MÀU TÍM – MÀU TRỞ VỀ

Năm nào cũng vậy. Thứ tư Lễ Tro thường đan xen giữa những ngày Tết. Phụng vụ Giáo hội xen kẽ nền văn hóa dân tộc. Sắc màu tím Mùa Chay len lỏi vào giữa màu đỏ rực nắng vàng trong những ngày đầu Xuân. Nếu có ai đó “lỡ bước sa chân, thì tâm tình thống hối đến ngay sau những ngày vui Tết tưng bừng”. Hình như đây là “bước dừng” mà Thiên Chúa muốn cho con cái Ngài qua phụng vụ Giáo Hội,  hầu nhắc nhở chúng ta biết quay về đúng lúc, để lãnh nhận ơn lành Chúa ban sau những ngày tháng đi hoang, xa lạc.

Cách đây gần 20 năm, trong những ngày Tết, tôi đang lưu lạc nơi đất khách quê người. Ngày đó, tôi cũng được đến giáo xứ Việt ăn Tết. Trước khi đi, các xơ người Mỹ hỏi tôi: Việt nam mừng Tết bao lâu?- Dạ, 10 ngày. (tôi dựa vào tên gọi quen thuộc là Mùng Mười Tết). Câu trả lời của tôi khiến họ ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt, và quyết định sau khi tìm hiểu nguồn gốc: Nghỉ Tết hết mùng 3 thôi.

Ngày mai là thứ tư và cũng là mùng 5 Tết. Xem như Giáo hội cử hành phụng vụ Lễ Tro vào giữa những ngày vui Tết. Chắc hẳn có người tiếc nuối khi niềm vui chưa trọn vẹn: Nhậu chưa hết vòng ( bà con thân thuộc) hay chơi chưa hết tiền  (lên núi, xuống biển)… Nhưng cũng có người cảm thấy như vậy “chơi đã đủ hoặc đã vơi thùng gạo, đã cạn túi tiền”. Dù sao, Mùa Chay vẫn đến và khởi đầu bằng việc xức tro lên đầu. Và cách trang trí trong các nhà thờ, nhà nguyện có phần nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, cả sắc màu lễ phục của linh mục đã chuyển sang màu tím, màu ăn năn thống hối, màu khiêm nhượng trở về.

Theo luật Giáo Hội, ngày Lễ Tro còn là ngày ăn chay, kiêng thịt. Không phải ăn chay là ăn ít nhưng lại ăn ngon hơn mọi ngày; hoặc mua con cá to, đắt giá thay cho miếng thịt heo mỡ màng… Đây chỉ là cách nhìn tiêu cực khi phải bỏ điều này, tránh điều kia.  Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta sống tích cực hơn trong Mùa Chay với ba điểm mà Tin Mừng của ngày Lễ Tro hay nhắc tới, đó là : Cầu nguyện, Ăn chay và làm việc Bác ái. Đó là ba bổn phận mà mỗi người Kitô cần có trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân.

Thời bây giờ, theo quan điểm riêng, tôi thấy phần đông chúng ta hay chú ý và thực hành điều thứ hai và thứ ba, nghĩa là ăn kiêng vì sức khỏe, vì muốn có thân thể đẹp hơn, trẻ hơn… Bên cạnh đó, cũng có nhiều người chú ý giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những người nghèo neo đơn, góa bụa, cô nhi, những người tàn tật đau yếu… Chia sẻ của cải cho người khác, đó là một công việc tốt, nhất là khi thấy đời sống con người mỏng manh, ngắn ngủi sau thời Covid. Và vì chính Chúa cũng dạy: khi làm cho người khác, là làm cho chính Chúa. Vì thế, chúng ta thường quên dành ưu tiên cho Chúa, ngại đi xưng tội, tham dự thánh lễ vọng ( từ xa), chẳng thích vào đoàn thể hoặc tham gia những công tác mục vụ trong giáo xứ ( vì không công) … thậm chí còn chê bai: cha giảng dài, ban hành giáo kém cỏi… nên từ chối tham dự mọi hình thức tổ chức trong giáo xứ. Đây là một lỗ hổng lớn trong mọi sinh hoạt của các giáo xứ. Tất cả đều bắt nguồn từ đời sống tinh thần lỏng lẻo, coi thường tương quan với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành ta, Yêu Thương ta và Thánh Hóa ta trong từng giây phúc của cuộc sống. Ta cứ tưởng công việc bác ái đủ che lấp muôn tội lỗi của mình. Nhưng Chúa còn nói với các môn đệ, khi các ông xầm xì việc cô Madalena đập vỡ chai dầu thơm hảo hạng lau chân Chúa, mà không dùng món tiền ấy để giúp người nghèo “người nghèo lúc nào anh em cũng có, còn Thày, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu” (Mt 26, 11).

Lạy Chúa, khi chúng con nhìn lại đời sống mình, trong ơn gọi là người giáo dân hay là tu sĩ, linh mục, chúng con đã hướng lên Chúa, hướng về anh em hay quy về bản thân bao nhiêu phần trăm? Bậc thang giá trị cuộc đời chúng con đã sắp xếp hoặc dành ưu tiên cho điều gì trước? Xin cho chúng con trở về với Chúa trong Mùa Chay này, biết đặt lại bậc thang giá trị cho cuộc đời mình, để sau này khi ra trước tòa Chúa, Chúa sẽ không nói với chúng con : “Ta bảo thật các ngươi, Ta không biết các ngươi là ai?” ( Mt 25, 12).

Nữ tỳ Thánh Thể
Lễ Tro mùa Chay năm 2024