Bài 1
Ge 2,12-18; Mt 6,1-6.16-18
Chủ đề: Chay tịnh đích thực là SÁM HỐI,
trở về cùng CHÚA
* Ge 2,12: Hãy hết lòng trở về với Ta. Hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van.
* Mt 6,17.18: Khi ăn chay, hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm. Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Hôm nay là thứ TƯ LỄ TRO. Mỗi tín hữu cùng với Giáo Hội bước vào MÙA CHAY. Mùa Chay là cách dịch ra tiếng Việt từ tiếng La Tinh QUADRAGESIMA, dịch sát nghĩa là MÙA BỐN MƯƠI. Đây là khoảng thời gian Giáo Hội dùng cho mình và cho con cái GH chuẩn bị cử hành Mầu Nhiệm khổ nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Theo truyền thống, 40 ngày Mùa Chay tượng trưng cuộc hành trình 40 năm của dân Israel vượt sa mạc đi về Đất Hứa và tương ứng với 40 ngày Chúa Giê-su giữ chay trong sa mạc. Điểm thực hành biểu lộ rõ Mùa Chay là CHAY TỊNH.
Chay tịnh là một hình thức sám hối thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ và hiệp thông với cuộc Thương khó của Đức Giê-Su bằng cách hạn chế việc ăn uống và việc thụ hưởng các nhu cầu khác. Và một khi đã hạn chế những nhu cầu đó thì chúng ta có nhiều thời giờ hơn, phương tiện hơn… để cầu nguyện, để nghĩ đến tha nhân, để chia sẻ…
Vậy chay tịnh là những cách thức thể hiện ra bên ngoài, những hình thức cụ thể để diễn tả 1 thái độ, 1 chọn lựa nội tâm: tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giê-Su và nhất là muốn trở nên giống Người trên lộ trình thập giá trong xác tín là sẽ được cùng phục sinh với Người. Và cần lưu ý:
Cuộc chay tịnh Mùa Chay không là cuộc chay tịnh mang tính cá nhân chủ nghĩa, mà là cuộc CHAY TỊNH CỘNG ĐOÀN: Toàn thể Giáo Hội, mọi thành phần, cá nhân đều được mời sống chay tịnh MÙA CHAY theo những quy chế đã được Giáo Hội ấn định và cùng nhắm tới một mục đích chung cho toàn thê giới đó là đạt tới vinh quang phục sinh ngang qua thập giá.
Theo truyền thống Kinh Thánh, những lần dân Chúa được mời gọi chay tịnh tập thể toàn dân là nhằm mục đích:
-
Chuẩn bị gặp Chúa, đón nhận thánh Ý Người (x. Xh 19,10.15)
-
Tìm kiếm ý Chúa, lấy những quyết định trọng đại (x. Et 4,16)
-
Cầu xin Chúa thứ tha can thiệp giải cứu dân (x. Gdt 4,9-15)
Trong tinh thần đó, Mùa Chay là 1 cơ chế do Giáo Hội lập ra mời gọi toàn dân Chúa trên khắp địa cầu ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ cùng nhau chay tịnh trong một thời gian qui định để chuẩn bị CÙNG NHAU gặp Chúa, đón nhận thánh ý và ơn thứ tha hồi phục Chúa sẽ trao ban qua Thập Giá và Phục sinh.
Lời Chúa của Thứ Tư Lễ Tro diễn đạt các ý trên của Mùa Chay:
Bài đọc 1 nhấn mạnh đến TÍNH CỘNG ĐOÀN của việc chay tịnh: Ya-vê ra lệnh cho TOÀN DÂN đồng loạt giữ chay, cùng nhau biểu lộ ra bên ngoài bằng ăn chay, khóc lóc, thống thiết nài van; tiết chế các niềm vui: “Tân lang hãy rời khỏi loan phòng, Tân nương hãy rời bỏ phòng khuê”. Những biểu lộ bên ngoài ấy phải là hoa trái của lòng sám hối chân thật: “HÃY XÉ LÒNG”;” Hãy trở về cùng Ya-vê…”.
Tính cộng đoàn được diễn tả qua các lệnh: “Hãy rúc tù và tại Xion… Hãy công bố mở cuộc họp… Hãy tụ tập chúng dân… Triệu tập, tụ họp mọi thành phần dân Chúa”. Tất cả là nhằm để được Chúa xót thương giải cứu. Chìa khóa của mọi hồi phục đạo đức là “trở về cùng Thiên Chúa, Chúa chúng ta” (Gc 2,12-13)
Và để định hướng cho các việc làm cụ thể trong Mùa Chay, Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro sử dụng một trích đoạn trong BÀI GIẢNG TRÊN NÚI nói về cách thực hành 3 việc đạo đức truyền thống Do Thái giáo:
-
Bố thí nhằm thiết lập lại tương quan trợ lực hòa hợp giúp nhau trong công trình sáng tạo.
-
Cầu nguyện nối kết lại tương quan thân tình với Thiên Chúa
-
Ăn chay nhằm làm chủ bản thân
Điểm nhấn mạnh của Tin Mừng là mọi việc làm trên đều quy về Cha là cùng đích tối hậu. Làm mọi việc chỉ cần Cha biết rồi sau đó là phó thác tất cả cho lòng nhân ái của CHA.
Tóm lại, tất cả mọi hành động chay tịnh bên ngoài phải phát xuất từ động lực tái lập lại mối tương quan với tha nhân, với Chúa và với bản thân. Mùa Chay sẽ là khúc dạo đầu để đưa tới khúc hòa tấu hồi phục hạnh phúc Địa Đàng và còn hơn nữa những nỗ lực, cố gắng trong Mùa Chay còn là những bậc thang, từng bước một đưa ta vào vinh quang phục sinh của Đức Giê-Su, được Người cho thông phần thiên tính trở thành con cái Thiên Chúa. Chính Thánh Thần Thiên Chúa sẽ thực hiện cuộc biến đổi thăng hoa kỳ diệu này.
Bài 2
MÙA CHAY: CHIẾN ĐẤU HỒI PHỤC MÙA XUÂN
Năm nay Mùa Xuân đan quyện với Mùa Chay: Thứ Tư Lễ Tro trùng vào mùng 5 tết.
Thoạt nhìn thoáng qua với cặp mắt hưởng thụ ích kỷ, 2 mùa này dường như đối chọi nhau, nhưng dưới cái nhìn của quy luật sống tự nhiên, và nhất là với cái nhìn đức tin thì Mùa Chay chính là hạt mầm sống mới đang được canh tân, nâng cấp chuẩn bị cho những Mùa Xuân vĩnh cửu
Thật vậy, trong cuộc sống vũ trụ, để có được 1 Mùa Xuân rực rỡ thì con người lẫn thiên nhiên phải tôn trọng những quy luật Trời-đất đã được Chúa đặt để trong công trình sáng tạo; Phần con người, để có một Mùa Xuân “coi được” thì phải lo tính toán trước từ xa trong chi dụng để cuối năm có chút dư dả có thể mua được vé xe, chút quà về quê ăn tết. Đó là một cách Chay Tịnh! Nếu không có những “chay tịnh” tối thiểu ấy, theo đúng quy luật thiên nhiên sáng tạo thì làm gì có được Mùa Xuân tươi đẹp, lâu bền. Và để có thể sống được tinh thần chay tịnh ấy thì phải lên chương trình và nhất là phải kiên trì CHIẾN ĐẤU với những đam mê xác phàm nơi phận người tội lỗi, để có thể nhìn được mọi sự dưới cặp mắt đức tin.
Với đức tin, ta dễ nhận ra được nét tương đồng giữa Mùa Xuân và Mùa Chay: cả hai đều mời con người canh tân, làm mới lại cuộc sống, các mối tương giao Trời, Đất, người vốn đã bị tội làm hủ hóa, bị bụi thời gian che lấp làm hao mòn và lắm khi quên lãng vì những âu lo quá mức của cuộc sống trần thế. Tuy nhiên, để sống được nét tương đồng này, cần CHIẾN ĐẤU vì Quỷ luôn rình chờ cám dỗ làm ta đi sai đường lối Chúa.
-
MÙA XUÂN
1.1 CANH TÂN
* Trong tương quan với Thiên Chúa: người ta tạm gác lại, dù chỉ 1,2 ngày, nhịp độ hối hả của công việc làm ăn để quay về với những giá trị linh thiêng được biểu lộ qua việc trang trí bàn thờ tổ tiên, đi chùa, dự lễ, hái lộc xuân… đó là những dấu chỉ rằng con người từ trong thâm sâu tâm hồn vẫn luôn khát vọng Thiên Chúa và Xuân là dịp tốt để khơi lại mối tương quan thiết yếu này.
* Trong tương quan với tha nhân: Mùa Xuân là dịp để nhớ đến bà con thân quyến. Ở xa thì tìm cách về quê ăn tết, ở gần thì cũng chuẩn bị thăm viếng nhau; Người lớn chuẩn bị lì xì, con cháu tập chúc mừng cho bậc trưởng thượng. Với người ngoài, tết là dịp để biểu lộ tình thân ái với mọi người, ít ra là bề ngoài nhắc nhau ăn nói cẩn thận hơn, tôn trọng nhau hơn, để đón nhận nhau bỏ qua các sai trái, quảng đại hơn… Mùa Xuân tạo dịp cho mối tương quan tình người sẽ ấm lên được một chút.
* Với bản thân: dọn dẹp lại, trang hoàng nhà cửa; quan tâm làm đẹp lại bản thân: tóc tai, y phục, phong cách… ít ra là trong 3 ngày tết sẽ mới mẻ hơn so với mọi ngày.
Tóm lại cho dù là theo phong cách cổ xưa hay hiện đại hôm nay thì xuân đến khiến con người, vạn vật có 1 chút gì đó đổi mới tích cực với hi vọng đó là cái đà cho những điều tốt đẹp trong tương lai.
1.2 – CÁM DỖ
Thế nhưng ma quỷ không bao giờ để con người yên hưởng phúc lộc Chúa ban, chúng tiếp tục quậy phá con người, cám dỗ người đi lệch đường Chúa
-
Mùa Xuân cũng là dịp buôn thần, bán thánh, dị đoan…
-
Mùa Xuân cũng là dịp để bóc lột nhau, lừa dối nhau để thủ lợi
-
Mùa Xuân cũng là dịp có người đánh mất chính mình khi bị thoái hóa chạy theo khoái lạc, nhậu nhoẹt, cờ bạc, đua đòi…
Vậy để Mùa xuân thật sự là mùa hồi phục các tương quan thì con người phải CHIẾN ĐẤU thắng cơn cám dỗ của ma quỷ, xác thịt, thế gian.
-
MÙA CHAY
Lời Chúa của Thứ Tư Lễ Tro khai mạc Mùa Chay cũng mời gọi chúng ta đổi mới 3 mối tương quan: Với Chúa, với tha nhân và với bản thân được biểu lộ ra bằng 3 việc cụ thể là cầu nguyện, bố thí và ăn chay.
2.1 – Ý nghĩa 3 việc đạo đức:
* Cầu nguyện: sau khi ăn Trái Cấm, con người sợ hãi, trốn tránh Thiên Chúa, bị đuổi khỏi Eđen và cửa trời đóng lại; nhưng Thiên Chúa đã thứ tha, đến gặp con người và tạo dịp để con người gặp được Chúa dù tội lỗi bất xứng: khi Đức Giê-Su chấp nhận phận tội nhân đến chịu phép rửa tại sông Gio-đan thì “cửa Trời lại mở ra”. Vậy chủ yếu của cầu nguyện là NỐI LẠI TƯƠNG QUAN với Thiên Chúa. Các việc xưng tội, rước lễ, tĩnh tâm… là những biểu lộ ra tối thiểu.
* Bố thí: Trong Kinh Thánh là Sơdâgàh có nghĩa là “bác ái” là chia sẻ, hoàn trả lại cho tha nhân (vốn là anh em con tổ phụ Giacob) điều mà họ đáng được hưởng nhưng hiện tại không được vì lý do nào đó. Từ đó, luật quy định những việc cụ thể như năm Sabat, năm Yobel. Còn Đức Benedicto 16 diễn tả Sơdâgàh bằng câu Dt 10,24: quan tâm tới nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành (Sứ điệp MC 2012). Như vậy, thay vì vơ vét về mình, đổ lỗi cho nhau (như nguyên tổ sau khi phạm tội) thì giờ đây qua hành vi Sơdâgàh, con người giao hòa lại với nhau, nối lại tình người thuở ban đầu.
*Ăn chay: “Ăn” gắn liền với sự sống. Nhu cầu ăn bám sát con người từ lúc mới sinh cho đến chết: hết ăn được là sẽ chết. Thế nhưng trong Kinh Thánh, tội công khai đầu tiên của con người và đưa con người tới cái chết lại là chuyện ĂN. Rồi khoa học, y tế ngày nay càng nhìn nhận rằng: ăn vô độ, ăn không đúng cách là con đường ngắn đưa tới bệnh tật, giảm thọ. Và con người đã đề ra đủ cách ĂN KIÊNG để cải tạo sự sống; muốn có kết quả cần có chiến lược và kiên trì.
Vậy ĂN CHAY là để làm chủ con người mình, bắt những đam mê xác thịt phải phục tùng quy luật sống để cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn. Trong tương quan với tha nhân, nhờ chay tịnh ta có thêm chút thời giờ, phương tiện để quan tâm hơn đến tha nhân và có chút gì để chia sẻ cho họ. Trong tương quan với Thiên Chúa, ta thấy rõ hơn giới hạn, những đam mê, cám dỗ bản thân để rồi thấy mình cần đến Thiên Chúa, cần tùy thuộc vào người.
2.2- CÁM DỖ
Sống đúng ý nghĩa 3 việc đạo đức trên trong Mùa Chay là cách tuyệt vời để từng bước hồi phục nhân phẩm, khắc phục hậu quả cua cơn cám dỗ địa đàng. Ý thức được nguy cơ mưu đồ của mình bị phá sản, Quỷ tìm đủ mọi cách ngăn cản con người thực hiện 3 việc đó, hoặc làm lấy lệ hình thức:
* Cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa bị giảm thiểu vào vài việc đạo đức như xưng tội, rước lễ mùa Phục Sinh, tĩnh tâm… xong các việc đó là an tâm trốn Thiên Chúa.
* Quan tâm đến tha nhân, sống tình người bị giảm thiểu vào một số tiền bố thí (nghĩa tiêu cực) được thực hiện cho xong trong Mùa Chay.
* Việc phải đổi mới bản thân biến thành trò hề ăn chay 2 lần trong năm: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh: ráng giữ luật cho qua ngày chay còn trước đó và sau thì “xả láng” (thứ ba béo).
Vậy để các việc đạo đức Mùa Chay thật sự là đổi mới tương quan, cần phải ý thức và CHIẾN ĐẤU.
Chủ đề “chiến đấu” sẽ suy niệm trong Chúa Nhật I Mùa Chay.
3 – LỜI THÁNH GIOAN LA SAN
Đức Giê-su chịu cám dỗ để nhắc rằng ai muốn dâng mình cho Thiên Chúa thì phải rời bỏ thế gian và chuẩn bị chiến đấu chống lại thế gian và tất cả mọi kẻ thù của sự cứu rỗi chúng ta… Ai muốn dấn thân phụng sự Thiên Chúa thì phải chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách (Hc 2,1). Quả thật, cám dỗ, thử thách rất có ích lợi vì nó là một trong những phương tiện tốt nhất mà ai theo Chúa có thể tận dụng để hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi và ham mê tội lỗi.
… không một ai có thể hy vọng vượt qua biển trần gian… mà không phải chịu thao luyện bởi cám dỗ thử thách. Anh em có luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại ma quỷ, cũng như (đam mê) bản thân không? Chống lại cho ĐÚNG MỨC không? Hay là buông thả theo những thú vui của giác quan? Anh em hãy tin chắc rằng không cảm thấy bị cám dỗ thử thách là điều thật bất hạnh, bởi vì đó là dấu hiệu cho thấy ta không hề quan tâm vượt lên chính mình và dễ dàng để các dục vọng của mình thắng thế.
… Vậy anh em đừng nghĩ rằng anh em bị Thiên Chúa bỏ rơi khi anh em bị cám dỗ thử thách. Trái lại đó là dấu hiệu rõ nhất cho biết Thiên Chúa đặc biệt chăm lo phần rỗi của anh em, tạo cơ hội cho anh em CHIẾN ĐẤU và THAO LUYỆN anh em thi hành nhân đức và qua đó củng cố anh em. (bài suy gẫm 17. Chúa Nhật I Mùa Chay)
Frère Pierre Đình Long FSC