Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
Đnl 7,6-11; Mt 11,25-30
Hôm nay, thứ sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội Công Giáo long trọng mừng kính Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. “Thánh Tâm” là cách nói của người Công Giáo dùng để ám chỉ TRÁI TIM của Chúa Giêsu. Đó là biểu tượng tình yêu của Người – là Ngôi Lời Nhập Thể – đối với Chúa Cha và đối với nhân loại (Từ điển Công Giáo- “Thánh Tâm”)
Về mặt lịch sử, việc tôn sùng Thánh Tâm đã có từ xa xưa. Nhiều nhà thần bí như thánh Bênađô Clairvaux (1090-1153), thánh Bonaventura (1221-1274)… thánh Phanxicô Salêxiô (1567-1622)… đã góp phần quảng bá việc tôn sùng này. Nhưng đến thế kỷ XVII, với việc rao giảng của thánh Jean Eudes (1601-1680), và nhất là với những lầm Chúa Giêsu hiện ra trước Thánh Thể để mặc khải cho thánh nữ Maria Magarita Alacoque (1647-1690) thì việc tôn sùng Thánh Tâm mới bắt đầu khởi sắc và phổ biến cho công chúng. Đến thế kỷ XVIII, thánh Grignion Louis-Marie Montfort(1673-1716) mới truyền bá rộng rãi cho dân chúng trong Miền Tây nước Pháp – Dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô IX (1846-1878), việc tôn sùng Thánh Tâm phát triển rộng – Vào năm 1856, theo lời yêu cầu của các giám mục Pháp, Dức Giáo Hoàng mở lễ kính Thánh Tâm ra cho thế giới. Năm 1890, Đứ Giáo Hoàng Léon XIII công bố thông điệp ANNUM SACRUM qui định những nền tảng thần học của việc tôn thờ Thánh Tâm; Và vào cuối năm này, Đức Giáo Hoàng đã long trọng hiến dâng toàn vũ trụ cho Thánh Tâm (Theo Nouvelle encyclopédie Catholique P. 462b)
Qua việc tôn sùng Thánh Tâm, Giáo Hội tôn vinh, thờ lạy Tình yêu, Quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời nói lên lòng biết ơn thẳm sâu đối với Người vì Thiên Chúa đã dùng CON TIM NHÂN LOẠI nơi nhân tính của Chúa Giêsu làm phương thế hữu hình để biểu lộ, thể hiện tình yêu thần linh của Chúa đối với nhân loại và vũ trụ.
Tình yêu Chúa bao la, quyền năng Chúa vô biên luôn tìm ra được phương thức yêu thương, cứu độ con người; Tuy nhiên Thiên Chúa không làm thay, Thiên Chúa không ép buộc chúng ta: Thiên Chúa không miễn trừ cho con người phải mở rộng lòng đón nhận tình yêu của Chúa, làm cho Tình Yêu ấy trở nên như bản tính của con người, sinh hoa kết quả nơi mình: Thiên Chúa dựng nên ta không cần hỏi ý ta, nhưng không thể cứu ta nếu ta không cộng tác (Thánh Âu-tinh). Đường lối đó được Thiên Chúa thực hiện trong suốt dòng lịch sử. Lời Chúa năm A mời gọi chúng ta chiêm ngắm đường lối đó và nhất là hãy mở rộng lòng đón nhận và thực thi trong đời sống của mình.
Thật vậy, bài đọc 1 trích Đnl 7,6-11 là lời khuyên bảo của Môsê dành cho Israel:
* Phần I từ c.6 – c.10 nhắc lại ơn gọi, các đặc ân Chúa dành cho Israel: Vì yêu thương, Thiên Chúa chọn họ làm sở hữu riêng của Người (c.6); Chúa làm thế không vì công nghiệp hoặc thế giá của họ nhưng chỉ vì yêu thương và vì giữ lời đoan hứa với các tổ phụ họ (c.7). Cụ thể Người đã cứu họ khỏi ách nô lệ Ai-cập (c.8). Qua đó Người tỏ mình cho họ biết Người là THIÊN CHÚA TRUNG THÀNH và CÔNG MINH: Chúa sẽ ân thưởng xứng đáng cho nưhnxg ai giữ Giao Ước, yêu mến Người , và trừng phạt những ai chống đối. (cc.9-10)
Từ thực tế ấy,
* Phần II của bài đọc 1, Môsê mời gọi dân hãy tự do đáp trả lại lòng ưu ái của Chúa cho xứng: “Anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết địng mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành. ĐIỀU CHÚA MUỐN LÀ DÂN THUỘC VỀ CHÚA.
Tin Mừng cũng gồm 2 phần:
* Phần I (Mt 11,25-27) là lời ngợi khen Chúa Giêsu dâng lên CHA vì tình yêu bao la của CHA đối với con người, nhất là những kẻ bé mọn: CHA đã mặc khải cho họ biết MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI (11,25-26). Cách thức Cha dùng mặc khải là: QUA TRUNG GIAN CHÚA GIÊSU (11,27)
* Chính vì thế phần II (11,28-30) là lời Chúa Giêsu kêu mời những kẻ đang trong cảnh “vất vả mang gánh nặng nề”, HÃY ĐẾN VỚI NGƯỜI, Vì Người hiền hậu và khiêm nhường; HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA NGƯỜI, vì ách của Người thì êm ái và gánh của Người thì nhẹ nhàng.
Tình yêu lớn lao nhất mà Thánh Tâm Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta là NHẬN BIẾT CHA – Với Chúa Giêsu, mọi gánh nặng của kiếp nhân sinh, Người đã san sẻ, nên những gánh nặng thay vì là những chướng ngại nay trở thành con đường, phương thế đưa nhân loại về lại với CHA. Bí quyết ấy nay được mặc khải cho những “kẻ bé mọn” qua Chúa Giêsu. Thiên Chúa thẩm phán nay xuất hiện NHƯ NGƯỜI CHA.