Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Không gì cho chính tôi ngay trong các mối tương quan của tôi với người khác. Không gì bởi tôi ngay trong đời sống dâng hiến của tôi. Không gì nơi tôi ngay trong lời cầu nguyện và tạ ơn của tôi. Đừng tìm kiếm sự thỏa mãn trong việc phụng sự Chúa của chị. Hãy làm đẹp lòng Thầy nhân lành của chúng ta, hãy vui sướng khi thấy Người được yêu mến và được phụng sự bởi những nữ tử của chị…” (gửi cho Mẹ Guyot, tháng 2/1866)
Lại một lần nữa, cha Eymard đánh bóng một cách hùng hồn khi đề cập đến mầu nhiệm vượt qua trong cuộc đời chúng ta như cha đã khuyên một người con linh hướng khác của mình. Thật ngạc nhiên làm sao khi chúng ta dễ dàng quên đi nguyên tắc tâm linh quan trọng này khi vướng bận vào lo toan của cuộc sống thường ngày. Chỉ những ai được học tập một cách kỹ lưỡng về những nguyên tắc này mới dễ dàng phát hiện ra rằng nguyên tắc quan trọng này đang thiếu vắng nơi cuộc sống của một con người khi họ bắt đầu nói về những khó khăn của mình trong đời sống tâm linh.
Điều đáng chú ý này là cách mà cha Eymard đề cập đến những khía cạnh, trong đó nguyên tắc này cần được áp dụng. Nhìn chung, một người nào đó đang gặp những khó khăn sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt cảm xúc cũng như sự đảm bảo cho bản thân mình qua việc bước vào và tập trung vào những mối tương quan hỗ tương. Vì vậy, chúng ta mong chờ những người bạn tốt để giúp đỡ chúng ta, đặc biệt khi chúng ta xuống tinh thần. Thế nhưng nếu trong những trường hợp ấy, chúng ta có thể làm chủ bản thân mình để không tìm kiếm điều gì cho ‘bản thân’ trong mối tương quan của chúng ta với người khác, thì phần lớn của cuộc chiến sẽ giành được thắng lợi.
Một khía cạnh khác mà Cái tôi cho thấy sự xấu xa của nó đó là những thành tựu của chúng ta thuộc về vật chất hay tâm linh. Khuynh hướng là thủ đắc tư lợi cho riêng mình. Thế nhưng khi chúng ta tự nhủ với lòng mình rằng chẳng có gì mà chúng ta có thể tự mình làm, giống như cành cây không thể tự mình sinh trái, bấy giờ những thử thách của chúng ta sẽ tự động tan biến hết. Nhưng, việc kêu cầu sự cộng tác của Thiên Chúa (hơn cả sự trợ giúp) trong mọi công việc chúng ta làm là một điều gì đó chỉ xuất hiện qua những sự chọn lựa được lập đi lập lại.
Khía cạnh thứ ba mà cha Eymard chọn lựa đó là cầu nguyện, trong đó chúng ta có xu hướng cảm nhận rằng chính chúng ta, và những khởi phát cũng như những hành động của chính chúng ta mới là quan trọng nhất đối với việc cầu nguyện. Thế nhưng, ngay cả một bài suy niệm ngắn cũng sẽ nhắc nhở chúng ta rằng trong việc cầu nguyện, điều chúng ta làm thì không quan trọng bằng điều chúng ta để cho Thiên Chúa làm nơi chúng ta. Chính Ngài là Đấng tạo dáng và đổ khuôn đúc chúng ta, tất cả những gì chúng ta cần làm là trở nên giống như cục đất sét trong tay người thợ gốm. Khi Thần Khí ngự trị trong cuộc đời chúng ta, thì đó là lúc việc cầu nguyện của chúng ta sẽ hiệu quả nhất và sinh nhiều hoa trái nhất. Và cuối cùng, cha Eymard kết thúc lời khuyên của mình bằng việc khẳng định rằng trong mọi công việc của mình, chúng ta chỉ tìm kiếm điều thiện và điều đẹp lòng Cha trên trời của chúng ta, Đấng mà chúng ta phụng sự chứ không phải ai khác… vả lại một điều gì đó rất khó vì dường như chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự phê chuẩn cũng như việc khẳng định của loài người!
Thật là tự do biết mấy khi chúng ta có thể giải thoát chính mình khỏi não trạng cần được người khác phê chuẩn về tất cả những công việc chúng ta làm! Chúng ta thấy mình tự do để suy nghĩ về chính mình, dám thử sức với những cái mới, để cảm nghiệm được sự rung động khi đạt được một thành công mới! Chết đi cho Cái tôi trong tất cả biểu hiện của nó là phương thế duy nhất để đạt được thành công trên đường thiêng liêng hay để loan báo Nước Thiên Chúa, chứ không phải của chính chúng ta! Và đó chẳng phải là một biểu hiện của sự thăng tiến và sự trưởng thành về đường thiêng liêng sao?!