Bài 1
Cv 2,1-11; Ga 20,19-23
Chủ đề: Thánh Thần là hồng ân tối hậu Đấng Phục Sinh ban cho môn đệ.
* Cv 1,3-4: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một… và ai nấy đều đầy tràn Chúa Thánh Thần.
* Ga 20,22: Đấng Phục Sinh thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Hôm nay là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo lịch phụng vụ, lễ này như là tấm bản lề nối kết hai mùa phụng vụ: chấm dứt Mùa Phục Sinh và tiếp tục lại Mùa Thường Niên phần hai sau chu kì Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Còn theo dòng lịch sử cứu độ, lễ này là thời điểm khai mạc sứ vụ công khai của Giáo Hội, thời điểm Giáo Hội xuất hiện trước chư dân, tiếp nối công trình của Đức Giêsu vừa mới Thăng Thiên, chấm dứt thời kỳ “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín” (x.Ga 20,9). Khai mở thời Giáo Hội với hồn sống là Chúa Thánh Thần (x.GLHTCG 797).
Chủ điểm chính của Lời Chúa hôm nay là sự kiện Chúa Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ; Kèm theo đó là những hoa trái của hồng ân Thánh Thần tuôn tràn trên đoàn môn đệ và toàn thể nhân loại.
-
TRAO BAN CHÚA THÁNH THẦN:
1.1/ Trong bài đọc 1, việc trao ban Chúa Thánh Thần được mô tả bằng những hình ảnh truyền thống với những chi tiết quen thuộc của thể văn thần hiện:
Ở đây, sách Công Vụ vay mượn hai yếu tố thường được sử dụng trong Cựu Ước để mô tả sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa đó là GIÓ và LỬA. Sách Công Vụ xác nhận đây là những dấu biểu tượng đến từ trời chứ không phải là hiện tượng thiên nhiên của trần thế: “bỗng từ trời phát ra một tiếng động như TIẾNG GIÓ mạnh… rồi họ thấy xuất hiện những hình giống như LƯỠI LỬA”. “Lửa” và “Gió” gợi lại hai cuộc thần hiện đều xảy ra tại núi Sinai (còn gọi là Khorep): một cho Môsê vào thời xuất hành, Chúa ban Lề Luật (Xh 19,18) và một cho Elia (x.1V 19,11.12).
Qua hai hình ảnh truyền thống trên, sách Công Vụ bày tỏ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và sự can thiệp sắp tới của Người để đưa dòng lịch sử cứu độ tiến thêm một bước nữa: Thời Giáo Hội bắt đầu.
Ngoài ra sách Công Vụ còn nhấn mạnh rằng thời thiên sai cũng đã đến cho toàn thế giới, vì việc trao ban Chúa Thánh Thần không diễn ra cách âm thầm chỉ với đoàn môn đệ mà diễn ra công khai làm cho mọi người đi hành hương vào dịp lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem: tất cả đều hay biết. Và đó chỉ mới là khúc dạo đầu để rồi cũng ngay trong ngày đó, 3000 người đã tin lời rao giảng của Phêrô, đã được đón nhận Chúa Thánh Thần và chịu phép Rửa (x.Cv 2,37-41). Vậy thời cánh chung đến rồi và Đức Giêsu chính là Mesia phải đến để hoàn tất công trình của Thiên Chúa.
1.2/ Trong bài đọc Tin Mừng: ơn huệ Chúa Thánh Thần được đích thân Đấng Phục Sinh trao ban cho đoàn môn đệ ngang qua một cử chỉ gợi lại công trình sáng tạo: Đấng Phục Sinh thổi hơi vào các ông và bảo: “ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN”. Vậy với việc THỔI HƠI trao ban Thánh Thần, Đấng Phục Sinh đã tỏ lộ quyền năng của một vị Thiên Chúa khai sinh Giáo Hội (so sánh với việc Thiên Chúa THỔI HƠI vào “cục đất” Adam làm ông thành một con người). Và rồi với biến cố HIỆN XUỐNG trong bài đọc 1, Đấng Phục Sinh đã đưa Giáo Hội công khai ra mắt bàn dân thiên hạ. Đó là dân mới của Thiên Chúa, với luật mới, hồn sống là Thánh Thần được ghi vào lòng trí dân thay cho Luật cũ chỉ ghi vào Bia Đá (x.Gr 31,31-34).
Vậy với việc trao ban Chúa Thánh Thần, thời Giáo Hội bắt đầu.
-
HOA TRÁI CỦA VIỆC TRAO BAN CHÚA THÁNH THẦN
2.1/ Trong bài đọc 1: hoa trái chính yếu của ơn Thánh Thần là sự HIỆP NHẤT. Với tiếng GIÓ bao trùm cả Giêrusalem (Cv 2,5-6), chính Chúa Thánh Thần đã lôi cuốn, quy tụ muôn dân lại trước nhà của các tông đồ để NGHE và HIỂU được sứ điệp của các tông đồ qua lời giảng của Phêrô BẰNG CHÍNH TIẾNG MẸ ĐẺ của mình. Tội lỗi và hậu quả chia rẽ của chuyện Tháp Babel nay đã được khắc phục.
2.2/ Trong bài Tin Mừng: * hoa trái trước tiên đó là ƠN BÌNH AN.
* Tiếp đến, các môn đệ thật sự trở thành CỘNG TÁC VIÊN được thông hiệp vào chính sứ mạng thần linh mà Chúa Cha đã trao phó cho Đấng Phục Sinh: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” * Và cuối cùng là quyền THÁO CỞI và CẦM BUỘC: với ơn biện phân và quyền tài phán này, dưới sự điều động của HỒN SỐNG là Chúa Thánh Thần, Giáo Hội có đủ phương tiện, ngày càng trưởng thành để hoàn tất sứ mạng HIỆP NHẤT của Đấng Phục Sinh đưa tất cả chiên về một đàn chiên duy nhất, dưới quyền một chủ chăn duy nhất.
Tóm lại, với việc được trao ban Chúa Thánh Thần, Giáo Hội và mỗi tín hữu, đích thật là cánh tay nối dài hữu hiệu của Đấng Phục Sinh, trở thành NHIỆM THỂ Đấng Phục Sinh góp phần đưa công trình cứu độ của BA NGÔI đến chỗ hoàn tất như Ý Chúa muốn.
Bài 2
“Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”, rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22).
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ này tưởng niệm biến cố lạ lùng diễn ra vào ngày lễ Ngũ Tuần Do Thái. Đó là ngày mà toàn thể tín hữu Do Thái (người Do Thái lẫn dân ngoại) quy tụ về Giêrusalem để hành hương tưởng nhớ ngày Thiên Chúa Yavê ban luật cho dân Chúa. Nơi họ quy tụ lẽ ra phải là Đền Thờ, và họ phải mở lời ca khen Thiên Chúa đã thương trao ban Luật Giao Ước cho họ. Thế nhưng lần này, nơi họ tụ họp lại là một nhà dân thường, căn phòng mà trước đó hơn 50 ngày, Đức Giêsu đã dùng bữa ăn cuối cùng với đoàn môn đệ trước khi dâng mình làm hiến tế cứu độ vũ hoàn. Và đặc biệt hơn nữa, thay vì ca khen Thiên Chúa ban Luật Môsê cho họ thì lần này họ quy tụ lại để “ngạc nhiên”, để nghe những “người dân tầm thường xứ Galilê” dùng thứ “tiếng lạ” (Cv2,4), mà ai cũng hiểu như nghe tiếng mẹ đẻ của mình, để “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11b). Và lại càng lạ lùng hơn nữa là biến cố “làm thay đổi địa điểm tụ họp của dân Chúa” đó, lại tạo nên một sự đổi mới lạ lùng, tận căn, đổi mới tâm hồn, đổi mới niềm tin của người nghe: nghe lời rao giảng của Phêrô, họ đã “đau đớn trong lòng” (Cv 2,37), họ đã hoán cải, sám hối, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu và trong ngày đó đã có 3000 người theo đạo (2,4).
Yếu tố nào đã tạo nên sự đổi mới lạ lùng như thế? Đó là vì họ đột ngột thấy một hiện tượng thất thường bất ngờ xảy ra: – có “gió”, có “lửa” đột ngột nổi lên, mạnh đến độ các khách hành hương tại Giêrusalem đều nghe thấy. – hiện tượng thiên nhiên ấy lại kéo theo một điềm lạ khác là có một số người nói thứ tiếng lạ lùng mà ai nghe cũng hiểu được bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Và sách Công Vụ giải thích đó là những dấu chỉ bên ngoài của một ân huệ thần linh được Thiên Chúa ban cho đoàn môn đệ của Đức Giêsu: CHÚA THÁNH THẦN.
Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần ngự xuống trên từng người làm họ nên can đảm, đồng tâm nhất trí, hiệp nhất trong đức tin, loan báo cùng một sứ điệp. Nhờ Chúa Thánh Thần mà đám đông quy tụ về từ tứ xứ lại nghe, hiểu và đón nhận cùng một sứ điệp bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Và chỉ có Chúa Thánh Thần mới hoán cải được lòng con người, biến đổi họ thành môn đệ Đấng Phục Sinh. Chính Chúa Thánh Thần phá tan mọi cách ngăn, chia rẽ, giúp nhân loại tìm lại được sự hiệp nhất mà con người đã đánh mất. Với những gì diễn ra cách hữu hình thấy được trong ngày lễ Ngũ Tuần năm ấy, Lễ Hiện Xuống đánh dấu sự khởi đầu của cuộc tập họp vĩ đại những con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi đã được các ngôn sứ trông chờ và loan báo. Thật vậy với những gì đã diễn ra trong lễ Hiện Xuống ta dễ dàng nhận ra Thiên Chúa đang quy tụ lại đàn chiên đã bị phân tán (x.Gr 31,10); Thiên Chúa quy tụ muôn dân nước về Giêrusalem để lắng nghe lời Chúa (x.Is 2,2-3); Thiên Chúa đang tuôn đổ thần khí của Chúa trên dân tái tạo sự hiệp nhất (Ed 39,28-29).
I/ Bài đọc 1: Chúa Thánh Thần Khai sinh nhân loại mới – Giáo Hội
1/ Lễ Hiện Xuống này Thiên Chúa khởi công xây dựng lại một nhân loại hiệp nhất sau khoảng thời gian dài chuẩn bị trong Cựu Ước. Việc chư dân quy tụ về Giêrusalem nghe, hiểu sứ điệp tông đồ bằng tiếng mẹ đẻ của mình là một tín hiệu của Thiên Chúa cho thấy Người đang phục hồi lại những đổ vỡ do vụ “Tháp Babel” do con người gây ra. Tháp Babel tượng trưng sự hiệp nhất được kiến tạo từ hạ giới; lòng con người kiêu căng muốn tự mình lên tới trời thay thế vị trí của Thiên Chúa và rốt cuộc là kết thúc trong đổ vỡ, chia rẽ, không còn ai hiểu được ai nữa (St 11).
Lễ Hiện Xuống gởi cho nhân loại và Giáo Hội thông điệp này: sự hiệp nhất của nhân loại cũng như của Giáo Hội là một ân huệ từ thượng giới, là công trình của Thánh Thần. Nhân loại không thể tạo nên được sự hiệp nhất này; người ta chỉ có thể lãnh nhận nó, làm cho nó tỏ hiện và tin nó (xem “Dessein de Dieu”, sh Francois Ánh chuyển ngữ “ý định của Thiên Chúa” trang 210-211 lưu hành nội bộ).
2/ Hiểu bằng tiếng mẹ đẻ: đây không phải là một sinh ngữ nào của nhân loại. Vì đặc tính của ngôn ngữ Phêrô dùng chủ yếu vừa ở phía người nói, vừa ở phía người nghe: đó là công trình của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Phêrô giảng và cũng chính Chúa Thánh Thần tác động vào con tim của người nghe. Chính vì thế nên Phêrô nói bằng tiếng “mẹ đẻ” của ông và tất cả người nghe cũng nghe bằng tiếng “mẹ đẻ” của họ. Họ không nói, không nghe bằng một ngoại ngữ nào cả, tất cả đều là tiếng “mẹ đẻ”.
Tiếng Việt rất hay: “tiếng mẹ đẻ” là tiếng mà tôi nghe từ lúc tôi còn trong bụng mẹ, nó thấm vào tôi không bằng một nỗ lực học hỏi nghiên cứu nào nhưng nó là máu xương tôi, là sức sống, là chất bổ dưỡng nuôi tôi lớn lên thành con người trưởng thành, con người có nhân cách để tôi sống như anh chị em, như ĐỒNG BÀO ruột thịt con cùng một MẸ đối với những ai nói “tiếng mẹ đẻ” như tôi.
Chính Chúa Thánh Thần đã “dìm” (phép rửa) tất cả mọi dân vào trong đại dương cội nguồn sự sống “MẸ ĐẺ”, cùng một bào thai: “ĐỒNG BÀO”, cùng một diễn đạt, một cách nói “TIẾNG MẸ ĐẺ”. Người nói, người nghe đều sử dụng “tiếng mẹ đẻ”. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần, đã được Chúa Thánh Thần khởi đầu và Giáo Hội và các tín hữu công giáo, kitô giáo phải tiếp tục. Với Chúa Thánh Thần hiện xuống, một công trình sáng tạo mới vừa hoàn thành, một thọ tạo mới vừa xuất hiện công khai: đó là thời điểm khai sinh Giáo Hội. Chưa có Chúa Thánh Thần linh hoạt, Giáo Hội chỉ mới là một “cục đất Adam”, chỉ với “ hơi thở” của Thiên Chúa, Adam mới là một sinh vật, một con người thì chỉ khi được Chúa Thánh Thần linh hoạt, Giáo Hội mới thực sự chính thức khai sinh.
3/ Hiện xuống: ngày SINH NHẬT của Giáo Hội:
Dù đã được Đức Giêsu thiết lập (x.Mt 16,18-19); Dù đã được Đấng Phục Sinh thổi hơi ban Thánh Thần (x.Ga 20,22); Dù đã vượt qua được cơn thử thách “rã đám” và đã tụ họp lại tại nhà Tiệc Ly (x.Cv 1,12-14) để chờ Chúa Thánh Thần; thì cho đến lúc đó, Giáo Hội vẫn chưa phải là Giáo Hội trọn vẹn vì chưa chính thức xuất hiện như là một thực thể đúng với bản chất của mình: Giáo Hội phải là truyền giáo, là chứng nhân cách công khai cho đến tận cùng trái đất (x.Cv 1,8). Phải có Chúa Thánh Thần!
Bài đọc 1 cho thấy ngay lúc vừa khai sinh, vừa xuất hiện công khai thì Giáo Hội ngay tức khắc biểu lộ nét chứng nhân, bản chất truyền giáo của mình. Chính Chúa Thánh Thần đã làm công việc kỳ diệu đó: Vừa đón nhận Chúa Thánh Thần xong, lần đầu tiên công khai xuất hiện trước đám dân khắp thế giới kéo nhau về dự lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội đã truyền giáo và kết quả là 3000 người đã trở thành môn đệ Đấng Phục Sinh, đã trở nên thành phần của Giáo Hội (Cv 2,41).
Vậy có thể nói: Giáo Hội cũng giống như Chúa của mình: có nhập thể (truyền tin) rồi mới có sinh nhật (lễ Giáng Sinh); Giáo Hội cũng được Đức Giêsu thiết lập (Mt 16,18) rồi mới “mừng sinh nhật” (Hiện Xuống). Và ngay khi vừa giáng sinh thì Chúa và Giáo Hội đều đã ngay lập tức loan Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Thật vậy:
-
Trong Giáng Sinh: ngay lúc Giêsu còn là một Hài Nhi thì Tin Mừng Giáng Sinh đã được các nhà chiêm tinh loan báo đến tận quê hương của họ, sau khi họ bái kiến hài Nhi và trở về.
-
Trong Hiện Xuống: người tứ xứ kéo về Giêrusalem đều nghe lời môn đệ giảng bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
-
Tin Mừng: Đấng Phục Sinh ban các hồng ân nền tảng giúp Giáo Hội chu toàn sứ vụ truyền giáo chứng nhân cho đến tận thế.
Bài đọc Tin Mừng hôm nay thuật lại lần hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh cho đoàn môn đệ, một đoàn môn đệ còn “què quặt”, thiếu sót: chỉ có 10 người và tâm trạng thì đang hoảng loạn, bất an, trốn tránh cuộc đời (x.Ga 20,19a). Vậy vào thời điểm đó, cộng đoàn đang có mặt trong nhà Tiệc Ly sau việc Chúa Thăng Thiên, chưa phải là Giáo Hội theo đúng nghĩa của từ này. Nó cần được bổ sung (x.Cv 1,12-26) và nhất là phải đón nhận Thánh Thần, hồng ân từ trời đến, để một cơ chế phàm trần (con số “12” tông đồ biểu tượng cho Israel mới) trở thành tạo vật của thượng giới. Thật vậy với hồng ân Thánh Thần, Giáo Hội không chỉ là một cơ chế, một DÂN MỚI mà được nâng lên là NHIỆM THỂ Đức Giêsu với Đấng Phục Sinh là ĐẦU và Thánh Thần là hồn sống; Nhờ vậy, tất cả những ai được tháp nhập vào Giáo Hội đều nhận được sức sống thần linh từ ĐẦU và từ HỒN SỐNG (x.1Cr 12,13.27). Trong lần hiện ra này, Đấng Phục Sinh thiết đặt, ban cho các tông đồ những yếu tố nền tảng để gầy dựng nên một Giáo Hội truyền giáo đủ sức hoàn tất nhiệm vụ loan báo Tin Mừng làm chứng cho Đấng Phục Sinh khắp mọi nơi và cho đến tận cùng trái đất.
1/ Đấng Phục Sinh đến giữa họ và ban bình an (Ga 20,19-20)
“Sự sợ hãi” người Do Thái đã cắt đứt các tông đồ ra khỏi mọi tương giao với thế giới bên ngoài: họ khép kín nội tâm, lẫn nơi cư trú. Như vậy làm sao họ hoàn thành được dự tính truyền giáo của Chúa được? (x.Ga 13,14; 15,27; Cv 1,8). Đấng Phục Sinh phải cứu họ ra khỏi cái “nhà tù” hủy diệt này, phải đập tan bức tường ngăn cách: “Đấng Phục Sinh đến, đứng giữa các ông và ban bình an cho các ông” (Ga 20,19b). Từ nay, sự khép kín nội tâm (sợ hãi), lẫn sự khép kín bên ngoài (cửa đóng kín) không còn gì cản trở được Đấng Phục Sinh luôn hiện diện giữa cộng đoàn các kẻ tin để trao ban bình an cho họ. Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh là nguồn mạch sự bình an. Nhờ đó các môn đệ nhận ra được ý nghĩa của Thập Giá, do đó những dấu chứng của cuộc tử nạn đau thương trước kia, giờ đây đã trở nên niềm vui cho họ, trở thành dấu chỉ giúp họ nhận ra và tin thờ Thầy của họ, Đấng đang đứng trước mặt họ thật là CHÚA: “các môn đệ vui mừng vì được thấy CHÚA (Kurion)” (Ga 20,20). Ngay lần gặp đầu tiên này, khi được CHÚA ban bình an và cho thấy vết tích của Thập Giá Tình Yêu tự nguyện, họ đã được đổi mới tận căn nên nhận ra được ngay Người là CHÚA. Chỉ có sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở giữa cộng đoàn, cùng với ơn bình an được Người trao ban, các môn đệ mới thắng được nỗi sợ, cảm nghiệm được niềm vui giữa bao thử thách để làm CHỨNG NHÂN cho CHÚA, sẵn sàng nhận lệnh lên đường tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu.
2/ Sai đi (Ga 20,21): “NHƯ Cha đã sai Thầy, Thầy CŨNG sai anh em”. Ở đây việc sai đi không nhắm tới nội dung hoặc cách thức thực thi sứ mạng, nhưng nhắm tới khía cạnh CỘI NGUỒN của sứ mạng: chỉ có một dự tính cứu độ (đến từ Cha) và một sứ mạng (do Con đảm nhận); và giờ đây Con trao lại sứ mạng đã nhận từ Cha lại cho Giáo Hội, Giáo Hội sẽ tiếp tục công cuộc mà Con đã khởi đầu. Như vậy trong dự tính của Thiên Chúa, chương trình của Cha sẽ được hoàn tất qua sứ mạng của Giáo Hội với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, Đấng Phục Sinh trao ban Thánh Thần cho đoàn môn đệ.
3/ Thổi hơi ban Thánh Thần (Ga 20,22): việc trao ban Thánh Thần được mô tả như một công trình sáng tạo mới: “Người THỔI HƠI vào các ông” và bảo “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần là hơi thở tác sinh của Thiên Chúa dựng nên con người và khôi phục sự sống. Thật vậy động từ THỔI = emphusaô chỉ gặp 4 lần trong toàn bộ Kinh Thánh: ở đây và 3 lần trong Cựu Ước:
* St 2,7: trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa thổi hơi vào cục đất Adam và Adam đã trở thành một con người sống;
* Kn 15,11: là một câu trích từ sách Khôn Ngoan, tác giả trách kẻ tạc nắn ra các tượng thần là người dại dột chỉ chế tạo ra đồ mã vô hồn mà không biết đến Thiên Chúa Tạo Hóa là Đấng đã THỔI vào anh ta LINH HỒN hoạt động;
* Ed 37,9: một câu trong thị kiến “hồi sinh những bộ xương khô” bằng cách truyền cho thần khí đến thổi vào những người đã chết này để chúng hồi sinh.
Cả ba câu trên đều nói đến việc sáng tạo, phục hồi, tái sinh làm phát sinh một cái gì đó mới mẻ theo như ý định của Thiên Chúa. Như vậy, hành động “THỔI” của Đấng Phục Sinh là hành động thần linh mở ra cho một cuộc sáng tạo mới: Nhờ sức mạnh của Thánh Thần phát xuất từ Đấng Phục Sinh, một thế giới mới ra đời; Một thế giới mà trong đó sự chết, khổ đau, sợ hãi, trốn chạy… không còn khống chế được những kẻ tin vào Đấng Phục Sinh và được Chúa Thánh Thần linh hứng nữa. Kỷ nguyên mới bắt đầu, kỷ nguyên của Giáo Hội và Chúa Thánh Thần.
4/ Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc tội ai, thì tội người ấy bị cầm buộc (Ga 20,23): đây là cách nói của ngôn ngữ Aram – thể văn song đối nghịch nghĩa (parallélisme antithétique) – người ta dùng hai vế song song trong đó có những từ hoặc ý tưởng đối nghịch nhau giữa hai vế; Sự đối nghịch ấy nhằm làm nổi bật lên ý tưởng tích cực của chủ đề. Vậy sứ điệp của Ga 20, 23 là: Khi sai các môn đệ ra đi với quyền năng Thánh Thần, Đấng Phục Sinh muốn họ thay mặt Người gặp gỡ trực tiếp từng người mọi nơi, mọi lúc để “tháo cởi” con người khỏi xiềng xích của sự ác của mình. Từ nay, ở trần thế này, các môn đệ là những trung gian được Đấng Phục Sinh chọn để mang “lòng thương xót của Thiên Chúa” đến từng người, cho mọi người như Đức Giêsu đã làm: “Thầy đã rửa chân cho anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”.
Tóm lại, phụng vụ Lời Chúa của Lễ Hiện Xuống trình bày cho chúng ta hai lần Chúa Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ:
* Lần 1, Đấng Phục Sinh trong tư cách là CHÚA, nhưng vẫn còn hiện diện hữu hình tại thế, mắt phàm còn gặp được đã “THỔI HƠI” ban Thần Khí cho đoàn môn đệ với lệnh truyền sai đi. Lần này, Giáo Hội, Dân Mới của Thiên Chúa được sáng tạo (so St 2,7) bởi sinh lực của Đấng Phục Sinh – “Con người – Chúa”. Đó là dự tính của Cha đã được hé mở một phần trong Cựu Ước. Thật vậy, nhờ máu chiên vượt qua mà Israel nô lệ bị đe dọa diệt chủng đã trở nên những con người tự do, được phục hồi nhân phẩm, được chính thức ăn mừng lễ vượt qua ngay lúc đang vẫn còn dưới ách của Ai Cập. Như vậy dân Chúa đã “tượng thai”, nhưng chưa được thành hình trọn vẹn, chưa tới lúc được sinh ra.
* Lần 2: lúc ấy, Đấng Phục Sinh đã thăng thiên, Người đã công khai biểu lộ quyền CHÚA tối thượng của Người trên toàn vũ trụ. 50 ngày sau lần 1, Người và Cha đã gởi Thánh Thần đến cách công khai, trước chư dân đang hành hương về Giêrusalem, trên đoàn môn đệ để ổn định, linh hoạt, thăng hoa các ông thành CỘNG ĐOÀN CHỨNG NHÂN, nên một thực thể HỮU HÌNH được sinh ra công khai trước mặt chư dân.
Tiến trình này cũng đã được báo trước: 50 ngày sau biến cố được giải phóng, biến cố Vượt Qua, dân Chúa được đón nhận Luật Giao Ước, chính thức trở thành dân riêng, dân tư tế của Chúa loan báo kỳ công Chúa cho muôn dân.
Vậy với biến cố Hiện Xuống (2 lần lập lại 1 hồng ân ban Thánh Thần), Thiên Chúa đã đưa công trình sáng tạo của Người vào giai đoạn chung cuộc: Giáo Hội đích thực là nhân loại mới, dân mới và hơn nữa là NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ đã xuất hiện và tiếp tục đảm nhận công cuộc của ĐẦU, cùng với Chúa Thánh Thần đưa mọi sự về cùng Thiên Chúa, hoàn tất công trình cứu độ (x.1Cr 15,28).
TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC.
CHỦ ĐIỂM PHỤNG VỤ
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng về việc Chúa Thánh Thần được ban xuống cho các môn đệ và hoa trái của hồng ân Thánh Thần.
Bài đọc 1: thuật lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên cộng đoàn môn đệ đang tụ tập tại một nơi theo lời Đấng Phục Sinh căn dặn trước khi về trời. Mượn thể văn thần hiện, tác giả mô tả Chúa Thánh Thần như hình lưỡi lửa tản xuống đậu trên đoàn môn đệ, từng người một và tuỳ ơn Chúa ban, họ bắt đầu nói tiếng lạ. Mặc dù không được đón nhận trực tiếp hồng ân Thánh Thần, nhưng cộng đoàn dân Chúa “từ các dân thiên hạ trở về” hành hương dịp lễ Ngũ Tuần cũng được hưởng nhờ hoa trái của Thánh Thần: họ được nghe loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Sự rẽ chia do tội của vụ tháp Babel, nay đã được tha thứ hồi phục bởi Thánh Thần.
Thánh Thần là tác nhân hiệp nhất, làm cho công trình cứu độ của Đấng Phục Sinh được sinh hoa kết trái viên mãn.
Tin Mừng thuật lại lần hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh cho các môn đệ còn đang hoang mang sợ hãi dù đã tin Thầy mình đã sống lại. Đấng Phục Sinh trao ban bình an, cho thấy các vết tích của thập giá, sai đi, trao ban Thánh Thần và quyền tha tội. Ở đây Chúa Thánh Thần được chính Đấng Phục Sinh đích thân trao ban qua việc thổi hơi. Hoa trái Thánh Thần là việc biến đổi môn đệ thành những “Đấng Phục Sinh nối dài” qua sứ mạng được sai đi và quyền năng tha tội. Trong cùng một ngày, các môn đệ vừa được gặp lại Thầy mình đầy quyền năng thần linh của Đấng Phục Sinh, vừa được tràn đầy Thánh Thần, các ông trở nên tạo vật mới, được thông phần quyền năng tha thứ, hiệp nhất nhân loại của Thiên Chúa.
BÀI ĐỌC I: Cv 2,1-11
Văn mạch
Sau 40 ngày được Đấng Phục Sinh trực tiếp dạy dỗ, phân phối mọi điều và được chứng kiến Người thăng thiên (1,1-14), các môn đệ vâng lời Đấng Phục Sinh về lại Giêrusalem, tụ họp trong tinh thần cầu nguyện và chờ Chúa Thánh Thần, Trong khi chờ đợi, cộng đoàn đã điều chỉnh lại cơ cấu căn bản về nhân sự cho phù hợp với ý định đầu tiên của Đấng Phục Sinh; chọn Matthia thay cho Giuda Iscariốt (1,15-26).
Tiếp đó, Chúa Thánh Thần đã được trao ban cho các tông đồ cùng đoàn môn đệ đang tụ tập chung quanh các ông, mở ra kỷ nguyên phục hồi hiệp nhất nhân loại đã bị vụ tháp Babel làm chia rẽ (2,1-11). Hơn thế nữa, hồng ân Thánh Thần còn được ban phát rộng rãi cho tất cả những ai tin vào lời rao giảng của các tông đồ. Thật vậy, sau khi được đầy tràn Thánh Thần, Phêrô đã khai mở thời Giáo Hội bằng một lời rao giảng với kết quả là 3000 người đã tin vào Đấng Phục Sinh và cũng sẽ lãnh nhận được Thánh Thần như các tông đồ (2,14-41, đặc biệt 2,38 nốt “h”CGKPV)
Bài 1 trích đoạn trình thuật Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đoàn môn đệ và hoa trái tuyệt vời của hồng ân ấy (2,1-11). Trước hồng ân lớn lao ấy vẫn có những giải thích xuyên tạc: say rượu (2,12-13). Điều này cho thấy thập giá là điều không tránh khỏi. Ý tiêu cực này phụng vụ không sử dụng.
CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH
(1) Biến cố Hiện Xuống (Cv 2,1-3)
-
Thời điểm: ngày Lễ Ngũ Tuần của Do Thái giáo
(x. CGKPV, Tân Ước, trang 502, nốt “h”): 50 ngày là thời gian từ lễ Vượt Qua Do Thái cho tới lúc Thiên Chúa ban luật Sinai (x. Xh 19,1.10.16-18). Việc đặt song song hai biến cố của Tân Ước là Phục Sinh và Hiện Xuống với hai biến cố Cựu Ước là Vượt qua và ban luật Sinai là vừa cho thấy tính liên tục kế thừa, vừa cho thấy sự trổi vượt hơn hẳn của Kitô giáo đối với Do Thái giáo. Luật Sinai xưa được khắc bằng văn tự trên hai bia đá, từ nay được thế bằng luật của Thần Khí khắc vào tâm khảm mỗi người. Văn tự chỉ đưa tới chết chóc, Thần Khí mới làm cho sống (2Cr 3,6).
-
Nơi chốn: “mọi người đang tề tựu ở một nơi” so với Cv 1,13 và Lc 22,12 có lẽ đây là phòng tiệc ly.
-
Mô tả biến cố HX: Sử dụng văn thể thần hiện (2-3).
“Lửa”: Xh 19,18 và “Gió”: Tv 19,11.12 gợi lại hai cuộc thần hiện ở Sinai: Một cho Môsê và một cho Êlia. Đây là hai hình ảnh cho biết Thiên Chúa hiện diện):
-“BỖNG từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió…” (2)
Bản văn không viết “tiếng gió”, nhưng “một tiếng động như tiếng gió”. Người ta không xác định được bản chất tiếng động đó. Chỉ biết nó đến từ trời, một cách đột ngột, lôi cuốn sự chú ý của mọi người ở trong căn nhà lẫn ở ngoài (x. 2,6) và nhanh chóng thống lĩnh không gian tại đó. Những nét này tương tự như những đặc tính của “gió” được mô tả trong Ga 3,8, nói lên sự tự do và huyền nhiệm của hoạt động của Chúa Thánh Thần. Điều này được tỏ rõ ngay, qua hiệu quả tức thời của biến cố: Mặc dù Chúa Thánh Thần chỉ mới được ban xuống, lúc ấy, cho các môn đệ trong nhà, nhưng “tiếng động” lại được đám đông đang hành hương tại Giêrusalem nghe thấy (2,6). Điều này tạo cho họ cơ hội tiếp cận với sứ điệp Phục Sinh ngang qua lời rao giảng của những người tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Như vậy đối với các tông đồ, Chúa Thánh Thần vừa được ban xuống cho các ông như là một ân huệ chóp đỉnh của Đấng Phục Sinh tác động bên trong biến đổi toàn diện con người các ông, vừa là dấu chỉ lôi cuốn mọi người đến với các ông giúp khơi mào, tạo điều kiện cho các ông thi hành hiệu quả sứ vụ Đấng Phục Sinh đã trao phó..
-“Rồi họ thấy những hình như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người”.
cũng vậy, môn đệ không thấy “lưỡi lửa” mà chỉ thấy “những hình giống như lưỡi lửa”, nghĩa là chỉ thấy 1 hình ảnh so sánh chứ không biết bản chất của sự kiện. Xem thêm sđd 502 nốt “k”.
“Tản ra”: động tính từ hiện tại, thụ động cho thấy hành động này luôn là hiện tại cho mọi thời, nghĩa là cùng một Thánh Thần nhưng được trao ban cho từng người tín hữu: “hiệp nhất trong đa dạng”.
-
Hoa trái của Hiện Xuống (Cv 2,3-11)
* Phần các môn đệ (4)
– Tràn đầy Thánh Thần
– Dấu chỉ biểu lộ bên ngoài: “nói các thứ tiếng khác…”
Đây là thứ tiếng lạ lùng, bởi vì người tứ xứ kéo về Giêrusalem đều nghe các ông bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Ý nghĩa: nhân loại chia rẽ do vụ tháp Babel nay được hiệp nhất lại nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần ngang qua lời rao giảng của các tông đồ về Đấng Phục Sinh, đồng thời cho thấy nét phổ quát của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. (Xem thêm sđd 502 nốt “l”)
* Phần những người khác của dân Chúa (5-6)
– “Có những người Do Thái sùng đạo từ CÁC DÂN THIÊN HẠ TRỞ VỀ (5)
– Họ cũng nghe “tiếng động” mà các môn đệ đã nghe. Họ mới kéo đến nơi các môn đệ ở. Họ nghe được các môn đệ nói tiếng bản xứ của họ. Họ kinh ngạc (6).
Với tháp Babel, nhân loại bị phân tán khắp nơi, nay được quy tụ lại “từ các dân thiên hạ”. Tội Babel bị phạt bằng ngôn ngữ bất đồng, nay được tha qua dấu chỉ tất cả nghe được bằng tiếng mẹ đẻ mình.
Tóm lại, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sự hiệp nhất nhân loại và là bảo đảm cho sự thành công chung cuộc của sứ vụ truyền giáo phổ quát của Giáo Hội. Tuy nhiên Chúa Thánh Thần bộc lộ quyền năng qua trung gian chứng tá của môn đệ Đấng Phục Sinh.
-
Thánh Thần dùng các môn đệ Đấng Phục Sinh làm tác nhân hiệp nhất: (Cv 2,7-11)
Lời bình phẩm của nhóm “trở về từ các dân thiên hạ” làm nổi bật ý trên:
* Phản ứng: sửng sốt, thán phục
* Lý do: chứng kiến nơi các môn đệ 2 thực tại trái ngược nhau:
– Những người nói là dân Galilê ít học
– Thế mà họ nói những lời thông thái về Thiên Chúa bằng mọi thứ tiếng đến độ mọi người đến từ khắp “các dân thiên hạ” đều nghe hiểu bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
-
sđd 503 nốt “m”, “n”. Bằng “tiếng động đến từ trời”, Chúa Thánh Thần đã thu hút người về từ muôn nước đến với đoàn môn đệ; và bằng tiếng nói yêu thương của môn đệ loan báo kỳ công của Thiên Chúa- ở đây là rao giảng Đấng Phục Sinh – Thánh Thần đã hợp nhất nhân loại chiêm ngắm kỳ công Thiên Chúa. Vậy với Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Đấng Phục Sinh một khi nỗ lực loan báo kỳ công Thiên Chúa, chứ không phải là làm cái gì khác, thì họ là tác nhân hiệp nhất toàn thể nhân loại.
TÓM KẾT
Bài đọc 1 thuật lại việc Chúa Thánh Thần được ban xuống trên đoàn môn đệ. Bằng những hình ảnh thần hiện mượn từ 2 lần Thiên Chúa hiện ra ở Sinai, kèm theo bối cảnh của cuộc hiện xuống là lễ Ngũ Tuần Do Thái, bản văn giới thiệu đoàn môn đệ của Đấng Phục Sinh chính là hạt mầm của Israel mới, với luật mới là chính Chúa Thánh Thần được khắc ghi trong tim của từng môn đệ. Đi xa hơn cương giới của một dân tộc, bản văn còn cho thấy Chúa Thánh Thần đã biến đổi đoàn môn đệ Đấng Phục Sinh thành tác nhân hiệp nhất hồi phục lại nhân loại xưa kia đã bị chia rẽ, phân tán vì tội lỗi trong câu chuyện tháp Babel của Cựu Ước. Giáo Hội là cái mầm cho nhân loại mới. Một nhân loại hiệp nhất cùng nói cùng nghe chung 1 thứ tiếng. Tiếc thay ngày nay Giáo Hội vẫn còn chia rẽ! Để hoàn tất được ơn gọi và sứ mạng làm tác nhân hiệp nhất, Giáo Hội chỉ phải chuyên tâm kiên trì làm một việc duy nhất thôi, đó là lo loan báo kỳ công của Thiên Chúa dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Kỳ công đó không gì khác hơn là ơn cứu độ, là Tin Mừng Đấng Phục Sinh đã mang tới và hơn nữa Giáo Hội phải là chứng nhân. Nếu Giáo Hội bận tâm vào 1 điều gì khác hơn là mối bận tâm trên thì nguy cơ chia rẽ là khó tránh. Phần mình, mỗi Kitô hữu phải là một tác nhân hiệp nhất góp phần loan báo kỳ công của Thiên Chúa cho muôn dân, cụ thể là những người sống quanh ta. Với biến cố Hiện Xuống, Giáo Hội xuất hiện công khai. Xem thêm sđd 502 nốt “g”.
TIN MỪNG: Ga 20, 19-23
Xem thêm Chúa Nhật II Phục Sinh B
Văn mạch:
Tin Mừng hôm nay thuật lại lần hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh cho các môn đệ nhằm củng cố đức tin các ông vào sự kiện Phục Sinh để thiết đặt các ông làm chứng nhân, sai đi đồng thời trao phương thế, quyền năng giúp các ông thực thi sứ mạng.
Trong tinh thần phụng vụ của lễ Hiện Xuống, việc trao ban Thánh Thần đóng vị trí trọng tâm và tiếp đó là hoa trái của hồng ân Thánh Thần mang lại.
Cấu trúc đoạn văn 2 lần hiện ra cho môn đệ 20,19-29
LẦN 1: cho Nhóm 12 | LẦN 2: riêng cho Tôma | |
Tiểu đoạn 1 | Tiểu đoạn 2 | |
19– Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì sợ người Do thái.
ĐGS đến đứng giữa các ông và nói 20– Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.
Các môn đệ vui mừng vì được nhìn thấy Chúa |
21– Người lại nói với các ông: “chúc anh em được bình an” Như Chúa Cha đã saiThầy thì Thầy cũng sai anh em” 22– Nói xong Người thổi hơi…và bảo: “Anh em hãy nhận lấy TT”
23. “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ |
cc. 24-25 26– Tám ngày sau các môn đệ lại có mặt… có Tôma các cửa đều đóng kín ĐGS đến đứng giữa các ông và nói “chúc anh em được bình an” 27- Rồi 28. Ông Tôma thưa Người: “ Lạy Đức Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con. 29. Đức Giêsu bảo “Vì anh đã thấy Thầy… Phúc thay.. mà tin”
|
PHÂN TÍCH CẤU TRÚC TRÊN
Phân tích như thường làm, đã được thực hiện ở Chúa Nhật II Phục Sinh. Ở đây xin phân tích theo một dạng khác.
Theo bảng cấu trúc trong phần văn mạch, Ga 20, 19-29 gồm 3 tiểu đoạn có cấu trúc giống nhau. Điều này khiến một nhà chú giải nghĩ rằng có 3 dạng thức hiện ra khác nhau của Đấng Phục Sinh.
-
Hiện ra để giúp cộng đoàn nhận ra, cảm nghiệm được về Đấng Phục Sinh là Chúa của mình, giải phóng họ khỏi sợ hãi và khép kín, chuẩn bị cho tương lai (một khi Chúa thăng thiên, họ phải làm việc một mình với Chúa Thánh Thần)
-
Hiện ra để trao ban sứ mạng:
-
Sai đi: Sau khi đã củng cố các môn đệ bằng bình an và sự cảm nghiệm đích thân của từng người về mầu nhiệm Phục Sinh, Đấng Phục SInh đã sai phái CỘNG ĐOÀN đảm nhận sứ mạng của chính Người, sứ mạng mà Người đã nhận từ nơi Cha.
Trao ban Thánh Thần dưới dạng thức như là một sáng tạo mới: “thổi hơi” khai sinh một thực thể mới là Giáo Hội. Sự hiện hữu và lớn mạng của thực thể này được đặt nền trên hoạt động của Chúa Thánh Thần và trên sứ mạng vừa được Đấng Phục Sinh trao ban sẽ do các môn đệ thể hiện dần trong dòng lịch sử. Điều này được thấy rõ trong công thức “ Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15,28)
Quyền tha tội và cầm buộc: Đây là nét biểu lộ ra bên ngoài sứ mạng của cộng đoàn và là hoa trái của Thánh Thần. Đây là sứ mạng chuyển đạt, lưu truyền ơn cứu độ, lời Chúa qua việc biện phân của cộng đoàn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần nhằm mục đích bảo tồn hiệp nhất và phát triển đúng hướng của Giáo Hội. Hình ảnh cộng đồng Giêrusalem đã mở ra cho dân ngoại con đường cứu độ mà không cần giữ luật Môsê, đồng thời buộc họ phải giữ một số điều (x. Cv 15) đó là một minh hoạ cụ thể.
-
Hiện ra để thiết đặt nền tảng muôn đời cho sự tồn vong của cộng đoàn:
“phúc cho ai không thấy mà tin”. Ở lần này chứng từ thể lý cũng được gợi ra như là để đáp ứng đòi hỏi của Tôma. Thực ra, yếu tố giúp Tôma tuyên tín không là các dấu đinh, không là kiểm chứng thể lý mà là Lời chỉ trích của Đấng Phục Sinh “Đừng cứng lòng nữa” và mời gọi “nhưng hãy tin”. “Tin” ở đây là tin vào chứng từ mà các môn đệ đã nói cho Tôma ở c.25. “Tin” hàm ý là cái đòi hỏi kiểm chứng của Tôma là không cần thiết. Bởi vì kiểm chứng bằng giác quan chỉ giúp xác nhận một sự kiện chứ không thể xác lập một mối tương quan. Tương quan phải có đối với con người Đức Giêsu và với mầu nhiệm phục sinh là TIN chứ không phải là nhìn nhận một sự kiện lịch sử. Để tin chúng ta đã có Thánh Thần, có cộng đoàn Giáo Hội và những ân ban mà Chúa ban kèm cho cộng đoàn ấy.
Trong tinh thần phụng vụ lễ Hiện Xuống, Tin Mừng nhấn mạnh đến tiểu đoạn 2: Hiện ra để trao ban sứ mạng. Mà sứ mạng chỉ được trao ban sau khi cộng đoàn có trải nghiệm đích thân về Đấng Phục Sinh. Và trải nghiệm ấy chỉ lớn lên và lan toả được nhờ Thánh Thần và sứ mạng làm chứng, tha buộc của cộng đoàn.
CHỦ THÍCH VÀI CHI TIẾT
-
Cấu trúc của 3 tiểu đoạn đều có nói đến các chi tiết:
“ngày thứ nhất trong tuần” (hoặc “tám ngày sau”), “chúc bình an”,cộng đoàn tụ họp lại tại một nơi. Đây là dấu chứng của cuộc hội họp cộng đoàn phụng vụ của các tín hữu vào ngày thứ nhất trong tuần. Sứ điệp khá rõ: chính trong khung cảnh của cuộc cử hành phụng vụ mà người tín hữu cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở giữa họ, nhận được sự bình an và niềm vui. Cũng chính trong cộng đoàn phụng vụ của Giáo Hội mà Thánh Thần và các hồng ân truyền giáo đã được trao ban. Nói cách khác chính trong cộng đoàn phụng vụ, lịch sử cứu độ được tái hiện và mỗi cá nhân ở mọi nơi mọi thời có dịp để cảm nghiệm đích thân hồng ân cứu độ.
-
Trao ban Chúa Thánh Thần