Mt 20,1-16a
John Lennon là một trong những thành viên thành lập ban nhạc The Beatles, nổi tiếng thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Ngày 8 tháng 12 năm 1980, anh ta bị bắn chết trước chung cư The Dokota ở New York, trước mặt vợ anh ta là Yoko Ono.
Kẻ sát nhân là Mark David Chapman, là một fan hâm mộ John Lennon. Anh ta còn xin chữ ký của John Lennon trước khi bắn anh này. Kẻ sát nhân khai rằng hắn muốn giết John Lennon để được nổi tiếng. Trong mắt hắn, John Lennon là một thần tượng, một người thành công, một người được cả thế giới trọng vọng và ngưỡng mộ, còn hắn ta không có gì là nổi bật, không ai biết đến.
Động lực đưa đến tội ác chỉ là ghen tỵ.
Đoạn tin mừng Mt 20, 1-16 hôm nay thuật lại chuyện một ông chủ Vườn Nho thuê thợ làm vườn. Ông ra chợ vào những thời điểm khác nhau: Người Do Thái ngày xưa phân chia thời gian khác chúng ta ngày nay, họ chia làm 12 giờ tính từ lúc mặt trời mọc, Ba mốc giờ thường dùng là giờ thứ ba tương đương với 9:00, giờ thứ sáu là 12 giờ.và giờ thứ chín là 15 giờ. Xế chiều giờ thứ 11 là 17 giờ.
Chiều đến ông chủ nói người quản lý trả lương cho tất cả những người đã làm việc bắt đầu từ những người làm cuối cùng, mỗi người được một quan tiền, rồi đến những người làm sớm hơn. Họ cũng chỉ lãnh được một quan tiền và họ cằn nhằn ông chủ: Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.(Mt 20,12). Họ ganh tị với những người làm việc lúc xế chiều.
Tính ganh tị là bản chất của con người. Ganh tị xuất hiện ngay khi có hai người, hai thành phần, hai nhóm.
Ganh tị là bực bội với những thành quả người khác đạt được mà mình không có. Thế nên ganh tị là một biến thái của kiêu ngạo. Mà kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu.
Cain ghen tị với Abel, vì Abel đẹp lòng Thiên Chúa. Người nhận lễ vật của Abel.(St 4,5).
Các anh em ghen tị với Giuse, vì Giuse được cha là tổ phụ Giacop yêu thương hơn.(St 37,18).
Vua Saolê ghen tị với Đavít, vì Đavít được dân chúng ca ngợi nhiều hơn.(1Sm 18,9).
Trong dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15), người con cả nổi giận, không chịu vào nhà, vì anh thấy cha bao dung, thương yêu đứa em hư đốn hơn thương mình.
Người ganh tị không chấp nhận người khác hơn mình, không chấp nhận người khác có cái mà mình không có. Ganh tị sinh ra ganh ghét, ganh ghét sinh ra chia rẽ, hận thù, bất hòa, bất an. Người ganh tị không có công lý và tình thương, mất tình liên đới với người khác, coi mọi người là đối thủ, là địch thủ.
Cổ nhân thường nói: “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Còn ngày nay người ta nói: “Hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ”.
Lòng ganh tị làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh em, bạn bè hay người thân trong gia đình. Lòng ganh tị còn thúc đẩy người ta làm hại nhau.
Người ganh tị không thấy những gì mình có là ân huệ mình lãnh nhận. Họ chỉ thấy cái mình không có. Không nhìn thấy niềm vui của mình. Họ là những người bi quan.
Người ganh tị chỉ thấy điểm trổi hơn của người khác, rồi suy ra điểm thiệt thòi của mình và từ đó cho rằng cuộc đời xử ép mình, người đời xử bất công với mình.
Điển hình là người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin Mừng Thánh Luca ( Lc 15,25-32). Anh ghen tương và phẫn nộ vì cha mình xử tốt với đứa em, khi nó đi hoang trở về. Anh thấy mình bị cha đối xử bất công! Anh nói với cha: “Này, đã bao nhiêu năm trời tôi làm tôi ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông, thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê con, để ăn mừng với chúng bạn. Còn khi thằng con ông này, đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ nẩy mà mừng nó”. (Lc 15,29-30, BD Nguyễn Thế Thuấn). Anh ta nhận là “làm tôi”, không nhận ra được tình thương của cha mình: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con .(Lc 15,31).
Những người thợ làm vườn nho từ sáng sớm cũng vậy. Họ cằn nhằn, phàn nàn và ghen tị, bất mãn, vì ông chủ tốt với những người chỉ làm thời gian ngắn.
Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy:
Thiên Chúa là Đấng công bằng. Không những thế, Người còn là Đấng tốt lành .
Ông chủ đã sòng phẳng theo thỏa thuận; ông đối xử công bằng khi trả một đồng lương cho người vào làm từ sáng sớm. Ông chủ trả cho người làm công giờ thứ mười một bằng người làm công giờ thứ nhất, vì ông chủ là người tốt lành và nhân hậu:
“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho những người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (20,13-15).
Thiên Chúa không theo đường lối của chúng ta. Như Ngài đã nói qua tiên tri Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy”. (Is 55,8-9).
Chúng ta đòi hỏi công bằng, điều đó cũng hợp lý, nhưng Tình yêu lại vượt trên công bằng. Nếu Chúa xử công bằng với chúng ta, chúng ta sẽ ra sao?
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng? (TV 130,3)
Nhưng may thay Chúa vẫn thương chúng ta.
Dụ ngôn này giúp chúng ta khám phá ra một điều cốt yếu: Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta hoàn toàn nhưng không và vượt xa công trạng của chúng ta.
Lạy chúa xin mở mắt chúng con để chúng con nhìn ra những hồng ân cao cả Chúa ban, để chúng con ca tụng, cảm tạ Chúa. Cho chúng con nhìn ra những hồng ân Chúa ban cho anh em, để chúng con cùng tạ ơn Chúa với anh em, đồng thời xây dựng bình an trong gia đình, trong cộng đoàn, trong tập thể chúng con.
Nguyễn Đức Lân