Bài 1
Hc 27, 30-28,7; Mt 18, 21-35
Chủ đề: Hãy tha thứ cho nhau.
* Hc 28,2: Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
* Mt 18,22: Đức Giêsu bảo: hãy tha thứ đến bảy mươi lần bảy.
Chúa Nhật XXIV A Mùa Thường Niên tiếp tục chủ đề của Chúa Nhật trước XXIII A: Bổn phận của người tín hữu đối với tha nhân. Tha nhân được đề cập ở đây là những người đang ở trong tình trạng sai trái, tội lỗi. Đứng trước một người anh em đang ở trong tình trạng như thế thì người tín hữu phải làm gì? Trong Chúa Nhật XXIII A, tội đó là một tội nặng có thể đẩy anh em tôi đến chỗ bị coi như là bọn thu thuế, dân ngoại. Vì một nguyên do nào đó mà tôi biết tội của anh em nhưng tội ấy không xúc phạm gì đến tôi. Bổn phận được nhấn mạnh là giúp anh em sửa sai với tất cả mọi cách thức, tôi và cộng đoàn có thể làm được. Tuần này, Chúa Nhật XXIV A, Lời Chúa đề cập đến những trường hợp bản thân của mình bị xúc phạm trực tiếp. Trong trường hợp này bổn phận của tín hữu là không được trả thù, “hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác” (bài một), không phải tha đến bảy lần mà là bảy mươi lần bảy (Tin Mừng). Bổn phận phải tha thứ là lệnh truyền phát xuất từ Thiên Chúa, và là điều kiện để bản thân người tín hữu được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa khi mình có lỗi phạm. Cả hai bài đọc đều nhắc nhở rằng con người là tội nhân trước Thiên Chúa, mọi người đều cần đến sự thứ tha của Người.
Tin Mừng nhấn mạnh: Chúa luôn đi bước trước để thứ tha; Nhưng để cho hồng ân thứ tha ấy tồn tại và sinh hoa trái cứu độ nơi mình thì con người PHẢI BIẾT THA THỨ CHO NHAU.
Bài đọc một, trích từ Sách Huấn Ca, mở đầu bằng một lời khẳng đinh: Oán hờn, giận dữ là điều ghê tởm, là ĐẶC SẢN của phường tội lỗi. Hàm ý mời phải THỨ THA. Tiếp đó, Huấn Ca nêu lên những lý do khuyên con người tha thứ cho nhau.
-
Tha thứ để được Chúa thứ tha.
Ai cũng là tội nhân trước mặt Chúa; do đó luôn cần được Chúa thứ tha. Vì thế, tha thứ cho kẻ khác được xem như là điều kiện cần thiết để hưởng được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa đã được dọn sẵn khi ta kêu cầu (28,2). Kèm theo lý do phải tha thứ là một lời ngăm đe:
Ai không tha thứ cho tha nhân thì “tội lỗi của người ấy, Chúa sẽ xem xét TỪNG LY” (28,1). Nếu “cứ để tâm hận thù”, “chẳng biết thương người đồng loại”, “cứ để tâm hận thù” thì làm sao có thể dám trình diện trước nhan Chúa để xin Người tha thứ.
-
Hãy tha thứ vì ai cũng phải chết.
“Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù”. Một thực tế không ai trốn thoát được: CHẾT, trần truồng về lại cũng trần truồng, để đi vào một cuộc sống mới thần linh vĩnh cửu; Vậy mang theo những thứ hư hoại: tranh chấp, hơn thua, hận thù để làm chi.
-
Phải tha thứ vì đó là LỆNH TRUYỀN của Thiên Chúa.
“Hãy nhớ đến các điều răn…và Giao ước của Đấng tối cao” mà đừng oán hờn kẻ khác, đừng chấp nhất điều lỗi lầm. Thật vậy Luật dạy chẳng những không được trả thù mà còn phải cố làm điều tốt cho tha nhân (Lv 19,16-18). Vậy HÃY THA THỨ CHO NHAU.
Tin Mừng tiếp tục bài giảng về Giáo Hội Mt 18. Nói về tha thứ, Phêrô hỏi Chúa phải tha đến MẤY LẦN. Ở đây, điều quan trọng không phải là THA nhưng là CÁCH THỨC, MỨC ĐỘ THA. Cựu Ước đã dạy PHẢI THA (bài một), Tân Ước thêm: THA VÔ ĐIỀU KIỆN, THA KHÔNG GIỚI HẠN. Đó là ý nghĩa của lời đáp của Đức Giêsu: phải tha “đến bảy mươi lần bảy”. Lý do phải tha là vì mình là tội nhân, con nợ hoàn toàn không có khả năng chi trả, phải chịu án nô lệ vĩnh viễn; Nhưng đã ĐƯỢC THIÊN CHÚA THA TRƯỚC, xóa tội nợ cho mình. Đó là lý do DUY NHẤT Chúa dựa vào để đòi kẻ tin phải tha cho kẻ khác. Tín hữu của Chúa phải tha vô điều kiện cho anh em vì mình đã nhận 10.000 YẾN vàng xóa nợ của Vua (1 YẾN = 6.000 ngày công = 20 năm làm việc).
Chúng ta chỉ có thể thực sự tha thứ vô điều kiện, không giới hạn cho anh em khi ta nhận ra rằng mình đã nhận QUÁ NHIỀU ƠN từ Thiên Chúa. Đối với chúng ta, Chúa là ĐẤNG THA THỨ. Vậy khi chúng ta thứ tha là chúng ta đang BẮT CHƯỚC CHÚA, đang sống ơn gọi LÀM NGƯỜI theo ý Chúa, là HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA (St 1, 26-27).
Trong Đức Kitô, tha thứ không chỉ là đòi buộc luân lý mà còn là dấu chứng mình là CON THIÊN CHÚA. Hãy sống xứng đáng ơn làm Con Chúa. Biểu lộ cụ thể: HÃY THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN, KHÔNG GIỚI HẠN.
Bài 2
Hc 27, 30 -28.7
Mt 18, 21-35
Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? (c.21b)… Đức Giêsu đáp….”đến 70 lần 7” (c.22b)…như chính Ta đã thương xót các ngươi (c. 33b).
Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 24A Mùa Thường Niên mời tín hữu tiếp tục suy niệm về chủ đề bổn phận của người tin vào Đức Giêsu đối với tha nhân, nhất là những ai đang ở trong tình trạng tội lỗi. Chúa Nhật 23A nhấn mạnh đến bổn phận phải sửa lỗi cho tội nhân, giúp họ nhận ra điều sai trái của mình rồi hoán cải. Tuần 23A chỉ nói đến “tội” cách chung; Còn Chúa Nhật 24A đề cập đến những tội xúc phạm trực tiếp đến bản thân của người tín hữu. Người môn đệ của Chúa phải làm gì khi chính bản thân mình bị kẻ khác xúc phạm, gây thiệt hại?
Theo tầm nhìn tự nhiên của một nhân loại đã bị tội khống chế, thì lời đáp là BÁO OÁN, một sự báo oán tùy tiện dựa trên tính khí, quyền lực mà kẻ báo oán đang có trong tay. Và như thế thì bất công hận thù ngày càng chồng chất: Lamec nói với bà vợ “…vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Lamec thì gấp bảy mươi bảy” (St 4, 23-24).
Đến thời Cựu Ước, việc báo oán vẫn tồn tại và được nhìn nhận, nhưng có chừng mực hơn bằng khoản luật báo phục “…mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21, 23-24). Đồng thời, Luật Cựu Ước còn tiến bộ hơn nữa: cấm ghét bỏ anh em, cấm trả thù và oán hận đối với dân ngươi (Lv 19, 17-18), hàm ý rằng đã là dân của Chúa thì các thành viên không được nuôi hận thù và không được báo oán đối với nhau. Nhà hiền triết Ben Sira đã suy niệm các huấn lệnh này; Ông đã tìm ra mối liên hệ nối kết việc con người tha thứ cho anh em với việc người ta cầu xin Thiên Chúa tha thứ: “hãy tha thứ các lỗi lầm cho tha nhân; lúc đó, các tội lỗi của ngươi sẽ được tha theo lời người cầu xin. Nếu một người không nguôi lòng oán giận anh em, làm sao họ có thể xin Thiên Chúa chữa lành họ được? Đứng trước một người, là đồng loại của họ, mà không có lòng trắc ẩn thì làm sao họ có thể xin thứ tha các tội của chính họ được?” (Hc 27, 30 – 28,7). Sách Khôn ngoan bổ túc bài học này bằng cách nhắc lại cho người công chính nhớ rằng phải lấy lòng nhân từ của Thiên Chúa làm mẫu mực (Kn 12, 19.22) những khi họ đoán xét.
Đức Giêsu đã lấy lại và biến đổi bài học lưỡng diện này. Như BenSira, Người dạy rằng: Thiên Chúa không thể tha thứ cho người nào không biết thứ tha; để cầu xin Thiên Chúa thứ tha thì họ phải tha thứ cho anh em. Dụ ngôn người mắc nợ bất nhân ghi khắc sâu đậm chân lý này (Mt 18, 23-35), chân lý mà Đức Kitô hằng nhấn mạnh (Mt 6, 14t). Và Người làm cho chúng ta đừng quên bằng cách dạy chúng ta đọc hằng ngày: trong Kinh Lạy Cha, chúng ta phải nói ra rằng chúng ta tha thứ; xác quyết này đi liền với lời cầu xin của chúng ta, khi thì bằng liên từ “bởi vì”, như một điều kiện để Chúa ban ơn tha thứ (Lc 11,4), khi thì bằng giới từ “như”, nhằm ấn định mức độ phải có (Mt 6, 12).
Đức Giêsu còn đi xa hơn: như sách Khôn ngoan, Người đặt Thiên Chúa làm khuôn mẫu của lòng thương xót (Lc 6, 35t) cho những ai nhận Ngài là Cha và phải bắt chước Ngài để trở thành con cái đích thực của Ngài (Mt 5, 43tt.48).
Đối với Đức Giêsu, không còn vấn đề thù oán nữa: chỉ còn một điều là THA THỨ. Và Đức Giêsu còn đòi buộc môn đệ phải yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho bọn chúng (Mt 5, 43-47). Sự tha thứ không phải chỉ là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống mới, mà còn là một trong những yếu tố cốt yếu: vì thế Đức Giêsu buộc Phêrô phải tha thứ không ngừng, ngược với hành động của kẻ có tội chỉ muốn báo thù quá độ (Mt 18, 21-22; x. St 4, 24) (ĐNTHTK “Tha thứ” III).
Vậy hãy tha thứ vô điều kiện cho những ai vì bất kỳ lý do nào đã xúc phạm đến chúng ta. Để có thể chấp nhận được những đòi hỏi đi ngược lại khuynh hướng tự nhiên của con người tội lỗi; Tín hữu cần xác tín lại rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa; May mắn là Thiên Chúa đã không chấp tội, đã tha thứ tất cả cho chúng ta: chúng ta đã nhận ơn tha thứ 10.000 yến vàng từ Thiên Chúa, thì việc đáp lại, đến phần mình, mình phải tha cho người đồng cảnh ngộ đang nợ ta chỉ 100 quan tiền (Tin Mừng). Vậy tha thứ không là một công đức tôi làm cho tha nhân mà là một đáp trả trước mối ân tình không sao đền đáp được Chúa đã dành cho tôi.
Khi tôi tha thứ cho tha nhân thì hồng ân tha thứ mà Thiên Chúa đã gieo vào nơi tôi được nở hoa.
Nhìn dưới góc cạnh đó, việc tha thứ cho tha nhân không còn là một ép buộc, một gánh nặng nữa mà là một góp phần của chính chúng ta để Thiên Chúa hoàn tất nơi ta ơn tha thứ thần linh cuả Chúa, đồng thời Người hoàn thiện luôn mọi chi thể thành phần Nhiệm Thể Đức Kitô.
Cả 2 bài đọc đều khẳng định rằng: phải ý thức đến thân phận tội nhân đáng chết của mình luôn cần ơn tha thứ tha của Thiên Chúa, nhờ đó sẽ mở rộng cõi lòng mà tha thứ cho anh em. Tha thứ cho kẻ khác xúc phạm đến mình là con đuờng đưa ta đến phục hồi, hoàn thiện (bài 1) và làm chúng ta nên giống Chúa (Tin Mừng Mt 18, 33).
Bài đọc 1 nhấn mạnh hơn đến mặt tiêu cực của tha thứ : đừng oán hờn, đừng giận nữa, đừng báo thù rồi khuyên hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác. Lý do phải làm vậy là để được hưởng sự thứ tha lòng thương xót của Thiên Chúa khi ta chạy đến cầu khẩn Người.Và để biện minh cho những lời khuyên của mình, tác giả bài đọc 1 gợi lên giờ chết: ai cũng phải chết, vậy nuôi giữ oán thù làm chi: hãy lo giữ giới răn, giao ước mà tha thứ cho nhau.
Tin Mừng đề cập trực tiếp đến chủ đề tha thứ,và nhấn mạnh khía cạnh vô điều kiện, không giới hạn của tha thứ. Bởi vì tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với chúng ta quá lớn và nhưng không nên ta phải chuyển tình yêu đó đến với tha nhân. Tin Mừng mở đầu bằng câu hỏi và tự đáp của Phêrô: “nếu anh em con CỨ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? 7 lần”. Đức Giêsu chỉnh lại: Không phải 7 lần mà 70 lần 7: tiếp đó Người làm sáng tỏ thêm bằng một dụ ngôn rồi kết luận Thiên Chúa sẽ hành động như thế. Đây là một dụ ngôn về Nước Trời, do đó có thể suy luận: tha thứ là một đặc nét của Nước Trời: nơi nào tha thứ ngự trị, nơi đó là Nước Trời bất chấp những tai ác của kiếp người: Khi người tín hữu sống thật lòng tình yêu tha thứ thì Nước Trời đã ở trong họ dù cuộc sống họ vẫn còn khó khăn và khi ấy họ đã xây dựng Nước Trời ngay tại thế.
BÀI ĐỌC I: Hc 27, 30 -28,7
Viết theo kiểu các nhà khôn ngoan Trung Á thời xưa, tác giả Sách Huấn Ca sắp xếp tài liệu không theo thứ tự nào nhất định. Giáo huấn của ông trước hết mang hình thức truyền khẩu. Những đề tài rất khác nhau, dưới dạng châm ngôn ngắn, được gom thành những khúc thơ xếp liền nhau không theo một tiêu chuẩn nào rõ rệt. Đấy là chưa kể đến nhiều chỗ lập đi nhắc lại. (CGKPV – “các sách Giáo Huấn” 1987 trang 609 – 610).
Hc 27-28 cùng gồm nhiều đề tài nhỏ độc lập xếp liền nhau:
-
27, 8-15 khuyên theo đuổi sự công chính
-
27, 16-21 khuyên phải biết giữ kín các điều bí mật.
-
27, 22-29 tố giác những kẻ giả hình
-
27, 30 – 28,7 là những lời cảnh cáo chống lại sự oán thù và giận dữ. Đây chính là nội dung bài đọc 1 của Chúa Nhật 24A Mùa Thường Niên. Bài đọc mời gọi hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, hãy thương xót người đồng loại, chớ oán thù; Bởi vì ai cũng là tội nhân cần được Thiên Chúa tha thứ và vì cuối cùng ai cũng phải chết, vậy nuôi oán thù mà chi.
Điểm chính yếu của bài đọc 1: đừng oán hờn, đừng giận dữ, đồng thời đưa ra những lý do phải làm như thế. Bài đọc 1 đưa ra 4 lý do:
CẤU TRÚC Hc 27, 30 -28, 1 và SUY NIỆM
Phần cấu trúc được đánh số thứ tự 1/ , 2/ , 3/, 4/ và nội được in đậm.
4 lý do không gom thành một khối như các Chúa Nhật trước, nhưng được tách riêng ra và ngay sau mỗi lý do là phần SUY NIỆM ngay.
1/ Lý do 1 nằm nơi bản chất của oán hờn và giận dữ (27, 30).
-
Đó là “ những điều ghê tởm”
-
Chỉ kẻ tội lỗi mới khăng khăng, cố chấp duy trì chúng trong lòng.
Từng bước một, dần dần Kinh Thánh giải phóng con người khỏi cái ách của oán hờn, giận dữ: “từ chỗ báo thù vô hạn” (St 4, 24), đến chỗ “mắt đền mắt” thôi (Xh 21, 23-25) và đến nay là không báo thù (x. Đnl 32, 35); Cn 24, 19) (CGKPV “các sách Giáo Huấn” 426k). Lý do là vì người tin trao phó tất cả vận mạng mình vào tay Chúa (Cn 20, 22). Tất cả là để dọn đường cho mặc khải chóp đỉnh trong Tân Ước: Yêu kẻ thù (Mt 5, 38-48). Cựu Ước cũng đã có nói đến hãy làm ơn cho kẻ thù (Cn 25, 21-22 và Sdd trang 437k) nhưng để đạt tới mức phải YÊU kẻ thù và xem đó như một đòi buộc khẩn thì phải đợi đến Đức Giêsu vì chỉ trong Thập giá của Người, ta mới có được động lực để yêu kẻ thù.
Trở lại Hc 27, 30: Giận dữ là đồ ghê tởm vì nó là căn nguyên của tội ác, nó có thể huỷ hoại các mối tương giao thân tình nhất (St 4,6: chuyện Cain – Aben).
Vậy ai cố chấp ở lì trong oán thù, giận dữ thì đã là tội nhân rồi.
2/ Lý do 2: Vì tất cả đều là tội nhân, cần sự tha thứ của Thiên Chúa (28, 1-5).
-
Nguyên tắc cơ bản: Muốn được Chúa chữa lành thì đừng nuôi long hờn giận (3)
-
Thực tại: Mọi người đều là tội nhân (1b, 2b, 4b, 5b)
-
Nếu cứ muốn báo thù (1a), chẳng biết thương người đồng loại (4a), cứ để tâm hận thù (5a).
-
Thì sẽ bị Chúa trả báo tương ứng (1), sẽ không thể xin Chúa tha tội được (4b, 5b)
-
Vậy việc phải làm: bỏ qua điều sai trái của kẻ khác (2a)
-
Hoa trái: Khi cầu khẩn, tội lỗi bạn được tha (2b).
Chỉ trong 5 câu, bản văn 4 lần nhắc lại thực tại này: Con người là tội nhân trước Thiên Chúa. Câu trung tâm là câu 3 cho thấy một thực tại khác đáng buồn nơi con người: nuôi lòng hận thù với nhau (3a). Và hậu quả khốc hại là ơn chữa lành của Thiên Chúa không cư ngụ được nơi lòng kẻ nuôi thù hận. Điều cản trở ân sủng của Chúa sinh trái nơi ta lại nằm chính trong ta, đó là “lòng cứ nuôi hận thù”. Điểm sai nằm ở chỗ CỐ CHẤP: “cứ nuôi lòng…”.
“ Bỏ qua điều sai trái…” phải hiểu điều sai trái ở đây trong giới hạn những xúc phạm đến cá nhân của chính tôi thôi, vì nếu bỏ qua mọi sai trái thì lại đi ngược với chủ đề tuần trước: phải sửa lỗi anh em.
Bỏ qua: Không thể xoá bỏ dấu vết của tội phạm cũng như những hậu quả kèm theo của chúng, nhưng “bỏ qua” là cố gắng vượt lên trên những thứ đó, chấp nhận thực tại đau buồn cũng như những hậu quả trong an bình, không lưu giữ hận thù, không tìm báo oán, không muốn sự dữ và hậu quả đổ ngược lại trên đầu kẻ tội phạm; và đi xa hơn nữa nếu gìn giữ, nối lại được mối tương giao huynh đệ với những kẻ xúc phạm đến mình thì quá tốt.
Lý do tha thứ chưa hoàn toàn thanh thoát, còn mang nét vụ lợi quy ngã, tính toán so đo. Phải đến Đức Giêsu thì động lực mới được tinh luyện, quy hướng về Thiên Chúa như là căn nguyên của tha thứ: bắt chước Thiên Chúa “như chính Ta đã thương xót ngươi” (Mt 18, 33).
3/ Lý do 3: Vì ai cũng phải chết (8,6)
-
Tác giả gợi lại điểm chung cuộc của kiếp người: cái chết (6a,c).
-
Khuyên: chấm dứt hận thù (6b); lo giữ giới răn (6d)
Nhắc đến nghĩ đến cái chết cũng có thể giúp người ta tỉnh ngộ: rốt cuộc ai cũng phải chết, ta cũng như kẻ thù; vậy trả thù , nuôi oán làm chi để cho phần đời còn lại của mình ra nặng nề, căng thẳng; cứ trao phó mọi sự cho Thiên Chúa thương xót, công bình: Nếu tối nay ta chết thì nuôi oán làm chi.
Khi đưa ra lý lẽ này, tác giả có nghĩ tới cuộc sống đời sau hay không, vì trong Cựu Ước niềm tin vào đời sau và xác sống lại mãi đến thế kỷ II TCN mới xuất hiện? Sách Huấn ca tiếng Do Thái được soạn giữa các năm 198 và 174 TCN, còn bản dịch Hy Lạp thì khoảng 132 TCN (CGKPV, sđd 608-609). Thời điểm này niềm tin về đời sau đã xuất hiện. Thêm nữa, tác giả sách Huấn ca theo khuynh hướng cởi mở với văn hóa Hy Lạp (sđd 609) tin rằng loài người có xác, có hồn, xác hư đi nhưng hồn bất tử và các người Do Thái theo khuynh hướng cởi mở đã đón nhận quan niệm đó và khai triển giáo lý về đời sau. (Sđd phần Giáo lý 536-537 bc) ( Paroles sur le chemin A p. 355-356)
Vậy vì tin có đời sau và tin có mối liên hệ nhân quả giữa đời này và đời sau, tác giả đưa ra cái chết để khuyên hãy tha thứ, đừng nuôi giận dưỡng thù.
4/ Lý do 4: Vì luật dạy phải yêu tha nhân (28,7)
-
Hãy nhớ đến điều răn, giao ước (7, a.c)
-
Mà đừng oán hờn, chấp nhất lỗi lầm (7,b.d)
Điều răn, giao ước ở đây ám chỉ đến lề luật và cụ thể là Lv 19,17-18 và Xh 23, 4 -5. Đây là lời khuyên hãy cân nhắc, chọn lựa giữa việc chọn oán thù, giận dữ và việc chọn tuân giữ lề luật yêu thương của Chúa:
-
Chọn theo thói đời, tức trả thù thì sẽ thỏa mãn tự ái cá nhân nhất thời; nhưng làm như vậy thì vi phạm luật Chúa và hậu quả là mất những phúc lành vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho những ai tuân giữ luật Ngài.
-
Chọn dẹp bỏ tự ái vì yêu mến luật Chúa, tin tưởng phó thác vào lòng nhân hậu Chúa thì sẽ bị thua thiệt về mặt đời, nhưng bù lại sẽ được vinh phúc của Thiên Chúa.
Nói theo tinh thần dụ ngôn trong bài đọc Tin Mừng: chọn bỏ đi 100 quan tiền cụ thể trước mắt để được hưởng vĩnh viễn 10.000 yến vàng đã được tha, hoặc chọn được trước mắt 100 quan và sau đó phải trả đủ 10.000 yến vàng.
5/ TÓM KẾT:
Bài 1 mời gọi kẻ tin đừng oán hờn, giận dữ; hãy biết bỏ qua những sai trái của tha nhân. Vì oán hờn, giận dữ là điều ghê tởm, đi ngược lại tình yêu của Thiên Chúa, chỉ có hạng tội lỗi mới nuôi dưỡng oán thù; Thiên Chúa sẽ trả báo lại cho những kẻ oán thù những gì kẻ ấy đã đối xử với tha nhân.
Và để giúp cho con người có thể dễ dàng tha thứ, tác giả mời gọi mỗi người hãy nhớ đến cái chết, và nhớ đến Lề Luật của Chúa. Bài học: Nếu “nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi” (Lc 12,20) thì việc nuôi dưỡng oán thù đem lại lợi ích gì cho ngươi khi ra trước nhan Chúa là Đấng đã truyền ban Lề Luật rằng phải yêu thương tha thứ cho nhau mới là chân phúc?
Tóm lại, chỉ có con đường tha thứ mới đem lại cho con người phúc thật đời này lẫn đời sau. Riêng động lực tha thứ sẽ được tinh luyện dần và cái chóp đỉnh sẽ được Đức Giêsu mạc khải trong Tin mừng: hãy tha thứ vì đã được tha thứ cách nhưng không và quá nhiều. Vậy hãy luôn nhớ tới tình yêu tha thứ và những ân huệ Chúa đã ban cho mình mà sẵn lòng tha thứ cho anh em.
TIN MỪNG Mt 18, 21-35
Tin Mừng hôm nay tiếp tục chủ đề đời sống cộng đoàn huynh đệ trong Mattheu 18. Thành phần đặc biệt của cộng đoàn được Mattheu 18 lưu tâm tới là những kẻ bé mọn, đức tin yếu kém, đang trong tình trạng lầm lạc. Đối với họ, các tín hữu “khỏe mạnh” không được làm cớ vấp phạm cho họ (18, 5-11), khi họ đẫ lỡ đi lạc đàn thì phải kiên tâm đi tìm họ về (18, 12-14), khi phát hiện nơi họ có những lầm lạc trầm trọng thì vẫn phải tôn trọng họ và tìm mọi cách để giữ họ lại trong mối dây hiệp thông với cộng đoàn (18, 15-20). Riêng đối với từng cá nhân, nếu bị họ xúc phạm thì cũng kiên trì tha thứ (18, 21-35). Vậy cộng đoàn mà Mattheu 18 đề cập đến không là một cộng đoàn an ổn, mọi sự đều suôn sẻ mà là cộng đoàn gồm nhiều thành phần phức tạp, có đủ thứ vấn đề. Đức Giêsu đến tập họp tất cả lại để chỉnh sửa, cứu độ; Và các môn đệ là những người được Đức Giêsu mời gọi làm yếu tố nền, cộng tác với Người để thanh luyện cái cộng đoàn hỗn tạp, đủ thứ vấn đề ấy trở thành cộng đoàn Nước Trời tại thế theo các chuẩn mực do Đức Giêsu mang tới.
Bổn phận của Giáo Hội, của các tín hữu, đặc biệt là các môn đệ là phải giúp đỡ các thành phần còn yếu kém kể trên vượt qua được những lầm lỗi, giới hạn luôn rình rập vồ bắt họ để giúp họ kiên vững trong đức tin, để tiếp tục liên kết, gắn bó với cộng đoàn. Đây là mệnh lệnh phát xuất từ Thiên Chúa, và là điều kiện thiết yếu mà Giáo Hội và môn đệ từng người phải không ngừng cố gắng chu toàn để hạt giống Nước Trời mà Đức Giêsu đã gieo xuống, gặp được điều kiện thuận lợi để phát triển tạo nên mùa gặt phong nhiêu cứu độ thế giới.
Tin Mừng tuần trước nhấn mạnh khía cạnh bổn phận của Giáo Hội trước những lầm lạc của kẻ kém tin nhằm bảo toàn cộng đoàn huynh đệ, không để một người anh em nào, một kẻ bé mọn nào phải hư mất như Cha mong ước (18, 14-15). Tin Mừng tuần này nhấn mạnh tới tương quan cá vị giữa những cá nhân trong cộng đoàn với nhau. Đối tượng bị trực tiếp xúc phạm lần này không là một tập thể nói cách chung mà là chính cá nhân tôi, đích danh: “nếu anh em con CỨ xúc phạm đến CON”. Bổn phận chính được đề cập đến ở đây là THA THỨ thật lòng, trọn vẹn cho người đã xúc phạm, gây thiệt hại cho con: tha thứ tự nguyện, không giới hạn, tha thứ tất cả, và quan trọng nhất là tha thứ NHƯ Chúa đã tha cho mình (Mt 18, 22-33). Đích tới mà Thiên Chúa mong đợi là môn đệ phải nên NHƯ, giống Chúa, là “hình ảnh của Thiên Chúa”.
Vậy việc sẵn sàng tha thứ mãi mãi cho kẻ xúc phạm đến ta, không chỉ là điều kiện để được hưởng trọn vẹn ơn tha thứ của Chúa, mà còn là phương thế tuyệt hảo của Đức Giêsu trao ban cho đoàn môn đệ giúp họ, ngay cả giữa cuộc sống đảo điên của trần thế này, trở nên giống Chúa, hoàn tất ơn gọi “hình ảnh của Thiên Chúa”.
CẤU TRÚC Mt 18, 21-25
SUY NIỆM
-
Giáo huấn thần linh: Nguyên tắc: tha thứ vô điều kiện, không giới hạn (18,21-22)
-
Thắc mắc của Phêrô: KURIÊ, nếu anh em con CỨ xúc phạm đến con…?(21)
-
Lời đáp của Đức Giêsu:…bảy mươi lần bảy
KURIÊ: Trong tiếng Hy lạp, danh xưng này có thể hiểu ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên đối với các tín hữu tiên khởi, khi dùng danh xưng này cho Đức Giêsu sau phục sinh luôn mang ý nghĩa đây là lời tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa như YHWH. Vậy chính trong tư cách là CHÚA mà Đức Giêsu đã dạy bài học tha thứ cho Phêrô và các môn đệ.
70 lần 7: con số vọng lại từ một lời đầy bạo lực của Lamec (St 4,24) vang lên ngay sau câu chuyện Cain giết Aben, em mình. Theo nhãn giới phàm trần, kẻ phạm tội ác sợ bị trả thù (St 4,14), và cứ như thế, oán thù ngày càng chồng chất: trả thù gấp 7 lần(4,15), rồi “gấp bảy mươi lần bảy”(4,24). Cứ đà tăng ấy, nhân loại sẽ chìm trong thù hận và có nguy cơ đi đến tự diệt. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương can thiệp cố gắng mời gọi con người cộng tác từng bước dập tắt lửa hận thù; và cuối cùng trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đảm nhận mọi oán thù nhân loại cùng với hậu quả rồi đưa lên thập giá để tận diệt cội rễ oán thù bằng tấm lòng tha thứ vô điều kiện (Lc 23, 34). Nhờ đó Thiên Chúa đã “đổi dấu” biến lời hận thù bạo lực của Lamec thành lời thứ tha: “Ta không bảo phải tha đến 7 lần mà là 70 lần 7” nghĩa là tha vô điều kiện, không giới hạn. Có thể nói tha thứ phải trở thành phản xạ tự nhiên nơi con người tín hữu trước mọi xúc phạm; nói cách khác là không hề có chút oán thù nào lưu lại trong tâm tưởng của người môn đệ Đức Giêsu. Đó chính là đường sự sống cho cả nhân loại. Tha thứ không còn chỉ là chuyện riêng tư giữa hai cá nhân vốn thù ghét nhau, nhưng là thần dược mang đến sự sống vững bền cho nhân loại. Phải tha 70 lần 7 vì đó là con đường Đức Giêsu đã đi để tha cho từng người chúng ta, đồng thời phục hồi và đưa nhân loại đến đích điểm của công trình sáng tạo.
-
Dụ ngôn minh họa (18, 23-34)
-
Đây là một dụ ngôn về Nước Trời: “ Nước Trời cũng giống như…”(23a)
-
Khung cảnh dụ ngôn: vua muốn đòi các tôi tớ mình thanh toán sổ sách (23b)
Nước Trời là nơi con người sống tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với nhau vì ý thức rằng mình đã được Thiên Chúa tha thứ. Nước Trời tại thế đang tiềm ẩn trong Giáo Hội là một cộng đoàn gồm những tội nhân, ý thức mình đang được tha thứ và hết lòng tha thứ cho nhau. Yếu tố nội tại nối kết Giáo Hội là tình yêu tha thứ nhưng không của Thiên Chúa và yếu tố nối kết từng cá nhân với Giáo Hội là tấm lòng biết tha thứ cho người anh em đã xúc phạm đến mình.
-
Tình huống ban đầu: Ơn tha thứ nhưng không của Thiên Chúa, biến con nợ thành người tự do (23-27)
-
Con nợ cùng khốn: nợ vua 10.000 yến vàng mà không có khả năng chi trả.
-
Lẽ ra phải thành nô lệ: bán y, vợ con, tài sản để trả nợ
-
Khẩn nài xin khất nợ
-
Lòng thương xót lạ kỳ của chủ: tha hết nợ.
Một yến vàng tương đương 6.000 ngày công, tức 6.000 quan tiền (CGKPV Kinh Thánh Tân Ước 2008 trang 123 nốt ‘1’). Một số liệu giúp so sánh: thời Đức Giêsu, tiền thuế hàng năm của cả vùng Galilê và Pêrê gom lại chỉ lên đến 200 yến vàng (Paroles sur le chemin A p.358)
Không biết tên tôi tớ này đã ăn chơi tiêu phí thế nào đến độ phải nợ vua một món nợ khổng lồ như thế. Tuy nhiên, sứ điệp của dụ ngôn không nằm trong quá khứ mà ở hiện tại. Tình trạng hiện tại của tên tối tớ là không có khả năng chi trả; và nếu cứ y lệnh của vua thì vĩnh viễn anh ta là một nô lệ không hy vọng ngóc đầu lên nổi và cuối cùng sẽ chết nhục nhã như một nô lệ.
Van xin: tên tôi tớ chỉ dám van xin hoãn hạn kỳ trả nợ. Chỉ nghĩ đến xin bớt nợ còn không dám, nói chi đến xóa nợ: Chuyện không tưởng đối với anh; nhưng rồi anh lại đưa ra một lời xin không tưởng khác: “tôi sẽ lo trả hết”. Lấy gì để “trả HẾT” nợ đây?
Tôn chủ chạnh lòng thương: Tôn chủ dư biết tình trang của y. Thấy được nỗi khốn cùng, mạt lộ của y, chủ nợ CHẠNH LÒNG THƯƠNG, ông không muốn biến tôi tớ mình thành nô lệ, ông chấp nhận chịu thiệt thòi, ông tha bổng.
Các chi tiết “Nước Trời giống như”, “chạnh thương”, hành động “tha bổng”, không ai ở trần thế làm như vậy, cho phép kết luận: Ông vua này là biểu tượng cho Thiên Chúa; còn tên tôi tớ là nhân loại tội lỗi đã xúc phạm đến Chúa đã được Chúa thứ tha nhưng lại không biết tha thứ cho người đồng loại.
Như vậy điểm kết thúc màn một của dụ ngôn thật đẹp. Thời điểm hình sự, tính sổ trả nợ tưởng chừng là tai họa kinh hoàng thì lại thành dịp may bất ngờ biến kẻ tội nợ thành người tự do nhờ lòng thương xót vô bờ, không tưởng của tôn chủ. Hơn nữa anh ta còn giữ được nguyên vốn để làm ăn. Mọi sự khởi đầu trở lại thật tuyệt vời. Tất cả là hoa trái của lòng thương xót của chủ. Thế nhưng mọi sự đều chuyển hướng! Vì đâu?
2.2/ Yếu tố làm xoay chuyển tình huống (28-31)
-
Hành vi bạc ác bất nhân của tên tôi tớ (28-30)
-
Thời điểm: “vừa ra đến ngoài”
-
Tình huống bất ngờ: gặp một người đồng loại nợ y 100 quan tiền
-
Phản xạ bạc ác của y: “liền túm lấy, bóp cổ” mà đòi nợ
-
Bạn sấp mình van xin
-
Lối hành xử bạc ác: không chịu, tống ngục bạn mình cho đến khi trả nợ xong
-
Phản xạ của các bạn đồng liêu: trình lại cho vua mọi sự (31)
“Vừa ra đến ngoài”: đó là thời điểm y vừa nhận được hồng ân lớn lao từ tôn chủ; lẽ ra niềm vui, ân huệ y vừa hưởng phải thấm tràn con người y; đó phải là thời điểm tỏ lòng biết ơn và nhân hậu. Thế nhưng y đã biến thời điểm ân tình, thương xót thành thời điểm tối tăm, tù đày cho bạn y. Có sự đối chọi nghiệt ngã giữa thời điểm này với thời điểm y bị điệu ra trước vua để tính sổ nợ. Thay vì bắt chước vua, y làm ngược lại hoàn toàn. Yếu tố tức thời “vừa ra đến ngoài” còn cho thấy nét vô ơn quá mức của y: dường như tình trạng khốn cùng của y khi tính sổ nợ và ân huệ lớn lao vua ban không hề tồn tại chút nào nơi y khi y “vừa ra đến ngoài”, nên y đối xử quá tệ đối với đồng liêu.
“Gặp một người đồng bạn…” tình huống bất ngờ, y không có ý đi tìm người bạn để đòi nợ. Vậy việc trả ngay món nợ không hề khẩn cấp đối với y. Thêm nữa số nợ 100 quan là nhỏ so với 10.000 yến vàng. Rồi phản xạ của y cũng cho thấy nét bạo ác: Túm lấy, bóp cổ, không có chút gì gì giống vị vua đã tha cho y. (“100 quan” bằng giá trị 100 ngày công).
Bạn năn nỉ: Câu 26 gần giống hết câu 29. Chỉ khác hai chi tiết: trước mặt vua thì y “bái lạy”, còn trước mặt y thì người bạn “năn nỉ”; y nói với vua “sẽ lo trả HẾT” (?); bạn y hứa “sẽ lo trả cho anh” . Matthêu cố ý viết hai câu giống nhau chỉ có sự đáp trả ngược nhau hầu nổi bật lên nét vô ơn, bạc ác, không xót thương của tên tôi tớ.
Chính thái độ bạc ác của y là yếu tố chính đã chấm dứt tình trạng phúc lộc mà y đã được hưởng nhờ lòng thương xót của chủ.
Phản ứng của các đồng bạn: Trước tiên là một phản ứng đượm thắm tình liên đới đồng liêu – Đừng quên dụ ngôn này được nói để xây dựng cộng đoàn chứ không dạy tố cáo nhau: Họ buồn lắm. Đứng trước một điều bạo ngược, chướng tai gai mắt, thay vì phản ứng oán ghét, giận giữ ( xem bài 1), họ BUỒN LẮM, vì người vi phạm là ANH EM. Điều này gợi lại giáo huấn phải sửa lỗi cho nhau; chắc là trong khoảng thời gian con nợ bị giam, họ đã can ngăn kẻ bạc ác nhiều lần, nhưng không kết quả, nên họ buồn lắm vì có người anh em hành động sai trái mà lại cứng lòng.
Họ đi trình với tôn chủ: Cuối cùng khi thấy kẻ bạc ác đối xử cạn tàu ráo máng với con nợ: Nhốt cho đến khi trả hết nợ, thì buộc lòng họ phải đem vụ việc ra trình bày tôn chủ. Đây chính là tiến trình của việc sửa lỗi cho nhau. Nhưng ở đây, dụ ngôn cho luôn câu đáp cuối cùng: trao quyền xét xử chung cuộc lại cho tôn chủ. Đồng liêu chỉ sửa lỗi nhau, tha thứ, trình tôn chủ, chứ không xét xử, kết án.
2.3. Tình huống chung cuộc: “gậy ông đập lưng ông”, khốn cùng vĩnh viễn (câu 32-34).
* Bị rơi về lại tình trạng tội nhân; “tôn chủ cho đòi y đến”
* Bị kết án là “ tên đầy tớ độc ác”
* Lý do kết án:
– Nhắc lại ân huệ chủ đã làm cho y: “Ta đã tha…vì ngươi van xin ta”
– Cật vấn: Tại sao ngươi không thương xót.. như chính ta…?
* Và kết án tức khắc không cho van xin gì nữa.
* Tình trạng cuối cùng tệ hại hơn: bị đối xử như một tội phạm chứ không chỉ như một con nợ: “bị HÀNH HẠ cho tới khi trả hết nợ”.
Sau khi được tha nợ, tên tôi tớ ra về như một người tự do ngẩng cao đầu, nay lại bị đòi đến như một tội phạm (động từ prôsakalêo có nghĩa là điệu ai đó ra tòa án trước vua vì một tội báng bổ, xúc phạm – xem. M.A.Bally – Dictionnaire Grec – Francais – Librairie Hachette – tái bản lần 11 – trang 1668 cột 1). Và bị vua lên tiếng kết án ngay không cho nói một lời biện hộ nào kèm theo một án phạt nghiệt ngã: nộp y cho bọn đao phủ cho đến khi nào trả hết nợ.
Basanistes = kẻ tra tấn, tra khảo, đao phủ. Với số nợ lớn như vậy lại còn bị tù đày tra tấn thì lấy gì mà TRẢ HẾT nợ đây? Vĩnh viễn ở trong nỗi khốn cùng khốn tột cùng!
Lý do nào mà tội phạt lại gia tăng khủng khiếp thế? Gậy ông đập lưng ông. Chủ thực hiện lại trên y, điều mà y đã thực hiện cho bạn y: tại sao ngươi lại không thương xót đồng bạn như ta đã thương xót ngươi.
-
Đức Giêsu rút bài học (35): Hãy hết lòng tha thứ cho nhau:
-
Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế
-
Nếu không hết lòng tha thứ cho nhau.
Bài học khá rõ: Hãy hết lòng tha thứ cho nhau. Phần Thiên Chúa, Người luôn đi bước trước tha thứ cho ta vô điều kiện. Tuy nhiên ơn tha thứ của Người tồn tại được và sinh hoa trái tốt nơi ta hay không thì lại còn tùy thuộc vào thái độ của ta đối với anh em. Người ta không thể hái được “trái tốt” tha thứ “trên cây” bạo ác, không biết xót thương. Đối với kẻ ác, chính tình yêu thương xót của Chúa lại trở thành tiêu chuẩn xét phạt y: cớ sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi? Chính lòng thương xót của Thiên Chúa đang đầy tràn trong ta buộc ta phải tha thứ bằng không chính tình thương ấy sẽ là chứng cớ kết tội ta. Đó là ý nghĩa cách nói của câu 35.
-
TÓM KẾT
Là những người đã được hưởng đầy đủ lòng rộng lượng, thương xót, tha thứ của Thiên Chúa, đến phiên mình, người tín hữu cũng phải BẮT CHƯỚC CHÚA (con người là hình ảnh Thiên Chúa, ta đã được hồi phục rồi mà) rộng lòng thương xót, tha thứ cho những anh em xúc phạm đến mình.
Chính thái độ đáp trả tích cực theo gương Thiên Chúa, tha thứ cho tha nhân, là một bảo đảm vững chắc để kẻ tin luôn hưởng được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa. Chính sự chọn lựa của chúng ta sẽ quyết định vận mạng chung cuộc của mình: Thiên Chúa sẽ lấy chính thái độ của mình đối xử với tha nhân để đối xử lại với chúng ta y như thế trong Nước của Người.
Tóm: Tha thứ bắt nguồn từ chính lòng quảng đại thương xót của Thiên Chúa, đồng thời tha thứ lôi kéo xuống và củng cố lòng thương xót thần linh ấy trong ta.
Vậy mỗi lần người môn đệ của Chúa tha thứ cho những xúc phạm của tha nhân đối với mình là đã đang cùng với Đức Giêsu phục hồi phẩm giá của anh em mình, làm một tội nhân thành một người công chính.
Còn nếu người tín hữu LUÔN SẴN SÀNG tha thứ VÔ ĐIỀU KIỆN cho mọi kẻ CỨ THƯỜNG XUYÊN xúc phạm đến mình thì mình đã để cho Thiên Chúa hoàn thiện nơi mình ơn gọi “hình ảnh của Thiên Chúa”, mình nên giống Chúa. Và còn tuyệt vời hơn nữa, sự tha thứ NHƯ THIÊN CHÚA là một góp phần vững chắc thánh hóa và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Frère Pierre Đình Long FSC