CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 10, 17-30. LỰA CHỌN

      Nhân loại đã tiến bộ về nhiều phương diện, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn nạn không có giải đáp, như tại sao con người phải chết? Sau cái chết là gì? Có thế giới bên kia không?

   Các vua chúa, các vị quyền thế luôn tìm cách để được trường sinh bất tử. Các thánh nhân cũng tìm cách để sống đời đời. Người thanh niên trong Tin Mừng Mác cô đoạn 10 câu 17-30 hôm nay cũng tìm đến hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để được sống đời đời?

      Người thanh niên này chắc hẳn phải là người nhân chi sơ tính bản thiện; không những thế, anh ta còn được giáo dục đầy đủ, tử tế từ trong gia đình, vì anh ta đã biết, đã giữ những giới răn của Chúa ngay từ thuở nhỏ (Mc 10,20). Chắc hẳn anh thường đọc, thường nghe giải thích Kinh Thánh. Anh đã nghe Đức Giêsu giảng, hay it ra, đã nghe nói về Người, nên khi gặp Chúa, anh đã phủ phục xuống trước mặt Người và thưa thầy nhân lành. Anh cũng là người cầu toàn nên mới đến gặp Chúa để tham vấn: tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (Mc 10,17). Nói chung, anh là người nghiêm túc, gương mẫu, chính Chúa Giêsu cũng phải đem lòng yêu mến. Một thanh niên có lý lịch và hạnh kiểm như anh, nếu xin vào chủng viện hay dòng tu chắc chắn được đón nhận ngay. 

     Đáp lại thắc mắc của anh, Chúa Giêsu bảo anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo,…. rồi hãy đến theo tôi. Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.(Mc 10,21-22).

        Ngay từ thời Cựu Ước của cái, tiền bạc vẫn được hiểu là ân sủng, là chúc phúc của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng như Giáo hội Công Giáo không chủ trương bần cùng hóa. Chúa Giêsu nói người giàu có khó vào nước trời (Mc 10,25) là vì người giàu có quá gắn bó với của cải, tiền bạc, coi của cải tiền bạc trên cả Thiên Chúa.

 Có một bản thánh ca của Dao Kim:

Con không xin Chúa sang giàu
Cũng đừng để con quá nghèo,
Vì nếu quá sang giàu, con sẽ bỏ quên Chúa,
Vì nếu quá đói nghèo, con sẽ liều trộm cắp, làm ô danh Chúa Trời.

(Dao Kim- Trao dâng thân phận).

       Của cải, tiền bạc là điều cần thiết cho mọi người, đạo cũng như đời. Đạo cũng cần phải có tiền để xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý, cơ sở sở giáo dục. Đời cũng cần có tiền để hoạt động xã hội, để cải tiến dân sinh, giúp đỡ những người nghèo đói, hoạn nạn. Ai cũng phải có bổn phận làm ra của cải tiền bạc, ít là để nuôi thân mình, không trở thành gánh nặng cho người khác. Ngoài ra, có thể giúp những người khó khăn. Thánh Phaolô cũng tự lao động để nuôi thân. Thực thế, người đời nói có thực mới vực được đạo.

      Người ta gọi tiền là tiền bạc, tiền tệ. Nhưng ai cũng phải kiếm tiền, tìm tiền. Già trẻ lớn bé ai cũng cần có tiền. Đồng bạc đâm toạc tờ giấy, nhưng nó lại che khuất mắt chúng ta. Đọc lại Luca 16, 19-31,  Chúng ta thấy của cải, vinh hoa, tiệc tùng che mất đôi mắt của ông phú hộ, để ông không nhìn thấy Lazarô đang lê  lết trước cổng nhà ông.

      Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo (Lc 10,21) vẫn còn luôn là lời mời gọi  mọi người, mọi thời, mọi nơi. Trong đại dịch covid, đặc biệt là lần bùng phát thứ tư tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, người ta thấy các linh mục, tu sĩ, nhà dòng, các giáo xứ, các đoàn thể, các mạnh thường quân đi vào từng ngõ hẻm nhà trọ, để phân phát lương thực, tiền bạc cho những công nhân, những người mất việc làm, hết tiền tiêu, những người túng đói.

 Khi đoàn người lũ lượt bỏ thành phố về quê, đã có rất nhiều người đứng bên vệ đường, phân phát tiền bạc, xăng dầu, thực phẩm, nước uống, bánh mì, trái cây, sữa cho những người dân đang tháo chạy về quê. Nhưng vẫn có những người già điếc, giả mù, không nghe, không thấy những khổ đau của người  khác.

      Vẫn biết, sinh vào đời tay trắng, giã từ cuộc đời, chết trắng tay, nhưng bao lâu còn sống ta vẫn cần phải có tiền để sống, để sinh hoạt. Chết còn phải có tiền, lo hậu sự. Nhưng điều quan trọng là phải đặt tiền bạc của cải vào đúng vị trí của nó. Người Tây Phương nói L’argent est un bon serviteur, mais un mauvais maître-Tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ tồi tệ. Tiền bạc, của cải luôn là cám dỗ đối với con người mọi thời, mọi nơi, Người ta dễ tôn thờ nó, đặt nó làm chủ, làm chúa mình. Người thanh niên có quá nhiều của cải, anh ta không thể dứt bỏ được. Không những thế, Chúa lại còn nói hãy đến theo tôi .

      Có lúc Chúa đã dậy: Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ, anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được (Lc 16,13).

Khi Chúa kêu gọi các môn đệ, Chúa cũng đòi hỏi các ông phải lựa chọn hoặc chọn Chúa hoặc chọn gia đình, của cải. Nếu ngày đó người thanh niên này chấp nhận đi theo Chúa, có lẽ chúng ta đã có thêm một thánh tông đồ hoặc một thánh môn đệ.

           Mới đây trên Internet người ta thuật truyện một sinh viên Việt Nam,  tên Dương Nguyên Khang, sinh ngày 11/3/1996 tại Sài Gòn , rửa tội 13/4/1996 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, đã được một công ty Mỹ mời làm việc với mức lương 300.000 usd/năm (gần 7,5 tỉ tiền VN). Chàng không nhận mà lại xin vào tu dòng Chartreux de la Valsainte, Thuỵ Sĩ, một dòng Kín, khổ tu bậc nhất trong Giáo Hội Công Giáo. Lời của mẹ cậu Khang:

       Cháu Khang đã hoàn thành chương trình hệ Trung cấp 9 năm tại Nhạc viện Saigon chuyên khoa Piano vào năm 2014. Cháu là người sáng lập nhóm nhạc GERMER mang âm nhạc cổ điển đến với người trẻ tại Saigon. Nhóm hiện nay vẫn đang họat động và trình diễn mỗi tháng 1 lần.

Từ Tháng 9.2015 đến tháng 5.2019 vinh dự nhận học bổng 4 năm du học tại Mỹ. Ngày 28.5 2019 cháu Khang tốt nghiệp Master (Thạc sĩ) ngành Trí tuệ nhân tạo, hạng Tối Ưu. Lúc đó cháu đã nói được 7, 8 ngoại ngữ. cháu muốn học thêm để lấy bằng Tiến sĩ ngành này, cháu cũng được một hãng lớn ở Mỹ mời làm việc với một mức lương trên 300.000 đô la Mỹ một năm. Nhưng cháu đã từ chối, vì lúc đó cháu đã khám phá ra trong tâm hồn tiếng Chúa gọi tận hiến cho Ngài.

    Đây chính là vấn đề tự do. Chúa kêu gọi chúng ta, nhưng Chúa không ép buộc chúng ta và phần thưởng hay án phạt của chúng ta cũng nằm ở việc lựa chọn tự do đó. Thánh Augustinô nói: Chúa dựng nên con, không cần ý kiến của con; nhưng nếu Chúa muốn cứu chuộc con, Chúa phải hỏi ý kiến con.

           Người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca 15,11-32 đau khổ biết chừng nào, khi người con thứ quyết định đòi phần gia tài của nó và ra đi phung phí, nhưng vì tôn trọng tự do của con, người cha vẫn chia phần cho nó, mặc dầu ông thấy trước những gian nan thử thách sẽ xảy ra cho nó. Người con đã phải trả giá cho sự lựa chọn của mình.

        Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết lựa chọn điều trọn hảo nhất. Cho chúng con biết đăt của cải tiền bạc đúng chỗ của nó. Cho chúng con biết chia sẻ của cải với những người túng thiếu, khó khăn. Cho chúng con biết dùng tiền bạc để mua lấy nước Trời mai sau.

Nguyễn Đức Lân