Tình Yêu Và Phản Bội

TÌNH YÊU VÀ PHẢN BỘI

      Sống trong Tuần Thánh và đặc biệt Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta cùng nhau suy niệm về một chủ đề: Tình yêu và sự phản bội, để cảm nhận được tình yêu vô tận mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta, cho nhân loại và cũng để ta xét lại cung cách sống, nhìn lại cõi lòng mình.     

      Khi yêu mà bị phản bội, ta mới cảm được nó buốt nhói tới mức nào! Trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng buồn lắm, khi Người thốt lên: “Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy!”(Ga 13, 21) Trước khi thốt lên điều này, thánh sử Gioan mô tả tâm trạng Thầy mình như sau: “Tâm thần Người xao xuyến.” (Ga 13, 21) Chúa biết những người Ngài chọn. Chúa cũng biết giờ của Người đã đến, giờ mà Người trở về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa cũng biết những gì sẽ xảy đến cho Con Người phải được ứng nghiệm, nhưng thà kẻ phản bội này đừng sinh ra thì hơn (x. Mt 26,24-25) Lời nói thẳng thắn của Chúa làm các Tông đồ rúng động, các ông lần lượt hỏi Người: “Thưa Thầy có phải con không?”( Mt 23,22) Hỏi câu đó cho thấy các Tông đồ không ai dám chắc về mình. Dù các ông, chưa ai cảm thấy bị cám dỗ phản bội, nhưng có quyền nghi ngờ về chính mình: một hành động nào đó, một lời nói, một cử chỉ vô tình đã gây ra và đưa đến thảm trạng đáng buồn này!

      Phần Giuđa, ngược hẳn lại, ông đã thỏa thuận bán Chúa với giá 30 đồng, thế mà ông vẫn trơ trẽn hỏi Chúa: Rabbi! Chẳng lẽ con sao?” Chúa đáp lại “Chính anh đó”(Mt 26,25) Câu hỏi của ông vừa nhạt nhẽo vừa diễu cợt! Thái độ trong câu hỏi ấy khác hẳn với tâm trạng buồn bã của những người môn đệ khác. Một điểm nữa, ông chỉ gọi Chúa là “Rabbi”, nghĩa là một vị thầy bình thường như các rabbi khác của Do thái giáo. Tiếng đó khác hẳn với các môn đệ khác “Thưa Thầy có nghĩa là Lạy Chúa. Giuđa không làm được điều mà các môn đệ khác làm, vì “Không ai có thể gọi Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.”(ICr 12,3) Giuđa được Chúa cảnh cáo, nhưng ông vẫn ngoan cố trong tội của mình. Dường như lúc này, ông còn công kênh tội ác như triết gia Niezsche: “Hỡi sự ác độc, hãy là chúa của ta.”

      Mặc dù biết Giuđa rắp tâm phản bội, Chúa vẫn kín đáo tìm cách cảnh tỉnh ông. Khi Chúa đe Phêrô lúc rửa chân cho ông, Chúa nói với Phêrô và còn nhắn thêm “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: Không phải tất cả anh em đều sạch.”(Ga 13, 10-11) Tiếp theo, khi Chúa dạy các tông đồ, phải noi gương Người, rửa chân cho nhau, Chúa cũng đã nói: “Thầy không nói về tất cả anh em đâu.”(Ga 13,18a) Câu này chắc chắn ám chỉ ông Giuđa, vì sau đó Chúa trưng dẫn câu Kinh Thánh: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con.”(Ga 13,18b) Thật đúng như lời Chúa nói: “Kẻ thù của mình lại chính là người nhà.”(Mt 10,36)

      Thánh Gioan nghiêng mình vào ngực Chúa để hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa trả lời:Thầy chấm miếng bánh trao cho ai, thì chính là kẻ ấy.Rồi Người chấm một miếng bánh và trao cho Giuđa. Người Do thái và Hy lạp thường dùng cử chỉ trao bánh để nói lên tình nghĩa thiết. Chúa trao bánh cho Giuđa là cử chỉ nói lên rằng Chúa đã biết mọi sự, nhưng Người vẫn dùng tình thương để mời gọi Giuđa trở về. Chúa biết Giuđa phản bội, bán Chúa, nhưng Chúa vẫn quí trọng tình nghĩa Thầy trò, vẫn vun quén cho tình bằng hữu. Tiếc thay, Chúa mở đường mà Giuđa không trở về; Chúa mở lòng mà Giuđa lại từ chối. Ông đã chọn một lối đi riêng, một lối đi của Satan trong bóng tối: “Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y.”(Ga 13,27) Lần cuối cùng, Chúa gõ cánh cửa lòng sám hối với hy vọng Giuđa nghĩ lại, khi Người nói với ông: “Anh làm gì thì làm mau đi.” Nhưng tiếc thay ông đã không đi mua bất cứ thứ gì cần thiết cho bữa tiệc mà đi bán Chúa. Ông không đi phục vụ, bố thí cho người nghèo mà là đi phục vụ người giàu, kẻ quản kho đền thờ.

      “Giuđa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối.”(Ga 13,30) Tắm mình trong ánh sáng chân lý, gần gũi với Mặt Trời Công Chính, Giuđa không chịu nổi sự dằn vặt của lương tâm soi chiếu vào tội lỗi của mình. Giuđa băng mình vào trong đêm đen. Ông đồng lõa với bóng tối của tội lỗi và Giuđa cảm thấy dễ chịu. Giuđa không phạm tội một sớm hay một chiều. Giuđa đã có những âm mưu. Ông đã có những kế hoạch phạm tội rất cụ thể và chi tiết: về giá cả, về thời gian  và địa điểm, về ám hiệu…(x Lc 22, 3-6; Mc 14,44-45) Chẳng có sự phản bội nào xảy ra trong chớp nhoáng. Tất cả đã có thời gian. Tất cả được cưu mang và thai nghén.

      Như chúng ta đã biết, biến cố quan trọng nhất của Phòng Tiệc Ly là việc Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Nhưng cũng ở đây, chúng ta phải chứng kiến một bi kịch, một phản chứng đó là sự phản bội. Giuđa bán Chúa là một trọng tội, ông không sám hối mà vẫn để tâm hồn tội lụy ấy đón nhận Mình Máu Chúa. Một khối đá khác lại đè nặng trên tội lỗi của ông. Điều tệ hại hơn là ông đã hiểu sai về tình thương và sự tha thứ của Chúa. Trong bữa tiệc, Chúa đâu chỉ nhắc cho Giuđa biết ông phạm tội bán Thầy. Chúa cũng nhắc Phêrô chối Thầy đến ba lần mà. Tuy nhiên, thái độ và phản ứng của hai người sau sa ngã lại hoàn toàn khác nhau. Sự tuyệt vọng đẩy Giuđa đến việc cướp quyền của Thiên Chúa, quyền làm chủ sự sống. Ông đã tự tử. Phêrô biết mình sai phạm, ông dùng nước mắt để nói thay lời kinh sám hối. Và những giọt nước mắt ấy tiếp tục rơi cho đến khi Phêrô chấp nhận chịu đóng đinh quay ngược đầu xuống đất.

      Hành trình đời Kitô hữu của chúng ta không đơn giản. Chúa muốn chúng ta “Từ bỏ mình, vác thập giá mình theo Chúa. Trong khi khuynh hướng tự nhiên của con người là sở hữu hóa. Cuộc sống chẳng bao giờ êm ái và trơn tru  như ta mong. Vì cơm áo gạo tiền, vì cuộc sống mà  nhiều lần ta đã đi sai đường, sống xa Lời Chúa dạy và giới răn Chúa mong muốn ta sống. Những toan tính thấp hèn, những gian trá trong buôn bán, những cách xử thế thiếu yêu thương…. đã là những phản chứng cuộc sống của ta là con cái Chúa và đi xa hơn là những phản bội lại tình yêu mà Chúa đã ban tặng cho mỗi chúng ta.

      Hôm nay, ta hãy dành những khoảng lặng trước Chúa, nhìn thật sâu vào cõi lòng, chúng ta hãy hỏi Chúa: “Lạy Thầy, có phải con không? Nếu có gì sai trái, xin Chúa tha thứ và nâng đỡ giúp ta sám hối sửa đổi. Chúng ta hãy học nơi Thánh Phêrô để xác tín rằng: “Tình thương của Chúa bao la hơn tội lỗi của ta gấp bội phần.Trong cuộc đời Ai nên khôn mà chẳng dại năm bảy lần. Điều quan trọng là sự khiêm tốn và lòng tin tưởng vào tình yêu thương của Chúa dành cho ta “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,11)

                                                                                                                                                Dã Quỳ