Bài 1
Đnl 18,15-20; Mc 1,21-28
Chủ đề: Dung mạo ngôn sứ của Đấng Mêsia.
* Đnl 18,18: Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.
* Mc 1,22-24: Đức Giêsu giảng dạy như một đấng có uy quyền… Người là đấng Thánh của Thiên Chúa.
Lời Chúa IV B Mùa Thường Niên hé cho ta thấy một nét của DUNG MẠO ĐẤNG MÊSIA. Trong thân phận giới hạn của kiếp làm người, không một hình ảnh, dung mạo phàm nhân nào có thể diễn tả đầy đủ căn tính của Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tôn trọng con người bằng cách dùng ngay những hình ảnh giới hạn đó để đến với con người, tiếp cận và mặc khải dự tính của Chúa cho con người.
Điều Chúa mong đợi nơi chúng ta không là chúng ta nắm bắt được Thiên Chúa bằng sự hiểu biết của lý trí chúng ta; Chúa không để chúng ta “nhốt” Chúa trong những KHÁI NIỆM, hình ảnh phàm nhân của ta. Điều Chúa khát khao chờ đợi nơi ta là qua những hình ảnh được mặc khải còn đầy giới hạn đó Chúa muốn chúng ta đi vào tương quan biệt vị (relation personnelle) giữa Thiên Chúa với con người, giữa Thiên Chúa với TỪNG NGƯỜI.
Một hình ảnh mà Lời Chúa hôm nay muốn sử dụng để đưa dân Chúa đi vào tương quan thân tình với Người: đó là hình ảnh NGÔN SỨ.
Trong Kinh Thánh, Ngôn Sứ là tiếng nói của Thiên Chúa, Lời của Ngôn Sứ chính là Lời Chúa: khi sấm ngôn đã được Chúa trao cho họ, họ bị buộc phải công bố không thể trốn chạy (Giôna); họ không được tùy tiện nói những gì mà Chúa không truyền nói cho dù là điều tốt (2Sm 7,1-5…)…
Trong Israel, dân có thể bầu chọn vua, tư tế, nhưng với Ngôn Sứ thì không. Nếu vì lý do nào đó vắng bóng Ngôn Sứ thì chỉ còn cách là CHỜ, cầu nguyện, nài xin Chúa nối lại tương giao với dân bằng cách ban Ngôn Sứ (x.1Mcb 4,44-46). (x.ĐNTHTK “Sứ ngôn” Cựu Ước I.3). Ngôn Sứ là đối tượng của lời hứa, hoàn toàn là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa.
Bài đọc một trích từ khối văn chương Đnl 17,14-18,22 đề cập đến ba chức vụ lãnh đạo trong thể chế “quân chủ thần quyền” của dân Chúa: vương đế, tư tế và ngôn sứ. Phần được phụng vụ, bài đọc một, đề cập đến là phần nói về các ngôn sứ.
Đối với người Do Thái, Môsê được coi là cội nguồn của phong trào ngôn sứ Israel; Ông là ngôn sứ đặc biệt không ai sánh bằng (Đnl 34,10) Ông là trung gian nói lại cho dân những gì Chúa phán dạy vì dân không thể nghe thấy Chúa trong vinh quang thần linh của Người mà còn sống được (x.Đnl 5,22-31). Ông chính là khuôn mẫu của VỊ NGÔN SỨ thời cánh chung mà Chúa hứa ban cho dân. Chúa sẽ đặt Lời của Chúa nơi miệng VỊ NGÔN SỨ ấy và Vị ấy sẽ nói lại cho dân tất cả những gì mà Chúa đã truyền cho Vị ấy (Đnl 18,18).
Hình ảnh VỊ NGÔN SỨ vĩ đại ấy được ứng nghiệm nơi con người của ĐỨC GIÊSU, vì Người giảng dạy có quyền năng trong LỜI NÓI lẫn trong VIỆC LÀM (x.Lc 24,19; Mt 16,14; Lc 7,16…). Thật vậy, mở đầu bài đọc Tin Mừng hôm nay, Maccô trình bày Đức Giêsu dưới những đường nét của một ngôn sứ vĩ đại: từ nội dung cho đến cách giảng dạy, Người trổi vượt hơn các bậc thầy, kinh sư của dân Chúa: “Người giảng dạy như một ĐẤNG CÓ THẨM QUYỀN chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22), “giáo lý lại mới mẻ” (1,27). Các kinh sư chỉ dám lập lại y chang những gì họ nhận được từ người xưa, lắm khi lập lại cứng ngắc vô hồn, còn Đức Giêsu giảng dạy như Đấng lập luật: “còn Ta, Ta bảo…” (x.Mt 5,21-48).
Đức Giêsu đúng là VỊ NGÔN SỨ mẫu mực mà Thiên Chúa đã hứa ban thời cánh chung, vì Người giảng dạy UY QUYỀN không chỉ trong LỜI NÓI, mà còn trong cả việc làm. Thật vậy, phần thứ hai của bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu xuất hiện là Đấng có uy quyền trên cả ma quỷ: Người có khả năng sai khiến thần ô uế (c.25) kể cả có thể tiêu diệt được chúng (24a). Người chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c.24b) nghĩa là chính VỊ NGÔN SỨ mà Thiên Chúa đã đoan hứa từ ngàn xưa (x.bài một: Đnl 18,15.18) nay đã xuất hiện.
Chỉ có điều đáng tiếc là trong lúc ma quỷ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa thì nhân loại là những kẻ được Người tới giải cứu lại chưa nhận ra Người. Họ chỉ kinh ngạc bàn tán với nhau: “giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.” (c.27)
Lạy Đức Giêsu Nadaret, xin mở mắt chúng con nhận ra Người là “VỊ NGÔN SỨ”, là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” đang đồng hành với chúng con và biết thờ lạy Người trong từng phút giây của cuộc sống.
Bài 2
Đnl 18, 15-20
Mc 1, 21-28
Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy…Mọi người đều sững sờ…: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế Và chúng phải tuân lệnh”. (Mc 1, 27)
Lời chúa của Chúa Nhật 4 B Mùa Thường Niên hướng về chủ đề: Thiên Chúa hoàn tất lời Người đã hứa cho dân, qua trung gian ông Môsê là sẽ ban cho dân một Vị Ngôn Sứ vĩ đại, uy thế như Môsê đẻ phù giúp dân sống đúng theo đường lối của Thiên Chúa. Uy tín của Vị Ngôn Sứ này thật lớn lao vì chính Yavê Thiên Chúa đã khẳng định rằng “Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng Người ấy và Người ấy sẽ nói với dân tất cả những gì Ta truyền cho Người ấy”. Lời người ấy chính là lời của Thiên Chúa! Bù lại điều Thiên Chúa mong đợi nơi dân là hãy dễ bảo, ngoan ngoãn, lắng nghe lời dạy dỗ của Người Ấy. Phần Người Ấy, được Thiên Chúa trao phó cho “sứ mạng ngôn sứ”, loan báo công khai và trung thực lời Chúa cho dân, chỉ nói nhân danh Chúa và chỉ nói những gì được Chúa truyền phải nói mà thôi (Bài đọc 1). Và dân Chúa khắc khoải chờ mong Vị Ngôn Sứ ấy.
Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đáp trả niềm đợi trông của dân. Điều họ không sao dám ngờ tới là Vị Ngôn Sứ ấy chính là Con Thiên Chúa (x. Dt 1, 1-2). Và càng bất ngờ hơn nữa, Vị Thánh Tử Ngôn sứ ấy lại là một con người mang lấy nhân tính, giống con người thế tục chúng ta mọi đàng ngoại trừ không phạm tội (Dt 2, 17; 4.15)
Đó chính là Đức Giêsu, người làng Nazaret: quỷ nhận ra trong con người phàm nhân bình thường ấy là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1, 24, b). Chẳng những là Vị Ngôn Sứ giảng dạy điều mới lạ, có uy quyền, mà Người còn khử trừ được quyền lực của các thần ô uế, giải cứu con người khỏi ách của chúng. Tiếc thay dân Chúa đã không nhận ra được căn tính thần linh của con người Giêsu Nazaret ấy. Họ chỉ ngạc nhiên về các sự lạ diễn ra trước cặp mắt phàm tục của họ: Lời giảng dạy mới mẻ; người dạy có uy quyền; ra lệnh được cho các thần ô uế và chúng phải nghe. Và họ chỉ đồn ra mọi nơi các sự kiện bên ngoài ấy. Cặp mắt đức tin của họ chưa mở ra! Họ chưa hiểu ý nghĩa các việc đó. Nhưng Thiên Chúa vẫn nhẫn nại, tiếp tục thực thi dự tính yêu thương của Người.
CHỦ ĐIỂM
Lời Chúa hôm nay giới thiệu vài nét về dung mạo của Đức Giêsu: được báo trước trong Cựu Ước và thể hiện trong Tin Mừng. Người là “vị ngôn sứ “ mà Môsê đã nhận danh Thiên Chúa báo trước cho Israel. Người thật sự là Đấng Mêsia, Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến và chỉ nói những lời của Thiên Chúa mà thôi. Bởi đó phải tuyệt đối nghe lời Người (bài 1)
Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, mang dấu ấn của Thiên Chúa, nên không lạ gì mà khi Người ăn nói, giảng dạy thì ai nấy đều kinh ngạc về giáo lý, của Người. “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền (TM). Vì Đức Giêsu có uy quyền thần linh như vậy và lời Người mang một thế giá siêu việt nên Giáo Hội muốn mượn lời Thánh Vịnh (nói về Chúa Cha) mà nhắn nhủ chúng ta: “Ước gì hôm nay, các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” (đáp ca)
BÀI ĐỌC 1: Đnl 18, 15-20
Văn mạch: Đnl 17, 14-18,22 (thuộc về phần “Bộ Đệ Nhị Luật”: ĐNL 12, 1-26, 15) đề cập đến ba thể chế cơ bản trong vương quốc Israel: Vua – Tư tế – Ngôn sứ. Bài đọc 1 trích đoạn nói về cơ chế ngôn sứ trong cộng đồng Israel.
CẤU TRÚC
– C.15: Môsê nhắc lại cho dân lời Thiên Chúa hứa sẽ ban cho họ một Vị Ngôn sứ lớn lao như Môsê và dân phải nghe lời vị ấy.
– Cc.16-17: Giải thích tại sao lại có lời hứa đó. Bối cảnh được đưa về biến cố trung tâm của Cựu Ước: Ban luật Sinal
Lúc ấy dân Chúa thấy Thiên Chúa ngự xuống núi phán đạy trong uy nghỉ, sấm sét thì quá sợ hãi, nên khi Môsê đến gặp dân thì dân xin ông thưa với Yavê Thiên Chúa rằng đừng nói với họ trực tiếp như vậy nữa, họ sẽ chết mất. Và Chúa nhận lời.
– Cc.18-19: 3 ý được trình bày dưới dạng câu nói trực tiếp từ miệng Thiên Chúa
-
C18a: Lập lại ý câu 15 dưới dạng lời nói của Yavê
-
C18b: Chúa sẽ đặt lời Người trong miệng vị ngôn sứ và vị ấy sẽ nói lại cho dân những gì Chúa muốn. Vậy ngôn sứ là phát ngôn nhân chính thức của Thiên Chúa. Đây là nên tảng của ngôn sứ vụ trong Israel.
-
C19: Chúa sẽ hạch tội những ai không nghe ngôn sứ nói nhân danh Chúa.
-
C20: Nhiệm vụ ngôn sứ; không được nói những gì Chúa không truyền, không được nói nhân danh thần khác. Vi phạm sẽ chết.
SUY NIỆM
Đoạn văn này được coi như sắc lệnh Thiên Chúa ký duyệt đề thành lập ngành Ngôn Sứ ở Israel. Trong thể chế quân chủ thần quyền của Israel, việc cai trị điều hành quốc gia phải đi đúng theo tinh thần luật tôn giáo, đi đúng đường lối của Thiên Chúa. Do đó cơ cấu tổ chức của Israel bao gồm 3 ngành với 3 chức năng khác nhau, độc lập với nhau nhưng bổ túc cho nhau:
-
Vương quyền; theo truyền thống, được Thiên Chúa ban cho chỉ tộc Giuđa, đặc biệt cho dòng họ Đavit với vai trò cai trị, giúp đân sống theo luật Chúa
-
Tư tế: được trao cho chi tộc Lêvi, để thi hành việc phụng thờ Thiên Chúa qua tế tự.
-
Riêng ngành ngôn sứ không được trao riêng cho chi tộc nào, nhưng được trao cho những ai được Thiên Chúa tuyển chọn. Ngôn sứ là gạch nối giữa Thiên Chúa với con người; Ngôn sứ nhận sứ điệp từ Thiên Chúa rồi nói lại cho con người.
Vì là phát ngôn nhân của Thiên Chúa nên thế giá của lời ngốn sứ rất lớn, cả vua quan, tư tế đều phải tuân nghe lời ngôn sứ khi sấm ngôn được tuyên bố nhân danh Thiên Chúa. Tuy nhiên để ngăn ngừa những lạm dụng có thể có luật đã quy định nghĩa vụ rõ ràng của ngôn sứ và các hậu quả nếu vi phạm (c.20).
Ngôn sứ là một ơn huệ hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Dân có thể bầu chọn vua, tư tế nhưng với ngôn sứ thì không, nếu Thiên Chúa chưa ban cho, thì chỉ còn cách là chờ đợi, nài xin. Đối với người Do Thái, được Chúa ban “có ngôn sứ” là dấu chỉ Thiên Chúa còn yêu dân, còn ngỏ lời với dân; ngược lại là thất sủng.
Lúc đầu đoạn văn của bài đọc 1 hôm nay là một quy chế mà Israel dựa vào đó để thiết lập ngành ngôn sứ.
Đến thời phát sinh Do thái giáo, đoạn này được hiểu theo một nghĩa rõ nét hơn: người ta nhìn thấy trong đoạn này lời loan báo về một VỊ NGÔN SỨ ngoại thường, đôi khi được đồng hóa với Đấng Mêsia. Chúng ta tìm thấy cách hiểu này trong các câu hỏi của dân chúng (Ga1, 19-21; 6, 14; 7,40).
Tuy nhiên chính bản thân Đức Giêsu, Người không bao giờ liên kết cách rõ ràng Người với Vị Ngôn Sứ ấy, mặc dù chúng ta thấy có ám chỉ đến Đnl 18,15 trong Mc 9,7 và song song Lc 24,27.44; Ga 1,45; 5,46.
Riêng các tín hữu tiên khởi, trong lời rao giảng của mình, họ xác tín rằng vị ngôn sứ mà Đệ Nhị Luật loan báo chính là Đức Giêsu.
Vậy nghe lời Vị Ngôn Sứ ấy chính là nghe lời Yavê Thiên Chúa. Trong Vị Ngôn Sứ ấy, Thiên Chúa nối lại mối tương giao thân tình với nhân loại. Với Ngôn Sứ ấy, Thiên Chúa vĩnh viễn ở cùng chúng ta: Emmanuel.
TÓM KẾT
Kể từ khi hai nguyên tổ phạm tội, con người đâm ra sợ hãi trốn tránh Thiên Chúa. Thiên Chúa không bỏ mặc con người đắm chìm trong sai lầm ấy. Thiên Chúa tìm đến nói cho con người biết sự thật, tình yêu của Chúa đối với nhân loại. Nhưng đối với tội nhân, dung mạo uy linh, thánh thiện của Thiên Chúa lại gợi lên sự xấu hổ, sợ hãi của con người. Ơn cứu độ của Thiên Chúa chính là tìm cách ngăn chặn sự trốn chạy xa lìa Thiên Chúa ấy.
Phương thức Chúa chọn là từng bước một đến với con người:
-
Trong các biến cố của dòng lịch sử
-
Trong Lời Chúa
-
Và chóp đỉnh là trong Đức Giêsu, Đấng giống chúng ta mọi đàng, nhưng là Con Thiên Chúa.
Và Thiên Chúa mong đợi nhân loại một điều: Lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa trong sự nghiệp và con người Đức Giêsu.
“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa … đừng cứng lòng nữa”
(Lời đáp của bài đáp ca).
Bài đọc 1 còn cho thấy, một nguyên nhân mà Yavê Thiên Chúa phải ban cho dân các ngôn sứ: vì khi Thiên Chúa xuất hiện ban Luật trên núi Khorep (Sinai) với vinh quang thần linh, thì dân sợ đến chết khiếp. Vì vậy, dân đã nài xin Môsê làm vai trò trung gian: đón nghe tiếng nói từ Thiên Chúa rồi sau đó truyền lại cho dân (Đnl 18,16).
Chúa nhận lời và hứa ban cho dân Vị Ngôn Sứ để giúp dân, làm cầu nối tải sứ điệp thần linh đến cho dân.
TIN MỪNG: Mc 1, 21-28
Văn mạch: Trong Tin Mừng Macco, hoạt động công khai của Đức Giêsu được bắt đầu bằng một lời rao giảng (1,15); kế tiếp là kêu gọi các môn đệ tiên khởi (1,16-20), rồi Macco trình bày những hoạt động của Đức Giêsu trong một ngày mà người ta quen gọi là “một ngày mẫu”, đó lại là ngày Sabat (1,21-34). Tin Mừng hôm nay trích phần đầu của các hoạt động trong ngày mẫu này.
CẤU TRÚC
-
Câu 21: Nơi chốn, thời điểm, hoạt động của “ngày mẫu” của Đức Giêsu
-
Câu 22: Uy quyền của Đức Giêsu được tỏ lộ trong lời nói, giảng dạy
-
Câu 23-26: Uy quyền củ Đức Giêsu được tỏ lộ qua hành động: giải phóng con người khỏi ách của ma quỷ.
-
Cc 27 – 28: Phản ứng thán phục của mọi người trước uy quyền của Đức Giêsu trong lời nói cũng như trong việc làm.
SUY NIỆM
-
Ngày mẫu của Đức Giêsu là ngày đầu tiên Người hoạt động chung với các môn đệ. Đó là một ngày Sabat và mọi sự diễn ra trong Hội Đường. Cộng đoàn mới của Đấng Thiên Sai bắt sứ mạng với những thể chế Cựu Ước. Hội đường, Sabat và cắt bì là những nét đặc trưng của Do Thái giáo.
Một điểm đáng chú ý nữa trong đoạn văn này là Đức Giêsu đã làm phép lạ trong ngày Sabat ngay giữa hội đường mà không hề bị chống đối, trái lại danh tiếng Người lại nổi lên như cồn. Như vậy Macco đã khéo léo cho thấy sự liên tục của dòng lịch sử cứu độ. Rõ ràng sự xuất hiện của Đức Giêsu, sứ vụ vủa Người không phải là đoạn tuyệt hoặc hủy bỏ Giao Ước cũ, các thể chế cũ, nhưng là tiếp tục và kiện toàn (x. Mt 5, 17) và những thành phần đạo đức, thiện chí của Do Thái giáo vẫn vui vẻ tiếp nước Người, đón nhận những nét mới mẻ độc đáo của Người.
Theo Macco, những gì Đức Giêsu đã làm trong ngày mẫu này bộc lộ 3 khía cạnh, 3 chức năng: Vương đế, tư tế, ngôn sứ của Israel đã nói trong bài đọc 1. Người đã đảm nhận nơi Người toàn bộ sứ mạng của những người được tuyển chọn trong Cựu Ước: Người chính là Đấng Mêsia:
-
Ngày mẫu được Macco cố ý chọn là ngày Sabat, sự việc diễn ra trong hội đường. Như vậy Đức Giêsu đang thi hành nghĩa vụ phụng thờ Thiên Chúa qua tế tự.
– Người giảng dạy, giải thích áp dụng lời. Chúa vào hoàn cảnh hiện tại (so với Lc 4, 16-22). Đây là nhiệm vụ sứ mạng của ngôn sứ.
– Và với việc trừ quỷ, Đức Giêsu khai mạc Vương quốc, giành lại thần dân mình khỏi tay ma quỉ; Rồi thái độ thần phục lạ thường của dân chúng (về sau khi Đức Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabat là bị chống đối) là dấu chỉ cho thấy Đức Giêsu thống trị, Người thi hành chức năng vương đế.
Chỉ trong một ngày ngắn ngủi. Macco đã khéo léo phác họa toàn bộ những nét chính của sứ vụ, hoạt động của Đức Giêsu. “Những gì xảy ra tại Capharnaum…nhất là trong hội đường là một kiểu mẫu của những gì sẽ xảy ra trong một không gian rộng hơn: Khắp cứ Galilê (x. 1, 38-39), khắp nơi Người đi qua, rồi toàn thế giới. Theo Macco thì chúng ta có thể nhân lên đến vô cùng những gì ông mô tả ở Capharnaum, trung tâm của sứ vụ”(Jean Délorme, “Độc Tin Mừng theo Macco” bản dịch, Roméo trang 63)
Nối kết và vượt hơn:
-
Vì ngôn sứ được Môsê loan báo trong Đnl nay đã xuất hiện. Đó là Đức Giêsu. Điều mà Môsê và dân Do Thái không ngờ được và không dám nghĩ tới là Vị Ngôn Sứ ấy lại chính là Lời Thiên Chúa, Con Một của Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa.
Thế giá của Vị Ngôn Sứ được Thiên Chúa – YA VÊ bảo đảm: phải nghe lời Vị Ngôn Sứ ấy. Ai không nghe sẽ bị chính Thiên Chúa hạch tội. Uy tín của Đức Giêsu (Dĩ nhiên là cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa), theo Macco, phát xuất ra từ nơi chính con người của Người: Uy quyền trong giảng dạy, trong chữa lành, trong trừ quỷ….
* Xưa Chúa nói với dân qua ngôn sứ, nay qua Ngôi Lời Người Con Một (x. Dt 1, 1 -2). Xưa dân đón nghe trong khiếp hãi, nay trong bình an và có đủ tư do để khước từ hoặc đón nhận.
2) Đức Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền. Thẩm quyền nào? Người là ai?
*Người là “Vị Ngôn Sứ”!
Vậy thẩm quyền của Người là thẩm quyền công bố lời Chúa. Nói cho mọi người biết Thánh Ý của Thiên Chúa.
* Người là Môsê mới
Vậy thẩm quyền đó là thẩm quyền ban lề luật, thẩm quyền giảng dạy. Trong Tin Mừng Mattheu, câu “Đức Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền” được đặt ngay sau Bài giảng trên núi, chi tiết này làm nổi bật hơn khía cạnh Đức Giêsu là Môsê mới.
Văn phong vắn gọn, Macco hiếm khi đề cập đến chức năng dạy dỗ, giáo huấn của Người (1,21; 2,13; 6,2.34; 10,1). Điều Macco quan tâm không phải là nội dung của giáo huấn nhưng là QUYỀN giáo huấn nơi Đức Giêsu. Và để diễn tả đặc điểm này, Maccô cũng mô tả rất ngắn gọn: “Người dạy không như các kinh sư”.
Các kinh sư chỉ chuyên tâm cắt nghĩa lề luật Môsê theo lối trung thành với truyền thống, họ tránh né dùng quyền hạn của mình để khẳng định ý nghĩa lề luật, họ luôn luôn lệ thuộc vào Thầy mình và trước hết họ ưu tư giải thích lề luật theo mặt chữ.
Trái lại, Đức Giêsu đã chẳng theo học trường nào, Người viện dẫn trực tiếp đến Thiên Chúa Cha (Ga 7,15-16). Người không dựa vào một ai, không nô lệ mặt chữ. Người tự xưng mình ở trên Lề Luật. Người giải thích luật, có quyền trên luật. “Con Người làm chủ cả ngày Sabat” (Mc 2,10). Người còn ý thức mình có quyền tha tội, quyền chỉ dành cho Thiên Chúa (Mc 2, 10)
Vậy thẩm quyền Người còn vượt hơn Môsê, hơn vị Ngôn Sứ để đi đến một thẩm quyền thần linh. Điều này được Maccô hé mở trong việc trừ quỷ ngay sau đó.
*Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa:
Nếu so sánh trình thuật trừ quỷ này với trình thuật dẹp yên bão tố (Mc 4, 37-41) ta sẽ thấy cả hai có chung một cấu trúc; Và để diễn tả chiến thắng hoàn toàn của Đức Giêsu, Maccô dùng 2 động từ đi song đôi với nhau :
-
Êpi – timao: Hăm dọa, quát mắng
-
Phimôo: Khóa mồm, bắt câm họng lại.
Trong Cựu Ước “êpi -timaô được dùng để loan báo chiến thắng của Thiên Chúa trên Biển, trên các yếu tố sáng tạo, trên lúc vượt Biển Đỏ (x.Tv 104,7; 106,9; Is 50,2; Nk 1,4)
Trong Tân Ước, động từ này lại được dùng để chỉ cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên biển cả (Mc 4,39), trên ma quỷ (1,25; Lc 4,35), trên cơn sốt (Lc 4,39) trên sự sai lạc của Phêrô (Mc 8,33) Và trong một số trường hợp ta thấy rằng: Động từ này thường được “phimôo” đi kèm theo, thường là để che giấu căn tính của Đức Giêsu như trong Mc 1,25 của Tin Mừng hôm nay. Lý do: sẽ trả lời ở câu giải thích sau.
Vậy Đức Giêsu có thẩm quyền trên ma quỉ vốn là kẻ đang thống trị con người. Vậy với Đức Giêsu, quyền lực của ma quỉ trên con người, thiên nhiên vũ trụ đã bị tước đoạt. Một thời đại mới đã bắt đầu; Thế giới đổi chủ; Quyền lực của các thần ô uế chấm dứt. Thật vậy, phải hiểu Mc 1,24a là một lời xác quyết chứ không phải là một câu hỏi. Ngoài ra việc đổi đại danh từ “Chúng tôi” sang “tôi” có một ý nghĩa đặc biệt: Đây là một cá nhân đang nói, nhưng hắn biết rằng cái xảy ra cho hắn lần này vượt qua trường hợp cá nhân riêng tư của hắn, nhưng chính là cả bè lũ “chúng tôi” bị phương hại. Chúng tức tối vì quyền lực của chúng bị tước đoạt sớm hơn dự đoán. Lẽ ra chúng còn được tung hoành cho đến tận thế; Nhưng với Đức Giêsu, mưu đồ, thế lực của chúng đã bị bẻ gãy, chúng bị “khóa mõm” mặc dù chúng gắng gượng chống đỡ bằng hành động “bật mí” căn tính Đức Giêsu trước thời hạn.
-
Tại sao Đức Giêsu buộc quỉ phải im lặng? Quỉ muốn gì khi “bật mí” căn tính Đức Giêsu?
Khi tuyên bố Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, quỉ chẳng tử tế gì! Nhưng đây là một âm mưu thâm độc, cũ rích của hắn. Hắn đã dùng lần đầu tại Eden và đã thắng Ađam. Nhưng cũng với mưu chước đó, hắn muốn ám hại các chi thể của Đức Giêsu.
Trong sa mạc, quỉ dụ Đức Giêsu: “Nếu ông là CON THIÊN CHÚA thì…” Cụm từ “Con Thiên Chúa” trong câu giả định “Nếu” của ma quỉ là một cạm bẫy chứ không phải là lời tuyên xưng đức tin: Quỉ muốn lợi dụng danh xưng đó để xúi Đức Giêsu đi ngược lại với sứ mạng Thập Giá mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Hắn đã thất bại, nên giờ đây hắn gỡ gạc bằng cách giành giựt từng nhóm, cá nhân riêng rẽ, được chừng nào hay chừng nấy.
Trong khi dân Do Thái đang nóng lòng chờ mong Đấng Mêsia đến giải phóng khỏi ách Rôma thì quỉ công bố Đức Giêsu là “Đấng Thánh” mỗi khi Người biểu lộ chút quyền năng. Ý đồ của hắn là muốn lèo lái những suy nghĩ sự mong chờ của dân Chúa đi vào quĩ đạo sai lầm của hắn mà Adam đã từng bị dụ đi vào: Muốn từ chối phận làm người, muốn đốt giai đoạn, chọn đi con đường tắt và dễ dãi để hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban. Quỉ muốn gieo vào đầu dân Chúa đang nôn nóng chờ mong một hình ảnh THIÊN SAI do chúng hoặc do con người vẽ ra. Người ta sẽ tưởng tưởng ra một Mêsia thần thoại với chiếc đũa thần trong tay chỉ cần “hô biến” là mọi sự hoàn tất, nói cách khác đó là lời cám dỗ “Đừng chịu làm người theo ý Chúa”. Do đó nếu để cho con người biết quá sớm, không đúng lúc căn tính thiên sai của Người thì có nguy cơ con người bị rơi vào mưu đồ của quỉ, đi sai lạc gây tổn hại cho ơn cứu độ. Đúng lúc Thiên Chúa sẽ mạc khải: chỉ khi nào dám nhìn lên Thập Giá, chúng ta mới nhận ra không sợ sai lầm Đức Giêsu đích thực là ai “Thấy Đức Giêsu tắt thở như vậy, viên đại đội trưởng liền nói: “Alethos hôutôs hô, anthropôs huiôs thêôu en- QUẢ THẬT, CHÍNH CON NGƯỜI NÀY LÀ CON THIÊN CHÚA” (Mc 15,39)
Tuy nhiên trước khi bị Chúa “Khóa mõm” lại thì quỉ dữ đã la to lên rồi! Người ta đã NGHE HẾT rồi!
Đừng tưởng rằng đám đông có thể nghe tiếng la của quỉ và như thế là mệnh lệnh “Giữ im lặng” của Đức Giêsu ra vô ích. Macco chỉ nhắm tới các độc giả lúc ông soạn thảo danh sách Tin Mừng mà thôi. Macco muốn ngụ ý rằng nếu chỉ lập lại “Đức Giêsu là con Thiên Chúa” trên môi mép mà chẳng đi vào mầu nhiệm thì đó là CÔNG VIỆC CỦA MA QUỈ nhằm làm hại đến sứ mạng của Đức Giêsu, làm hại đến sự hiểu biết đích thực về căn tính của Người. Vì Đức Giêsu là ai thì duy chỉ một mình Thiên Chúa biết một cách ĐÚNG ĐẮN, phần con người chỉ biết được nhờ được mặc khải trong thập giá Đức Giêsu (x Mt 11,25-27).
Chẳng nên biết điều này bằng tri thức phàm nhân, bằng con đường chiếm đoạt bất hợp pháp (trái cấm Eden), phải đón nhận nó trong đức tin, như một ân huệ của Chúa Cha. Cũng không được nói quá sớm khi chưa tới buổi (định luật thời gian: Giờ của Chúa).
Thật vậy, những phép lạ của Đức Giêsu đã gây khích động quần chúng khiến họ thắc mắc “cái gì vậy”, “Người là ai?” Và khi Đức Giêsu không đáp trả lại những tưởng tượng của họ, họ đóng định Người. Tuy nhiên quyền năng, đường lối Chúa diệu kỳ: Chính trên thập giá mọi người nhận ra Đức Giêsu thập giá là Thiên Chúa (Mc 15, 39).
Chỉ có thể biết được Đức Giêsu là ai khi dám theo Người đến chân Thập giá.
-
Ngay ngày Sabat
Điều đáng lưu ý trong đoạn Tin Mừng hôm nay là chi tiết “Ngày Sabat”. Theo luật Do Thái, đó phải là ngày nghỉ, mọi người chỉ đến hội đường để tôn thờ Thiên Chúa. Thế nhưng trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngày Sabat này là một ngày Đức Giêsu và môn đệ bận rộn suốt ngày cho tới tối mịt. Ngoài việc rao giảng, còn có việc khác như trừ quỷ, chữa lành đều là những việc cấm làm trong ngày Sabat (x. Mc 2, 23-24; 3,2). Vậy mà cộng đoàn thiên sai đã bù đầu cả ngày trong các việc cấm ấy (so Mc 3, 20). Thế nhưng lạ lùng thay, không thấy ai bắt tội, chỉ trích gì Đức Giêsu về các việc làm sai trái ấy.
Lúc Đức Giêsu xuất hiện là lúc dân thành Capharnaum đang tụ họp lại với nhau ở hội đường để thờ phượng Thiên Chúa trong ngày Sabat. Vậy mà giữa bầu khí linh thiêng ấy, thần ô uế đã nhập vào một người và quậy phá. May thay lúc đó Đức Giêsu có mặt và âm mưu của Quỷ đã bị chặn đứng. Thần ô uế đã bị lộ diện và bị trục xuất. Đức Giêsu đã tạo ra lại bầu khí thánh thiêng cho hội đường và cho ngày Sabat; Dân được vui hưởng lại niềm an bình thờ phượng Chúa.
Như vậy, Đức Giêsu đã hồi phục lại cho ngày Sabat ý nghĩa đích thực của nó: đó là ngày Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Hội đường đang trong cơn sóng gió, Hội Đường đang bị vấy bẩn bởi sự hiện diện của thần ô uế, cho nên người ta chưa thể “nghỉ” được. Vậy khi trừ quỷ, Đức Giêsu đã trả lại cho ngày Sabat nét tinh tuyền phải có của ngày ấy. Mỗi lần trừ quỷ hay chữa lành là Đức Giêsu đang củng cố cho triều đại Thiên Chúa đang tới, tất cả đều là những chuẩn bị thiết thực cho ngày Thiên Chúa hoàn tất chung cuộc công trình của Người để toàn thể vũ trụ được hưởng sự nghỉ ngơi vĩnh cửu trong Chúa, được hưởng ngày Sabat trọn vẹn của Triều Đại Thiên Chúa.
Vậy hoa trái đầu tiên của “Triều Đại Thiên Chúa đến” là thanh luyện các cơ chế, luật lệ để chuẩn bị cho ngày Đức Giêsu đặt mọi sự dưới chân Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa đó mà các tác giả các sách Tin Mừng thường để Đức Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabat. Và ở đây người ta còn ủng hộ, thán phục việc Đức Giêsu làm.
-
Dung mạo thần linh của Đức Giê-su trong phép lạ trừ quỷ.
Ở đây không có ai đến xin Đức Giê-su trừ quỷ, ĐỨc Giê-su cũng không chủ động tấn công. Nhưng chỉ với hiện của Người mà thôi cũng đủ để vạch mặt thần ô uế và làm Nó kInh hãi vì thời điểm quyền lực của Nó bị tiêu diệt, vô hiệu hóa đã điểm (Mc1, 24a). Nó nhận ra Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nghĩa là Đấng nắm giữ quyền năng của Thiên Chúa. Và ở đây lại một lần nữa, Macco nhấn mạnh, Đấng đó chính là Con Người “Giê-su Nadaret” (x.Mc 1, 9; 1, 24). Macco luôn nhắc nhở một cơn cám dỗ mà con người thường vấp phạm là tách quyền năng thần linh của Người ra khỏi thân phận phàm nhân của Người. Thần ô uế khi la to lên “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” cũng là nhắm mưu đồ đó. Chính vì thế, khi chưa đến thời đến buổi, Đức Giê-su cấm không cho quỷ công khai quảng bá rộng rãi căn tính thần linh của Người. bằng một lệnh truyền ngắn gọn gồm hai nhịp: “câm đi” và “hãy xuât khỏi người này”, Đức Giê-su đã chận đứng mưu đồ tỏ lộ sớm trước thời hạn căn tính thần linh của Người, đồng thời đuổi quỷ ra khỏi nạn nhân và thanh luyện hội đường. Và Lời của Người được thành sự ngay tức khắc.
Qua cách trình bày “phán một lời”, “ tức thì có”, Macco đã kín đáo hé lộ dung mạo thần linh của Đức Giê-su ở đây. Đức Giê-su đang dùng quyền năng sang tạo của Thiên Chúa để giải cứu con người, thể chế tôn giáo khỏi sự thống trị của quỷ. Người khôi phục tất cả. Thiên Chúa đang hoàn tất phần của Chúa trong Đức Giê-su. Phần còn lại là thái độ đáp trả của chúng ta như thế nào?
Trong ngày hoạt động mẫu này, Đức Giê-su được hoàn toàn ủng hộ. Việc Người làm trong ngày Sabat này không bị coi là vi phạm luật mà là một niềm vui, một dấu chỉ mới người ta suy nghĩ và tỉnh ngộ “mọi người đều kinh ngạc đến độ bàn tán với nhau; Thế nghĩa là gì? “(x. Mc 1, 27). Israen cho đến giờ phút đó, đám dân đen đã nhận ra được ý nghĩa việc Đức Giê-su làm nên đồng tình ủng hộ (x.Mc 1, 28).
4.TÓM KẾT
Trích đoạn Tịn Mừng hôm nay thuật lại một ngày hoạt động cật lực của Đức Giê-su và cộng đoàn thiên sai mà Người vừa thiết lập. Trong ngày này, Đức Giê-su đã giảng dạy (1, 21-22), đã trừ quỷ (1, 23-28), chữa lành, giải cứu (1, 29-34: không đọc hôm nay)
Các việc làm đầu tiên của cộng đoàn thiên sai (Đức Giê-su và các môn đệ hoạt động chung) được Macco trình bày như là “một ngày mẫu” những hoạt động của Đức Giê-su. Đó lại là một ngày SABAT, được trình bày như là một ngày GIẢI CỨU TOÀN DIỆN con người lẫn cơ chế.
-
Trước tiên là giải cứu tâm hồn, giải cứu tinh thần của đám đông bằng LỜI GIẢNG DẠY; Qua đó dân được hé mở cho thấy Người là Đấng quyền năng, Đấng có thẩm quyền chứ không chỉ là người truyền đạt máy móc (1, 22-27).
-
Tiếp đến là “trừ quỷ” (1, 23-26): Quỷ buộc lòng phải thúc thủ nhận ra rằng Triều đại Nước Thiên Chúa đã đến.
-
Và việc làm cuối cùng trong ngày Sabat này là chữa lành mọi bệnh tật: cá nhân (1, 29-31) lần toàn dân (1, 32-34). Thời phục hồi đã tới.