Chúa Nhật XXIX Thường Niên – năm B

Bài 1

Is 53, 10-11
Mc 10, 35-45

Chủ đề: Đường Thập Giá của người công chính là đường mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

  • Is 53,11: Nhờ nỗi thống khổ của mình… vì đã nếm mùi đau khổ… Người Tôi Trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính.

  • Mc 10,45: Con Người đến là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật XXIX B Thường Niên. Năm phụng vụ sắp hết. Các đoạn Tin Mừng nói về giai đoạn hoạt động công khải của Đức Giê-su cũng tiến dần tới đích điểm. Theo lộ trình sứ mạng trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su sắp tới Giê-ru-sa-lem. Giờ Thập Giá của Người sắp đến. Một trong những bận tâm lớn của Đức Giê-su là trình độ hiểu biết của đoàn môn đệ thân yêu của Người đối với con đường Thập Giá, vốn là dự tính từ ngàn đời của Chúa Cha, còn quá ấu trĩ. Đồng hành theo mối bận tâm của Đức Giê-su, Lời Chúa trong phụng vụ hôm nay, một lần nữa, nhắc lại chủ đề: khát vọng của con người và đường lối của Thiên Chúa. Đức Giê-su sắp tiến vào Giê-ru-sa-lem và toàn dân sẽ tung hô Người là Đấng Mêsia. Dân chúng đặt kỳ vọng vào Người; Tuy nhiên đó có phải là điều Thiên Chúa muốn mang đến cho họ hay không? Không dễ gì trong chốc lát thay đổi được não trạng đám đông nên Đức Giê-su hướng tất cả hoài bão của Người vào nhóm nhỏ các môn đệ, là những kẻ đã theo Người từ đầu sứ vụ, trong niềm hi vọng là họ sẽ đồng cảm được với Người đường lối của Thiên Chúa, chấp nhận Thập Giá cứu độ.

Tin Mừng hôm nay là lần thứ ba, Đức Giê-su nói thẳng cho các môn đệ, “không úp mở” (Mc 8,32) về đường lối của Thiên Chúa mà Người đã tự nguyện đón nhận: đường Thập Giá. Nhưng tiếc thay, đám đông lẫn môn đệ không ai chấp nhận được đường lối đó. Người ta chỉ muốn hưởng thụ cách thụ động vinh quang của Đấng Mêsia, nhưng không chấp nhận lộ trình, phương tiện để đi tới vinh quang đó.

Con đường Thập Giá vinh quang là dự tính của Thiên Chúa đã được chuẩn bị từ trong Cựu Ước: bài đọc 1 của phụng vụ lời Chúa hôm nay trình bày rõ cho chúng ta thấy dự tính Thập Giá của Thiên Chúa nơi con người của Người Tôi Trung.

Bài đọc 1 trích từ bài ca thứ tư nói về Người Tôi Trung của Thiên Chúa trong sách I-sai-a đệ nhị (từ chương 40 đến 55 của sách I-sai-a). Thiên Chúa tỏ rõ đường lối, dự tính của Người qua trung gian Người Tôi Trung. Đọc thoáng qua, độc giả dễ tưởng rằng Thiên Chúa chỉ muốn điều gian khổ cho Người Tôi Trung; Thực ra điều Thiên Chúa muốn là HẠNH PHÚC: hạnh phúc không chỉ cho cá nhân Người Tôi Trung mà con là cho “muôn người nên công chính”. Thật vậy, vai trò mà Thiên Chúa muốn cho Người Tôi Trung đảm nhận là một vai trò vinh quang: Điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện cho Người Tôi Trung sẽ là:

  • Về phần cá nhân:

  • Sẽ có người nối dõi: đó là phúc lành lớn lao Thiên Chúa ban cho nhân loại (St 1,28b);

  • Riêng đối với Người Tôi Trung, có hậu duệ tiếp nối không chỉ là chuyện một đời người hay một triều đại, mà là vĩnh cửu: “được trường tồn” (x. St 15,5; 2Sm 7,13.16);

  • Người Tôi Trung sẽ “nhìn thấy ánh sáng”: đây là cách nói của người Do Thái có nghĩa là sống lâu, trường thọ (x. Tv 13,4; 49,20; 56,14 …), mãn nguyện mọi bề.

  • Trong tương quan với Thiên Chúa: nơi Người Tôi Trung, ý định của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn. Cụ thể là Người Tôi Trung sẽ là công cụ Thiên Chúa dùng để thực thi ý định cứu độ của Chúa. Ý định cứu độ của Thiên Chúa được Người Tôi Trung nhận làm lẽ sống của đời mình.

  • Trong tương quan với tha nhân: đón nhận ý Chúa làm của mình, Người Tôi Trung sẵn sàng hiến thân làm lễ vật đền tội; Nhận lấy những thống khổ của dân để đền thay cho họ. Như vậy trong bài 1, đường lối Thiên Chúa và khát vọng của Người Tôi Trung trùng khớp với nhau.

Tiếc thay, trong Tin Mừng, đường lối của Đức Giê-su đã không được các tông đồ đón nhận: Trong khi Người loan báo Thập Giá lần thứ ba thì khát vọng trần tục nơi Nhóm Mười Hai cũng lên chóp đỉnh. Hai anh em Giacobe, Gioan xin thẳng thừng với Đức Giê-su: “Xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang”. Một khi đã khước từ đường lối của Thiên Chúa để tìm quyền lợi riêng tư thì tình huynh đệ cũng từng bước bị loại trừ: Cái tính ích kỷ đã khiến Gioan trước kia đã muốn dành riêng quyền lợi cho nhóm mình mà thôi (x. Mc 9,38), thì nay nó đã lớn lên xúi anh em Giacobe _ Gioan loại luôn nhóm để chỉ nghĩ đến quyền lợi của hai anh em mình. Nhóm Mười còn lại sẽ không hơn gì: họ đâm ra tức tối với Giacobe_Gioan. Nguy cơ rã đám, sát hại nhau đang rình rập. Đức Giê-su phải chỉnh sửa và nhắc lại đường lối Thiên Chúa: Đặc điểm của NHÓM GIÊ-SU là “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ… làm đầy tớ mọi người”; Và đường lối Thiên Chúa, vinh quang của Đức Giê-su là “Con Người đến … là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Xin Chúa hoán cải giúp chúng con nhận ra đường lối Chúa và can đảm uốn nắn khát vọng chúng con sao cho phù hợp với đường lối Chúa.

 Bài 2

Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống… (câu 39). Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em (câu 43)… vì Con Người đến là để phục vụ (câu 45).

Lời Chúa của Chúa Nhật XXIX B mùa Thường Niên vẫn tiếp tục chủ đề lớn đường lối của Thiên Chúa và thái độ đáp trả của con người. Từ Chúa Nhật XXIV B, phụng vụ bắt đầu sử dụng khối văn chương Mc 8,27-10,52: Đức Giê-su bắt đầu hé mở mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, được lặp lại đến 3 lần, nhắm thẳng vào Nhóm Mười Hai. Thế nhưng các ông không hề chia sẻ được chút nào với Đức Giê-su về con đường Thập Giá đó. Các ông mải mê theo đuổi dự tính riêng tư của mình. Và Đức Giê-su đã phải khổ công chỉnh sửa. Chúa Nhật XXIV B và XXV B đã sử dụng hai đoạn văn nói về hai lần Đức Giê-su loan báo Thập Giá và kết quả là các môn đệ đã có những phản ứng hết sức tiêu cực. Hôm nay phụng vụ Chúa Nhật XXIX B đề cập đến lần loan báo Thập Giá thứ ba: không nói trực tiếp về Thập Giá, nhưng đề cập đến phản ứng của Nhóm Mười Hai trước mặc khải đó (Mc 10,35-45). Các ông tiếp tục tranh giành vinh quang, quyền lực với nhau.

Đối với Tin Mừng Macco, Thập Giá là nơi Đức Giê-su đăng quang và cũng là nơi mà căn tính thần linh của Người được nhân loại nhìn nhận (Mc 15,39). Đó là điều nghịch lý của đức tin Ki-tô Giáo phát xuất từ chính Thiên Chúa: “Khi Tôi được giương cao khỏi đất, thì các ông sẽ biết là “Tôi Hằng Hữu” và (các ông cũng sẽ) biết Tôi không tự mình mà làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Tôi thế nào thì Tôi nói như vậy” (Ga 8,28).

Thế nhưng đường Thập Giá là con đường mà loài người không ưa thích nếu cứ để tự do chọn lựa theo bản năng, kể cả Đức Giê-su (Mc 14,36; Mt 26,39; Lc 22,42). Được hưởng ơn cứu độ, được đạt kết quả thành công mỹ mãn thì ai cũng ưa thích, dành giựt đôn đáo kiếm tìm, nhưng con đường để đi tới đích là “con đường hẹp” như Cha muốn và như Đức Giê-su mặc khải thì chẳng mấy ai muốn theo (Mt 7,13-14). Nhưng đó là dự tính của Thiên Chúa và cũng đã dần được hé mở ngay từ thuở khai nguyên của dân được chọn: Ab-ra-ham hiến tế I-sa-ac; hình ảnh Người Tôi Trung dùng chính sự khổ đau của mình để cứu dân… và tất cả mọi sự được Thiên Chúa hoàn tất trong Đức Giê-su. Vậy ơn cứu độ do Thập Giá mang lại không nằm ở chỗ khổ đau mà là ở chỗ ý Cha được thể hiện. Chúng ta đừng quên: lời loan báo Thập Giá của Đức Giê-su luôn kết thúc bằng Phục Sinh. Vậy Thập Giá mà Đức Giê-su mang tới không là thập giá án phạt đưa đến hủy diệt mà là Thập Giá cứu độ: Thập Giá nâng cao Con Người lên khỏi mặt đất rồi tỏ cho nhân loại biết vinh quang của Chúa “Tôi Hằng Hữu”.

Một lần nữa phụng vụ nhấn mạnh đến con đường Thập Giá cứu độ. Đó là con đường của thánh ý Thiên Chúa, con đường sống dẫn tới vinh quang. Đó không phải là một dự tính nhất thời mang tính đối phó, mà là hoa trái của Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa đã lường trước những hậu quả khi Thiên Chúa giáng ban cho con người sự tự do tuyệt đối kể cả chống lại được, có thể nói tiếng “không” với dự tính của Thiên Chúa.

Bài đọc 1: Is 53,10,11

Bài đọc 1 là những câu trích từ bài ca thứ tư nói về Người Tôi Trung trong sách I-sai-a đệ nhị (Is 52,13-53,12). Bài ca này mô tả thân phận khổ đau và cái chết cô đơn nhục nhã, nhưng rồi sau đó là được tôn vinh của một con người huyền bí được gọi là Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Trong thân phận tả tơi của một con người bị ngược đãi, Người Tôi Trung vẫn nhận ra được thánh ý Chúa và sẵn sàng làm đẹp lòng Chúa; để rồi khi “mây đen” qua đi, phần mình, Người Tôi Trung được vinh quang mãn nguyện vì thấy dòng dõi được trường tồn, thấy mình trở thành căn nguyên cứu rỗi cho nhiều người.

Bài đọc 1 chỉ trích đọc Is 53, 10-11 nhằm làm nổi bật thánh ý Chúa Thiên Chúa đối với Người Tôi Trung và nhờ đó những khổ đau của Người Tôi Trung mang lại giá trị cứu độ đối với tha nhân, dòng tộc và bản thân mình.

  1. Dự tính của Yave đối với Người Tôi Trung

  • Yave đã muốn Người Tôi Trung phải bị nghiền nát vì đau khổ (53,10a)

  Suy niệm các đau khổ mà Người Tôi Trung phải chịu, vị ngôn sứ (tác giả của đoạn văn) nghiệm ra rằng đó là thánh ý của Thiên Chúa (đừng quên: chung cuộc của thánh ý Chúa là ơn cứu độ): để cứu được muôn người, hoán cải được con tim của nhân loại, cần phải có một con người trong nhân loại dám đảm nhận tất cả mọi hậu quả của tội trong thân phận phàm nhân của mình và biểu lộ ra tỏ tường để làm cho nhân loại sáng mắt ra, ý thức được sự tàn phá khủng khiếp của tội mình đã phạm. Thiên Chúa đã nhờ Người Tôi Trung đảm nhận vai trò đó.

  Vậy đau khổ không phải là cùng đích, trái lại nó còn là một chướng ngại cản ngăn con người đi đến với ơn cứu độ, và con người phải đương đầu đích thân vượt qua để tới được ơn cứu độ. Chướng ngại đó sức người khó vượt, Thiên Chúa biết vậy, nên đã ban tặng cho nhân loại Người Tôi Trung đảm nhận vai trò tiên phong, làm “tàu phá băng” mở đường giúp nhân loại dám đương đầu với khổ đau và vượt qua. Đó là yếu tố mặc khải không thể không có nhằm giúp nhân loại tỉnh ngộ thay đổi con tim mà tin vào Thiên Chúa, tự nguyện đón nhận ơn cứu độ Người ban tặng.

  • NẾU Người Tôi Trung hiến thân là lễ vật đến tội (53, 10b)

Chữ “nếu” ở đây hàm ý một đề nghị, một thương lượng ký kết được Thiên Chúa ngỏ cùng Người Tôi Trung: phần Người Tôi Trung là sẽ đi trọn vẹn tới cùng con đường khổ đau theo dự tính của Thiên Chúa; phần Thiên Chúa Người sẽ thực hiện cho bản thân Người Tôi Trung những điều tốt đẹp nhất, biến Người Tôi Trung thành cộng tác viên trong công trình cứu độ, góp phần hoàn tất ý muốn của Thiên Chúa (53,10c – 11).

Như vậy con đường đau khổ không phải là một thất bại, một áp đặt độc đoán từ phía Thiên Chúa bất chấp khát vọng của Người Tôi Trung (câu 11b cho thấy khi chịu đau khổ, Người Tôi Trung được mãn nguyện). Thiên Chúa đến trình bày cho Người Tôi Trung cái được cái mất của con đường đau khổ, ý nghĩa tại sao lại phải chọn con đường đó… rồi Chúa hồi hộp chờ lời đáp trả của Người Tôi Trung.

  • Vì đã nếm mùi đau khổ người công chính, tôi trung của Ta sẽ…” (53, 11c)

Lời công bố này của chính Thiên Chúa cho thấy Người Tôi Trung đã nhận lời, đã chấp nhận khổ đau trong tư cách là một người công chính, nghĩa là biết mình vô tội, công chính vẫn đón nhận khổ đau vì nhận ra được trong đó thánh ý của Thiên Chúa, và lợi ích của tha nhân là ơn cứu độ. Điều đó bộc lộ rõ nét tự nguyện ý thức đầy tự do và yêu thương của Người Tôi Trung trong tương quan với con đường đau khổ do Thiên Chúa đề nghị.

Vậy khổ đau mà Người Tôi Trung phải chịu có thể nói là hoa trái đến từ hai phía:

  • Một bên là tính yêu quan phòng của Thiên Chúa muốn đảm nhận mọi hậu quả của tội nhân loại để hồi phục công trình sáng tạo và

  • Bên kia là tình yêu vâng phục tự nguyện của Người Tôi Trung muốn thực thi ý Chúa trong đời mình để cho ý định cứu độ, phục hồi nhân loại của Thiên Chúa được hoàn tất mỹ mãn.

  1. Hoa trái của những đau khổ của Người Tôi Trung

  • Trong tương quan với Thiên Chúa: nhờ Người Tôi Trung ý Yave sẽ thành tựu (53,11đ) Người Tôi Trung trở thành cộng tác viên, người thực thi ý định của Thiên Chúa. Ý định đó là mời Người Tôi Trung “hiến dâng đời mình làm lễ vật đền tội”; nghĩa là mời Người Tôi Trung đi đến cùng thân phận làm người công chính bị bách hại của mình, dám đối đầu với đau khổ như một con người hoàn toàn tự do tín thác vào Thiên Chúa. Chính khi vui lòng để Thiên Chúa hoàn tất dự tính của Chúa nơi bản thân mình (giống như Ab-ra-ham hiến tế I-sa-ac; Mẹ Maria đáp “xin vâng”), Người Tôi Trung đã biến những đau khổ của mình thành một hy lễ vừa nói lên sự tận hiến phó thác của mình, vừa đền tội thay cho người khác nữa. Mà theo tinh thần của Luật Giao Ước, một khi lễ tế đền tội đã được dâng đúng luật một cách chân tâm thì tội được xóa và tội nhân được giao hòa lại với Thiên Chúa, được cứu độ, nghĩa là ý định cứu rỗi mọi người của Thiên Chúa được thành tựu.

  • Trong tương quan với tha nhân: “làm cho muôn người nên công chính (câu 11d) và sẽ gánh tội của họ” (câu 11đ): điều đó không có nghĩa là Người Tôi Trung sẽ ôn đồm làm dùm thay cho tất cả, miễn trừ cho các tội nhân phải lãnh trách nhiệm về các tội lỗi của mình. Nhưng các đau khổ của Người Tôi Trung hoàn trả lại cho nhân loại nhân phẩm, năng lực, mối tương giao tốt với Thiên Chúa mà con người đã đánh mất khi phạm tội. Như thế là Người Tôi Trung xé đi tờ giấy nợ để từ nay con người an tâm làm lại cuộc đời, an tâm gặp gỡ lại Thiên Chúa và dám nối kết lại mối tương giao tốt đẹp với Người, và nhất là tăng cường năng lực để từ nay nếu muốn, con người hoàn toàn có đủ khả năng chiến thắng ma quỷ, tội lỗi, khắc phục mọi hậu quả xấu và sống tốt, bền vững mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Nghĩa là những đau khổ của Người Tôi Trung đã được Thiên Chúa đảm nhận làm của Người và tạo điều kiện thuận lợi để nhân loại đáp lại lời mời cứu độ của Chúa, được tách rời xa khỏi tội lỗi, được cảm nhận và hưởng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên Người Tôi Trung không làm thay: “đứa con hoang đàng” phải rời bỏ chốn tội lỗi, lên đường về lại nhà cha, đón nhận và hưởng hồng ân tha thứ vô điều kiện của Cha, can đảm mặc lấy áo mới, nhẫn mới, dép mới cho dù biết mình bất xứng để rồi quyết tâm từ nay sống mãi trong nhà Cha như một người con hiếu thảo; không tự dày vò mình vì sai lầm quá khứ, vì tất cả đã được xóa bỏ nhờ tình Cha, và trong cụ thể ở đây là nhờ những đau khổ của Người Tôi Trung.

  • Trong tương quan với bản thân: sẽ được vĩnh tồn được diễn tả qua việc có con cái nối dõi (53,10c); sẽ thấy ánh sáng và được mãn nguyện (53,11b). Hiện hữu lâu dài, trường tồn là ý nghĩa của lối nói “được thấy kẻ nối dõi”. Thực vậy đứa con, hậu duệ chính là sự hiện diện nối dài của chính mình trong lịch sử. Và “nhìn thấy ánh sáng” có nghĩa là trường thọ (xem Bài đọc 1 của Chúa Nhật XXVIII B); lối nói này bí ẩn, nhưng sẽ được giải mã rõ ràng nơi sự phục sinh của Đức Giê-su.

Thật vậy trên Thập Giá, Đức Giê-su đã hoàn tất ý Cha: “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30); đã làm cho nhiều người nên công chính: tha xóa mọi tội lỗi cho họ (Lc 23,34); còn về phần mình Đức Giê-su được Thiên Chúa cho phục sinh trở nên nguồn phúc cho nhân loại, trưởng tử của một đàn em đông đúc.

Tin Mừng: Mc 10,35-45

  Cũng giống như hai lần trước, ngay sau khi hé lộ một chút nét Messia, thần linh (tuyên tín và hiển dung) thì Đức Giê-su loan báo liền Thập Giá, lần này cũng vậy: sau khi tỏ lộ uy quyền của Người vượt hơn Mô-sê, hơn Lề Luật, hơn mọi giá trị đạo đức giàu sang, Đức Giê-su mặc khải Thập Giá lần thứ ba (10,32-34), riêng cho các môn đệ “đang theo Người trên con đường lên Giê-ru-sa-lem. Người dẫn đầu các ông” (10,32). Và lần này Đức Giê-su muốn kéo luôn các ông vào lộ trình đó khi nói “NÀY CHÚNG TA lên Giê-ru-sa-lem” (hai lần trước không có lời mời “chúng ta” này). Vậy lần loan báo thứ ba này Đức Giê-su rõ ràng mời các ông chia sẻ cùng một số phận với Người. Buồn thay, một lần nữa Đức Giê-su lại thu được “nho dại” ngay trong vườn nho mà Người đã tốn công chăm sóc kỹ lưỡng.

  Bài đọc Tin Mừng hôm nay là trích đoạn nói về phản ứng tiêu cực của đoàn môn đệ, đặc biệt là của hai anh em Gia-co-be và Gioan, trước mặc khải về Thập Giá lần thứ ba.

  1. Tham vọng trần tục của Gia-cô-bê và Gioan (Mc 10,35-37)

  • Hai con ông Dê-bê-đê xin Đức Giê-su thực hiện cho họ “điều chúng con sắp xin đây” (câu 35). Trong bối cảnh Đức Giê-su loan báo Thập Giá đến lần thứ ba, và trong hai lần trước Người cũng đã điều chỉnh dạy dỗ nhiều điều, các môn đệ vẫn ngu muội. Lời xin của hai con ông Dê-bê-đê quả thật quá đớn đau cho Đức Giê-su: mọi giáo huấn, nỗ lực đào tạo của Người dường như thất bại hoàn toàn. Lòng háo hức danh vọng quá mức – dù vẫn còn sợ đường Thập Giá mà Đức Giê-su mặc khải (9,32) – đến độ biến các môn đệ thành như kẻ ngây ngô thiếu suy nghĩ đòi Đức Giê-su phải chấp nhận trước các thỉnh nguyện dù chưa nói ra.

  Như lối sư phạm thường làm Đức Giê-su hỏi ngược lại “các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (câu 36) nhằm giúp họ khám phá ra và nhìn sâu vào con người thật với những tham vọng trong hiện tại của họ.

  • Họ xin cho được ngồi hai bên tả hữu Đức Giê-su khi Người được vinh quang (câu 37). Quả thật, cho đến giờ phút này đường lối của Thiên Chúa cũng như của Đức Giê-su và các khát vọng nhân loại kể cả là môn đệ thân tín của Đức Giê-su hoàn toàn trái nghịch nhau. Nội dung câu đáp bộc lộ ra con người hẹp hòi ích kỷ của hai môn đệ: cả 12 người cùng theo Đức Giê-su, thế mà lời xin chỉ quy quyền lợi vào “hai anh em chúng con”. Macco nhấn mạnh: lời cầu xin ích kỷ là của chính hai môn đệ nói ra; so với Matheu 20,20 là lời xin của bà mẹ. Mẹ chỉ nghĩ đến điều tốt cho con mình và không nghĩ gì tới ai khác thì còn hiểu được và châm chế… Matheu đã làm nhẹ đi nét xấu của hai môn đệ.

  • “Khi Thầy được vinh quang”: dịch sát là “trong VINH QUANG của Thầy”. So với Mt 20,21 thì “vinh quang” ở đây tương đương với “vương quốc”. Các ông nghĩ tới một quốc gia Do Thái hùng cường như thời hoàng kim Davit-Salomon chẳng hạn sắp được Thầy mình lên Giê-ru-sa-lem để thiết lập (x. Cv 1,6), nên Gia-co-be và Gioan (là hai trong ba môn đệ thân thiết của Đức Giê-su) muốn “xí” phần vinh dự lớn nhất và uy quyền tối cao.

Nhìn lại tổng thể ba lần Đức Giê-su loan báo Thập Giá thì chính ba môn đệ được Đức Giê-su ưu đãi, kỳ vọng nhất lại là những người bộc lộ công khai cái nhìn thiển cận, lệch lạc của mình. Bao nhiêu đặc quyền bên ngoài cũng không làm thay đổi được não trạng của các ông. Chỉ trong Thập Giá và Phục Sinh với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mới làm cho các ông tỉnh ngộ và trỗi dậy được. Chính trong đích điểm đó mà Đức Giê-su điều chỉnh, sửa sai cho hai anh em và mời họ đi con đường Thập Giá qua cách nói biểu tượng “uống chén” và “chịu phép rửa” của Người.

Đối với Tin Mừng Macco, nên lưu ý, “vinh quang” chóp đỉnh của Đức Giê-su chính là cái chết tối tăm trên Thập Giá trong tâm tình phó thác thờ lạy ý Cha (Mc 15,37-39). Các môn đệ làm sao ngờ tới? Một lần nữa các ông lại lầm!

  1. Điều chỉnh cảnh cáo của Đức Giê-su (Mc 10,38-40)

Từng bước, Đức Giê-su đưa các ông lần này phải đi vào con đường Thập Giá: Mc 10,33 thêm một chi tiết mà hai lần loan báo trước không có: “nào chúng ta cùng lên Giê-ru-sa-lem”. Chính trong tầm nhìn đó Đức Giê-su chỉnh sửa các môn đệ bằng cách vạch ra sai lầm trầm trọng của hai môn đệ:

  • Các anh không biết các anh xin gì?” (câu 38a). Nội dung lời trách của Đức Giê-su vạch ra cái sai lầm chết người của lời hai môn đệ xin: quả là quá khờ khạo, ngây ngô khi xin một điều mà mình không hiểu được nội dung của lời xin, không biết nó sẽ đưa dẫn mình đi theo lối nào và tới đâu với những hậu quả nào… Đã thế lại còn đòi Đức Giê-su phải đồng ý thực hiện trước khi nói điều ấy ra.

  • Các anh có uống nổi chén… có chịu được phép rửa…” Đức Giê-su phải cố gắng giải cứu họ bằng cách giúp hiểu ý nghĩa của việc họ xin. Từ đó nhắc cho họ ý thức về năng lực của họ có đủ để đón nhận điều đó hay không?

Hai hình ảnh Đức Giê-su dùng để giúp họ đi vào dự tính của Thiên Chúa là:

  • CHÉN: tượng trưng cho nỗi khổ đau. Một số đoạn văn trong Cựu Ước nối kết “chén” với cơn thịnh nộ và hình phạt của Thiên Chúa (TV 74,9; Is 51,17; Gr 25,15-17.18; 49,12; Ed 23,31-34…). Mc 14,36 còn dùng trở lại từ “chén” để diễn tả con đường Thập Giá mà Đức Giê-su sắp đảm nhận.

  • “PHÉP RỬA”: gợi lên hình ảnh nước: người chịu phép rửa bị chìm ngập trong nỗi khổ đau như bị chìm ngập trong nước. Khi ám chỉ đến cuộc thương khó của Đức Giê-su, Lc 12,50 cũng dùng từ “phép rửa”. Macco dùng cả hai hình ảnh để chỉ cuộc thương khó của Đức Giê-su (CGKPV “Tân Ước” 1994. Mc 10,38 chú thích “k”).

Vậy khi nhắc hai môn đệ, Đức Giê-su hỏi thẳng các ông có vác nổi Thập Giá mà Người sắp vác hay không? Chắc chắn cho tới lúc nghe Đức Giê-su hỏi, các Tông Đồ không hiểu Thập Giá là gì (Mc 9,32a) nhưng lần trước vì sợ Đức Giê-su nên không dám hỏi, còn lần này vì sợ mười ông kia dành phần nên đã vội đáp liều: “thưa được”. Đúng là như vậy vì mười ông kia khi nghe hai anh em con ông Dê-bê-đê “hùng dũng tuyên bố như thế” thì nổi cơn ganh tỵ, tức tối; còn cả Nhóm Mười Hai theo Nhất Lãm, chẳng có ai hiện diện dưới chân Thập Giá của Đức Giê-su, cũng chẳng ông nào dám đến dự việc ướp xác mai táng Người.

  • Đức Giê-su trả lời cho hai ông:

  • “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống…” (câu 39): Đức Giê-su khẳng định các môn đệ chắc chắn sẽ phải vác thập giá. Trước tiên thập giá là án phạt dành cho tội nhân. Chính khi tội nhân lãnh án phạt và chết thì với cái chết đó mọi tội được coi như tẩy xóa, không còn ai truy cứu nữa. Đức Giê-su vô tội, nhưng Người cũng đảm nhận cái chết để hoàn toàn nên giống chúng ta ngoại trừ tội lỗi, thì môn đệ cũng là tội nhân thì làm sao thoát khỏi thập giá được. Tuy nhiên có lẽ điều Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ không là án phạt mà là Người muốn mời các ông hãy chấp nhận cùng chung vận mệnh với Người: Thầy trò chung một số phận, đi cùng một con đường (Ga 15,20).

  • “Còn ngồi hai bên tả hữu thì Cha chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (10,40): không phải là Cha thiên vị cho người này, loại trừ người kia. Nhưng Cha đã có dự tính từ ngàn xưa: ai tin vào Con của Cha là Đức Giê-su thì sẽ có sự sống đời đời (Ga 3,15-17.36; 17,3…). Vậy vấn đề còn lại cái cốt lõi được Chúa trao cho sự tự do của mỗi người: chọn thập giá án phạt hay chọn Thập Giá vì tin vào Đức Giê-su thì sẽ được hưởng những gì Cha đã dọn sẵn. Đó là tùy chúng ta.

Vậy sứ điệp của Mc 10,39-40 là cứ an tâm tín thác bước theo Đức Giê-su đi con đường Thập Giá. Chắc chắn Thiên Chúa đã dọn sẵn phần thưởng cho rồi, đường bận tâm lo lắng. Đó cũng là lời nhắc nhở: phần thưởng là hồng ân tặng miễn phí của Thiên Chúa chứ không phải kết quả của mưu mô, toan tính phàm nhân. Thực sự trong thập giá của Đức Giê-su, Thiên Chúa đã tặng ban mọi tốt lành cho nhân loại rồi.

  1. Giáo huấn cho Nhóm Mười Hai (Mc 10,44-45)

  • Thủ lãnh các dân thì dùng quyền thống trị, giữa anh em thì không như vậy (câu 42b.43a)

Sau khi nói về cách hành xử của các thủ lãnh các dân (42b), Đức Giê-su truyền cho các môn đệ: giữa anh em THÌ “êstin” không được như vậy (43a). Động từ “thì” được dùng ở thì hiện tại lối trình bày hàm ý đây là một lệnh truyền vĩnh viễn cho môn đệ mọi thời. Đức Giê-su dứt khoát gạt bỏ các dạng quyền bính được thịnh hành trong địa hạt chính trị, tổ chức trần thế. Một lối sống ứng xử mới trở thành chuẩn mực đối với những ai muốn theo Đức Giê-su mọi thời mọi nơi. Trong cộng đoàn của Đức Giê-su mỗi người đều là “diakonos” và là “doulos” của mọi người.

Như vậy Đức Giê-su không phủ nhận việc làm lớn, ngồi bên tả hữu vì trong thân phân nhân loại, cơ chế tổ chức là cần… Nhưng Người muốn làm nổi bật ý nghĩa của các việc đó. Vấn đề không ở chỗ LÀM lớn hay nhỏ, nhưng là làm lớn để làm gì vì động cơ mục đích nào? (xem Chúa Nhật XXV B)

  • Giữa anh em thì làm lớn phải PHỤC VỤ…, phải LÀM ĐẦY TỚ

  • Trong bản dịch tiếng Việt “phục vụ” và “làm đầy tớ” là hai động từ. Như vậy nhấn mạnh đến “việc làm”. Còn trong tiếng Hy Lạp, Macco sử dụng danh từ xin tạm dịch: “ai muốn TRỞ NÊN lớn … SẼ LÀ “người phục vụ”… SẼ LÀ “người tôi tớ” của anh em. Như vậy Macco nhấn mạnh tới mối tương quan, tới ý thức nội tâm về bản thân, về TƯ CÁCH mà người môn đệ phải có khi làm công việc phục vụ. Coi chừng một nguy cơ luôn rình rập kẻ đạo đức khi làm việc phục vụ: làm như “ông chủ”, kể công với Chúa, coi người thọ ơn như kẻ mắc nợ ân tình đối với mình, dẫn tới thái độ khoe khoang, rồi dần dần tới chỗ là hai nhà “mạnh thường quân” ganh tỵ nhau trong khi làm việc phục vụ; coi việc phục vụ như là “đấu trường”, “võ đài” để khẳng định “lòng tốt”, “lòng quảng đại”, “việc phục vụ” của mình.

  • Ai muốn “trở nên” (=gênêsthai: aorist 2, inf của “ginômai) lớn giữa anh em. (43)

  • Ai muốn “là” (= êinai: prés, ind của “eimi”) người thứ nhất trong an hem. (44)

  • Thì “phải là” (=êstai: thì tương lai, 3, Số ít, hiểu theo nghĩa “mệnh lệnh”):

  • “người phục vụ” anh em (c. 43)

  • “người tôi tớ” mọi người (c.44)

Hai động từ trong tiếng Hy Lạp cho thấy việc làm lớn, việc phục vụ, việc làm tôi tớ là cả một quá trình và luôn hướng về tương lai mỗi ngày một hơn. Đó không phải là những việc làm nhất thời, đáp trả cho một nhu cầu trước mắt, làm một lần là xong.

Đó thực ra là một quá trình biến đổi tận căn, từng bước một mỗi ngày hoán cải người môn đệ vốn tự nhiên là dễ ganh tỵ, thích thống trị, muốn đè đầu đè cổ thiên hạ… trở thành những con người khiêm tốn, thành người phục vụ, người tôi tớ của mọi người trong mọi nơi, mọi lúc vì vinh quang Thiên Chúa và vì lợi ích cho ơn cứu độ tha nhân.

Mẫu gương tuyệt vời chính là Đức Giê-su trong Pl 2,6-11. Người vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã khiêm tốn trở nên một con người, một người phục vụ, một tôi tớ, một tội nhân để thực hiện công việc của một tôi tớ là rửa chân cho các môn đệ. Việc làm đó phải được môn đệ tiếp tục cho đến tận thế nhằm mục đích vinh quang cho Cha và vì ơn cứu độ nhân loại.

Is 53, 16-11
Mc 10, 35-45

TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC

PHẦN CHÚ THÍCH: phần lớn đã có trong BÀI SUY NIỆM, ở đây chỉ bổ sung vài chi tiết

Chủ điểm phụng vụ:

Lời Chúa hôm nay mời tín hữu tiếp tục suy niệm về những khác biệt giữa “đường lối, dự tính của Thiên Chúa” và “những khát vọng của con người”, đồng thời cho thấy cách thức Thiên Chúa chỉnh sửa để từng bước một đưa các ước mơ của con người vào dự tính của Thiên Chúa.

Do bị tội lỗi tác động, những ước muốn của con người lắm phen lệch lạc, dẫn nhân loại đi trệch xa đường lối của Thiên Chúa, cầm giữ con người trong những khoái lạc, dục vọng trần gian, đe doạ cho hạnh phúc đích thực, cho ơn cứu độ của nhân loại. Thiên Chúa phải điều chỉnh lại và dạy các tín hữu biết con đường nào mới thật là CHÍNH LỘ, khát vọng nào mới là ước mơ mà con người cần phải có để được hanh phúc thật và bền vững, bước vào vinh quang của Thiên Chúa.

Một lần nữa, phụng vụ trực tiếp đề cập đến “con đường Thập Giá cứu độ”. Đó là Thánh Ý của Thiên Chúa, là phương thế cứu độ đưa tới vinh quang: những gì là lệch lạc, mục nát, gỉ sét do tội gây nên đang bám vào, bào mòn, làm hoen ố nhân tính cần phải được lột bỏ tận căn, đem đóng đinh chúng vào Thập Giá, để giải cứu, làm nhân tính được tinh luyện, đón nhận tình yêu, quyền năng quan phòng của Thiên Chúa, hồi phục “hình ảnh Thiên Chúa” cho nhân tính loài người.

Như vậy, hạnh phúc vinh quang nói ở đây không nằm ở chỗ những người theo Chúa sẽ tích góp, thu vén lợi lộc trước mắt cho bản thân mà là ở chỗ người ấy mang lại được lợi ích gì cho phần rỗi của tha nhân, phục vụ đóng góp được gì vào công trình cứu độ phục hồi của Thiên Chúa. Nói cách khác, đối với những người theo Chúa thì “vinh quang”, “hạnh phúc” chính là Ý Chúa được thể hiện nơi bản thân mình và ơn cứu độ được hoàn tất nơi tha nhân lẫn thế giới, vũ trụ. Vậy điều Thiên Chúa muốn không phải là khổ đau mà là cứu độ. Và bí quyết để biến “khổ đau” thành “cứu độ” chính là THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ.

Bài đọc 1 cho thấy ý định của Thiên Chúa đối với Người Tôi Trung (NTT): muốn tôn vinh NTT, cho dòng dõi NTT được trường tồn, nhờ NTT gánh tội muôn dân và làm cho muôn người nên công chính. Tuy nhiên, con đường NTT phải đi qua để thực thi dự định đó là đường đau khổ, hiến thân làm lễ vật đền tội cho muôn người. Tóm lại: nhờ nỗi khổ đau của NTT, Ý Chúa được thể hiện, NTT được tôn vinh và muôn người được cứu.

Tin Mừng thuật lại chuyện hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Chúa đặc ân ngồi hai bên tả hữu Người. Đáp lại Đức Giêsu mời họ bước đi con đường thập giá: uống chén và chịu phép rửa của Người; Còn chuyện thông phần vinh quang là thuộc quyền quyết định của Cha. Thái độ 2 anh em nhà Dêbêđê làm 10 môn đệ kia tức tối. Lợi dụng dịp đó, Đức Giêsu dạy bài học phục vụ theo gương Người sắp làm là hiến mình phục vụ và làm giá chuộc muôn dân. Tóm: vinh quang chắc chắn là sẽ có, tuy nhiên con đường trong hiện tại là thập giá và phục vụ.

BÀI ĐỌC I: Is 53, 10-11

Văn mạch

Đây là những câu trích từ bài ca 4 nói về NTT trong Isaia đệ nhi. Bài ca này mô tả thân phận khổ đau và cái chết, nhưng rồi sau đó là được tôn vinh của một con người huyền bí được gọi là NTT của Thiên Chúa. Trong thân phận yếu hèn của một con người bị ngược đãi, NTT đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, phần mình được vinh quang mãn nguyện vì thấy dòng dõi được trường tồn, thấy mình trở thành căn nguyên cứu rỗi cho nhiều người.

Bài ca này (52,13-53,12) là chóp đỉnh của tác phẩm Isaia đệ nhị mà từ buổi sơ khai của Giáo Hội đã được cộng đoàn tín hữu hiểu như là lời tiên báo về cuộc thương khó của Đức Giêsu. Cấu trúc khá phức tạp, nhưng có nét xuyên suốt là số phận khổ đau của Người Tôi Trung và giá trị cứu độ của nó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa:

– 52,13-15: Thiên Chúa tiên báo những khổ nhục và việc được tôn vinh của Người Tôi Trung

– 53,1-6: dân (chúng ta) kinh ngạc trước việc tôn vinh này và tự vấn về vai trò Người Tôi Trung cũng như về trách nhiệm của chính mình đối với Người Tôi Trung.

– 53,7-11a: vị ngôn sứ tiếp tục suy tư về số phận Người Tôi Trung trong kế đồ của Thiên Chúa

– 53,11b-12: Thiên Chúa xác nhận giá trị của cuộc hiến mình chịu chết mà Người Tôi Trung đã thực hiện (x. CGKPV “Các sách ngôn sứ” trang 180 chú thích “o”).

Phụng vụ trích đọc cc 10-11 cho thấy Thánh Ý Thiên Chúa đối với Người Tôi Trung và giá trị cứu độ đối với tha nhân và bản thân do những khổ đau của Người Tôi Trung mang lại.

CẤU TRÚC VÀ CHÚ THÍCH

Bài này được phân tích theo chủ đề gồm 2 ý:

  1. Dự tính của Yavê đối với Người Tôi Trung: “Yavê đã muốn”:

  • phải bị nghiền nát vì đau khổ (10a);

  • mời gọi và chờ lời đáp của Người Tôi Trung: NẾU Người Tôi Trung hiến thân làm lễ vật đền tội (10b)

  • vâng phục của Người Tôi Trung: “vì đã nếm mùi đau khổ … Người Tôi Trung của Ta sẽ …” (11c)

Xem bài Suy Niệm:

  • Yavê đã muốn Người Tôi Trung phải bị nghiền nát vì đau khổ (53,10a)

  • Nếu Người Tôi Trung hiểu thân làm lễ vật đền tội (53,10b)

  • “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính tôi trung của Ta sẽ…” (53,11c)

  1. 2. Hoa trái của những đau khổ của Người Tôi Trung: “nhờ nỗi thống khổ của mình” (11a) mà:

  • Với Thiên Chúa: “nhờ Người Tôi Trung, ý muốn của Yavê sẽ thành tựu” (10d)

  • Với tha nhân: “làm cho muôn người nên công chính (11d) và sẽ gánh lấy tội của họ (11d)

  • Với bản thân: sẽ vĩnh tồn qua việc có con cái nối dõi (10c) sẽ thấy ánh sáng (sống lâu) và được mãn nguyện (11b)

Xem BÀI SUY NIỆM:

  • Trong tương quan với Thiên Chúa

  • Trong tương quan với tha nhân

  • Trong tương quan với bản thân

TÓM KẾT

Con đường đau khổ là Thánh Ý của Yavê đối với Người Tôi Trung. Đã là Ý Chúa muốn thì đó là bắt buộc, không thể trốn tránh. Thực ra đó là con đường cứu độ nhằm giải cứu nhân loại tội lỗi phải chịu khổ đau. Chính tình yêu tự nguyện đón nhận đau khổ của Người Tôi Trung, dù mình vô tội, đã được Thiên Chúa sử dụng để biến khổ đau của Người Tôi Trung thành công cuộc cứu độ. Quyền năng Thiên Chúa có thể làm mọi sự, nhưng Người tôn trọng tự do của con người. Chính vì thế tình yêu tự nguyện của Người Tôi Trung đã thành yếu tố quyết liệt làm Ý Chúa thể hiện, mang lại ơn cứu độ cho tha nhân và làm Người Tôi Trung được vinh hiển.

Điều còn là điều bí ẩn trong Cựu Ước, nay chúng ta thấy được rõ ràng trong Thập giá và phục sinh của Đức Giêsu. Thật vậy thập giá Đức Giêsu đã – hoàn tất Ý Cha: “mọi sự đã hoàn tất”; đã làm cho nhiều người nên công chính, tha xóa mọi tội cho họ; và phần mình, Người Tôi Trung được Thiên Chúa cho phục sinh trở nên nguồn phúc cho nhân loại, trưởng tử của một đàn em đông đúc.

TIN MỪNG: Mc 10.35-45

Văn mạch

Xem Chúa Nhật 25B

Đức Giêsu ngày càng tiến gần đến Giêrusalem. Bóng dáng thập giá ngày càng rõ nét. Đức Giêsu ra sức chuẩn bị cho các môn đệ đối đầu với thập giá nhưng kết quả không được như ý: cả ba lần mặc khải thập giá là cả ba đều gặp phải những phản ứng tiêu cực nơi các môn đệ; Và mỗi lần như vậy, Đức Giêsu đều phải khổ công điều chỉnh, sửa sai các ông. Kết quả vẫn hoàn toàn tiêu cực.

Tin Mừng hôm nay thuật lại phản ứng tiêu cực của các môn đệ trước lần mặc khải thứ 3 về thập giá và phục sinh: hai người con ông Dêbêđê bất chấp lời mạc khải thập giá, đã đến xin Đức Giêsu đặc ân được ngồi hai bên tả hữu của con Người trong vinh quang; còn mười người kia thì ganh tỵ, tức tối. Đức Giêsu đã phải ra công điều chỉnh: Vấn đề chính yếu là phải đi con đường thập giá với Người, đó là con đường khiêm hạ, phục vụ kể cả phải hy sinh chính cả mạng sống mình, còn hưởng được vinh quang Nước Trời là thuộc quyền Cha.

CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH

  1. Phản ứng môn đệ ngay sau loan báo thập giá lần 3 (Mc 10, 35 -40)

  2. Tham vọng trần tục của Giacôbê và Gioan (35 -37)

  •  Hai con ông Dêbêđê muốn Đức Giêsu thực hiện cho họ điều họ sắp xin (c.35).

  • Bày tỏ ước nguyện: xin cho hai anh em chúng con được ngồi hai bên tả hữu Thầy khi Thầy được vinh quang (37).

Xem BÀI SUY NIỆM:

  • Hai con ông Dêbêđê xin Đức Giêsu thực hiện cho họ… (C. 35)

  • Họ xin cho được ngồi hai bên tả hữu Đức Giêsu….

–   Khi Thầy được vinh quang….

  1. Điều chỉnh cảnh báo của Đức Giêsu (38-40)

  • Trách 2 ông đã sai lầm: “các anh không biết các anh xin gì!” (38a)

  • Hỏi lại, hé lộ vinh quang Thập giá: “chịu được phép rửa …?” (38b) có uống nổi chén … có

  • Đáp liều: “thưa được!” (39a)

  • Nỗ lực đánh thức họ bằng mặc khải về:

  • số phận môn đệ sẽ như Thầy: “anh em cũng sẽ uống cũng sẽ chịu” (39b)

  • còn ban địa vị được ngồi bên tả hữu là quyền của Thiên Chúa.

Nội dung lời trách của Đức Giêsu cho thấy sai lầm của hai môn đệ là quá nặng. Quả là quá khờ khạo, ngây ngô khi xin một điều mà mình không hiểu được nội dung của lời xin, không biết nó sẽ đưa dẫn mình đi theo lối nào và tới đâu với những hậu quả nào … và quả là láo xược, ngu si khi áp đặt đòi Đức Giêsu phải thực hiện cho mình điều xin ấy. Đức Giêsu phải cố gắng cứu họ bằng cách giúp họ hiểu ý nghĩa điều mà họ xin bằng cách dùng hai hình ảnh biểu tượng: chén – phép rửa.

Chén tượng trưng cho nỗi đau khổ. Một số đoạn Cựu Ước nối kết “chén” với cơn thịnh nộ và hình phạt của Thiên Chúa (Tv 74,9; Is 51,17; Gr 25,15-17.28; 49,12; Ed 23,31-34). Marco còn dùng lại “chén” trong 14,36.

        Phép rửa gợi lên hình ảnh nước: người chịu phép rửa bị chìm ngập trong nỗi đau khổ như bị chìm ngập trong nước. Khi ám chỉ đến cuộc thương khó của Đức Giêsu, Luca cũng dùng từ “phép rửa” 9(12, 50). Maccô dùng hai hình ảnh này để chỉ cuộc thương khó của Đức Giêsu” (CGKPV chú thích Mc 10,38).

            Tuy nhiên với Đức Giêsu đây không phải là án phạt mà là tự nguyện đảm nhận để cứu tha nhân. Trong khi hai ông chủ uy quyền lợi về hai anh em mình, Đức Giêsu kín đáo mời hai ông hãy can đảm chịu thiệt thòi dám uống chén, chịu phép rửa vì lợi ích kẻ khác.

             Đáp liều: “thưa được”. Đúng là liều vì không hiểu gì vẫn cứ nhào theo bất chấp hậu quả. “Điếc không sợ súng”. Bằng chứng cho thấy các ông thưa liều là lúc Đức Giêsu bị bắt, tất cả các ông đều bỏ chạy trốn hết (Mc 14, 50-52). Bao nhiêu nhiệt huyết trước khi Đức Giêsu bị bắt (14, 29-31: rõ ràng việc ngộ nhận kéo dài tới phút chót dù Đức Giêsu đã cảnh cáo lần nữa 14, 30) đều sụp đổ khi thập giá xuất hiện: người cuối cùng của Nhóm Mười Hai, theo Nhất Lãm đã dám theo Đức Giêsu đến sân của thượng tế cũng đã chối bỏ Người (14, 66-72: xem thêm chú thích 14, 66 của CGKPV). Dưới chân thập giá chỉ có kẻ thù và vài phụ nữ (15, 40-41); đến khi hạ xuống, liệm xác và an táng cũng không có ai trong Nhóm Mười Hai (15, 42-47).

                “…anh em cũng sẽ uống…cũng sẽ chịu…” về lịch sử, câu này thường được hiểu như lời vọng lại việc Giacôbê tử đạo khá sớm, năm 42, để làm chứng cho Đức Giêsu (Cv 12, 2). Nhưng còn Gioan thì sao? Truyền thống cho rằng ông chết già. Có lẽ nên hiểu câu này muốn nói Thầy trò cùng chung số phận: đã là môn đệ thì phải đi một con đường như Thầy (Ga 15, 20).

                  “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy được” có thể hiểu là một khi đã theo Đức Giêsu cách chân tình rồi thì chắc chắn sẽ được ân thưởng, đó là điều Thiên Chúa đã chuẩn bị sắn, chứ không do mưu mô khéo léo của phàm nhân mà đạt được.

                   Vậy sứ điệp của Đức Giêsu ngang qua hai câu này là cứ an tâm theo Đức Giêsu trên đường thập giá. Chắc chắn Thiên Chúa đã dọn sẵn phần thưởng cho rồi, đừng bận tâm. Đây cũng là lời nhắc nhở: ân thưởng là hồng ân của Cha chứ không là kết quả của mưu mô tính toán phàm nhân. Thực sự trong thập giá của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ban tất cả cho nhân loại.

  1. Giáo huấn của Đức Giêsu cho Nhóm Mười Hai (Mc 10,41-45)

  • Phản ứng Nhóm Mười: tức giận với Giacôbê và Gioan (41)

  • Giáo huấn của Đức Giêsu: trực tiếp nhắm Nhóm Mười Hai: “gọi các ông lại và nói:” (42a)

  • thủ lãnh các dân thì dùng quyền thống trị (42b)

  • Giữa anh em THÌ không như vậy: làm lớn phải là người phục vụ ANH EM (nội bộ) (43) và thêm “làm đầu phải là người ĐẦY TỚ MỌI NGƯỜI” (44)

  • Theo gương Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Đây là ý chính trong phụng vụ, nối kết với bài 1: có thể chỉ đọc phần này và bỏ phần A.

Xem BÀI SUY NIỆM:

  1. Giáo huấn cho Nhóm Mười Hai (Mc 10,41-45)

* Thủ lãnh các dân thì dùng quyền thống trị…

* Giữa anh em thì làm lớn phải phục vụ… phải làm ĐÂY TỚ

– Trong bản dịch tiếng Việt…

Ai muốn “TRỞ NÊN” lớn… SẼ là…

* Phải là “NGƯỜI PHỤC VỤ” … phải là “NGƯỜI ĐẦY TỚ”…

Diakonos gợi ngay lại hình ảnh 7 thừa tác viên phó tế trong Cv 6,1-7. Họ phục vụ cộng đoàn, đặc biệt những người bị thua thiệt lép vế trong cộng đoàn. Nhưng dù sao lối phục vụ này vẫn còn mang tính chủ động, tổ chức, khách quan: các người phục vụ vẫn độc lập, không hoàn toàn bị điều kiện hoá bởi những người được họ phục vụ, nghĩa là họ vẫn còn ở vai trên, vai điều khiển.

Doulos nghĩa đen là “tôi tớ” hàm ý “nô lệ”. Người mình phục vụ là chủ của mình, có toàn quyền trên mình và mình hoàn toàn bị điều kiện hoá bởi nhu cầu, sở thích chủ quan của chủ.

Điều mà từ diakonos không diễn tả đầy đủ thì từ doulos đã nói rõ ra trọn vẹn: đó là sự lệ thuộc đối với người mà mình phục vụ. Ngoài ra đối tượng của diakonos là anh em: “người phục vụ anh em”; còn đối tượng của doulos được mở rộng ra cho mọi người: “đầy tớ của mọi người”. Điều này hàm ý không nên lựa chọn người để phục vụ (Jean Délorme) và cũng không nên chọn việc để phục vụ (ở đây không nói đến đặc sủng của các hội dòng, chỉ nói tới công việc) vì là doulos mà, chỉ làm tất cả là do nhu cầu và lợi ích cho tha nhân. Vì trong thực tế có những việc làm được nhiều hỗ trợ, dễ được tiếng khen khi thực hiện; trái lại cũng có nhiều việc làm âm thầm, chịu nhiều thiếu thốn …

Dĩ nhiên chúng ta không chủ trương cực đoan loại bỏ mọi phương tiện, danh tước … tuy nhiên điều ta phải luôn tâm niệm khi làm việc cho mọi người là PHỤC VỤ. Phục vụ theo đúng chức năng của mình trong nhiệm thể như một doulos vì lợi ích của anh em, của nhiệm thể.

Gương Đức Giêsu: Người đã phục vụ như một doulos vì phần rỗi nhân loại: rửa chân cho môn đệ trong bữa ăn cuối cùng. Và Người đã thí mạng để làm bảo chứng cho công cuộc phục vụ đó. Lệnh truyền mà Người đưa ra cho môn đệ đã được đóng ấn bằng cuộc sống và nhất là bằng cái chết của Người.

  TÓM KẾT

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta phản ứng tiêu cực của Nhóm Mười Hai trước lần thứ ba mặc khải thập giá của Đức Giêsu: hai anh em Giacôbê và Gioan đã biểu lộ một cách lộ liễu, không khoan nhượng tham vọng của mình muốn ngồi hai bên tả hữu Đức Giêsu trong vinh quang của Người; còn 10 tông đồ khác đã phản ứng bằng sự tức giận ganh tị. Một lần nữa Đức Giêsu phải cố gắng mở mắt các ông: vinh quang của Người là thập giá được biểu lộ qua hai hình ảnh “uống chén” và “chịu phép rửa”. Đó là con đường mà Đức Giêsu phải đi và mọi kẻ muốn làm môn đệ Người đều phải trải nghiệm.

Đức Giêsu không phủ nhận các giá trị trần thế: cơ chế, địa vị xã hội, nhưng Người mặc khải cho môn đệ ý nghĩa của chúng. Làm lớn là phục vụ (đã dạy trong lần loan báo thập giá lần thứ hai) và lần này Đức Giêsu lại thêm: phục vụ như một người tôi tớ phục vụ chủ và phục vụ mọi người. Phần Đức Giêsu, Người đã làm gương phục vụ và phục vụ cho đến chết. Chính khi phục vụ hết tình như thế Đức Giêsu tỏ lộ Người là Mêsia, là Con Người, là Thẩm phán cánh chung, tối cao.

Frère Pierre Đình Long FSC