Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
Cv 2, 14.22b-33; Lc 24,13-35
Trong năm A, 3 Chúa Nhật mở đầu Mùa Phục Sinh đều qui về một điểm: yếu tố nào giúp cho nhân loại mọi thời có thể an tâm dựa vào đó để tin nhận rằng Chúa Giêsu đã Phục Sinh.
Câu đáp của Chúa Nhật 1A là nhớ lại và hiểu lời Kinh Thánh, của 2A là chứng tá tông truyền của các tông đồ và của cộng đoàn tín hữu tiên khởi.
Ba yếu tố trên được bài đọc 1 hôm nay lặp lại ngang qua lời rao giảng chứng tá của Phêrô và Nhóm 12 trước dân Do Thái vào lễ Ngũ Tuần.
Còn Tin Mừng hôm nay cung cấp thêm một yếu tố nữa: đó là nghi thức bẻ bánh, tức là bí tích Thánh Thể.
Trong bài 1, yếu tố truyền thống, gồm cả truyền thống Cựu Ước, được nhấn mạnh, có vai trò lớn trong việc làm cho Tin Mừng Phục sinh được loan báo cho toàn thế giới.
Thật vậy, bài đọc 1 là lời rao giảng của Phêrô vào dịp lễ Ngũ Tuần. Theo truyền thống Do Thái giáo, đây là dịp mà mọi tín đồ Do Thái, gốc lẫn dân ngoại, từ bốn phương đều kéo nhau về Giêrusalem dự lễ theo Luật (Cv 2,5-11). Nhưng lần này thay vì tụ họp nhau ở Đền Thờ, thì họ lại được “tiếng GIÓ” của Thánh Thần lôi cuốn, đưa họ đến ngôi nhà nơi các tông đồ đang ẩn trú; nhờ đó họ đã chứng kiến được một DẤU LẠ, một HỒNG ÂN là nghe hiểu được lời rao giảng của Phêrô bằng chính tiếng mẹ đẻ về Tin Mừng Phục sinh.
Bài đọc 1 chính là lời rao giảng này, có nội dung như sau:
1/ Thập giá mà Chúa Giêsu phải chịu là kế hoạch từ đời đời của Cha (23)
2/ Nhưng Thập giá không phải là cùng đích mà Cha nhắm tới. Đó chỉ là chặng đường phải vượt qua, đích tới là PHỤC SINH (24)
3/ Dự tính đó của Thiên Chúa được Người tỏ lộ từ xưa cho Đavít.
Phêrô đã áp dụng câu Cv 2,27: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Người phải hư nát” là lời Đavít báo trước về sự phục sinh của Chúa Giêsu (31). Điều đó hàm ý rằng việc Chúa Giêsu phục sinh là ý Chúa Cha.
Vậy truyền thống Do Thái, Lời Kinh Thánh lẫn truyền thống tông đồ Kitô giáo là cái nền vững chắc giúp tín hữu mọi thời an tâm tin rằng Chúa Giêsu thực sự đã phục sinh.
Qua bài đọc Tin Mừng về hai môn đệ trên đường Emmau, một yếu tố mới được bổ sung thêm: Đó là BÍ TÍCH. Tuy nhiên LỜI NGÔN SỨ và SÁCH THÁNH (Lc 24,25-27.32) vẫn là yếu tố NỀN, là CẦU NỐI: Chúa Giêsu đã dùng truyền thống SÁCH THÁNH từ Môsê đến các ngôn sứ để khai tâm mở trí cho hai môn đệ; sau đó được sự trợ lực của DẤU CHỈ BÍ TÍCH, hai ông mới bừng sáng ra nhận rằng Chúa Giêsu đã phục sinh.
Điều mà Tin Mừng muốn nhấn mạnh là: các tiếp xúc thể lý như nghe, nói, thấy, đồng hành suốt chặng đường dài đã không làm cho hai môn đệ nhận ra người đồng hành là Chúa Giêsu; chỉ có LỜI KINH THÁNH do Chúa Giêsu gợi lên là làm cho các ông cảm thấy “lòng bừng cháy lên”(32), nhưng chút “bừng cháy” ấy chưa đủ để giúp nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh.
Chỉ tới khi vào bàn ăn, Chúa Giêsu “Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ”(30), lúc đó hai ông mới nhận ra Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng ngay lúc họ nhận ra Người thì mắt phàm nhân của họ không còn thấy được Người nữa. Vậy tiếp xúc thể lý hoàn toàn không cần thiết để tin. Chính cử chỉ “Bẻ bánh” gợi lại phép lạ nhân bánh và lập Bí Tích Thánh Thể mới mở cặp mắt đức tin của hai ông.
Thế là tức tốc, hai ông quay lại Giêrusalem để loan Tin Mừng. Nhưng khi tới nơi thì hai ông lại nhận được trước Tin Mừng từ cộng đoàn Giêrusalem, khởi phát từ Phêrô: “Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra cho ông Simon”(34). Nền tảng đức tin tông truyền vẫn là Phêrô. BÍ TÍCH liên kết với LỜI CHÚA và TRUYỀN THỐNG TÔNG ĐỒ là ba yếu tố nền để nhân loại mọi thời dựa vào đó để TIN, ĐÓN NHẬN Tin Mừng Phục Sinh và được cứu độ.