Bài 1
Ed 34,11-12.15-17; Mt 25,31-46
Chủ đề: Thiên Chúa biểu lộ vương quyền qua việc chăm sóc và xét xử đàn chiên.
* Ed 34,17: Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Yavê là Chúa Thượng phán: này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.
* Mt 25,31-32: Khi Con Ngưởi đến…ngự trên ngai vinh hiển…Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người và Người sẽ tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê.
Lễ Kitô Vua được Đức giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925 nhằm tuyên xưng đức tin của Giáo Hội vào vương quyền tối thượng của Đức Giêsu trên vũ trụ, con người và gia đình lẫn trên xã hội loài người. Ban đầu, lễ được cử hành vào Chúa Nhật cuối tháng 10 trước Lễ Các Thánh Nam Nữ; Sau cuộc canh tân phụng vụ của Vatican II, lễ được đặt vào cuối năm phụng vụ. Việc thay đổi này làm nổi bật lên một khía cạnh khác của vương quyền tối thượng của Đức Giêsu: Người là Chúa Tể của thời gian, của dòng lịch sử; Chính Người mang lại cho lịch sử nhân loại ý nghĩa chung cuộc. Cho dù trong thực tế của cuộc sống hôm nay, sự dữ vẫn còn khoe nanh vuốt, nhưng Giáo Hội và các kẻ tin vẫn xác tín rằng: Đức Giêsu thực sự là Đấng đang điều khiển dòng lịch sử đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Để rồi khi đến ngày chung cuộc, Người thực sự tỏ lộ trọn vẹn vương quyền thần linh, qui tụ vạn vật và toàn thể dòng lịch sử dâng lên cho Chúa Cha hoàn tất công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ. Thật vậy, lịch sử và dòng thời gian khởi đầu với việc Lời Thiên Chúa tỏ lộ ra hữu hình trong ngôn ngữ nhân loại: “Thiên Chúa phán: hãy có…”, thế là vũ trụ thành hình. Rồi Lời đó đã nhập thể làm người, mang xác phàm nhân trong con người Đức Giêsu để hồi phục, chỉnh sửa, nâng cao công trình cứu độ. Và cuối cùng, Lời hiển lộ cho mọi thọ tạo thấy rằng Lời chính là điểm đến của dòng lịch sử (x.Ep 1,3-10).
Trong ý nghĩa đó, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm vương quyền tối thượng của Đức Giêsu. Hình ảnh năm A sử dụng để biểu lộ vương quyền thần linh là “VUA – MỤC TỬ” và “VUA – THẨM PHÁN”.
Hình ảnh “VUA – MỤC TỬ” nhấn mạnh tới khía cạnh lo lắng, chăm nom, dưỡng nuôi, chữa lành, giải cứu, chăn dắt đàn chiên.
Còn hình ảnh “VUA – THẨM PHÁN” nhắc chiên đừng ỷ lại, buông thả vì Thiên Chúa cũng là Đấng Công Minh, Người sẽ chỉnh sửa, giáo dục, xét xử, thanh lọc, tinh luyện đàn chiên theo lẽ CHÍNH TRỰC của Người.
Trong bài đọc một, ngôn sứ Êdêkien sau khi vạch mặt, kể tội các thủ lãnh đạo đời của Israel là các mục tử xấu đã không chăm sóc, đã bóc lột…đàn chiên, làm chiên tan tác, thì Chúa Yavê (Adonai Yavê = Kurios Kurios) quyết định lấy lại đàn chiên khỏi tay chúng (Ed 34,1-10) và Chúa Yavê hứa rằng đích thân Người sẽ đến chăm sóc đàn chiên: “chính TA sẽ chăm sóc chiên Ta và THÂN HÀNH kiểm điểm” (c.11).
-
Chúa lo cho cả ĐÀN: cụ thể là cứu dân khỏi đêm đen của lưu đày đưa về lại Đất Hứa (c.12); dẫn tới đồng cỏ xanh tươi (c.14); dọn chỗ nghỉ ngơi bình an, hạnh phúc cho chiên (c.15).
-
Và đối với từng con chiên, Chúa chăm sóc cẩn thận TỪNG CON tùy theo tình trạng hiện tại của chúng: con nào mất, Chúa đi tìm; con đi lạc, Chúa đưa về; con bị thương, Chúa băng bó; con bệnh tật, Chúa chữa lành; con khỏe mạnh, Chúa gìn giữ.
Tuy nhiên, chiên không được ỷ lại, buông thả vì Chúa cảnh cáo sẽ xét xử để phân biệt CHIÊN với DÊ. Đàn chiên phải sống xứng đáng, không được biến chất.
Tin Mừng tiếp tục ý cuối của bài đọc một: Đức Giêsu vinh hiển biểu lộ quyền vua qua việc xét xử với tư cách là Mục Tử: Trước tiên, Người tụ họp muôn dân lại như Mục Tử quy tụ đàn chiên; kế đó là tách biệt CHIÊN khỏi DÊ; Tiếp đó là phần công bố THƯỞNG PHẠT.
Yếu tố chính mà Đấng tự xưng là Con Người dựa vào để biện phân xét xử là ĐỨC ÁI: cụ thể là cung cách ứng xử giữa con người với nhau, đặc biệt là với những ai đang trong tình trạng bất hạnh. Phần thưởng dành cho những ai có lối ứng xử khoan dung, rộng lượng đối với những người bất hạnh; Trái lại là án phạt. Điều bất ngờ là ĐẤNG CON NGƯỜI đồng hóa mình với các hạng người cùng khổ: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c.40); Ngược lại án phạt dành cho những ai “KHÔNG LÀM NHƯ THẾ cho một trong những người bé nhỏ nhất đây…” (c.45).
Và Đấng CON NGƯỜI đã công bố án lệnh với uy quyền tuyệt đối của chính Thiên Chúa: án lệnh được thi hành ngay tức khắc không có vấn đề tranh cải: “Thế là các “con dê” ra đi để chịu cực hình muôn kiếp; còn các “con CHIÊN” ra đi để hưởng sự sống muôn đời.
Hiện thời Đức Giêsu đang là VUA – MỤC TỬ lo lắng cho Ta. Đến lúc Người sẽ xuất hiện là VUA – THẨM PHÁN thì không ai biện minh chống lại được án quyết của Người. Vậy hãy là chiên ngoan trong hiện tại nhận ra vị Vua tối cao trong phận hèn của tha nhân để có thái độ đón tiếp tương xứng để được nghe Lời Chúa chúc phúc của Vua “hãy vào thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi” (c.34).
Bài 2
Ed 34, 11-12. 15-17
Mt 25, 31 – 46
Bấy giờ Đức Vua sẽ phán… “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi…Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn…mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 34 – 40)
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Đức Giêsu Kitô là Vua. Giáo Hội lập nên lễ này nhằm tuyên xưng đức tin của mình vào vương quyền tối thượng của Đức Giêsu trên vũ trụ, trên con người và gia đình lẫn trên xã hội loài người. Người là Chúa tể của thời gian, của dòng lịch sử, chính Người mang lại cho lịch sử nhân loại ý nghĩa chung cuộc và viên mãn.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn phàm tục dựa trên những gì đã diễn ra trong dòng lịch sử nhân loại, từ “Vua” gợi lên quyền lực áp đặt, độc đoán của một con người đang có quyền bính bao la, nắm quyền sinh sát trên một nhóm người được gọi là thần dân của người ấy. Hình ảnh “Vua” mang một ý nghĩa tiêu cực của một giai đoạn lịch sử nhân loại: chế độ quân chủ. Thực vậy:
-
“Vua” là con người ích kỷ, tham lam chỉ biết lo cho bản thân, gia đình, bè nhóm của mình, bóc lột dân chúng làm dân phải điêu linh khốn khổ (x. 1Sm 8, 10-18)
-
Vua là những người bất tín, bất trung, bất nghĩa: Khi cơ hàn, họ cầu cạnh, lạm dụng người hiền…để rồi khi cơ nghiệp thành sự thì họ “vắt chanh bỏ vỏ” thẳng tay loại trừ người tài, các trung thần dám làm sai ý của họ.
-
Thậm chí còn có những ông vua khi quyền bính đã vững chắc, đạt đỉnh cao thì đâm ra khinh thường, ngạo mạn thách thức cả Thiên Chúa (x.Is 36,13-20; 37, 10-11; 2V 18, 17-35)
Mặc dù vậy, lịch sử cũng không thiếu nhiều vị vua được gọi là “minh quân” biết thương yêu dân chúng, coi dân như con mình, giúp dân sống ngay chính theo đúng Ý Trời, cai trị dân theo đường công chính. Lúc đó “Vua” thực sự mang lại hạnh phúc cho dân.
Một vị vua biết kính sợ Thiên Chúa, biết lấy hạnh phúc của dân làm lẽ sống cho mình, biết dạy cho dân tuân thủ Luật Chúa, theo đường cứu độ thì “vua” quả thật là một điều đáng mong đợi. Và vì yêu thương, Thiên Chúa đã can thiệp biến chính vị “Vua” trần thế đầy tiêu cực thành phương tiện để cứu dân, mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Kinh Thánh cho thấy Chúa đảm nhận trách nhiệm cai trị dân (Tl 8, 23) cho dù dân vô ơn với Chúa đòi có vua NHƯ các dân khác (1Sm 8, 7) bằng cách ban cho họ một vị vua (1Sm 12, 12-13); Sai ngôn sứ Samuel đến xức dầu phong vương cho Saolê (1sm 9, 16 -17; 10, 1), cho Đavít (1Sm 16, 1. 12, 12- 13). Và Kinh Thánh còn dùng nhiều hình ảnh khác cho thấy Chúa vẫn tiếp tục cai trị, chăn dắt dân: Mục tử, Chủ vườn nho…
Lời Chúa năm A sử dụng hai hình ảnh để biểu lộ Vương Quyền thần linh và cũng là Vương Quyền của Đức Giêsu: Vua – Mục Tử và Vua – Thẩm Phán.
Trong bài đọc 1, hình ảnh Vua – Mục Tử – thật rõ nét: Sau khi Chúa trách các thủ lãnh Do Thái là mục tử xấu đã làm cho bầy đàn tan nát, Thiên Chúa quyết định đích thân làm Mục Tử chăm sóc, kiểm điểm, phục hồi đàn chiên. Người sẽ tập họp chiên lại, dưỡng nuôi, chữa lành, bồi dưỡng, canh chừng và chăn dắt chiên theo chính trực công minh. Còn hình ảnh Vua _ Thẩm Phán được trình bày ở câu cuối. Chúa xét xử dân Người: “ Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.”
Tin Mừng là dụ ngôn về xét xử chung thẩm. Hình ảnh Vua – Mục Tử đạt chóp đỉnh khi Đức Vua đồng hóa mình với thần dân: Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn…; Và hình ảnh Vua – Thẩm Phán được rõ nét trong cuộc tập họp chung cuộc các dân thiên hạ để Người “sẽ tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê”.
Một chủ đề khác, xuyên suốt trong các Chúa Nhật cuối của năm phụng vụ, là TÍNH BẤT NGỜ của những hành động can thiệp của Thiên Chúa, cũng hiện diện trong Chúa Nhật này.
Điều bất ngờ trong bài 1 là Thiên Chúa ĐÍCH THÂN NGƯỜI đến phục hồi đàn chiên, nhưng cuộc hồi phục này cũng là dịp Chúa lọc luyện đàn chiên qua xét xử.
Điều bất ngờ trong Tin Mừng đó là Thiên Chúa đã đích thân đến trọng phận phàm nhân của con người Đức Giêsu và rồi Đức Giêsu lại ĐỒNG HÓA mình với chiên và đó lại trở thành chuẩn mực cho cuộc xét xử chung cuộc.
Điều bất ngờ nữa là chuẩn mực Thiên Chúa dựa vào đó mà phán xét: đó là TÌNH NGƯỜI chung cho toàn thể nhân loại, chứ không phải là các chuẩn mực tôn giáo. Chi tiết này gợi lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại: mọi người và từng người đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”.
Vậy Đức Giêsu đích thực là “Vua”, và thần dân của vị vua này là những ai thể hiện được ơn gọi “hình ảnh Thiên Chúa” đã được Chúa ban cho mình, và biết tôn trọng “hình ảnh Thiên Chúa” đó nơi mỗi người anh em.
BÀI ĐỌC I: Ed 34,11-12.15-17
Thời gian trước năm 587, Giêrêmia và Edêkien không ngừng cảnh cáo Israel là Giêrusalem sẽ bị sụp đổ nếu dân không hoán cải. Tất cả như “nước đổ đầu vịt”. Hậu quả là Giêrusalem thất thủ. Đền thờ bị hủy diệt. Hòm Bia thất lạc, dân bị lưu đày năm 587. Dân rơi vào khủng hoảng tôn giáo, đức tin: Chúa bỏ dân rồi, còn gì mà hy vọng nữa! Giêrêmia ở Palestin và Edêkien ở đất lưu đày phải đương đầu với những tình huống mới: làm sao giúp dân ý thức những tai họa dân đang chịu là hậu quả của tội lỗi của dân, đồng thời vực dậy niềm tin yêu hy vọng vào Thiên Chúa. Các chương Ed 33-39 được tuyên sấm vào thời khủng hoảng này: trong khi Giêrusalem bị vây và sau thất thủ năm 587. Những lời ngăm đe vẫn còn, nhưng Edêkien đã đổi cung giọng giải thích ý nghĩa các lời đe dọa và tai họa: đây là một nhắc nhở nhằm giúp dân hoán cải, chuẩn bị một tương lai xán lạn; Những lời an ủi và loan báo tương lai tươi sáng được nhấn mạnh. Chương 34 nằm trong tổng thể này:
– 34,1-10: phê phán các mục tử xấu. Các mục tử ấy trước tiên chính là các vua, các thủ lãnh của dân, các tư tế, ngôn sứ. Lẽ ra họ phải là những người hướng dẫn sinh hoạt quốc gia theo công bình, chính trực; họ lại đưa quốc gia vào thảm kịch tan tác, lưu đày. Chúa sẽ loại trừ họ và lấy lại đàn chiên.
– 34,11-22: Chính Yavê sẽ đích thân can thiệp và trực tiếp điều khiển đàn chiên Israel, sẽ phục hồi bồi dưỡng các con chiên, bằng cách thiết lập một vương quốc công bình, chính trực, thần quyền: sau lưu đày, Israel không là vương quốc độc lập; Người thủ lãnh dân cả đời lẫn đạo là Thượng Tế.
Bài 1 trích phần thứ 2: Yavê sẽ là Mục tử chăn dắt dân nhưng đồng thời cũng là thẩm phán xét xử. Thiên Chúa vừa NHÂN LÀNH vừa CÔNG MINH.
CẤU TRÚC VÀ SUY NIỆM
-
Lời Thiên Chúa hứa liên quan tới đàn chiên (Ed 34,11.12.15)
-
Yavê sẽ đích thân chăm sóc (11), chăn dắt (15) đàn chiên của mình.
-
Yavê sẽ kiểm điểm (11) và cũng lo cho nghỉ ngơi (15).
-
Hình ảnh minh họa: như mục tử ở giữa đàn chiên đang tản mác, Thiên Chúa sẽ kiểm điểm, qui tụ đàn chiên ngay giữa cảnh gian nan khốn cùng: “…vào ngày mây đen mù mịt”(12).
Cách nói “vào ngày mây đen mù mịt” ám chỉ dân chúng đang ở cảnh lưu đày, và phần lỗi là do các mục tử không hết lòng chăm sóc dân (x.34,1-10). Chính vì thế Thiên Chúa sẽ loại trừ các mục tử xấu, đòi chiên lại (c.10) và đích thân Người sẽ chăm sóc chiên.
“ Chiên của Ta”: đọc tiếp cc.13.14, ta thấy chiên của Thiên Chúa là Israel, họ đang bị lưu đày và Chúa hứa cứu họ đem về lại Israel. Tuy nhiên 2 câu này không được sử dụng trong bản văn phụng vụ; Do đó tính cách riêng tư của cụm từ được để qua 1 bên, khía cạnh phổ quát được lưu tâm đến: “Chiên của Ta” ở đây ám chỉ toàn nhân loại. Bài Tin Mừng sẽ xác nhận như thế: “các dân thiên hạ sẽ được tập họp” (Mt 25, 32).
Việc phục hồi đàn chiên được mô tả dưới 2 góc cạnh:- chăm sóc, quy tụ, chăn dắt- và kiểm điểm.
-
“Thiên Chúa- Mục tử” hồi phục đàn chiên (Ed 34,16)
-
Đích thân chăm lo từng con: “Con nào…Ta sẽ…”
-
Có biện pháp thích hợp cho từng con chiên:
– mất thì đi tìm; lạc thì dẫn về.
– bị thương thì băng bó; bệnh thì chữa lành.
– béo khỏe thì sẽ gìn giữ, canh phòng.
-
Nguyên tắc cơ bản: Thiên Chúa chăn dắt theo lẽ CHÍNH TRỰC
Trái ngược với các mục tử xấu chỉ biết trục lợi từ đàn chiên. “Thiên Chúa – Mục Tử” săn sóc từng con một. Mối tương quan biệt vị được nhấn mạnh: “con nào… Ta sẽ”. Đặc biệt những con chiên, đứng về mặt lợi nhuận, không mang lại giá trị gì lại được lưu tâm săn sóc nhiều: con nào mất, Thiên Chúa đích thân đi tìm; con nào lạc, Người dẫn đưa trở về lại. Hai hình ảnh gợi hứng cho hai dụ ngôn chiên lạc (Mt) và chiên mất (Lc) trong Tân Ước. Những con tưởng chừng vứt đi đều được phục hồi, tìm lại được vị trí của mình trong đàn. Trong cộng đồng dân Chúa, mỗi người đều có vị trí độc đáo trong con tim của Chúa,không ai bị khinh miệt, loại trừ.
Riêng phần các con béo khỏe: bản LXX viết là Chúa “canh chừng”. Điều này bình thường, nhưng trong bản Do Thái (cha Thuấn chọn) thì lại viết “Chúa DIỆT ĐI”. Chi tiết này gợi lại những bất công trong xã hội Do Thái lẫn dân ngoại: kẻ mạnh (chiên béo) ức hiếp kẻ thế cô yếu nhược (chiên gầy), nên Chúa tái lập công bình bằng trừng trị kẻ áp bức và cứu kẻ phận hèn (x.34, 20-22).
Sự chính trực (justice) là nguyên tắc cơ bản mà bản văn đề cập tới, dựa trên đó Thiên Chúa cai trị dẫn dắt chiên. Khía cạnh này được nói ở c.17.
-
“Thiên Chúa – Thẩm phán” (Ed 34,17)
-
Đối tượng: lần này là chính các con chiên
-
Thiên Chúa xét xử phân biệt chiên với chiên, cừu với dê.
Sau khi trách các mục tử xấu, đàn chiên của Chúa cũng được Người chú tâm thanh luyện. Đọc thêm cc.18-22, ta sẽ nhận ra trong đàn chiên cũng có những cá nhân quậy phá gây hại cho cộng đoàn: phá hư đồng cỏ, làm bẩn nguồn nước, ỷ mạnh hiếp yếu. Chính vì thế Thiên Chúa sẽ phân xử giữa chiên với chiên để tạo lại thế quân bình. Nguyên tắc của Chúa là chính trực nghĩa là Chúa làm cho mọi con chiên đều được hưởng đầy đủ phần chúng đáng được hưởng. Những kẻ bá quyền sẽ bị tách biệt ra và Thiên Chúa sẽ xét xử sửa phạt tương xứng.
-
TÓM KẾT
Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa hứa sẽ đích thân chăn dắt đàn chiên, thân hành chăm lo từng con một cách biệt vị, can thiệp chỉnh sửa tạo lại công bình cho đàn chiên. Hình ảnh “Vua – Mục tử” đầy yêu thương phục vụ lại được kết thúc bằng dung mạo nghiêm nghị của “Vua – Thẩm phán”. Cũng như khi chăm sóc, đến lúc xét xử Chúa cúng xét từng con. Từ đó ta rút ra hai bài học:
-
Thiên Chúa vừa là Vua tình yêu, vừa là vua uy dũng công minh. Chúng ta mặc dù là thần dân của Người, được yêu thương, không được miễn trừ cho mình trách nhiệm phải sống trọn vẹn bổn phận của một thần dân tốt xứng đáng với tấm lòng của vị minh quân.
-
Chỉ trong Thiên Chúa, chỉ với sự can hiệp thần linh, đàn chiên mới có thể sống an bình, hạnh phúc, công minh trọn vẹn.
TIN MỪNG: Mt 25, 31-46
Chúng ta bước vào tuần cuối cùng của năm phụng vụ. Hôm nay, Chúa nhật 34, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Đức Giêsu Kitô Vua. Dĩ nhiên, phụng vụ Lời Chúa sẽ trình bày cho chúng ta những trích đoạn Kinh Thánh nói lên một khía cạnh nào đó “quyền vua” của Đức Giêsu. Chủ đề của Lời Chúa năm A nhắm vào việc Thiên Chúa biểu lộ vương quyền ngang qua việc chăm sóc, xét xử đàn chiên để rồi sẽ ân thưởng hay xử phạt tương ứng.
Tin Mừng hôm nay trích đọc Mt 25, 31-46. Khía cạnh xét xử và thưởng phạt là hai nét nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Hai nét đó biểu lộ quyền VUA của “Con Người”; Và nét bất ngờ của Quang Lâm được biểu lộ qua sự việc Vị Vua – Thẩm phán đồng hoá mình với người nghèo, kẻ bé mọn. Còn đối với các đầy tớ, là các dân thiên hạ, thì “canh thức” là trợ giúp, phục vụ những người nghèo, cùng khốn mà họ gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Xét theo văn mạch của Tin Mừng Mattheu, trích đoạn này là dụ ngôn kết thúc bài “Diễn từ cánh chung”. Cũng như các dụ ngôn trước, sứ điệp chính của dụ ngôn này là gợi lên một lời đáp cụ thể nữa cho vấn đề “thế nào là canh thức” mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ. Theo dụ ngôn thứ năm này, thì “canh thức” là sống tinh thần bác ái, chia sẻ, phục vụ tha nhân nhất là những người cùng khốn. Sở dĩ những việc làm bình thường trong cuộc sống xã hội đó trở nên có giá trị lớn lao trước mặt Chúa là vì Đức Vua đã khẳng định “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (câu 40.45).
Thế nhưng khi đoạn văn này được dùng để đọc trong lễ Ki tô Vua thì phụng vụ đã xê dịch trọng tâm từ thái độ “canh thức” của mọi người sang uy quyền tối thượng của Con Người được biểu lộ qua quyền xét xử và thưởng phạt theo chuẩn mực do chính Người đặt ra.
CẤU TRÚC VÀ SUY NIỆM
-
Khung cảnh của cuộc phán xét chung (Mt 25, 31-33).
*Thời điểm: “ khi Con Người đến trong vinh quang” , tức Quang Lâm.
-
Vị Thẩm phán là Con Người đầy uy nghi:
-
Có thiên sứ theo hầu
-
Người ngự trên ngai vinh hiển của Người
-
Cách thức xét xử: 2 nhịp:
-
Tập họp các dân thiên hạ trước mặt Người
-
Tách biệt họ với nhau: mượn hình ảnh mục tử tách chiên với dê
-
Kết quả: vị trí chiên và dê
-
Chiên bên phải
-
Dê bên trái
Bản văn mở đầu bằng 1 quang cảnh long trọng: Con Người ngự đến trong vinh quang để thực thi cuộc phán xét chung thẩm.Được gợi hứng từ những hình ảnh truyền thống do thái xưa (có thiên sứ tháp tùng: tụ họp muôn dân lại để xét xử :x. Đn 7,9-10: Ge 4,2-9…),Mattheu đã gán cho Con Người đặc quyền phán xử vốn chỉ dành cho Thiên Chúa. Và đây là một cuộc tụ họp toàn cầu không trừ ai, cuộc xét chung thẩm của Thiên Chúa.
Tách biệt họ với nhau: Công cuộc sáng tạo được trình bày như một sự tách biệt mọi vật đâu ra đấy để tạo lập trật tự cho vũ trụ mà 3 cái nền tảng là sáng / tối (St 1,4.18), ngày / đêm (1,14.18) và nước/đất (1, 9-10). Nhưng rồi con người bất tuân lệnh Chúa khiến mọi sự bị đảo lộn, trộn lẫn không còn phân biệt xấu tốt, sáng tối, chiên dê lẫn lộn. Tình trạng này kéo dài cho tới ngày phán xét chung cuộc, Con Người sẽ đến và TÁCH BIỆT rõ rang chiên dê, xấu tốt không còn lẫn lộn che đậy được nữa. Bản chất ai thế nào sẽ hiện ra thế ấy. Phán xét chung cuộc được trình bày như là hành động can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa để hoàn tất trọn vẹn công trình sáng tạo.
Chiên và dê: hình ảnh thân quên trong đời thường của các mục tử Israel. Ở Palestin, người ta thường chăn thả chung chiên con với dê con, nhưng chiều đến khi lùa về chuồng thì chiên dê cần tách ra vì dê con thì cần sưởi ấm trong đêm, còn chiên thì lại cần thoáng mát. Ban ngày (ám chỉ lúc còn sống, dòng thời gian còn tồn tại) thì chủ còn để cho lẫn lộn, chung đụng; nhưng khi đêm tới (lúc chết, phán xét cánh chung) thì mọi sự tách biệt rõ ràng tùy theo bản chất của từng vật. Đức Giêsu đã dùng nét đặc thù này của chiên dê để cấu tạo nên dụ ngôn về phán xét chung thẩm.
Hai cuộc xét xử cho chiên và dê được soạn theo cùng một công thức. Phạt hay thưởng là tùy thuộc vào hành vi luân lý bác ái của ta đối với tha nhân, nhất là đối với những hạng người cùng khốn.
Căn nguyên của án lệnh: ngay sau lời tuyên án, Đức Vua đưa ra lời giải thích vì sao có án lệnh như trên. Thật ra những điều mà Đức Vua liệt kê, đã được mặc khải trong Cựu Ước như là những việc đạo đức xã hội mà dân Chúa phải làm cho những ai bất hạnh (Is 58, 6-8; Hc 7, 34-36; G 22, 6-9; 31, 32; Cn 19, 17…). Giờ đây trong tư cách là Đức Vua chủ tế vũ hoàn (x. 31A phần II, 2a), Con Người đảm nhận những đòi hỏi luân lý đạo đức bình thường đó làm điều kiện để thưởng phạt của chính Người để rồi từ đó Người tuyên án. Số phận khác biệt hoàn toàn dựa trên quyết định cá nhân của mỗi người: đáp ứng lại hoặc là không trước những nhu cầu trước mắt của tha nhân. Nội dung các đòi hỏi không mang tính tôn giáo, nhưng chỉ thuộc luân lý đạo đức xã hội. Tuy nhiên chúng vẫn mang giá trị tôn giáo là vì Đức Vua đã đảm nhận chúng là của Người. Ta đang ở cùng trong một bầu không khí như trong 8 mối phúc thật và Bài giảng trên núi. Khách quan mà nói, những kẻ khốn khổ này là những người cần được cứu giúp, dù theo chủ quan họ có thế nào đi chăng nữa. Bản văn không nói những người khốn khổ đó là những người Ki tô hữu hay các thừa sai. Con Người liên đới với nhân loại chẳng những bằng cách nhập thể làm người, mà còn đảm nhận luôn mọi khốn khổ của nhân loại làm của mình, trong tất cả chiều rộng và sâu của chúng trong kiếp nhân sinh. Như thế một lần nữa Đức Giêsu đồng hóa tình yêu tha nhân với tình yêu Thiên Chúa. Giá trị của một việc vốn chỉ là đạo đức tầm thường được mặc lấy tính “tuyệt hảo” là vì chúng đã được làm cho chính Đức Vua: “con người” (tất cả không trừ ai) là hình ảnh Thiên Chúa” được Đức Giêsu tái khẳng định, và mặc khải đó là chuẩn mực cho cuộc xét xử chung thẩm.
Phản ứng của những người nghe án lệnh: Họ chưa bao giờ gặp đích thân Chúa trong cuộc đời họ: Họ chưa hề làm – hoặc không làm – điều gì cho Đức Vua. Đây lại thêm một chi tiết nữa cho thấy tiêu chuẩn xét đoán không chỉ dành riêng cho Kitô hữu. Ở đây, tiêu chuẩn xét đoán là YÊU NGƯỜI, tiêu chuẩn chung cho mọi người không trừ ai. Tuy nhiên đối với những ai nghe đoạn Tin Mừng này thì phải nhận ra sứ điệp nằm ở phần tiếp theo, nơi lời giải thích đầy bất ngờ của Đức Vua: đồng hoá chính mình với những người bất hạnh.
Chìa khoá để hiểu dụ ngôn: TÍNH BẤT NGỜ của câu đáp: Đức Vua tự đồng hoá mình với người cùng khốn. Yêu người là cái thể hiện ra bên ngoài. Sứ điệp cho kẻ tin là những người đang đọc đoạn văn này là phải khám phá ĐỘNG LỰC nào làm tôi yêu người: vì tôi đã nhận ra Đức Vua trong những con người bất hạnh đó. Rõ ràng bản văn được viết cho cộng đoàn tín hữu của Matthêu, cho chúng ta, nên khía cạnh tôn giáo thần linh, mặc dù không nói minh nhiên, thật là rõ nét và có thể nói là ý chính nữa. Không có sự đồng hoá với người nghèo (về phía Đức Vua) và không có sự nhận ra Đức Vua trong người nghèo (phần cộng đoàn Matthêu, chúng ta) thì những việc yêu người chỉ là luân lý đạo đức. Đây cũng là chủ đề bản văn trong văn mạch mà Matthêu muốn nhắc nhở kẻ tin: phải TỈNH THỨC nhận ra Đức Vua trong người bất hạnh. Đó là tâm tình phải có trong khi chờ quang lâm để khỏi rơi vào tình huống bị bất ngờ khi Chúa đến.
Án phạt (46a): “Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp”. Hình phạt thật kinh khủng. Với nhãn giới trục lợi của thế gian hôm nay, các tội kể ra trong c.42.43 thật không đáng gì. Thế nhưng đối với Matthêu, những thiếu sót đó (trong phần thống hối của thánh lễ, ta đều xin tha những điều thiếu sót) đã trở thành tội không yêu thương, không trợ giúp, không phục vụ những kẻ bất hạnh và án phạt không thua gì những kẻ phạm tội nặng, làm điều gian ác. Cực hình đó là gì? Đó là vĩnh viễn khuất mắt Đức Vua, sống xa lìa nhan Chúa, sống dưới quyền của tên Quỷ Dữ vì những kẻ không yêu, tránh né phục vụ đã tự ý làm “sứ giả của nó” (c.41).
Phần thưởng cho “người công chính”: trong tinh thần của bản văn, “người công chính” là người yêu thương, phục vụ tha nhân xoa dịu nỗi khốn cùng của họ “bởi vì nhận ra Chúa trong họ” (phần trong “…” là sứ điệp cho chúng ta hôm nay, đã đọc bản văn Tin Mừng này). Hạnh phúc của họ là được hưởng trọn lời chúc phúc của Cha, được vào Vương Quốc đã được Thiên Chúa “dành cho họ ngay từ thuở tạo thiên lập địa”. Chi tiết cuối cùng đáng lưu ý: phần thưởng là Thiên Chúa đã dành sẵn từ muôn đời; còn án phạt thì không “dành sẵn” cho bất kỳ ai, nhưng chỉ dành sẵn cho Quỷ Dữ trước tiên rồi sau đó là cho những ai trong cuộc sống đã bội phản Thiên Chúa trở thành “các sứ giả của nó” thôi. Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt và chỉ có cái gì tốt mới ở bên Thiên Chúa được.
-
TÓM KẾT