NHỮNG VIỆC CHA LÀM NGAY

Nhận bài sai về giáo xứ mới, Cha đã đặt ra những điều cần làm ngay.

  1. Dựng tháp chuông và thượng chuông .

Vừa về giáo xứ mới được 2 tháng, ngày 14 tháng 11 năm 2024, ngày lễ thánh Cuénot Thể,  thánh tổ giáo phận Kontum, cha đã cho dựng tháp chuông và thượng chuông. Trước đó cha đã đặt mua sắt, nhờ người hàn tháp chuông và đặt đúc chuông ở ngoài Bắc. Rụp, trong một ngày, đánh du kích, dựng tháp và thượng chuông; Tháp cao 16 m từ chân đế tới đỉnh cao thánh giá. (Tiền sắt và tiền chuông còn thiếu nợ. Mới chỉ có tiền công). Nhà thờ giáo xứ đã được xây dựng cách đây 6 năm, nhưng do nhiều hạn chế, nay mới ráp chuông. Đây là công việc mang đủ ba chức năng ngôn sứ, tư tế và vương giả.

Lòng yêu thương và tiếng gọi của Thiên Chúa thì lúc nào cũng vang vọng. Nhưng đôi tai trần tục của chúng ta, nhiều khi không nghe thấy. Còn tiếng chuông, [Tiếng chuông là tiếng Chúa, có nhà đạo đức hay thánh nhân nào đó đã khẳng định như vậy] thì chúng ta có thể nghe rõ mỗi ngày.

Khi làm phép chuông Đức Giám mục nhắn nhủ: Thật vậy, một cách nào đó, tiếng chuông gắn liền với đời sống dân Chúa : tiếng chuông nhắc nhở giờ cầu nguyện, tập họp dân chúng đến cử hành phụng vụ, báo tin cho các tín hữu biết những biến cố quan trọng xảy đến cho cộng đoàn địa phương hoặc liên hệ đến từng tín hữu khi gặp cảnh vui buồn.

Vậy, chúng ta hãy sốt sắng tham dự nghi lễ này ; để trong đời sống, khi nghe tiếng chuông, chúng ta nhớ mình là một gia đình ; và nghe theo tiếng chuông nhắc nhở, chúng ta họp nhau lại để biểu hiện sự hiệp nhất của chúng ta trong Đức Ki-tô.

Vâng, Tiếng chuông đúng là lời Chúa kêu gọi và nhắc nhở mỗi ngày.(Sứ mệnh ngôn sứ). Cụ thể tiếng chuông nhắc nhở chúng ta đi dâng lễ, đi đọc kinh mỗi ngày (đó là bổn phận, chức năng tư tế của chúng ta).Trong khi tổ chức và xây dựng giáo xứ, Tháp chuông cũng thường đi đôi với nhà thờ, nhà nguyện.(Sứ mệnh vương giả).

Tại các đô thị lớn, Tiếng chuông bị ngăn chặn bởi các nhà cao tầng; bị hoà lẫn với tiếng động cơ, máy móc, xe cộ, còi hụ; bị che lấp bởi những tiếng loa phường, những tiếng ca nhạc xập xình vui chơi, những chương trình quảng cáo thương mại, khuyến mãi rùm beng.

Tại giáo xứ này tiếng chuông thật nguyên tuyền, thánh thót, trinh trong, không một chút pha tạp, vang vọng đến tận núi đồi, nương rẫy xa xôi, quyện vào từng hàng cao su thẳng tắp, lướt trên những nọc tiêu xanh ngát, len lỏi vào từng bụi cà phê trĩu hạt.Tiếng chuông thực sự nâng hồn ta lên tới Chúa. Nhiều giáo dân kính cẩn, lẳng lặng, lắng nghe hết hồi Chuông, như nuốt từng tiếng Chúa, vì chưa bao giờ được nghe hay vì lâu rồi chưa được nghe. Ôi hồng ân cao vời! Phúc lộc tràn trề! Xin tạ ơn Thiên Chúa!

              Có chuông rồi, cha còn dự tính tập cho giáo dân biết đọc kinh Truyền Tin ( Angelus).Nhớ lại những bức họa ngày xưa ở Pháp, cả gia đình quỳ xuống giữa cánh đồng để đọc kinh Truyền Tin. Ngày nay, trong các giáo xứ tại đô thị, hầu như người ta quên mất kinh Truyền tin. Một vài nhà thờ còn đánh chuông 12 giờ trưa, nhưng hầu như chẳng ai nghĩ tới chuyện đọc kinh Truyền tin. Có chăng, may ra, còn vài tu viện hay nhà dòng.

  1. Phổ biến Lời Chúa, đặc biệt là Tân Ước.

Nhận thấy giáo dân, nhất là thanh thiếu niên, chưa đủ hiểu biết về Lời Chúa, đặc biệt là Tân Ước, cha đã vận động mua ngay Tân Ước bằng tiếng Jrai và tiếng Việt.(Vốn đầu tư không ít, nhưng cũng không quá nhiều, so với những dự án khác).Tiếng Jrai để nhiều người lớn tuổi có thể đọc được.Tiếng Việt giúp người trẻ tiếp cận với tiếng Việt. Nhất cử lưỡng tiện, các em thiếu nhi vừa hiểu Lời Chúa, vừa luyện đọc tiếng Việt. Các thiếu nhi năng đi nhà thờ, năng đi lễ, học giáo lý hay tập hát, đều phát âm tiếng Việt khá chuẩn, khá rõ. Các thầy cô ở trường nhận định như thế  và thực lòng khen ngợi; Đôi khi còn cảm ơn các cha và nhà thờ, vì thầy cô đỡ vất vả luyện âm cho các em.

Biết đâu trong các em đang bập bẹ đọc Tân Ước hôm nay, 10 năm nữa, 15 năm nữa lại có các chủng sinh, các tu sĩ, các linh mục trên cánh đồng Truyền Giáo Kon Tum. Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được. (Lc 1,37). Ngay lúc nhận xứ mới, cũng là ngày cha phải lo tổ chức lễ tạ ơn cho nghĩa tử là tân linh mục Sédang, gốc giáo xứ Lingla.

Nếu mỗi cha sở đều cố gây, ít là một ơn gọi tận hiến, thì tương lai cánh đồng truyền giáo Kon Tum không thiếu thợ gặt. Noi gương cha cố Giuse Trần Trí Tuệ: Trồng cây nuôi chú. Đó là tên một bài viết của ngài trên báo Sacerdos, trước năm 1975. Chủ trương của ngài là đến xứ nào ngài cũng lo trồng cây và nuôi chủng sinh. Cha Huấn (Úc Châu), cha Tiến( MEP, Đài Loan) và cha Thạch (Dòng Chúa Cứu Thế bên Mỹ) là những thành quả của ngài, khi ngài làm cha sở Phương Quý và một số cha nữa dưới các giáo phận miền Nam cũng là nghĩa tử của ngài.

Có một linh mục, CVK 59, hiện đang nghỉ hưu tại giáo phận Xuân Lộc, cũng đã nuôi dưỡng được 7 linh mục nghĩa tử.

Nói lên điều này không biết có là cầm đèn chạy trước ô tô hay phạm tội lên lớp với các đấng, các bậc không. Xin ơn đại xá!

3.Mời giáo viên dạy nhạc và đàn cho những em có năng khiếu.

Mặc dầu Nhà thờ chỉ có một chiếc đàn Organ cũ, cha cũng mời giáo viên về dạy lý thuyết âm nhạc và dần dần thực hành đánh đàn cho một số thiếu nhi có năng khiếu và yêu thích âm nhạc.

Những ai đã từng dạy học hay hướng dẫn các em sắc tộc đều nhận định rằng các em rất có khiếu về âm nhạc, chắc hẳn do gần gũi với thiên nhiên. Các em cũng học tiếng Anh tiếng Pháp rất mau, có lẽ do cách phát âm trong tiếng sắc tộc gần với âm điệu tiếng Anh tiếng Pháp hơn.

4.Noi gương Mục Tử nhân lành:
Tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào. (Ga 10,10).

May mắn là khi cha mới về giáo xứ, đã được một số nhóm từ thiện, qua một CVK 67 kết nối, hứa giúp khoan hai giếng nước sạch cho hai làng trong số 14 làng thuộc giáo xứ của cha.

Nguồn nước sạch cũng là một vấn đề lớn trên Tây Nguyên. Sông suối là nguồn nước ăn, nước uống, nước sinh hoạt của các sắc dân trên miền cao; Nhưng nay các sông suối đều đã bị ô nhiễm. Nguồn sống, nguồn lương thực, cá tôm cũng cạn kiệt. Người bản xứ không quen nấu nước uống, họ chỉ lấy nước ở sông, suối, đựng trong vỏ bầu khô, về uống trực tiếp. Nước nguồn, nước mạch ngày xưa tinh khiết. Nay nước ô nhiễm, nên rất nhiều người bị bệnh đường ruột. Cha nguyên Tổng đại diện Nguyễn Vân Đông, khi còn làm cha sở, đã bắt giáo dân nào uống nước không nấu sôi, phải xưng tội, phải làm việc đền tội nặng. Chắc hẳn cha ứng dụng giới răn thứ năm.

5.Thăm Giáo dân.

Mặc dầu mới về xứ, công việc còn bề bộn. Một mình xoay sở, không cha phó, không thầy giúp xứ, không có các xơ,14 làng, phải dâng nhiều thánh lễ, nhất là cuối tuần, cha cũng vẫn chia thời gian đi thăm giáo dân từng làng, từng xóm một. Trước kia, coi xứ Sédang, nay về xứ Jrai, cha chưa biết tiếng, chưa học, chưa nói được, nhưng đang tập đọc. Bọn trẻ nói cha đọc tiếng Jrai, chúng nó hiểu. Nhưng chúng nó không biết đọc, chúng nó cũng chỉ biết nói thôi, vì chỉ nói trong gia đình, chứ chưa học viết, học đọc.

Tuần trước cha dâng lễ an táng cho một người. Dâng lễ tại nhà, vì làng này chưa có nhà nguyện. Người chết đã hai ngày, nhưng có lẽ do tập tục, họ không đậy nắp quan tài. Cha dâng lễ sát bên, vì nhà chật. Dâng lễ xong, chiều về, ngài sưng húp cả người lẫn chân tay. Đau nhức ê ẩm cả ngày.

Cha còn nhiều kế hoạch, nhiều chương trình rất hot, đang cầu Chúa Thánh Thần thổi.

  Nguyện Chúa chúc lành. Xin cùng cha, hiệp lời cầu nguyện.

Nguyễn Đức Lân