Tết – giáo xứ tôi

Sau biến cố năm 1975, gia đình tôi về quê ngoại miền sông nước sinh sống, lúc đó giáo xứ tôi chỉ là một họ lẻ. Cha giáo ở Đại Chủng viện Cái Răng được điều về giáo họ tôi và từ đó, cứ mỗi dịp tết tôi lại được hưởng một truyền thống tết rất tốt đẹp, có lẽ ít giáo xứ nào (nếu nói không có) giữ cho đến ngày hôm nay.

Sáng 30 tết, có thánh lễ đồng tế, cha chánh xứ chủ tế. Thánh lễ rất long trọng có ban kèn tây do cha giáo họ quy tụ một số giáo dân lại và tập dợt cho họ. Tối đến, có thánh lễ Giao thừa cha giáo họ dâng. Tôi còn nhớ, hồi đó sau thánh lễ giao thừa là đại diện các đoàn thể và tu sĩ vào chúc tuổi cha và quý dì phục vụ giáo xứ. Sau đó giáo dân về đón giao thừa, đọc kinh gia đình, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời, chúc tuổi ông bà cha mẹ còn sống, rảy nước phép xua đuổi ma quỷ…

Sáng ngày mồng Một tết, thánh lễ long trọng, có thổi kèn tây và đặc biệt là việc chúc tuổi Chúa, Đức Mẹ, thánh Cả Giuse và các Thánh Thiên Thần trước lễ. Ca đoàn hát, cha đến trước ngai tòa Chúa và các thánh quỳ chúc từng vị một. Đối với Chúa thì ngài phủ phục, còn các thánh thì chỉ quỳ gối cúi mình. Ông trùm chánh đại diện cho các thành phần dân Chúa trong giáo xứ sẽ lên chúc tuổi cha xứ, cha phó, quý Cố, quý vị Cao niên, quý tu sĩ nam nữ, quý ban hội đoàn và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện,.. Cuối thánh lễ, mỗi gia đình có một người lên hái lộc Xuân (Lời Chúa), sau đó đại diện các hội đoàn, các giới, các tu sĩ… vào nhà Xứ để cùng với quý Cha tôn vinh Lời Chúa. Ngày Mồng Một tết sẽ có hai thánh lễ buổi sáng vào lúc 5g00 cho người lớn và 7g00 cho các em Thiếu Nhi (có lì xì). Buổi chiều không có lễ, để mọi người có nhiều thời gian hơn đi chúc tết, thăm hỏi, vui xuân bên người thân …

Sang ngày Mồng hai Tết, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Thánh lễ ban chiều sẽ được cử hành ngoài nghĩa trang. Giống như một ngày Hội, con cái khắp nơi trở về bên ngôi mộ của ông bà, cha mẹ, anh chị em mình để cùng dâng lễ, tạ ơn Chúa. Quý Cha là người của giáo xứ, trong ngày này cũng cố gắng về để đoàn tụ với gia đình, dâng lễ và chia sẻ bữa cơm sau thánh lễ.

Sang ngày Mồng Ba tết, ngày cầu nguyện cho công ăn việc làm. Sau cả hai thánh lễ sáng và chiều,có nghi thức làm phép xe. Mọi người, ai nấy tranh thủ mang xe lớn bé đến sân nhà thờ để được quý cha “rảy nước phép”, cầu nguyện cho khi sử dụng các phương tiện giao thông này được bình an.

Truyền thống đó đã được gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày hôm nay, dù đã qua bao nhiêu đời cha xứ. Tôi rất tự hào về truyền thống đó, vì mặc dù Chúa là Vua cao cả, Chúa thời gian thì cần gì chúng tôi phải chúc tuổi Chúa. Nhưng đó lại là tấm lòng của con người những ước mong Chúa luôn sống lâu, sống thọ, sống mãi mãi…bên đàn con nhân loại.

Fiat