CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A

Mt 18,21-35  

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II  thăm Ali Agca trong nhà tù.

        Trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng có lầm lỗi, có sự xúc phạm đến người khác: trong gia đình giữa cha mẹ, con cái, giữa anh chị em. Ra ngoài đời, giữa bạn bè cùng lớp, cùng trường, bạn bè đồng nghiệp, giữa hàng xóm láng giềng…

Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: vậy chúng con phải tha cho người khác bao nhiêu lần? Bảy lần có được không? Chúa Giêsu nói: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. (Mt 18,22).Thực ra ý Chúa là phải tha thứ hết, tha thứ không giới hạn, không điều kiện. 

Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn: có một người mắc nợ vua 10.000 nén vàng. Anh ta không có gì trả, đã van xin và vua đã tha hết cho anh ta. Vừa ra đến ngoài, gặp một người bạn mắc nợ 100 quan tiền, anh ta đã nhất quyết đòi cho bằng được. Thấy điều bất công này nhiều người đã tâu lại cho vua và vua đã bắt giam người kia lại, cho đến khi anh ta trả hết số nợ trước.

Đọc qua dụ ngôn, chúng ta không thấy được sự chênh lệch của hai món nợ.  Người thứ nhất nợ vua 10.000 nén vàng.Thời đó mỗi nén vàng tương đương 6000 quan tiền.Vị chi là 60.000.000 quan tiền. Số tiền kếch xù, so với 100 quan tiền người bạn mắc nợ anh ta. Vua xóa nợ 60 triệu cho anh ta, nhưng 100 đồng, người bạn nợ, thì anh nhất quyết đòi cho bằng được. Sự chênh lệch, sự bất công quá lớn và vua đã rút lại ân huệ kia. 

 Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người, khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác.Lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức, không chấp lỗi họ.

Tha thứ là việc khó. Tâm lý chung của người đời là  yêu người yêu mình, ghét người ghét mình, oán hận kẻ thù và luôn tìm cách báo thù. 

Khó, nhưng không phải là không thực hiện được. 

Trên bình diện quốc tế, hầu như mọi cuộc chiến tranh đều là do các bên lâm chiến không biết nhường nhịn, không biết tha thứ cho nhau. 

          Trong lịch sử hiện đại, cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865) của Mỹ thường được nhắc tới, qua những trận đánh đẫm máu giữa quân đội của hai phe: quân miền Bắc do tướng Ulysses Simpson Grant chỉ huy và quân miền Nam do tướng Robert Edward Lee lãnh đạo. Tuy tướng Lee đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất khá nặng cho đội quân của tướng Grant, nhưng cuối cùng quân miền Nam của tướng Lee đã chấp nhận đầu hàng. Tướng Lee đã nhắn cho tướng Grant là ông chuẩn bị đầu hàng. Hai vị tướng đã chọn làng Appomattox để bàn thảo việc quy hàng. 

          Ngày 12 tháng 4 năm 1865, hàng ngàn binh lính bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc đều chào nhau theo kiểu nhà binh. Sau đó ai về nhà nấy, làm ăn sinh sống. Không một ai phải tù tội, không một ai phải cải tạo, không một ai bị sỉ nhục, chê bai. Thậm chí tên của tướng Lee, người bại trận, còn được dùng để đặt cho một trường đại học Lee College.

Người ta còn thuật lại có hai gia đình sống cạnh nhau.  Một nhà nuôi cừu, một nhà nuôi chó. Chó của nhà thứ hai thường phá rào sang cắn cừu của nhà thứ nhất. Người nuôi cừu tức giận, tính lấy súng bắn chó của nhà kia, nhưng cuối cùng, ông đã tìm ra cách để trả thù, đó là tặng cho những đứa con của nhà thứ hai một vài con cừu non. Những đứa trẻ vui đùa với những con cừu, và cũng từ đó, cha mẹ chúng xích chó lại, để chó không cắn cừu non của những đứa trẻ và cũng để chó không phá rào, cắn cừu của nhà bên cạnh. 

      Ngày 13/05/1981  thế giới kinh hoàng, khi biết tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô. Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn ngài. Anh ta bị bắt và bị tù, Nhưng,  ngay khi bình phục, Đức Giáo Hoàng đã đến nhà tù, thăm anh và tha thứ cho anh. Ngài đã thương yêu, tha thứ cho kẻ thù của mình.

      Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, khi còn là tổng giám mục ở Việt Nam, đã bị tù suốt 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam, ngài vẫn vui vẻ, hòa nhã với các cai tù, vẫn yêu thương các cán bộ, không một chút hận thù, căm tức.

   Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, một linh mục trẻ, 41 tuổi, năm ngoái, mới bị sát hại ở giáo phận Kontum. Người ta thuật lại trước khi tắt thở, cha đã thều thào lời tha thứ cho kẻ giết mình. Cha đã tha thứ như lời Chúa Giêsu dạy.

      Suốt trong lịch sử Giáo hội, có biết bao vị thánh đã tha thứ và yêu thương kẻ thù, nhất là các thánh tử đạo, mọi nơi, mọi thời, luôn vui vẻ chấp nhận sự chết và tha thứ cho kẻ làm hại mình.

Giáo Hội noi gương Chúa. Chúa đến để kiện toàn lề luật. Ngài dạy: 

 *Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.(Mt 5,44)

 *Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.(Ga 15,12).

 *Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau .( Ga 13,35)

          Theo gương của Thiên Chúa: anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là đấng nhân từ.(Lc 6,36).

       Chính Chúa Giêsu đã thực hành những điều Ngài dạy, đã nêu gương cho chúng ta. Ngài chịu xúc phạm, bị đánh đập và nhạo báng và bị giết, nhưng Ngài đã cầu nguyện cho họ: Lạy cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. (Lc 23,34).

Muốn được Thiên Chúa thứ tha, ta phải biết tha thứ cho anh em:Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.(Kinh Lạy Cha). 

Tha thứ cho nhau vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta:

Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.(Cl 3,13)

Chúng ta hát trong kinh hòa bình: vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. 

  Tâm trí người hận thù luôn nặng nề, u ám, buồn bực. Trái lại, tâm hồn người tha thứ luôn nhẹ nhàng, an bình, vui tươi. Vòng luẩn quẩn giận hờn, báo thù kìm hãm sự phát triển của cá nhân, của gia đình, cũng như của tập thể và xã hội. 

          Tha thứ là phương thuốc có thể chữa lành mọi buồn  khổ, uất hận cho người biết tha thứ và kẻ được thứ tha, đồng thời thăng hoa cả hai và làm cho con người sống lành mạnh, vui tươi.

Tha thứ là tự giải thoát mình, là mở xiềng xích cho chính mình.

Lạy chúa, xin dạy chúng con biết sống luật yêu thương bác ái của Chúa, để chúng con  noi gương Thiên Chúa tình yêu, tha thứ và yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, kể cả kẻ ghét bỏ chúng con, để chúng con cũng được Thiên Chúa tha thứ và yêu thương.

                                    Nguyễn Đức Lân