CHÚA NHẬT THỨ XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 6, 30-34. LÀM VIỆC và CẦU NGUYỆN

     Sau khi được Chúa Giêsu sai đi rao giảng (Mc 6,7- Chúa nhật 15 TN năm B), các tông đồ trở về bên Chúa và kể lại các việc đã làm, các điều đã dạy (Mc 6,30). Chúa bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút(Mc 6,31).

   Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không nói rõ, nhưng chắc chắn nghỉ ngơi không chỉ là thư giãn thân xác, mà còn là thời gian để Thầy trò chuyện vãn, trao đổi. Đây là thời gian bồi bổ tâm linh, thời gian cầu nguyện.

     Làm việc và nghỉ ngơi là 2 nhịp của đời sống thường nhật, như ngày và đêm là nhịp điệu của thời gian.

     Sau khi tạo dựng vũ trụ và con người, Thiên Chúa cũng nghỉ ngơi, đó là ngày sa bát trong Cựu Ước.( St 2,3). Người Công giáo nghỉ ngơi vào ngày Chúa Nhật hàng tuần. Nghỉ để dưỡng sức, nghỉ để tái tạo sức lao động, nghỉ để cầu nguyện, nghỉ để làm việc bác ái, thăm viếng người khó khăn, bệnh tật. Chúa nhật là ngày của Chúa.

     Làm việc và cầu nguyện, cả hai đều quan trọng. Mỗi người đều phải làm việc để tự nuôi sống mình, nuôi sống gia đình, xây dựng, giúp đỡ xã hội. Vì Chúa đã trao cho con người sứ mệnh làm bá chủ mặt đất này (St 1,26). Thánh Phao lô cũng nói: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn.(2Tx 3,10).

     Làm việc phải đi đôi với cầu nguyện, có khi còn phải đi sau cầu nguyện, thì công việc mới có ý nghĩa. Chúa Giêsu đến thăm gia đình Matta. Cô này lo lắng phục vụ Chúa, còn Maria cứ ngồi dưới chân Chúa mà nghe Chúa nói. Matta trách Chúa: Sao Thầy không bảo em con giúp con một tay? Chúa đáp: Matta, Matta ơi, chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi. (Lc 10,41-42).

     Chúa Giêsu luôn làm việc. Người nói : Cho đến nay cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.(Ga 5, 17).Và Người luôn liên kết với Chúa Cha: Thật tôi bảo thật các ông, người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm thì người Con cũng làm như vậy. (Ga 5,19).

     Phải làm việc và phải có tinh thần làm việc của Chúa. Một linh mục trên Tây Nguyên thuật lại các cán bộ địa phương hỏi ngài: sao các linh mục và các tu sĩ đi đâu cũng được người dân, đặc biệt là các em bé, cúi chào niềm nở, vui vẻ, còn chúng tôi đi đâu, dân chúng cũng né tránh, xa lạ. Cha trả lời là các ông làm việc có lương còn chúng tôi làm việc không công.

     Các anh chị em sắc tộc đi 20, 30 cây số để đến trạm xá Cao Thượng, để được khám bệnh và phát thuốc.-Trạm xá do CVK và KMF- hội Cựu Chủng Sinh Kontum và hội Ái Hữu Kontum- tổ chức, tài trợ và điều hành, ở làng Kon jơ Dreh, cách thị xã Kontum 20 km-. Nhiều người hỏi họ: Tại sao các ông bà không ra bệnh viện tỉnh, ở đó có đủ thuốc men và máy móc để trị bệnh. Họ trả lời:” Ở đó chúng nó khinh chúng tao lắm. Ở đây chúng mày không khinh chúng tao”. 

     Cán bộ làm việc như công chức, các linh mục và tu sĩ không phải là công chức. Các ngài trao ban tình yêu, rao giảng Tin Mừng. Căn nguyên sâu xa của công việc là tình yêu Chúa Kitô, là lời cầu nguyện.

Người Kitô hữu cũng cứu đói, cứu khát như những tổ chức khác, nhưng sâu xa là do lời Chúa dạy: “ Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”(Mt 10,42).

     Người đi rao giảng có Tình yêu Chúa, có lòng mến tha nhân và tinh thần cầu nguyện. Đó là nền móng thâm sâu. Đó là điểm khác biệt với cán bộ, công chức, khác biệt với các tổ chức khác.

       Việc làm phải quyện trong tâm tình cầu nguyện.

 Mỗi ngày chúng ta bước đi cả ngàn bước chân, thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu chỉ bước vài chục bước từ nhà nguyện xuống nhà cơm với lời cầu nguyện: xin dâng những bước chân này cầu nguyện cho một linh mục thừa sai đang gặp khó khăn trong miền truyền giáo. Những bước chân của thánh nữ có giá trị tuyệt vời. Thánh nữ làm những việc bình thường với một tinh thần phi thường .

Nhiều khi chúng ta nghĩ chỉ đi nhà thờ hay đọc kinh mới là cầu nguyện, thậm chí còn tách biệt công việc và cầu nguyện thành hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

     Cuối đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thánh Marco kể tiếp: Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt … (Mc 6,34). Có đi thăm các vị thừa sai, các linh mục trên các vùng truyền giáo, ta mới xúc động trước lời kể của thánh Marco hôm nay. Các linh mục thường phải phụ trách nhiều làng cách biệt, có vị phụ trách 10 đến 15 làng cách xa nhau trong một bán kính 20, 30 cây số. Đường đi lối lại khó khăn hiểm trở. Dân làng rất muốn theo đạo, rất muốn theo Chúa.

     Những ngày lễ lớn, giáo dân các làng xa xôi đổ về Tòa Giám mục, nhà thờ chính tòa Kon Tum hàng chục ngàn người, nằm la liệt ngoài sân, ngoài hành lang nhà thờ, nhà xứ, mới thấy họ như bầy chiên không người chăm sóc. Nhìn cảnh tượng đó ta mới “cảm” được lời Chúa kêu gọi: lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít thật là cấp bách.

     Lạy chúa, xin dạy chúng con luôn biết liên kết làm việc và cầu nguyện. Cho chúng con biết mở rộng con tim để biết chạnh lòng thương như Chúa.

Nguyễn Đức Lân