Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy ở lại trong nhà Chúa, trong sự nhân lành của Người Cha, giống như một đứa trẻ chẳng biết sự gì cả, chẳng làm gì cả, chỉ biết phá hỏng mọi thứ, nhưng biết cư ngụ trong sự tốt lành này.” [Gửi cho Bá tước D’Andigne, tháng 3/1865]
Cha Eymard bắt đầu lời khuyên này bằng việc lặp lại lời mà chính Chúa Giê-su đã nói trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly “Thầy là cây nho thật, anh em là cành… hãy ở lại trong tình yêu của Thầy… nếu anh em không ở lại trong Thầy và Thầy không ở lại trong anh em, anh em sẽ không thể sinh hoa trái” (Ga 15,5-9). Chúng ta nhớ rằng việc ở lại muốn nói đến một điều gì đó mang tính vĩnh viễn chứ không chỉ đơn thuần là việc ghé thăm nhà. Nó hàm ý rằng chính chúng ta ở lại trong nhà của Thiên Chúa và không cảm thấy xấu hổ hay e thẹn trước mặt Ngài. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta biết chấp nhận địa vị là con cái Thiên Chúa bằng cả tấm lòng. Qua Giao ước, Ngài tự ý trao tặng cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài.
Khi chúng ta nhận ra rằng không chỉ ở mức độ trí tuệ nhưng chủ yếu là ở mức độ cảm xúc, sự yếu đuối cũng như những thất bại của chúng ta không làm cho tình yêu Thiên Chúa xa rời chúng ta; thay vào đó sự yếu đuối của chúng ta sẽ kéo Ngài đến gần với chúng ta, vì Ngài hoàn toàn biết rằng chúng ta không thể tự giúp mình bằng chính sức lực của mình, bấy giờ chúng ta không việc gì phải sợ hãi cả. Thiên Chúa không ngạc nhiên hay xấu hổ vì những thất bại của chúng ta, nhưng mỗi một sự giới hạn của chúng ta sẽ kéo Ngài đến gần chúng ta hơn. Như Ngài đã hứa trong sách ngôn sứ I-sai-a chương 40: ‘Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt’ (40,11). Sự dịu dàng và lòng nhân hậu của Ngài ở chỗ ‘cây lau bị giập, không nỡ bẻ gãy. Tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi’ (Is 42,3). Trong thực tế, chính chúng ta là người biết rõ nhất sự yếu hèn của mình vì chúng ta tưởng tượng ra rằng những thất bại của chúng ta sẽ làm cho chúng ta ít biết đón nhận người khác và thậm chí là cả Thiên Chúa nữa!
Vả lại, ở đây chúng ta nhận ra âm mưu xảo quyệt của Cái Tôi. Chúng ta tin rằng chúng ta phải tuyệt đối hoàn hảo trước khi chúng ta có thể chấp nhận người khác, kế đó chúng ta tưởng tượng ra rằng Thiên Chúa, Cha của chúng ta, cũng như thế. Mặc dù đã bao lần và bằng nhiều cách thức tuyệtvời, Thiên Chúa cảnh tỉnh chúng ta rằng chúng ta được Ngài yêu như chúng ta là, nhưng đôi lúc chúng ta chối từ để tin, vì thế mà làm cho cuộc đời mình trở nên buồn tẻ và luôn bận tâm để trở nên hoàn hảo! Ý tưởng về sự ở lại an bình trong nhà Chúa được khắc họa trong Thánh vịnh 131: ‘Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi. Đường cao vọng chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu. Hồn con, con vẫn trước sau. Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui.’ (1-2).
Thật là một sự khuây khỏa khi có được niềm tin vào tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng ta. Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su chỉ ra cho chúng ta niềm hạnh phúc của cách làm này qua chính cuộc đời của chị. Nếu việc thực hành này là một ân huệ, thì nó cũng cần một sự trau dồi chăm chỉ từ phía chúng ta. Và phần hay nhất của câu chuyện chính là Chúa, trong sự nhân lành, sẽ ban cho chúng ta những cơ hội thuận lợi để phát triển nghệ thuật chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa về những gì xảy đến cho chúng ta, vì chúng ta xem nó như một ơn lành ngay cả khi nó xuất hiện như một điều gì đó tiêu cực và đau khổ. Hơn nữa, chúng ta càng chúc tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, chúng ta lại càng sẵn sàng và hớn hở để dâng hiến chính mình cho bàn tay yêu thương của Ngài.