứ mạng loan báo Lời Chúa cho dân: Chính vì tội của họ mà họ bị phạt (33,20b), chứ không phải bị hậu qủa do tội lỗi cha ông (x.18, 1-4) cảnh báo họ (33, 1-9) muốn tránh tai họa thì phải lo hoán cải, hoặc giả đang bị tai họa thì cũng đừng thất vọng nhưng hãy tin vào tình yêu luôn sẵn sàng tha thứ của Thiên Chúa cũng sẽ được Chúa đoái thương hồi phục (x. 33, 10-20). Tiếc thay dân vẫn không nghe nên hiệu quả tiêu cực đã xảy ra (x. 33, 21-22). Nhưng rồi một khi tai họa đã xảy ra, Thiên Chúa lại đổi cách cư xử, trở thành người an ủi, nâng đỡ, gây lại niềm hy vọng cho dân, giúp họ sống niềm cậy trông chờ ngày Chúa can thiệp giải cứu.

Bài đọc 1 trích lời Thiên Chúa, phần chót, ngỏ cùng ngôn sứ nói về trách nhiệm phải can đảm đánh thức lương tri dân Chúa. Đó là điều mà Chúa mong đợi nơi ngôn sứ, nơi người được gọi.

CẤU TRÚC Ed 33, 7-9

  1. Sứ mạng được trao ban cho ngôn sứ (c.7)

  • Tước hiệu Chúa gọi ngôn sứ khi trao sứ mạng: Con người

  • Công việc: làm người canh gác cho nhà Israel (7a)

  • Cách thể hiện: như một ngôn sứ

  • nhận lệnh từ Thiên Chúa – thay mặt Chúa nói lại cho dân

  1. Số phận của ngôn sứ trước Thiên Chúa trong tương quan với sứ vụ (cc. 8-9)

  • theo lẽ thường, kẻ ác phạm tội thì nó sẽ phải chết (c.8a)

  • Nhưng Thiên Chúa lại muốn cứu kẻ ác khỏi chết, nên sai ngôn sứ đi cảnh báo kẻ ác

  • 2 tình huống có thể xảy ra nơi ngôn sứ:

  • tiêu cực: ngôn sứ không cảnh báo cho kẻ ác

Hậu quả là kẻ ác chết vì tội nó, còn ngôn sứ vô trách nhiệm sẽ bị Chúa đòi nợ máu (c.8b)

  • tích cực: ngôn sứ cảnh báo kẻ ác, nhưng nó không hoán cải.

Hậu quả kẻ ác chết vì tội nó, còn ngôn sứ sống, vì hoàn tất sứ  vụ (c.9)

SUY NIỆM

  1. Sứ mạng được trao ban cho ngôn sứ (c.7)

         “Hỡi con người”: cách diễn tả rất thường gặp trong Edekiel (80 lần trong cả sách, 6 lần trong 33,2.7.10.12.23.30). Thời này chưa thể hiểu theo nghĩa Đn 7,13. Nó diễn tả sự bé bỏng, mọn hèn của con người trước Thiên Chúa, trước sứ mạng được Chúa trao ban. Chính trong sự yếu đuối ấy mà Chúa chọn ngôn sứ và sai đi (x. 2,1.3). Điều này nhắc nhở cho Êdêkien rằng: tự sức mình ông không làm gì được, tuy nhiên nhờ YAVÊ, ông trở nên mạnh mẽ đủ sức hoàn thành công việc Chúa trao phó. Vậy cụm từ diễn tả thực tại này là quyền năng Thiên Chúa lại được biểu lộ trong thân phận bé nhỏ của con người, Thiên Chúa đã dùng phận người bé nhỏ để thực thi ơn cứu độ. Chúa bá trước ở đây và sẽ hoàn tất ơn cứu độ trong CON NGƯỜI Giêsu thập giá.

        “Người canh gác”: Palestin là vùng đất hẹp nằm giữa hoang mạc phía đông và biển ở phía tây, thường bị bọn cướp biển, các toán du mục tràn vào cướp phá; thêm nữa vị trí huyết mạch nằm trên trục giao lộ đông tây, nam bắc gây sự thèm muốn cho các đế quốc chung quanh. Do đó cư dân các thành thị Palestin thường đặt các người canh gác trên các nơi cao gần làng. Họ phải luôn tỉnh thức quan sát để khi phát hiện làng có nguy cơ bị tấn công thì báo động để dân thành kịp thời có cách đối phó thích hợp. Và khi hiểm nguy qua rồi, thì họ cũng phải báo cho dân thành biết để trở lại với nhịp sống bình thường.

         Sứ mạng của Êdêkien là “người canh gác cho nhà Israel”, nhưng không tách rời khỏi dân để ở trên một nơi cao, mà là ở giữa dân. Nỗi khổ của Êdêkien là không phải dân đã cắt đặt ông vào chức vụ người canh gác, trái lại họ đòi ông phải liên tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo Israel cho dù nghịch nhĩ họ.

         Điều khó khăn nữa cho Êdêkien là sứ mạng của ông mang tính lưỡng diện tùy theo tình trạng cụ thể của Israel: lúc đầu là báo họa đánh tan ảo tưởng Thành Thánh sẽ vĩnh tồn; nhưng khi Giêrusalem đẫ sụp đổ rồi thì lại phải đổi giọng tìm lời an ủi, vực dân chỗi dậy, không được thất vọng buông xuôi. Nói cách khác, trong mọi tình huống ông đều có sứ vụ cảnh báo giúp dân sống sao cho xứng với hồng ân là dân của Chúa, cho dù điều ông nói ra có làm phật ý dân đến đâu đi nữa.

  1. Số phận của ngôn sứ trước Thiên Chúa trong tương quan với sứ vụ (cc.8-9)

         Số phận ngôn sứ tùy thuộc vào việc ngôn sứ liên đới với dân: ngôn sứ là người được Chúa ban ơn nhận ra ý Chúa trong biến cố cuộc sống, đọc ra được sứ điệp của Người trong các dấu chỉ thời đại vì lợi ích cứu độ của dân. Mặc dù ngôn sứ vẫn có tự do chọn lựa, các câu 8-9 cho thấy Chúa như ép ngôn sứ không nên khước từ sứ mạng; và lý do Chúa đưa ra để ép ngôn sứ là vì lợi ích của chính ngôn sứ: cho dù cuối cùng ra dân vẫn cứng lòng đi nữa, dân vẫn phải chết vì tội của chúng thì ngôn sứ vẫn được Thiên Chúa bảo vệ. Và trong lịch sử cứu độ, ta thấy rằng việc cứu ấy không chỉ nhằm lợi ích một cá nhân riêng rẽ; nhưng qua cá nhân ấy Chúa tái thiết, Chúa tiếp tục công trình của Người. Nói theo kiểu Kinh Thánh, ngôn sứ là thành phần cốt lõi của “số sót lại”.

       Ơn gọi, sứ mạng của ngôn sứ (cũng như của tất cả những ai được Chúa chọn) đều là cho Dân, vì Dân, vì ơn cứu độ phổ quát. Chính khi ngôn sứ trung thành với sứ mạng này (liên đới với Dân bất chấp hạnh kiểm của họ, cho dù họ đáng và đang bị tiêu diệt) thì ngôn sứ cứu được mình và đang cộng tác tích cực với Chúa trong công trình phục hồi, tái thiết của Thiên Chúa.

       TÓM: bài đọc nhấn mạnh đến nghĩa vụ phải sửa sai dân Chúa của ngôn sứ. Trong cụ thể, sứ mạng của Êdêkien (và cả Giêrêmia) là đánh tan ảo tưởng của Israel về sự trường tồn của Giêrusalem và đền thờ vật chất. Điều quan trọng không phải là bám vào đền thờ mà là sám hối, thay đổi não trạng, lối sống hầu mong được Chúa thứ tha. Mở rộng ra cho mọi thời thì đây là sứ mạng của những ai được Thiên Chúa mời chọn làm tiếng lương tâm của nhân loại, làm người trung thần dám can gián những quyết định sai lầm của một triều đình thối nát. Chính khi tưởng chừng như “con én không thể làm nên mùa xuân”, thì với “con én trung thành” ấy Thiên Chúa đã tái thiết. Việc trung thành lẻ loi của ngôn sứ là bước đầu của “nhánh nhỏ Giêsê” thay thế cho thân cây Israel mục nát. Trong khi liên đới với dân tội lỗi,bằng sự trung tín với  sứ vụ canh gác của mình, Ngôn Sứ chờ đợi và góp phần xây dựng cộng đoàn thời Mêsia.

3/ TÓM KẾT

     Gồm 2 ý:

      -Sứ mạng trung gian của Ngôn Sứ giữa Thiên Chúa và dân ,đây là sứ mạng buộc bằng mọi giá ,Ngôn Sứ phải cho dân tội lỗi nhận ra sai phạm của dân và biết ý định của Thiên Chúa đối với họ bất chấp thái độ đáp trả của họ là gì ,trong niềm hy vọng họ sẽ hoán cải và được cứu độ .

-Thái độ đáp trả của Ngôn Sứ trước sứ mạng sẽ quyết định số phận của Ngôn Sứ.

Việc sửa lỗi cho anh em,giúp người lạc bước biết đường trở về luôn là bổn phận buộc đối với người theo Chúa .Chúa gọi một người nào là vì lợi ích cộng đoàn,

do đó người được chọn phải gắn liền số phận của mình với cộng đoàn dân Chúa chứ không chỉ lo an ổn phần cá nhân mình

TIN MỪNG: Mt 18,15- 20

Sau bài giảng bằng dụ ngôn hé mở về mầu nhiệm Nước Trời tại thế, và trước những phản ứng tiêu cực của người Do thái từ dân chúng cho đến các thủ lãnh cả về đạo lẫn đời, Đức Giêsu đã thu hẹp dần tầm hoạt động của Người vào nhóm các môn đệ thân tín của Người. Người tách ròi các ông ra khỏi môi trường Do thái, lẫn các tham vọng tục hoá đấng Mêsia của họ, để rồi Đức Giêsu tỏ mình ra cho họ Người là “Con Người”, là “Mêsia”, là “Con Thiên Chúa hằng sống”; và điều lạ lùng vượt mọi trí tưởng nhân loại là phương tiện mà Chúa dùng để hiển lộ căn tính thần linh lại là con đường làm con người cho đến cùng trên thập giá, để rồi chính Thiên Chúa sẽ siêu tôn Người…

Mặc khải ấy làm cho các môn đệ vấp phạm (x.Mt 16, 22-23). Đức Giêsu cố gắng cũng cố đức tin các ông (17, 1-8), nhưng vẫn không thay đổi lập trường Thập Giá: Người tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai (17, 22-23). Thế nhưng bao cố gắng của Đức Giêsu đối vói các môn đệ dường như “nước đổ đầu vịt”. Mặc khải Thập Giá như đám mây đến thoáng qua giữa trưa hè. Trong đầu nhóm môn đệ vẫn còn đầy những tranh giành địa vị hơn thua: Sau lần thứ hai mặc khải về Thập Giá, cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại Nhóm Mười Hai tranh nhau xem “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18, 1b; Mc 9,34; Lc 9, 46). Riêng theo Tin Mừng Matthêu (18, 1a) các môn đệ còn đem vấn đề này ra hỏi thẳng Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã chộp ngay câu hỏi này để đưa các môn đệ đi sâu hơn vào mầu nhiệm Nước Trời tại thế: đó là bài giảng thứ tư trong Matthêu: “Diễn từ về đời sống Giáo Hội” (Mt 18). Môn đẹ vẫn là thành viên của nhân loại, do đó họ cũng phải chịu những tác động của các cơ chế trần gian (x. Mt 17, 24- 27). Tuy nhiên, giữa chợ đời như thế,  người môn đệ không để mình bị lôi cuốn theo thói đời. Cách họ ứng xử với nhau và với tha nhân phải được hướng dẫn theo một chuẩn mực khác. Đó là những gì mà Chúa Giêsu dạy cho môn đệ trong chương 18 này để sống cho phù hợp với chuẩn mực của người môn đệ.

          Mattheu 18 được trình bày như là câu trả lời riêng của Đức Giêsu cho nhóm nhỏ môn đệ: “họ đến gần” và hỏi riêng Đức Giêsu: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra một loạt cách ứng xử mà người môn đệ phải có đối với nhau và với tha nhân:

  1. Trong tương quan Cộng đoàn:

– Phải tôn trọng mọi người, nhất là đối với những ai bé mọn, lầm lỗi: đừng coi thường họ, đừng làm cớ vấp phạm cho họ (18, 4-11)

– Mattheu trình bày hai trường hợp chung của những kẻ bé mọn, lầm lạc:

  • Những kẻ đã LẠC xa đàn rồi: phải đi tìm, dù biết là khó. Đó là Ý Cha, phải xác tín rằng Cha không muốn kẻ bé mọn phải hư mất (18, 12-14)

  • Những kẻ bắt đầu có những biểu lộ lầm lạc: nếu biết được, phải tìm mọi cách sửa lỗi họ, giữ họ lại trong mối liên kết với cộng đoàn (18, 15-18)

  • Phải liên kết với nhau trong cầu nguyện: mối dây liên kết, giềng mối hiệp nhất mọi thành phần trong cộng đoàn – bé mọn, tội nhân, công chính…- Chính là Cầu nguyện. Đối với cộng đoàn Giáo Hội, cầu nguyện phải luôn là phương dược hữu hiệu giúp giải đáp mọi vấn nạn nảy sinh trong cộng đoàn. Lưu ý là Đức Giêsu không hứa sẽ giải đáp cụ thể mọi vấn đề mà chỉ hứa “có Thầy ở đó, ở giữa họ” (18,20). Cái hồn sống hàn gắn mọi rạn nứt, chữa lành mọi đau thương là “có Chúa ở cùng”. Cầu nguyện CỘNG ĐOÀN nhất trí, đồng tâm “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy”, là một bảo đảm chắc chắn “có Thầy ở giữa” (18, 19-20).

  1. Trong tương quan cá nhân với nhau:

Khi cá nhân của mình bị xúc phạm, hay bị thiệt hại: phải THA THỨ:

– Tha thứ không giới hạn, luôn tha thứ: tha 70 lần 7 (18, 21-22)

– Tha thứ vô điều kiện vì thực ra mình đã được Thiên Chúa tha trước rồi (18, 22-35)

Tin Mừng hôm nay trích phần anh em trong cộng đoàn phải lo sửa lỗi cho cho nhau, Mọi phương thức được đề ra chỉ nhằm một mục đích: “chinh phục người anh em”…(18, 15b). Và Thiên Chúa vẫn là nơi cậy dựa chung cuộc, hậu quả cho công cuộc liên kết, gìn giữ sự toàn vẹn cho cộng đoàn (18,19-20)

CẤU TRÚC Mt 18, 15 – 20

1/ Bổn phận của mỗi thành viên trong cộng đoàn: phải sửa lỗi cho nhau (c.15)

* Giả thiết một tình huống đã rồi mà mình biết được: “nếu người anh em của ANH phạm tội”

          * Lệnh truyền: “hãy đi sửa lỗi nó”
          * Cách làm: kín đáo giữa hai cá nhân “một mình anh với nó mà thôi”
* Mục đích: “được người anh em”, nếu nó chịu nghe

(Lệnh truyền này là cho từng cá nhân: “ANH”). Những thủ tục kể ra tiếp ngay sau cho phép hiểu đây là một bổn phận buộc, phải làm cho tới nơi tới chốn.

2/ Tình huống bất ngờ có thể xảy ra và giải pháp (cc 16-17)

*Nếu nó không chịu nghe
* Giải pháp: dùng nhóm nhỏ cố gắng dùng lí lẽ và tình thân để thuyết phục: “đêm theo một hay hai người nữa để… (16)
* Nếu nó tiếp tục không nghe. Hãy đi thưa Hội Thánh
* Nếu tiếp tục cứng lòng: đối với anh, nó hãy là như dân ngoại, người thu thuế (17)

3/ Để giải quyết vấn đề: các phương thế Đức Giêsu ban cho Hội Thánh (cc.18 – 20)

          *Quyền tháo buộc: Amen, Thầy bảo anh em … (c.18)
          * Bổn phận họp nhau cầu nguyện: Amen, Thầy còn… (cc.19 – 20)

SUY NIỆM

1/ Bổn phận phải sửa lỗi…

“Người ANH EM của anh”: đối tượng của việc sửa lỗi không phải ai xa lạ mà là “người anh em của anh” nghĩa là con cùng Cha trong đức tin. Vậy động lực buộc tôi phải sửa lỗi kẻ khác không phải là một ý thức luân lý cá nhân, nhưng xuất phát từ tình huynh đệ Kitô, nghĩa là tôi không muốn mất một người anh em trong Đức Kitô, Đấng không hề muốn một ai phải hư mất. Chi tiết “anh em của anh” nhắc ta rằng mọi việc đang được giải quyết trong một cộng đoàn huynh đệ do Đức Giêsu thiết lập, có Thiên Chúa là Cha. Đây là một gia đình mà giềng mối liên kết được đặt nền trên ân huệ nhưng không của Đức Giêsu và của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa nối kết các kitô hữu thành anh em của nhau. Do đó không một quyền lực nào, không một tội phạm nào có thể hủy bỏ mối dây liên kết đó được. Chính phải dựa vào tinh thần huynh đệ này để hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay, nhất là để hiểu cho đúng cách nói “coi nó như thu thuế và dân ngoại”.

          “Phạm tội”: tội gì đây? Bản văn không nói rõ, nhưng có lẽ là một tội riêng tư, thầm kín nhưng chẳng may bị lộ ra cho một ai đó. Việc sửa lỗi khởi sự bằng cuộc hội kiến đơn giản giữa hai người hình như nhằm làm sao giữ kín điều xấu chừng nào có thể và nhằm bảo toàn danh dự của người anh em.

          Đây phải là những tội nặng vì chúng làm kẻ tin – nếu không hoán cải – bị biến chất trầm trọng trở thành như “kẻ thu thuế và dân ngoại”.

          Mục đích của sửa lỗi là để giữ người phạm tội tiếp tục ở lại trong sự hiệp thông với cộng đoàn như một NGƯỜI ANH EM. Tất cả là để xây dựng cộng đoàn huynh đệ trong Đức Giêsu.

          2/ Tình huống bất ngờ có thể xảy ra và giải pháp

          Nếu nó không chịu nghe: tự bản thân người ấy đã ở trong tình trạng KHÔNG hiệp thông sự sống với Hội Thánh, vì trên đã nói đây là tội nặng. Tội nhân muốn che đậy tình trạng tội đáng chết của mình. Điều này có thể kéo theo nhiều nguy hại cho kẻ khác nhất là những kẻ bé mọn. Vậy tất cả thủ tục nói trên chỉ nhằm đưa sự thật ra ánh sáng để hy vọng cứu tội nhân (không nhận mình có tội là không cứu được) và ngăn ngừa lây lan xấu. Và quyền tuyên bố là của Hội Thánh chứ không là của cá nhân hay của nhóm nhỏ nào.

          “đem theo 1 hay 2 người nữa để…”, biện pháp này chắc là phát xuất từ Đnl 19,15 nhằm tránh tình trạng độc đoán, vội vã kết án anh em. Mặt khác, việc góp ý của 2, 3 người là để tăng tính chân thực và thuyết phục của lời khuyên, lời sửa lỗi. Bước tiến này nói lên sự quan tâm của anh em đối với tội nhân, hy vọng tội nhân cảm được tình cộng đoàn mà hoán cải. Qua đó, cộng đoàn muốn nói lên lập trường là xem tình huynh đệ cao hơn việc áp dụng quyết liệt điều luật, cộng đoàn muốn sống tình yêu tha thứ của Mt 18.

          Tuy nhiên để hưởng được hoa trái của hồng ân tha thứ thì điều tiên quyết về phía tội nhân là phải nhận ra sai phạm của mình rồi sám hối. Nếu không thì ơn tha thứ không bám rễ vào tâm hồn người ấy được. Vậy bằng mọi giá phải đưa “căn bệnh” ra ánh sáng, vạch mặt tội phạm. Đó là ý nghĩ của bước tiếp theo.

          “Hãy đi thưa Hội Thánh”: theo tinh thần giữ bí mật tối đa của văn mạch, ta nên hiểu là đi trình thưa sự việc cho các vị hữu trách trong Hội Thánh vẫn trong tâm ý là muốn giữ người anh em lại trong sự hiệp thông với cộng đoàn. Tuy nhiên sự việc cần phải được làm sáng tỏ để tránh tình trạng lây lam, làm cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn trong cộng đoàn. Tất cả được làm chỉ vì yêu và vì lợi ích cá nhân lẫn cộng đoàn.

          “Đối với anh, nó hãy là như hạng dân ngoại và hạng thu thuế” hoặc có thể dịch “nó hãy thuộc về như hạng…” Câu này chỉ xác định tương quan giữa “anh”, người sửa lỗi, với :người anh em phạm tội”, chứ không đề cập đến thái độ của Hội Thánh.

          Xét về văn chương, trước đó, từ mệnh lệnh “hãy đi sửa lỗi”(15), “hãy đem theo” (16), “hãy đi thưa” (17) đều ở thì aorist, hàm ý những lệnh đó phải được làm đúng như thế và đã xảy ra như vậy, việc coi như đã xong. Còn động từ mệnh lệnh ngôi 3 số ít “NÓ HÃY LÀ” thì ở hiện tại, chủ từ là “NÓ” tức kẻ phạm tội, còn chủ từ của 3 động từ kia là “ANH” tức người có bổn phận sửa lỗi. Vậy câu trên không thể hiểu “anh” hãy xem kẻ phạm tội đó là, đương nhiên là như dân ngoại, thu thuế; nhưng nên hiểu trước mắt tôi, người anh em có tội kia đang lún sâu dần vào tình trạng đáng buồn là SẼ trơ nên như dân ngoại, như thu thuế. Mệnh lệnh hiện tại hàm ý điều vừa ra lệnh chưa xảy ra.

          Vậy sứ điệp của câu này là: trước mắt tôi, người anh em phạm tội đang lao đầu vào chỗ chết, đang có nguy cơ trở thành thu thuế, dân ngoại, con chiên lạc. Trước thực tại đó bổn phận của tôi là gì? Vì tất cả mọi nỗ lực nhân loại đã thất bại? Đặt trong văn mạch chương 18 câu trả lời là:- phải đi tìm con chiên lạc, cho dù khả ngang hoán cải được nó là không bảo đảm: “may mà tìm được” (18,13 so với Lc 15,4: “…tìm cho kỳ được”. Luca nhấn tới các quyết tâm của người đi tìm mà không bận tâm tới kết quả; còn Matthew nhấn tới tình trạng thực tế, kết quả có thể không như ý nhưng đừng

3/ Để giải quyết vấn đề: các phương thế Đức Giêsu ban cho Hội Thánh:

* Quyền tháo buộc: “Amen, Thầy bảo anh em…”

Đối tượng là “Anh em”: ngôi 2 số nhiều. Ai? Tùy văn mạch nối kết: – có thể là tất cả và từng người của cộng đoàn các tín hữu (10.19-20,35); – hoắc ám chỉ các môn đệ lãnh đạo (3.12). Và cũng tùy cách hiểu thế nào là “tháo/ buộc” mà ta có thể xác định “anh em” là ai. Có lẽ phải hiểu “tháo/ buộc” trong tinh thần của cả chương 18 là tinh thần xây dựng cộng đoàn, nâng đỡ kẻ bé mọn, đi tìm con chiên lạc, tìm hàn gắn để giữ kẻ sa ngã đừng vội rời bỏ cộng đoàn. Vậy “tháo/buộc” trước tiên là ơn biện phân nhằm giúp anh em trong cộng đoàn biết biện phân phải trái và làm theo như vậy hơn là một quyết đoán pháp lý nhằm kết án hoặc thứ tha.

          Đặt trong văn mạch của đoạn Tin Mừng hôm nay, câu 18 như là câu tóm kết sứ điệp của các câu 15 – 17. Ba câu này cho thấy rõ rằng cá nhân mỗi tín hữu đã được Đức Giêsu trao phó cho trách nhiệm giúp người anh em , “tháo cởi” anh ta khỏi cơn mê muội, nhưng vì sự cứng lòng của anh ta nên người tín hữu mới “cầm giữ” bằng cách thưa chuyện lên cùng Hội Thánh. Rồi cuối cùng Hội Thánh mới công bố tình trạng kẻ cứng lòng là sai quấy đang thoái hóa trên con đường dẫn đến tuyệt thông (chưa chết là còn hy vọng, không thể tuyên bố tội nhân là tuyệt thông khi anh ta còn sống). Trong chiều hướng đó thì  (và cũng là bổn phận) “tháo / buộc” là của tất cả mọi tín hữu, tuy nhiên phải được hiểu theo nghĩa trách nhiệm mục vụ trong cộng đoàn, Còn trên bình diện cơ cấu, tổ chức nhất là trong lãnh vực đức tin, luân lý, bảo vệ, căn tính, tông truyền thì quyền này chỉ trao cho hàng lãnh đạo: các tông đồ và những ai kế vị. Ở Matthêu 16, 19. Quyền này được ban cho Phêrô, ở đây mở rộng ra cho tông đồ đoàn.

          Bổn phận họp nhau cầu nguyện: các câu 19-20 có thể hiểu độc lập, nhưng cũng có thể hiểu trong toàn thể các câu 15-20, nghĩa là sau mọi nổ lực nhân loại, hành chính, kẻ cửng lòng vẫn không hoán cải thì Hội Thánh phải tiếp tục có bổn phận với hắn: đó là hiệp lòng cầu nguyện cho hắn, vì Chúa hứa xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy… sẽ ban cho:  tại sao chúng ta không cầu nguyện cho hắn được hoán cải? Hội Thánh và các tín hữu không bao giờ hết trách nhiệm đối với con cái, với anh em . Hội Thánh phải nhớ mình là công cụ của Thiên Chúa, mình bất lực chứ không phải Thiên Chúa bất lực. Phải tiếp tục chiến đấu với kẻ cứng lòng và trao hắn vào tay Chúa bằng sự hiệp lòng cầu nguyện.

          Khi hợp nhau cầu nguyện cho kẻ lầm lạc được ơn hoán cải, cộng đoàn tuyên xưng rằng việc hoán cải tội nhân là công trình của Thiên Chúa và phó thác người anh em tội lỗi của mình cho Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa. Người tín hữu tiếp tục là cánh tay nối dài, là máng chuyển hồng ân Thiên Chúa cho tội nhân. Chúa cần sự đóng góp đó của tín hữu để hoàn tất mầu nhiệm hiệp thông trọn vẹn của Nhiệm Thể Đức Kitô.

  1. TÓM KẾT

          Hội Thánh do Đức Giêsu lập và có chính Người là ĐẦU nên bản chất là THÁNH. Tuy nhiên thành viên gồm toàn là tội nhân. Do đó việc phải thánh hóa các chi thể của mình, thông truyền sự thánh thiện của mình đến cho từng thành viên chi thể là tuyệt đối cần thiết. Đây không những là bổn phận của Hội Thánh mà còn là của mỗi thành viên.

          Việc sửa lỗi ở đây phải được làm trong tình huynh đệ, không nhằm loại trừ nhưng là để “ lợi được người anh em”, và còn bảo vệ được danh dự, uy tín của anh em nữa.

          Tuy nhiên trước sự cứng lòng của kẻ ngoan cố thì các biện pháp kỷ luật thích hợp cũng là cần thiết để buộc tội phạm phải hiên nguyên hình trước cộng đoàn hầu tránh nguy cơ lây lan điều xấu và tránh cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn. Quyền tài phán này được trao cho Hội Thánh.

          Một khi sự thật đã phơi bày, Hội Thánh vẫn không tuyệt thông với tội phạm mà phải lên đường đi tìm chiên lạc và nhất là hiệp lòng cầu nguyện cho hắn, trao phó hắn cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC