Bài 1
Cn 31,10-13.19-20.30-31; Mt 25, 14-30
Chủ đề: Phần thưởng Chúa dành cho những ai hoàn tất bổn phận Chúa đã trao cho.
* Cn 31,30-31: Người phụ nữ kính sợ YAVÊ…Hãy để cho nàng hưởng thành quả do bàn tay nàng làm ra.
* Mt 25,21: Được giao ít mà anh đã trung thành…Hãy vào mà hưởng niềm vui của Chủ anh.
Trách nhiệm và quyền lợi; Ân thưởng và hình phạt; Tin tưởng nhau và nghi kỵ nhau…Đó là những chủ đề được Lời Chúa hôm nay đề cập đến. Các chủ đề ấy đan quyện với nhau trong bài đọc một và Tin Mừng của Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật XXXIII A Mùa Thường Niên.
Cụ thể Lời Chúa XXXIII A mời chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ qua việc Chúa tin tưởng, trao phó cho con người công cuộc của Chúa. Chúa muốn con người hoàn tất công trình được trao phó để từng người thực sự trở nên cộng tác viên của Chúa trong kế đồ cứu độ thần linh của Người.
Về phía con người, Lời Chúa mời con người phải có thái độ đáp trả tương ứng. Chính thái độ đáp trả ấy sẽ quyết định vận mạng của từng người. Nhưng điều quan trọng hơn là YẾU TỐ NÀO đã đưa con người đến chỗ có được một chọn lựa thái độ đối với Thiên Chúa? YẾU TỐ đó chính là CÁI NHÌN của chúng ta về Thiên Chúa: tin tưởng hay nghi kỵ.
Với niềm tin tưởng phó thác, con người sẽ dễ dàng đón nhận công cuộc Chúa trao ban như một hồng ân rồi cố gắng hết mình hoàn tất; Cuối cùng trao tất cả lại cho Chúa cả vốn lẫn lời không một lời kể công tính toán.
Trái lại với tương quan nghi kỵ, coi chủ là người hà khắc, bất công, bóc lột, thì con người sẽ coi công việc Chúa trao là một lao dịch nặng nề rồi tìm cách từ khước. Dĩ nhiên những gì mỗi người làm sẽ để lại dấu ấn đậm nét trên cuộc đời họ.
Trong bài đọc một, sách Châm Ngôn thuật lại tấm gương mẫu mực của một phụ nữ đảm đang: nàng nhận lấy mọi công việc nhà chồng làm của mình, và nàng cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui khi chu toàn nhiệm vụ của người vợ.
Nền tảng của mọi ứng xử tuyệt vời đó là vì nàng biết rõ “chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng” (c.11) và quyết tâm “suốt đời đem lại hạnh phúc cho chồng (c.12). Tâm tình ấy được nàng biểu lộ ra qua việc làm cụ thể:
-
LAO ĐỘNG: tự nguyện, vui vẻ, sáng kiến tìm kiếm các phương tiện rồi ra tay làm việc cách chủ động, chuyên cần: “Nàng tìm kiếm len và vải gai rồi vui vẻ ra tay làm việc” (c.13); “Nàng tra tay vào guồng kéo sợi và cầm chắc suốt chỉ trong tay” (c.19). Nhà chồng chắc chắn đầy đủ, an vui, hạnh phúc.
-
BÁC ÁI với NGƯỜI NGHÈO: đây là hành vi kéo phúc lộc thần linh xuống cho nhà chồng (Hc 4,10; Tb 4,7-11; Đnl 15,10b): “Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ, cứu kẻ khốn cùng” (c.20).
-
ĐẠO ĐỨC: đối với nàng, duyên dáng, sắc đẹp chỉ là phù vân; Điều nàng chân tâm tìm kiếm là lòng kính sợ YAVÊ (c.30).
Phần thưởng dành cho nàng không chỉ là hạnh phúc gia đình: “được hưởng trọn thành quả do tay nàng làm ra”, mà còn được tôn vinh giữa cộng đồng dân Chúa: “được tán dương nơi cổng thành” (c.31).
Chủ đề của Chúa Nhật XXXIII A được Tin Mừng diễn tả qua dụ ngôn của Đức Giêsu: Người chủ kia đi xa, tin tưởng vào các đầy tớ riêng của mình, nên ông đã giao cho từng người trong họ một số vốn lớn tùy theo khả năng của họ. Người ít nhất là MỘT YẾN tương đương với 6000 ngày công, nghĩa là 20 năm lao động.
Phần các đầy tớ, khi nhận vốn, đã có hai thái độ khác nhau:
-
Người nhận năm nén và người nhận hai nén, NGAY LẬP TỨC đã ra sức khai thác số vốn làm ăn; kết quả là lợi được gấp đôi.
-
Riêng người nhận được một nén lại đi đào hố chôn giấu số bạc chủ trao.
Và rồi đến ngày chủ ĐẾN và thanh toán sổ sách, thì hai người tôi tớ đã làm ăn sinh lợi được chủ khen và ân thưởng. Phần thưởng chủ yếu không nằm ở vật chất mà là được CHUNG HƯỞNG NIỀM VUI CỦA CHỦ nghĩa là được cùng số phận, chung hưởng hạnh phúc với chủ.
Còn trường hợp người nhận một nén? Đây là trọng tâm của dụ ngôn: vì lẽ nào mà người đầy tớ này lại chống đối chủ, đem chôn Yến bạc? Anh ta KHÔNG TIN NƠI CHỦ: đối với anh ta, ông chủ là người hà khắc, bóc lột, bất công “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”, nên anh đâm SỢ, đi chôn tiền cho chắc ăn. Ngờ đâu đó lại là căn nguyên án phạt cho anh.
Không tin chủ! Do đó án phạt là bị đuổi khỏi nhan chủ, không được hưởng niềm vui hạnh phúc của chủ.
Lời Chúa hôm nay muốn ta hãy tin tưởng vào Chúa, nhiệt tình hoàn tất công việc Chúa trao với tấm lòng biết ơn, hầu được cùng Chúa chung hưởng niềm vui và hạnh phúc Chúa đã dọn sẵn cho đầy tớ tín trung tài giỏi.
Bài 2
Cn 31,10-13.19-20.30-31
Mt 25, 14-30
Có người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ RIÊNG của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ (Mt 25, 14…) Rồi ông ra đi. Lập tức người đã lãnh 5 yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán… (cc 15b– 16) … Còn người lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn dấu số bạc của chủ (c.18).
Chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối của năm Phụng Vụ. Chúa nhật 33 Mùa Thường Niên có thể nói là Chúa Nhật cuối của năm vì tuần sau là Chúa Nhật mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô Vua. Tại Việt Nam do phải mừng trọng thể lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên Chúa nhật 33 Mùa Thường Niên thường bị quên lãng. Nội dung của Chúa Nhật cuối năm phụng vụ hướng lòng các tín hữu về Ngày Cánh Chung: ngày Thiên Chúa hoàn tất công trình cứu độ của Người, ngày Đức Giêsu quang lâm quy tụ muôn loài về một mối và dâng lên Thiên Chúa Cha để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (x.1Cr 15, 24-18).
Chủ đề của phụng vụ Lời Chúa 33 Mùa Thường Niên hướng về ngày Chủ trở về, quy tụ các tôi tớ RIÊNG của mình lại để xét xem họ đã làm ăn thế nào với số vốn mà Chủ đã ban cho từng người trước khi ra đi xa.
Điều Chủ mong đợi là các tôi tớ phải làm cho vốn Chủ giao được sinh lợi tương xứng với lòng tin tưởng mà Chúa có đối với từng người. Chủ đề chính được Lời Chúa mạc khải hôm nay là mối tương giao hỗ tương giữa Thiên Chúa và con người. Ở cả 2 bài đọc, Thiên Chúa xuất hiện như là một người chủ hoàn toàn tin tưởng, yêu thương các tôi tớ của mình, sẵn sàng trao phó gia sản của mình cho họ với số lượng lớn và để họ tự do đầu tư, làm ăn mà không cần giám sát chặt chẽ. Qua trách nhiệm chủ trao cho các tôi tớ và qua việc tính toán sổ sách chung thẩm và ân thưởng, ta có thể thấy chủ ý của Chủ không hề là khai thác công sức của tôi tớ mà là TẠO ĐIỀU KIỆN thuận lợi để làm giàu cho các tôi tớ (không lấy lại cho mình những gì đã trao ban mà còn hứa cho thêm). Đó là dịp chủ tặng luôn mọi ân huệ trở thành gia sản riêng của tôi tớ. Và tuyệt vời hơn nữa là được chung hưởng hạnh phúc, chung một niềm vui với chủ mình.
Tuy nhiên Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh hơn tới thái độ đáp trả của con người, nhấn mạnh đến bổn phận của các tôi tớ phải tích cực đầu tư làm cho vốn liếng chủ ban được sinh nhiều hoa trái, lợi nhuận. Và cái nền tảng thúc đẩy, giúp đỡ họ hoàn thành trách nhiệm chính là LÒNG TÍN THÁC vững chắc của họ đối với Chủ.
Bài đọc 1 xác định : căn nguyên của mọi việc tốt lành mà người phụ nữ đảm đảm đang làm được là phát xuất từ “ Lòng kính sợ Yavê” (Cn 31,30)
Ngược lại căn nguyên của thái độ tiêu cực của người tôi tớ nhận 1 nén là thiếu tin tưởng của anh đối với chủ (Mt 25 , 24-25)
Tóm lại chủ điểm Lời Chúa của Chúa Nhật 33A gồm 2 ý liên kết chặt chẽ với nhau: lòng tin tưởng của người chủ đối với các cộng sự viên của mình: đáp trả lại, các cộng sự viên phải nỗ lực làm tròn bổn phận đã được trao phó cho mình: phải tận dụng mọi sự chủ đã trao ban và làm chúng sinh hoa kết quả, và đương nhiên những ai trung thành sẽ được ân thưởng xứng đáng.
Bài đọc 1 trích bài thơ cuối Sách Châm Ngôn, nói về người vợ đảm đang: nàng hoàn tất tuyệt vời vai trò làm vợ, làm mẹ, bà chủ của mình: nàng được chồng tin tưởng trao phó mọi sự, đáp lại nàng mang lại niềm tin (11a), lợi lộc (11b), hạnh phúc (12) cho chồng, nàng làm trụ cột lao động (13-19), tạo phúc cho chồng con qua việc giúp đỡ người nghèo (20): và nhất là nàng chu toàn bổn phận với Thiên Chúa: kính sợ Thiên Chúa (30). Đó là những “tiền đề” mà nàng mang lại cho chồng. Phần thưởng dành cho nàng là được hưởng xứng đáng những gì nàng đã khó nhọc làm nên và hơn nữa được toàn dân ca ngợi (31).
Tin Mừng thuật lại dụ ngôn kể việc một ông chủ trước khi đi xa đã trao cho 3 tôi tớ mỗi người một số vốn lớn: 2 trong 3 đã sử dụng tốt số vốn ấy, lao động sinh lợi, đến khi chủ về, họ nộp cả vốn lẫn lời và được chủ khen thưởng xứng đáng: Riêng anh thứ 3 đã nghi ngờ thiện chí của chủ, đem chôn số vốn để cuối cùng trả lại cho chủ kèm những lời than trách ông chủ để biện minh cho hành vi lười nhác của mình: Hậu quả là án phạt dành cho kẻ bất trung đã giáng trên đầu anh ta.
BÀI ĐỌC I: Cn 31,10-13.19—20. 30-31
Sách Châm ngôn được giới thiệu có tác giả là vua Salomon (1,1), nhưng nội dung gồm nhiều tuyển tập của nhiều tác giả, nên sách Cn là 1 “sưu tập những bộ sưu tập”:
-
Các huấn dụ: Lời bậc cha thầy khuyên con cái thường mở đầu bằng “Này con…” (chương 1-9 gồm 10 lời: 1,8; 2,1; 3,1;3,21; 4,1; 4,10; 4, 20; 5,1; 6, 20; 7,1).
-
Bộ sưu tập các châm ngôn của vua Salomon: 2 khối (10,1-22,16; 25,1-29,17).
-
2 bộ sưu tập của những nhà khôn ngoan Do Thái (22,17-24,22; 24,23-34).
-
2 bộ sưu tập khôn ngoan dân ngoại: của Agua (30,1-14), của Lơmuên (31,1-9)
-
Bộ châm ngôn có số: “có 3 điều…và 4 chuyện…” (30,15-33)
-
Kết: bài thơ về người vợ đảm đang” gồm 22 câu đánh số bằng chữ Hi-bá (30,10-31).
Bài đọc 1 trích 8 trong số 22 câu của bài thơ cuói sách Châm ngôn, ca ngợi người phục nữ mẫu mực qua các công việc nàng làm và nhất là qua các tương quan tốt mà nàng tạo ra đối với chồng con, công việc, tha nhân và Thiên Chúa.
CẤU TRÚC Cn 31, 10-13. 19-20. 30-31 , và SUY NIỆM
-
Người vợ đảm đang: hồng ân quý giá vô song Thiên Chúa ban tặng con người (Cn 31,10)
-
Người vợ đảm đang là hồng ân Thiên Chúa: biểu lộ qua câu hỏi “Tìm đâu ra?”
-
Hình ảnh nói lên sự quý giá vô song: “vượt xa châu ngọc”
Câu 10 gợi lại một đoạn suy tư khôn ngoan khác về tương quan vợ chồng trong sách St 2,18-24 “Tìm đâu ra” gợi lại hình ảnh Adam sau khi được Thiên Chúa trao ban cho toàn vũ trụ, ông vẫn thấy thiếu thốn và không có gì lấp được khoảng trống trong tâm hồn ông. Chỉ sau khi Chúa dựng nên người nữ và mang đến cho ông, ông mới thực sự thấy đầy đủ, hạnh phúc. Hình ảnh người vợ trong Sáng thế được trình bày là ngang với Adam, người trợ lực giúp Adam hoàn tất được ơn gọi và sứ mạng Chúa trao là lao động làm cho vũ trụ này nên xinh đẹp, tạo phúc cho nhân loại. Hình ảnh ấy được Cn 31,10-31 mô tả lại dưới một dạng thức khác. Điều gì Eva làm đổ vỡ gây họa cho Adam thì “người vợ đảm đang” khôi phục lại bằng sự đảm đang của mình. Nàng quả là “quý giá vượt xa châu ngọc”. Nàng là một tặng ân nhưng không của Thiên Chúa, con người không thể “tìm đâu ra” một người vợ như thế.
Những câu sau là nỗ lực mô tả những nét đặc thù của “người vợ đảm đang”. Được gợi hứng từ St 2-3, xin chia nội dung bài đọc phụng vụ theo 3 mối tương quan: với chồng, với tha nhân và công việc, với Thiên Chúa.
-
Tương quan với chồng (Cn 31,11-12)
-
được chồng hết dạ tin tưởng
-
đem lại mọi phúc lộc cho chồng
-
suốt đời đem lại hạnh phúc chứ không tai họa cho chồng
Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của Eva trong St 3, “người vợ đảm đang” là hình ảnh Eva trong St 2,18-24: người vợ là tặng ân quý nhất mà Thiên Chúa ban cho người chồng vượt trên cả vũ trụ; và vợ quả nhiên là cội nguồn phúc lộc cho chồng. Lòng tin tưởng của chồng biểu lộ qua việc chàng trao hết việc quán xuyến trong nhà lẫn việc làm ăn, điều phối nhân sự lẫn của cải trong nhà. Điều này khá lạ vì người phụ nữ trong xã hội Do Thái không có quyền dân sự như đàn ông và chỉ biết phục tùng chồng.
-
Tương quan với công việc: quán xuyến bên ngoài (Cn 31, 13.19.20)
-
Nội trợ: được biểu tượng bằng nghề dệt vải: tự tìm nguyên liệu rồi vui vẻ ra tay làm việc quay tơ kéo sợi.
-
Bên ngoài: giúp đỡ kẻ nghèo hèn túng quẫn.
Lao động vui tươi, mang lại phúc lộc dồi dào là hồng ân Thiên Chúa trao tặng cho con người để làm cho thế giới này thêm xinh tươi tốt đẹp. Bản văn phụng vụ trích thuật một công việc biểu tượng của người phụ nữ: trồng bông, đay rồi xe tơ dệt vải. Nàng đã biết khai thác hoa màu ruộng đất rồi dùng sự cần cù khéo léo biến các thổ sản thành tiện nghi cho chồng.
Bên ngoài nàng giúp đỡ kẻ nghèo khó là cách kéo phúc lành của Thiên Chúa xuống trên nhà chồng vì Thiên Chúa bênh vực kẻ nghèo và ân thưởng cho những ai rộng tay làm phúc.
Qua việc quán xuyến tốt đẹp việc nhà lẫn bên ngoài, nàng thực sự mang lại cho chồng mọi phúc lộc của cuộc đời, đất đai lẫn phúc lộc của Thiên Chúa.
-
Tương quan với Thiên Chúa (Cn 31,30)
-
Không tìm vinh quang lời ca ngợi cho mình qua những cái phù du mình đang có: “duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân”
-
Nhưng tìm mọi sự trong lòng “kính sợ Yavê”.
Duyên dáng, sắc đẹp làm thoả mãn giác quan, và điều ấy (thoả mãn giác quan) mang đến tai hoạ: gương Eva khi ngắm nhìn trái cấm và giác quan tình cảm bị nét giả dối bên ngoài của trái cấm quyến rũ đã là một minh hoạ rõ nét. Điều giả dối ấy đã đưa Eva đến chổ không còn kính sợ lệnh truyền của Thiên Chúa nữa, và tai hoạ đã ụp xuống con người.
Người phụ nữ đảm đang phải là người biết “kính sợ Thiên Chúa”. Mà kính sợ Chúa là bước đầu của khôn Ngoan (1,7). Vậy “Người phụ nữ đảm đang” là hình ảnh của Đức Khôn Ngoan, là con đường mà mọi người phải theo để đạt được hạnh phúc. Chỉ khi kính sợ và tuân phục Thiên Chúa, con người mới thực sự hạnh phúc và hạnh phúc bền lâu.
Mọi tương quan giữa con người với nhau, với Thiên Chúa với tha nhân và tạo vật khác đã bị phá vỡ do tội nay đã được hồi phục nơi “người vợ đảm đang” nhờ lòng “kính sợ Yavê”.
-
Phần thưởng cho người vợ đảm đang(Cn 31,31)
-
Được hưởng thành quả tay mình làm ra
-
Được tán dương ca tụng công khai do những việc việc làm.
Có được việc làm, làm có kết quả, được hưởng kết quả đó, đó là phần thưởng Thiên Chúa dành cho ai tín trung. Tất cả nói lên sự hài hoà của công trình sáng tạo: đất đai, vũ trụ trổ sinh hoa trái đúng như ý định của Thiên Chúa và con người hưởng trọn công khó lao nhọc của mình từ sự hài hoà ấy.
Cổng thành là nơi tập trung nhịp sống của thành: nơi đó người ta gặp gỡ (G 29,7; Tv 69,13: “bọn ngồi lê đôi mách” dịch sát là “bọn ngồi ở cổng thành”); buôn bán trao đổi (St 23,11-18; R4,1-11”; vận động chính trị (2Sm 15, 1-6); và nhất là xử án (Đnl 21,19; 22,15; 25,7; Cn 22,22; 24,7…). Vậy được ca tụng nơi cổng thành là được ca tụng giữa toàn dân, được toàn dân ca tụng.
Nàng được tán dương không do vốn nàng có (duyên dáng, sắc đẹp) mà do sự thành thật, tiền lời từ công việc của nàng. Đây là điểm nối kết với Tin Mừng.
-
Tóm kết:
Trong bầu không khí của nền văn chương khôn ngoan Do Thái, “người vợ đảm đang” gợi lại hình ảnh tuyệt vời của Eva trước khi sa ngã: vợ là người đương đối với chồng, được chồng hoàn toàn tin tưởng yêu thương như “xương tôi, thịt tôi”; nàng được dựng nên để cộng tác với chồng trong việc quản cai vũ trụ; nàng là nguồn hạnh phúc của chồng. Trong tương quan với sách Châm ngôn, “người vợ đảm đang” (trên bình diện vũ trụ) được Thiên Chúa tặng ban để hồi phục nhân loại, hồi phục công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Trong tinh thần của những tuần cuối năm phụng vụ, chờ Chúa quang lâm, Lời Chúa mời gọi mỗi tín hữu hãy đảm nhận vai trò của “người vợ đảm đang”, sao cho trong cuộc sống của mình, mọi người an tâm tin tưởng vào tôi, để tôi trở thành cầu nối giữa tha nhân, để tôi trở thành người phục vụ đem hạnh phúc đến tha nhân và nhất là tôi tở nên mẫu mực của người kính sợ Thiên Chúa cho mọi người.
TIN MỪNG: MATTHEU 25, 14-30
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay là đoạn tiếp theo ngay sau đoạn Tin Mừng tuần trước. Đây là dụ ngôn thứ 4 trong bài giảng cánh chung, khai triển thêm chủ đề thế nào là CANH THỨC. Bài đọc Tin Mừng các Chúa Nhật trước chỉ mới qui chiếu về các sự kiện, nghĩa là sự đáp trả hờ hững, thiếu quan tâm của nhân loại trong tương quan với tính bất ngờ và chớp nhoáng của Quang Lâm. Thiếu canh thức nghĩa là thiếu đề phòng, chuẩn bị không đầy đủ, do đó không kịp trở tay khi Quang Lâm thình lình ập tới. Yếu tố chính quyết định số phận mỗi người là thái độ của mình trong tương quan với công việc được ủy thác, cụ thể là không hoàn tất được trách vụ, bổn phận đã lãnh nhận, được biểu lộ qua cuộc sống thường nhật trong khi chờ Quang Lâm đến:
– Sự thiếu sẵn sàng, thiếu tổ chức, sự sơ hở trong việc canh phòng, đó là điều được dụ ngôn một đề cập đến (x. Mt 24, 42-44)
– Sự lạm dụng quyền bính, không làm tròn nhiệm vụ chủ trao (24, 49-50)
– Sự ỷ lại, không chuẩn bị đúng mức dầu đèn (25, 1-12)
– Đến dụ ngôn thứ 4 hôm nay, yếu tố quyết định vận mạng chuyển từ những thiếu sót bổn phận trong việc làm, trong trách vụ sang mối tương quan giữa người tôi tớ với Chủ. Yếu tố xét phạt tội nhân không được dựa trên những thiếu sót trong bổn phận mà dựa trên chính tư tưởng anh ta có về người chủ của mình. Đối với tên “đầy tớ tồi tệ và biếng nhác” đó, ông chủ là một người hà khắc, là một chủ nô chuyên bóc lột người nghèo, “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Chủ là một người đáng sợ. Chính vì cái nhìn lệch lạc về Chủ như thế, nên đối với hắn, ân huệ Chúa thương trao (yến vàng làm vốn) lại bị hắn xem là gánh nặng, công cụ bóc lột. Dó đó, hắn phản kháng lại bằng thái độ không cộng tác: đem chôn yến vàng rồi chờ Chủ về TRẢ LẠI”.
Như vậy, suốt thời gian Chủ vắng mặt, hắn “ngồi chơi xơi nước”, ăn bám vào tài sản của Chủ: nhà cửa, cơm ăn, tất cả mội nhu cầu hắn hưởng dùng hằng ngày đều là của Chủ. Vô ơn là thế!
– Còn trong dụ ngôn 5 (25, 31-46), yếu tố quyết định vận mạng chung cục của mỗi người quy chiếu về mối tương quan với tha nhân, nhất là những người nghèo là những người được Con Người đồng hóa Người với họ. Chúng ta sẽ triển khai chủ đền này tuần tới.
Tuần này chú trọng đến mối tương quan đối với Chủ: CANH THỨC chính là tôn trọng, biết ơn Chủ, đưa tới hành vi cụ thể là hết lòng làm lợi những yến vàng đã được Chủ trao ban.
* “Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ RIÊNG CỦA MÌNH đến mà giao phó của cải mình cho họ”. Xin nhắc lại rằng “bài giảng về thời cánh chung” được Đức Giêsu nói riêng cho Nhóm Mười Hai: “các môn đệ đến gặp RIÊNG Người và hỏi…” (x. Mt 24,3). Vậy “người sắp đi xa” ám chỉ Đức Giêsu; “đi xa” là Thăng Thiên; “đầy tớ RIÊNG” là các tông đồ.
Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu biết mình sắp ra đi và Người đã yêu thương các môn đệ đến cùng (x. Ga 13,1) nên trước khi từ biệt đoàn môn đệ thân yêu Người đã trao cho họ những “Yến” bạc: luật yêu nhau như Thầy (x. Ga 13, 34); Việc phục vụ truyền giáo “rửa chân cho nhau” như Thầy đã làm cho anh em (x. Ga 13, 14-15); Trao ban bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức (x. Mt 26, 26-28; Lc 22, 19); Tinh thần phục vụ (x. Lc 22, 24-27).
Những gì Chúa trao cho các tông đồ, được mở rộng ra cho tất cả mọi người và từng người cách thích hợp: “ông trao cho người này năm yến…hai yến…một yến, tùy theo khả năng RIÊNG mỗi người” (x. Mt 25,15). Chúng ta không bận tâm đến cái “yến bạc” đó cụ thể ám chỉ điều chi; chỉ cần biết đó là những hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho từng người; Còn điều ta suy tư đó là thái độ đáp trả của mỗi người trước hồng ân bao la đó.
CẤU TRÚC Mt 15, 14-30 và SUY NIỆM
-
Tình huống ban đầu: sắp xếp của chủ (Mt 25, 14-15)
* Quả thế, cũng như người kia (tức ông chủ)
* Sắp xếp của chủ:
– Dự tính đi xa
– Gọi các đầy tớ riêng của mình đến trao của cải cho họ
– Cách phân phối: người 5, 2, 1 yến tùy khả năng.
Trình thuật này mở đầu bằng “Quả thế”: đây là một tiếp nối dụ ngôn trước nhằm khai triển thêm chủ đề TỈNH THỨC. “Cũng như…”: một dạng so sánh, dù không nói rõ, ta cũng hiểu đây là một dụ ngôn có liên quan đến Nước Trời, đến ngày Quang Lâm (x. Mt 25,1).
Chủ đi xa: hàm ý vắng mặt lâu ngày. Vậy đây là thời gian các tôi tớ được sống tự do. Mỗi người phải lấy trách nhiệm chọn lựa sao cho cuộc đời mình sinh hoa trái tốt theo ý Chúa. Một dạng thức mới của cám dỗ “nguyên tội” được đặt ra trước mắt MỖI CÁ NHÂN
Đầy tớ: trong Kinh Thánh, là những người được Thiên Chúa tin, mời cộng tác vào công cuộc của Người. Ở đây Mattheu còn dùng từ “đầy tớ riêng, đặc biệt”; thêm nữa văn mạch 24, 3: đây là những lời Đức Giêsu dạy riêng cho môn đệ tại núi Oliu (Đức Giêsu hấp hối và bị bắt ở đây chỉ nhóm Mười Hai chứng kiến 26,30.36). Rõ ràng các “đầy tớ” ở đây ám chỉ những người rất thân tín của chủ, được chủ đặt nhiều kỳ vọng nơi họ. Vậy Mattheu đang nhắc nhở các tín hữu của cộng đoàn mình, là những người đã nhận được những yến bạc của chủ, hãy sống sao cho xứng đáng với kỳ vọng của chủ trong khi chờ Quang Lâm.
Yến = 1 talantôn tương đương 6.000 quan tiền = tiền công 6.000 ngày của một người khoẻ mạnh làm từ 6g sáng – 6g chiều, nghĩa là làm suốt 20 năm để dành, không chi tiêu ăn uống. Vậy đây là một gia sản lớn đối với một dân trung lưu.
-
Phản ứng của các đầy tớ: (Mt25, 15c – 18)
-
Lập tức: vào cuộc ngay, không phí chút thời gian nào (nói chung cho cả 3 hạng)
-
Thái độ tích cực cho những ai lãnh 5 hoặc 2 yến: đem vốn ra đầu tư làm ăn và kết quả là sinh lợi gấp đôi.
-
Thái độ của người lãnh 1 yến: đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.
Chữ “lập tức” áp dụng chung cho cả 3 hạng đầy tớ. Tên lười biếng cũng chôn tiền của chủ “ngay lập tức” nghĩa là không một chút cố gắng nào.
Mt nhấn mạnh đến hiệu năng: tất cả đầy tớ chịu làm việc đều sinh lợi gấp đôi. Hàm ý làm việc tối đa: tất cả những gì trao ban đều được sử dụng hết và sinh lợi tương ứng.
-
Chủ đến tính sổ (Mt 25, 19 – 30)
-
Thời điểm: “sau một thời gian lâu dài”
-
Cách làm(19): ông ĐẾN và yêu cầu các đầy tớ TÍNH SỔ
“Thời gian lâu dài”: Cách nói hàm ý ngày về của chủ nằm ngoài tầm dự đoán của các đầy tớ. Điều này phù hợp với văn mạch đang nói về tính bất ngờ của Quang Lâm, do đó mọi người phải tỉnh thức: x. c.13.
“Đến” thay vì nói “người ấy trở về”, Mattheu lại dùng động từ ĐẾN là động từ ám chỉ Quang Lâm (x. 24,42.43.44; 25,10), với chủ là “Kurios của các đầy tớ” Khi ra đi thì ông ta được mô tả là “anthropos” = “người kia” (c.14) nhưng khi ĐẾN thì với tư cách là Kurios = Chúa để “tính sổ”. Khía cạnh cánh chung được đề cập đến ở đây và được củng cố thêm ở câu 30: “ tối tăm…khóc lóc nghiến răng” )
-
Phần các đầy tớ tài giỏi và trung thành (cc 20-23)
Được trình bày theo một công thức cho những người đã nhận 5 và 2 yến”
-
Tường trình kết quả:
-
Kuriê = lạy Chúa, Ngài đã giao 5(2) yến, tôi đã gây lời được 5(2) yến khác
-
Khen thưởng: ông chủ (Kurios) của nó tuyên bố với nó:
-
Khen là đầy tớ tài giỏi và trung thành.
-
Hứa sẽ giao phó nhiều hơn.
-
Mời vào hưởng niềm vui của chủ.
Một lời một, lời 100% hàm ý 2 đầy tớ này đã lao động hết mình. Do đó quà nhận có khác nhau, nhưng phần thưởng là như nhau: cùng lời khen thưởng, cùng một lời hứa và cùng một vinh phúc là hưởng niềm vui của chủ ngươi. Mt nhắm tới hiệu năng làm việc như nhau, số lượng yến vàng được giao không quan trọng: ít tài năng, ít may mắn không hề chi. Vì không ai phải chịu trách nhiệm, phải trả lẽ vì số lượng ít ỏi hồng ân mà mình nhận được, nhưng chỉ phải trả lẽ vì cách thức mà mình đã sử dụng chúng để mở mang xây dựng Nước Thiên Chúa.
Lời khen không nhắm vào kết quả thu được nhiều mà nhắm vào chính con người của các đầy tớ: Tài giỏi và trung thành. Phần thưởng cũng chẳng liên quan gì tới số tiền đã thu được nhưng lại nhấn mạnh đến hai tương quan:
-
Tương quan với hai phẩm tính tài giỏi và trung thành: sẽ được trao sứ vụ nhiều hơn.
-
Tương quan với chủ: được hưởng chính niềm vui của chủ, đó chính là cảm nhận được niềm vui của chủ cũng là niềm vui của mình, niềm vui được làm “đầy tớ” nghĩa là được góp phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.
3.2 Phần tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác (các câu 24 – 30).
-
Cái nhìn lệch lạc về ông chủ: cho ông chủ là người hà khắc bóc lột “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”
-
Kéo theo thái độ: sợ, chôn dấu yến bạc và giờ đây trả lại.
-
Phản ứng của chủ:
-
Trách: đầy tớ tồi tệ và biếng nhác.
-
Phân tích cái sai của anh ta: “Anh đã biết…thì lẽ ra…”.
– Phạt: thu hồi yến bác giao cho người đã lãnh 10 yến và giải thích tại sao lại trao cho người đã có 10 yến. Còn phần tên đầy tớ vô dụng: “Ném vào chốn tối tăm ở bên ngoài, ở đó sẽ khóc lóc nghiến răng”.
Mọi sự khởi đầu từ cái nhìn lệch lạc của anh ta về ông chủ của mình: mặc dù ít hơn hai người kia, nhưng anh ta cũng nhận được số vốn rất lớn và câu 28 cho thấy chủ rất quảng đại: Vốn lời chủ đều tặng lại hết cho đầy tớ tốt, đồng thời chủ còn hứa trao cho nhiều hơn nữa. Từ đó, dẫn đến hành vi sai trái ở câu 25.
Ở đây án phạt dường như nằm nơi việc không có lời, từ đó bản chất người đầy tớ lộ ra: “tồi tệ, biếng nhác” và câu 30 còn thêm “vô dụng”. Chúng ta nhận được điều này qua lời phân tích của ông chủ” “anh đã biết tôi… thì lẽ ra anh phải… để khi tôi ĐẾN, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”. Đây chính là trọng tâm của dụ ngôn điều mà Matthêu muốn gửi tới cộng đoàn tín hữu đang chờ Chúa quang lâm: hãy làm lời những yến bạc chủ đã trao, đó chính là tỉnh thức.
Chi tiết này cũng cảnh cáo các tín hữu hôm nay đừng như các tín hữu vào thời cuối đời các tông đồ xưa: vì quá chờ đợi quang lâm mà không thấy đến nên rơi vào tình trạng nôn nóng bất ổn để rồi sinh ra buông bỏ tất cả công việc làm ăn, xao lãng trách nhiệm xã hội trần thế, ăn không ngồi rồi (x. 2Tx 3, 6-12) gây ra hậu quả trầm trọng, xáo trộn cho đức tin Kitô giáo (x. 2Pr 3, 4. 14.17). Matthêu cảnh cáo: Hãy tỉnh dậy đi, phải thức tỉnh nghĩa là phải trông chờ Chúa trong hoạt động và ý thức trách nhiệm; phải sinh lợi ra chứ đón nhận Lời Chúa thôi thì chưa đủ; để vốn chết không sinh lời là đáng tội. Làm cho Lời Chúa sinh lợi, đó là trọng trách của người Kitô hữu và là lý do của việc Chúa chậm quang lâm (để con người có thời giờ làm sinh lợi).
-
TÓM KẾT:
“Chúa đến” là chuyện tương lai, nhưng sứ điệp là nhắm vào các hữu trong hiện tại.
Sứ điệp chính của bản văn khá rõ: Tỉnh thức chính là ngay trong hiện tại phải nỗ lực làm cho yến bạc Chúa trao cho mỗi người được sinh lợi tối đa. Trong dụ ngôn này ta không cần bận tâm ra đón Chúa vì chính Chúa sẽ tìm đến chúng ta để tính sổ. Điều Chúa cần là: SINH LỢI. Sinh lợi không vì lợi ích của Chúa, nhưng đó là cái cớ để Chúa ban thưởng cho ta rộng rãi, lớn lao hơn. Phúc lộc đích thực của người môn đệ là được chung hưởng cùng một niềm vui với Thầy: niềm vui thấy ơn cứu độ được lan toả và bản thân minh được là cộng sự viên của Thiên Chúa trong công việc đó.
Hãy có cái nhìn trung thực về Thiên Chúa, đừng như tên đầy tớ xấu. Chính cái nhìn này quyết định cho hành động của ta trong hiện tại và cho phúc lộc muôn đời của chúng ta. Hãy sinh lợi!
Frère Pierre Đình Long FSC