Francis Assisi Lê Đình Bảng
Khi bài viết nho nhỏ này đến tay bạn thì vừa đúng lúc nhịp đời ngoài kia đang bắt đầu xôn xao, chộn rộn. Đã có những sớm mai se lạnh, bâng khuâng chợt nhớ ra mình đang đi trong nỗi cảm hoài về cơn bão rớt thuở nào. Một cảm xúc vào Đông bồi bồi, rất lạ. Đã thấy phố phường tấp nập đông vui, vào ra kẻ mua người bán. Đã có những tan tầm chiều về kẹt cứng lối đi. Rực rỡ những thời trang, thơm phức những mỹ phẩm, hàng họ ê hề. Nhưng choáng ngợp hơn cả vẫn là cảnh tượng Noel Giáng Sinh. Nào hang đá, tượng ảnh, thiệp mừng, đèn sao bánh trái, quà tặng, mời chào. Nào cây thông lung linh óng ả trái châu đủ sắc màu. Và cả những tóc nâu môi trầm hớn hở thanh xuân. Đã nghe thấm thía vang vọng từ tầng bậc trời đất mênh mang những giai điệu và ca từ của một Thánh Vịnh, một bản thánh ca ngọt ngào:
Trời cao, hãy đổ sương xuống
Và ngàn mây, hãy mưa Đấng Cứu Đời…
Chả cứ phải là con chiên ngoan đạo, người ta vẫn yêu, vẫn thích được nghe hoặc chính miệng mình được hát lên những bài thánh ca bất hủ, tuyệt vời: Jingle Bells, Silent Night, Đêm Đông, Cao Cung Lên, Đêm An Bình… Thậm chí cả những tình khúc với áo lông cừu đi trong mưa tuyết mang hơi hướng Noel như: Last Christmas của nhóm Wham, When The Child Is Born của nhóm Boney M hoặc Where Have All The Flowers Gone của Peter Seeger cảm hứng từ pho truyện Sông Đông Êm Đềm của nhà văn Nga, Mikhail Sholokhov. Mà làm sao ngăn cản được nhỉ, khi dòng thời gian đang vơi cạn dần, đang xích lại gần, thật gần đêm thiêng, cái đêm trừ tịch mà người người, nhà nhà trên khắp hành tinh này được thong dong phần xác, được yên ả phần hồn để chuyện trò, thăm hỏi, mừng chúc, lễ lạt trong khung cảnh thánh thiêng đầm ấm, thanh bình. Hóa ra, hơn 2000 năm rồi, Noel – Giáng Sinh không còn là của riêng ai. Noel Giáng Sinh đã mở cánh cửa nhà thờ bên đạo để ra đời. Noel Giáng Sinh kỳ diệu thay, đã trở thành đêm hưu chiến, đêm giã từ vũ khí của những tranh chấp, xung đột bên bờ vực những lò thuốc súng. Noel – Giáng Sinh đã trở thành điểm hẹn, chỗ giao lưu, nơi gặp gỡ thân quen trong đời sống văn hóa chung của cả loài người, không biên cương. Một lễ và hội Giáng Sinh đa văn hóa rất riêng, mà lại là của chung, muôn thuở, muôn người. Noel – Giáng Sinh ví như chiếc kính vạn hoa mà ai ai cũng soi thấy chân dung mình trong ấy, rạng ngời, trong vắt, tinh khôi.
Tùy theo thói quen, tập tục, phong thổ địa lý, thời gian và điều kiện hoàn cảnh, mỗi dân mỗi nước đều có những cách đón mừng lễ hội Giáng Sinh khác nhau. Nó xuất phát từ trong bản chất các tín ngưỡng nguyên thủy và từ lòng sùng kính, mộ đạo rất tinh ròng của những người con Chúa, của các dân tòng giáo. Nó được thể hiện thông qua Thánh lễ (Phụng Vụ), những nghi thức cử hành,qua những lễ vật dâng tiến mang tính thời vụ và ý nghĩa biểu trưng: Gặp gỡ, giao tế, đám xá, âm nhạc, ca múa, may mặc thời trang, ẩm thực, hội hè… Chỉ lấy việc “làm hang đá và trồng cây Noel” – một trong những tập tục phổ biến nhất – để minh hoạ như là một ví dụ điển hình. Ngay từ thế kỷ II, người ta đã bắt gặp hình vẽ chạm khắc mô tả Chúa Hài Đồng Giêsu nằm trên máng cỏ, nơi những tường thành của các hang toại đạo thời vua chúa La Mã truy lùng, bách hại người có đạo. Giữa thế kỷ V, Đức Giáo Hoàng Sixto III (432-440) cho phép làm một hang đá mô phỏng hang Bethlehem xưa để đặt trên bàn thánh của giáo đường Anathasion ở Rôma. Kể từ đó, việc bài trí hang đá trong mùa Giáng Sinh được nhân rộng ra và rộ lên thành một phong trào văn hóa có sức thu hút đông đảo quần chúng. Lần lần với thời gian, hang đá được phong phú hóa với tượng Đức Mẹ, thánh Giuse và cả những nhân vật, con vật, cảnh sắc phụ trợ như Ba vua, thiên thần, mục đồng, trăng sao, sương tuyết, chiên bò, cây cỏ như ta thấy ngày nay. Nghĩa là tái hiện nguyên bản một đêm Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế xưa. Sáng kiến độc đáo này, nghe đâu tác giả của nó là vị thánh nghèo Phanxicô Assisi, người thủ lĩnh có công sáng lập ra “Dòng Anh em hèn mọn”. Chuyện kể rằng, vào năm 1223, ba năm trước khi thánh về trời, Phanxicô có đệ trìmh lên Đức Giáo hoàng Innocentio III ý định sẽ dựng một hoạt cảnh với đầy đủ lễ bộ của hang đá, máng cỏ, chiên bò xung quanh Chúa Hài Đồng, mục đích là để diễn lại trọn vẹn vẹn đêm Giáng Sinh thật sinh động như ở Bethlehem xưa. Đức Giáo Hoàng ưng thuận. Thế là hai tuần trước ngày mừng lễ Giáng Sinh, Phanxicô chia sẻ hoài bão của mình với người bạn dòng Joannes Velita: “Tôi muốn hình thành một tập tục kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh, Bạn hãy tìm cho tôi một chỗ cô tịch nhất trong khu rừng già Greccio, một hang càng giống hang đá Bethlehem bao nhiêu càng tốt. Làm giùm tôi một cái máng phủ đầy cỏ khô, rồi lần lượt đặt tượng Chúa Hài nhi, tượng Thánh Mẫu và Thánh Giuse cùng với mục tử và chiên bò nữa”. Đêm 24-12-1223, khu rừng Greccio bỗng chốc hóa thành Bethlehem rực rỡ mừng vui chưa từng thấy. Tu sĩ hội dòng từ khắp nơi tựu về. Đèn nến và đuốc cháy sáng là phần việc tự nguyện của vợ chồng lão tiều phu ở gần đấy. Lần đầu tiên, dân chúng trong vùng được xem toàn điều lạ. Họ hợp nhau nguyện cầu quanh chiếc bàn thánh được đặt trong một hang đá, ở giữa bầy chiên cừu, bò lừa thật. Trong lễ phục, Phanxicô chia sẻ lời Chúa và thuyết giảng thật say sưa, hùng biện về “ý Chúa muốn được sinh ra trong thân phận khổ nghèo của con người, chỉ vì yêu thương chúng ta”. Từ cái đêm lịch sử ấy, tập tục lành thánh của Phanxicô lan tràn ra khắp thế gian, cho đến tận ngày nay. Còn sự tích về cây Giáng Sinh, cây Noel thì lại bắt nguồn từ một số quốc gia miền Bắc Âu, như Na uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức. Theo truyền thuyết, dân vùng này có thói quen rất sùng kính loài cây sồi, vì họ tin rằng “Mộc Thần” quyền phép này có khả năng thi ân giáng phúc đối với bất cứ ai. Đến khi Tin mừng được rao giảng, người ta đoạn tuyệt với quan niệm phiếm thần trên, bằng cách chặt những cành sồi, đem về trang trí nhà cửa cho đẹp, nhân mùa Giáng Sinh. Từ thế kỷ V theo một truyền thuyết khác, người Hy Lạp rất mê xem vở kịch mang tên Thiên Đường, một khởi đầu về loại hình sân khấu của Thiên Chúa giáo Tây phương. Diễn lại chương trình sáng thế của Chúa từ buổi sơ khai đến khi nguyên tổ bị tống khứ ra khỏi Vườn Thiêng vì cái tội ăn trái cây Thiện ác. Các nhà biên kịch của xứ sở Olympia bèn dựng lên giữa sân giáo đường một cây thật cao lớn, xum xuê, có đính kết nhiều trái chín tròn. Họ xem đó như là cách “thắt nút” câu chuyện, để rồi dẫn dắt công chúng hướng về một đỉnh điểm “mở nút” là hy vọng, trông chờ Vị Cứu Tinh. Cũng Từ Châu Âu, về sau, cây sồi được thay thế bằng cây tùng, cây thông với trái tươi, nến sáng, với những quả bóng thủy tinh và dây kim tuyến đủ sắc màu lung linh.
Chắc hẳn bà con nhà đạo Việt Nam mình xa xưa cũng đã đón mừng Chúa Giáng Sinh theo cung cách riêng của một dân tộc vốn mặn mòi với văn hóa lễ hội. Qua những trang tường thuật bút ký truyền giáo của cha Đắc Lộ, người ta có thể cảm nhận được ít nhiều cái khung cảnh lễ hội về mùa Giáng Sinh đã diễn ra rất sớm ở trong nề nếp sinh hoạt hằng năm của các cộng đoàn đầu tiên ở xứ sở Đại Việt này. Chẳng hạn, năm 1628 ở Thanh Hóa, cha Đắc Lộ viết: “Chúng tôi đã mừng lễ Giáng Sinh hết sức long trọng, nghĩa là chúng tôi bắt đầu rửa tội công khai mấy người tân tòng được tái sinh trong Chúa Ki Tô, vào chính ngày Ngài Giáng Sinh. Hơn nữa, trong đêm Noel, giáo dân tân tòng sốt sắng và hoan hỉ hát các bài ca sinh nhật và những bài ca tôn giáo khác. Mà vì ban đêm, không cho phép phụ nữ vào nhà thờ theo tập tục xứ này, họ đã dậy sớm và tuôn đến nhà thờ rất đông. Chúng tôi giới thiệu ảnh Đức Chúa Giêsu Hài Đồng cho họ bái thờ và tôn kính, mọi người đều tỏ ra xúc động và cảm mến không sao tả được”[1]. Năm 1644, trong tình hình đã manh nha cấm cách khó khăn ở Đàng Trong, đêm Giáng Sinh được cử hành tại nhà riêng của một bổn đạo. Cha Đắc Lộ kể: “Tất cả giáo dân đều háo hức mong tới ngày đại lễ và dọn mình rất sốt sắng. Chúng tôi chọn một thôn chuyên nghề làm muối để hội hợp, mừng kính… Có tới 7.800 giáo dân hội nhau ở đây. Họ quỳ gối, sấp mặt xuống, đôi mắt đẫm lệ. Nửa đêm thanh vắng, tôi cứ tưởng như mình thấy một nguồn ánh sáng phủ vây từ Thiên đàng. Tôi không muốn nói tới nguồn an ủi mà tôi nhận được ở đây. Nhưng tôi đoan quyết rằng trong những ngôi thánh đường tráng lệ nhất, trong những bản nhạc tuyệt vời nhất bên trời Âu, chưa bao giờ tôi thấy có gì tương tự như ở đây: Không ai thấu được, chỉ có người được nếm trải mới biết điều đó mà thôi”[2].
Ngày nay, đã hơn 2000 năm Chúa nhập thể và nhập thế. Làm hang đá dựng cây Noel hoặc thổi xôi, làm cỗ để ăn mừng Chúa Giáng Sinh đã là một cách biểu tỏ, diễn cảm vừa mang tính đức tin của tôn giáo, lại vừa là nhịp thở có thật của đời sống xã hội. Điều đó không chỉ còn là những tập tục mang tính hình thức lễ nghi biệt lập của riêng nhà thờ xứ đạo nữa, mà nó đã tỏa lan ra, thâm nhập thật sâu vào ngõ ngách đời sống thực tế của mọi người, mọi nhà. Thậm chí với hàng loạt chuyển biến – cách tân về kiểu dáng, mẫu mã hiện đại như đèn chớp, trái cây, ngôi sao, hoa tuyết, quà tặng, thiệp mừng, nghệ thuật băng đăng, bánh rượu, tiệc tùng, ông già Noel, lễ hội Noel – Giáng Sinh đã được các nhà tạo mốt – công nghiệp kinh doanh cảm hứng, mượn hơi mượn tiếng để sản xuất, tiếp thị và thu nhập hậu hĩnh từ nguồn khách tiêu dùng khổng lồ. Nói như các nhà làm kinh tế thì chỉ một vụ mùa Noel,vô khối anh chị một bước lên ông, một bước lên bà, lên đại gia chót vót tiếng tăm, bạc tiền nghĩa là cứ bao la như nước biển Đông! Nói chung, bầu không khí Noel – Giáng Sinh đã trở thành một cái trục chủ lực của thời gian, một quỹ đạo cuốn hút tất cả sinh hoạt phải vận hành theo nó, kéo dài suốt một tuần lễ cho đến hết năm. Không những bước sang Tết Dương lịch, mà còn bắc cầu tới tận Tết Nguyên đán cổ truyền của Phương Đông ta nữa kìa.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đức tin đã hóa thân vào nếp nghĩ, nếp cảm và đã thấm đẫm vào cả những tần số rung động của trái tim, của đời thường đang dạt dào vỡ bờ xung quanh ta.
Đêm thánh vô cùng.
Giây phút tưng bừng
Đất với trời se chữ đồng
Đêm nay, Chúa sinh ra chốn hang lừa.
[1] Đắc Lộ. Lịch Sử Vương quốc Đàng ngoài, tr. 129-130.
[2] Đắc Lộ. Hành trình truyền giáo, tr. 160-162.