CHÚA NHẬT XX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bài 1

Cn 9,1-6; Ga 6,51-58
Chủ đề:  Mời gọi hưởng dùng lương thực thần linh

* Cn 9,5: Hãy đến mà ăn bánh của Ta và uống rượu do Ta pha chế.
* Ga 6,55: Thịt tôi thật là của ăn và Máu tôi thật là của uống.

Lời Chúa của Chúa Nhật XX B Mùa Thường Niên tiếp tục khai triển chủ đề LƯƠNG THỰC: bánh thần linh, bánh từ trời, bánh mang lại phúc trường sinh. Điểm nhấn của Lời Chúa hôm nay là lời mời gọi tha thiết của người dọn lương thực, và thực đơn không chỉ là BÁNH mà còn thêm RƯỢU nữa: “Hãy đến mà ĂN, ăn BÁNH của Ta và UỐNG RƯỢU do Ta pha chế” (Cn 9,5); “Ai ăn THỊT và uống MÁU tôi thì được sống muôn đời…” (Ga 6,54). Chủ dọn bữa ăn thao thức chờ mong lời đáp trả của các khách được mời. Thức ăn của uống đã được dọn sẵn! Còn thái độ đáp trả của khách thì sao? Dù không trực tiếp đề cập đến thái độ chối từ, nhưng Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy vài yếu tố có thể khiến các khách được mời chối từ thịnh tình của Chủ.

Sự ngây thơ, khờ dại, thiếu hiểu biết (x.Cn 9,6) và nhất là sự ngoan cố (c.7) là những rào cản khiến con người từ chối ăn lương thực thần linh. Còn trong Tin Mừng, những điểm yếu nói trên được hiển hiện rõ nét qua thái độ thiếu hiểu biết cứng lòng của đám dân cứ cho rằng họ biết rõ Giêsu là con ông thợ Giuse, rồi cứ khư khư dựa vào sự thiếu hiểu biết đó để từ chối lời mời gọi ăn thịt và uống máu Người của Đức Giêsu.

Để hưởng dùng được lương thực thần linh ấy, chúng ta phải ý thức đó là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa giúp con người vượt thân phận giới hạn phàm nhân đi vào cuộc sống của Thiên Chúa. Do đó phải vượt qua sự thiếu hiểu biết của xác phàm để có thể mở rộng lòng ra đón nhận điều Chúa muốn cho, chứ không khư khư đòi điều ta muốn có. Chúa muốn ban Thánh Thể, ta lại đòi bánh ăn.

Bài đọc 1 trích từ Sách Châm Ngôn thuật lại một câu chuyện mang tính huấn dụ, gồm 2 phần, kêu gọi phàm nhân, đến tham dự bàn tiệc của ĐỨC KHÔN NGOAN. Ở đây ĐỨC KHÔN NGOAN được nhân cách hóa thành một Ngôi Vị:

Phần 1: ĐỨC KHÔN NGOAN xây nhà mới có tới BẢY CỘT, cách nói ám chỉ đây là ngôi nhà lớn như một cung điện của vua. Mừng tân gia, ĐỨC KHÔN NGOAN soạn tiệc lớn, rượu thịt do chính mình chế biến, khoản đãi miễn phí, mở rộng ra cho tất cả mọi người: ĐỨC KHÔN NGOAN hối thúc các tôi tớ đi mời và đích thân đến các nơi cao, nơi cư dân thường tụ họp để mời khách, hãy rời bỏ các thú vui ở “các nơi cao” đến nhà mới của mình dự tiệc tân gia.

Phần thứ 2 là nội dung của lời mời. ĐỨC KHÔN NGOAN mời những kẻ ngây thơ, ngu si, thiếu hiểu biết hãy từ bỏ con đường khờ dại đang theo, đến dự tiệc khôn ngoan để được sống “hãy đến mà ĂN… và UỐNG… đừng ngây thơ khờ dại nữa và các con sẽ được sống” (cc 5-6). Hãy đến dự tiệc của ĐỨC KHÔN NGOAN.

Với mặc khải Tân Ước, và phối hợp với bài Tin Mừng, ĐỨC KHÔN NGOAN chính là hình ảnh báo trước Đức Giêsu; Thực đơn do ĐỨC KHÔN NGOAN pha chế chính là lời giáo huấn của Thiên Chúa, báo trước Tiệc Mình Máu Đức Giêsu, ai ăn uống sẽ được sống (x.Is 55,1-3; Ga 6,54).

Tin Mừng hôm nay là phần cuối của loạt mặc khải tiệm tiến được Đức Giêsu khai triển trong bài diễn từ nói về BÁNH TỪ TRỜI, bánh hằng sống trong Ga 6. Bánh đó không phải là bánh mì do phép lạ làm ra, cũng không phải là Manna, mà là Thánh Thể: là THỊT và MÁU của Đức Giêsu tự nguyện hiến tế, ban tặng cho kẻ tin.

Trong phụng vụ năm B, loạt mặc khải này được trình bày từng bước một trong 3 Chúa Nhật XVIII, XIX và XX B. Thật vậy, Chúa Nhật XVIII B, Đức Giêsu mặc khải cách chung chung rằng “Bánh từ trời” đích thực không phải là Manna, mà là chính bản thân Người (6,34-35); Đến XIX B, Đức Giêsu nói rõ hơn: Bánh hằng sống mà Người ban cho chính là THỊT của Người, nuôi sống TẤT CẢ thế gian(6,51).

Mặc khải huỵch toẹt, thẳng thừng trên đã gây xốc cho người Do Thái: “làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (6,52). Không một lời giải thích, Đức Giêsu lại còn gây xốc lớn hơn khi thêm phải “uống Máu Người”: “ai ăn thịt và UỐNG MÁU tôi thì được sống muôn đời…” (6,54-56); Vì Luật cấm ăn MÁU (St 9,4; Lv 17,10).

Tuy nhiên người Do Thái quên chi tiết này: Máu được Chúa ban đổ trên bàn thờ làm hy lễ thì tha được tội (Lv 17,11). Vậy điều Đức Giêsu mặc khải là việc Người SẼ làm trong bữa Tiệc Ly và trên Thập giá. Máu Thịt Đức Giêsu ban là bí tích Thánh Thể; Bởi vì máu thịt mục nát chẳng nuôi sống được ai, chính Máu Thịt PHỤC SINH của Đức Giêsu mới là THẦN LƯƠNG.

Hãy bỏ đi cái nhìn trần tục và đón nhận Máu Thịt phục sinh của Đức Giêsu để được nên một với Người, thông phần thiên tính. Đó mới chính là sự sống đời đời.

Bài 2

Thịt tôi là của ăn thật, và máu tôi là của uống thật. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy (Ga 6,55-56).

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay là phần cuối của bài diễn từ về chủ đề lương thực: bánh từ trời, bánh hằng sống của Đức Giêsu.

Ga 6 mở đầu bằng một phép lạ xảy ra trong một vùng hoang vắng: phép lạ nhân bánh. Chỉ với năm cái bánh và hai con cá nhỏ, Đức Giêsu đã hóa nhiều để nuôi thể xác hơn năm ngàn người trong một lần ăn. Với dấu lạ đó, Đức Giêsu bắt đầu hé mở dung mạo thiên sai của Người cho đám đông, họ nhận ra “ông này thật là Vị Ngôn Sứ, là Đấng phải đến thế gian” (6,14). Thế nhưng tầm nhìn của họ bị che chắn bởi quyền lợi cá nhân vật chất, bởi mộng bá quyền dân tộc: họ muốn tôn Người làm một ông vua trần thế để Israel hồi phục quyền lực thời Đavit, đè đầu đè cổ chư dân (so với Cv 1,6). Biết ý đồ sai lạc của họ, Đức Giêsu trốn đi.

Không tha! Họ truy đuổi Người với những tham vọng sai trái vẫn ấp ủ trong lòng. Đức Giêsu giảng dạy cho họ, cố gắng giải cứu họ.

Bài diễn từ Đức Giêsu nói với họ tại hội đường Capharnaum là một lời mời gọi suy tư rồi hoán cải. Người dùng “bánh mì của một bữa ăn vật chất để dẫn họ tới “bánh trường sinh” từ trời xuống ban sự sống vĩnh cửu. Bài diễn từ được cấu trúc thành như một bậc tam cấp (được phụng vụ sử dụng chia làm ba bài đọc trong ba Chúa Nhật XVIII B, XIX B, XX B), đưa khán thính giả bước từ “bánh mì vật chất”, chỉ nuôi sống được thể xác chỉ trong một bữa ăn, đến “của ăn thần linh” từ trời xuống, ban sự sống đời đời, Bánh đó chính là THỊT của Người (6,51): “Ai ăn Thịt tôi và uống Máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (6,56). Như vậy, vấn đề không phải là bánh ăn giải quyết nhu cầu sinh tồn thể xác mà là nối kết trở lại mối tương giao mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giêsu đã khám phá ra từ trong cuộc sống của nhân loại, một phương thế hữu hình rất ấn tượng và kiến hiệu là “CÁI ĂN” để dọn đường chuẩn bị đưa nhân loại về lại với mối hiệp thông mật thiết nên một với Người (x.Ga 6,56). Mối hiệp thông này đã được Thiên Chúa đặt để bên trong con người khi sáng tạo con người theo hình ảnh Chúa. Sa ngã, tội lỗi đã làm hình ảnh đó mờ nhòe đi, mầm sống đó bị héo úa vì ân sủng Chúa không thâm nhập vào được bên trong sâu thẳm của con người. Nay, với sáng kiến của Đức Giêsu: con người buộc phải ăn, đưa bánh xâm nhập vào người nên thịt máu của mình để sống, thì Đức Giêsu đã tận dụng phương thế “bánh ăn” đó, biến “bánh ăn” đó thành Mình Máu Chúa, thâm nhập vào trong tận nơi sâu thẳm của con người làm thành máu thịt của TỪNG người, cung cấp dưỡng chất thần linh, khôi phục lại và làm lớn kên mầm sống “hình ảnh Thiên Chúa” trong thâm sâu con người.

Như vậy sự sống đời đời mà Đức Giêsu muốn ban tặng cho chúng ta không phải là một yếu tố ngoại lai bổ sung đến từ bên ngoài mà là một tương quan nội tại “Ở LẠI TRONG” giữa Đức Giêsu và những ai ăn thịt và uống máu Người. Tiến trình đi từ “bánh mì” đến tương quan “ở lại trong” đó trong Ga 6,24-58 được phụng vụ trình bày theo một bậc tam cấp cụ thể như sau:

*Tam cấp bậc 1: Chúa Nhật XVIII B, Ga 6,24-35: Đức Giêsu mời gọi họ hãy TIN VÀO NGƯỜI là Đấng Cha đã sai đến (6,29). Tiếc thay, đám đông không tin, họ đòi dấu lạ: họ thách thức Đức Giêsu (giống như cha ông họ đã muốn thử xem “có Yavê ở giữa chúng ta hay không”: x.Xh 17,7b), có làm được dấu lạ như Manna xưa hay không? Và người Do Thái hãnh diện vì Manna là bánh bởi trời (6,31b). Đức Giêsu mặc khải: bánh bởi trời thứ thiệt là do Cha Người trao ban, bánh đem lại sự sống (6,32-33). Và mặc khải chóp đỉnh của tam cấp 1 là: Đức Giêsu chính là bánh trường sinh, bánh bởi trời. (Ga 6,35). Mặc khải này là một khai mở dẫn vào câu hỏi mới: bậc 2 tam cấp.

*Tam cấp bậc 2: Chúa Nhật XIX B, Ga 6,41-51. Chủ đề xoay quanh cội nguồn của Đức Giêsu: rõ ràng trước mắt người Do Thái, Đức Giêsu là con ông thợ mộc Giuse… tại sao Người lại nói Người từ trời xuống. Lời đáp của Đức Giêsu đưa họ lên cao hơn vào huyền nhiệm của Đức Giêsu trong tương quan với chủ đề “bánh”, tuy nhiên lời đáp trả đó gây “xốc” cho họ: bánh từ trời mà Đức Giêsu ban tặng đó, chính là THỊT của Người, và người ta phải ăn Người để có được sự sống muôn đời (6,51).

*Tam cấp bậc 3: Chúa Nhật XX B, Ga 6,51-58, trước một mặc khải gây xốc như thế, người Do Thái phản ứng mạnh. Và phản ứng đó của họ lại là một cái lấy đà mới đưa họ đi sâu hơn nữa vào huyền nhiệm của Người. Lời đáp của Đức Giêsu (6,53-58) là chủ đề của bài Tin Mừng Chúa Nhật XX B.

Bài đọc 1: Cn 9,1-6

Chủ đề của Chúa Nhật XX B là:

Thiên Chúa tặng ban lương thực thần linh và kêu mời con người hãy tin vào Chúa và đến hưởng dùng. Lương thực đó là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa phát xuất từ lòng thương xót của Người trước tình cảnh họ không có gì để ăn (6,5), chứ không vì công đức hay quyền lợi nào của họ. Do đó Thiên Chúa mời con người tin tưởng, phó thác để đón nhận với lòng tri ân hầu lương thực thần linh Chúa ban trở thành sự sống vĩnh cửu nơi kẻ tin.

Bài đọc 1 là một trích đoạn từ Sách Châm Ngôn. Sách này là một tuyển tập những lời hay ý đẹp của các “túi khôn nhân loại”; nhưng được đọc dưới ánh sánh của đức tin độc thần Do Thái giáo. Trích đoạn hôm nay nói về việc “Đức Khôn Ngoan” (là điều mà nhân loại mọi thời luôn khổ công tìm kiếm) chuẩn bị và thiết đãi một bữa tiệc thịnh soạn cho mọi người ( Cn 9,1-12). Điều kiện để được hưởng dùng bữa tiệc là đơn sơ đáp lại lời mời của Đức Khôn Ngoan “hãy đến mà ăn bánh của Đức Khôn Ngoan và uống rượu do đích thân Đức Khôn Ngoan pha chế” (Cn 9,5).

Ý tưởng bài đọc 1 trùng khớp sít sao, và dọn đường tuyệt vời cho những gì được Đức Giêsu đề cập đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay: chính Đức Giêsu đãi muôn người một bữa tiệc trường sinh, với các món ăn do đích thân Người “pha chế” bằng quyền năng và tình yêu thần linh của một Vị Thiên Chúa: đó chính là THỊT và MÁU của Người. Bữa ăn được mở rộng ra cho mọi người, chỉ cần HOÁN CẢI (6,26-27) đổi đi cái tầm nhìn, mục đích ích kỷ của mình rồi TIN vào Người (6,29.40.47)

TIN MỪNG: Ga 6,51-58

Bài đọc tuần này mở đầu bằng lấy lại câu cuối của bài đọc tuần trước Ga 6,51. Đó là một câu ngắn ngủi nhưng bao gồm nhiều yếu tố mặc khải lớn lao đưa chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm Giêsu chứa đựng trong Ga 6:

 * “Ta là”: xin xem bài Suy Niệm Mùa Phục Sinh V B.

Đức Giêsu áp dụng cho bản thân Người danh xưng “êgô eimi” thần linh mà Thiên Chúa dùng tỏ mình cho Môsê và dân Chúa. Đó là cái tên mà dân Chúa phải dùng để thờ phượng Chúa nói lên tính độc thần tuyệt đối của đạo Yavê (Xh 3,15).

Trong thực tế, Thiên Chúa là vô hình! Còn con người thì phải cần đến những gì hữu hình để có thể tiếp cận, thiết lập tương giao được. Biết thế Yavê Thiên Chúa đã dùng những yếu tố trong công trình sáng tạo của Người để làm cầu nối liên hệ với con người: Danh Thánh, Hòm Bia, Bánh, Rượu, Chủ chiên… Nhưng những hình ảnh đó phải do chính Chúa chọn; Bằng không thì các hình ảnh do con người tạo ra lại là “ngẫu tượng”.

Giờ đây, Đức Giêsu áp dụng danh xưng “Ta là” cho mình, hàm ý Người hé lộ cho những ai đang nghe Người căn tính thần linh của Người. Và căn tính ấy được Người bày tỏ hữu hình qua các yếu tố vật chất: bánh, sự sống, Đấng xuống từ trời. Câu 6,51 dịch theo sát tiếng Hy lạp sẽ là:

“Tôi là

bánh,

(là) sự sống mãi,

(là) Đấng xuống từ Trời”

Dịch:

“Tôi là

bánh

hằng sống

từ trời xuống”

 Cách nói “Ta là” lúc bàn về sự sống, ánh sáng… gợi lên trong não trạng của các thính giả của Đức Giêsu một ý niệm về tuyệt đối. Duy Thiên Chúa mới có quyền bảo “Ta là”… Thế mà Đức Giêsu đã làm như vậy. Một xác quyết như thế sẽ gây nên hoặc là công phẫn, hoặc là đức tin (chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Thường Niên B trang 383-384)

* Phản ứng của người Do Thái (6,52):

Cho đến câu Ga 6,51a, cuộc tranh cãi giữa Đức Giêsu và người Do Thái chưa đến nỗi gì căng thẳng lắm. Trước các lời xác quyết của Người rằng Người là bánh từ trời xuống, hay là bánh sự sống thì họ cho Người là phóng đại, khoa trương quá đáng, vì dù sao Người cũng làm được nhiều phép lạ và trước mắt là vừa nhân bánh nuôi năm ngàn người. Thế nhưng Đức Giêsu không dừng lại ở sự kiện phép lạ đó: Người muốn nâng họ lên bình diện đức tin! Tin vào Người như xưa kia Môsê, qua phép lạ Manna, đã nâng tầm đức tin dân Do Thái: “con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Yavê phán ra” (x.Xh 8,3b).

Bánh mà Người SẼ ban tặng chính là THỊT của Người (6,51b)

Điều này gây xốc cho người Do Thái. Họ phản ứng ngay (6,52). Không lùi bước, Đức Giêsu còn đẩy cơn xốc lên cực điểm khi Người tăng thêm cường độ mặc khải “phải ăn thịt và uống máu Người, vì thịt Người là của ăn thật và máu Người là của uống thật” (6,53-55). Thật là một đòi hỏi ngạo ngược, phi pháp, vi phạm giao ước Do Thái giáo: cấm giết người, cấm đụng tới máu (x.St 9,4.6) nói chi là ăn thịt uống máu con người (Lv 17,10-14).

Đứng trước cú xốc và sự vi phạm Luật quá nặng này, dường như đám Do Thái này không còn muốn đối thoại với Đức Giêsu nữa: Ga 6,52a ghi rõ “người Do Thái tranh cãi sôi nổi VỚI NHAU”. Họ cho Đức Giêsu ra rìa. Không biết họ có coi Người là mất trí hay không (Mc 3,21)?

* Mặc khải chung cuộc của Đức Giêsu (6,53-58): là những lời ĐỘC THOẠI của Đức Giêsu. Không bận tâm đến thái độ “loại trừ” của họ, Đức Giêsu tiếp tục mặc khải cho họ. Đức Giêsu đẩy mặc khải tới cùng và đặt những người Do Thái phải làm một CHỌN LỰA. Ở đây không còn lý luận và tranh cãi nữa.

Qua cách nói “Ta là” kèm theo nhau là những lệnh truyền, đòi hỏi quyết liệt không cho phản hồi tranh luận, Tin Mừng Gioan cho tới lúc này đã làm lộ rõ dần dung mạo thần linh của Đức Giêsu; Và đứng trước ý định của Thiên Chúa như thế, con người không có con đường thứ ba để chọn lựa: hoặc sẽ bỏ đi (6,60.66) hoặc sẽ tin vào Đức Giêsu, Đấng có “lời ban sự sống đời đời”.

Và một điểm đáng chú ý ở chương sáu này là sự chọn lựa không phải là công việc riêng tư của một cá nhân riêng rẽ mà là của cả một cộng đoàn, một khối người đã từng ăn no nê trong phép lạ trước đó. Vậy những lời dạy dỗ, phép lạ đây là cho một dân, một toàn thể mọi thời.

* Ga 6 nói về bí tích Thánh Thể?

Trong Ga 6,15b, Đức Giêsu hứa “bánh tôi SẼ ban, chính là Thịt tôi”. Việc ban thịt, Đức Giêsu không thực hiện lúc Người đang đối thoại với họ, mà là một việc trong tương lai.

Còn trong Ga 6,52, người Do Thái lại hiểu “làm sao ông này CÓ THỂ CHO… = “dunatai (thì hiện tại) + dounai (inf. a2.ad) hàm ý là việc mổ xẻ chia thịt Đức Giêsu phải làm ngay tức khắc và chỉ làm một lần là xong. Đó là điều Đức Giêsu không hề mặc khải.

Như vậy việc Đức Giêsu hứa “SẼ BAN” nhắm vào biến cố nào trong tương lai của cuộc đời Đức Giêsu? Lệnh truyền “ăn thịt, uống máu” gợi lại hình ảnh cụ thể con chiên bị đem đi sát tế trong Lễ Vượt Qua Do Thái. Thịt chiên được phân chia ra cho toàn dân cùng ăn để có sức lên đường vượt qua; Và máu của con chiên thực sự là yếu tố mang lại sự sống, tồn vong của cả dân tộc: máu chiên được đem bôi lên ngưỡng cửa của nhà người Do Thái để làm dấu, Thiên Chúa sẽ vượt qua tha chết cho con đầu lòng (x.Xh 12,5-14.22).

Hình ảnh trên gợi lại hiến tế thứ sáu tuần thánh hơn là Tiệc Ly (x.Ga 19,14.16 nốt “l”). Nhất là Tin Mừng Gioan không nói tới việc bí tích Thánh Thể và đối với Tin Mừng thứ tư thì Thập Giá là cội nguồn cứu độ là sự sống (x.Ga 12,22) và lúc đó thiên hạ sẽ nhận ra Người hằng hữu là Đấng “Ta là” (x.Ga 8,28).

Tuy nhiên ngôn từ trong Ga 6,53-58 đúng là diễn tả ý nghĩa của bí tích Thánh Thể (x.CGKPV “Kinh Thánh Tân Ước” bản dịch có hiệu đính, 2008 trang 395 nốt “e” và “g”). Vậy Nhất Lãm đề cập tới Thánh Thể dưới góc cạnh pháp lý, thể chế, những nghi thức phải làm để “tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19-20)’ Còn Gioan nhấn tới ý nghĩa tương quan nội tại, sự kết hợp nên một: Thầy trò “ở lại trong” nhau của Thánh Thể (x.Ga 6,56-57).

Frère Pierre Đình Long FSC