Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy cầu xin để chúng ta có thể trở nên những môn đệ đích thực cho tình yêu của Đức Giê-su Ki- tô, để một ngày kia chúng ta trở nên những tông đồxứng đáng” [Gửi cho A.Adele de Revel de Nesc, tháng 5 năm 1856]
Có lẽ đóng góp vĩ đại nhất của cha Eymard cho Giáo Hội vào thời của ngài chính là sự nhấn mạnh có tính kiên định và bền bỉ của chavề Tình Yêu như một thực tại cốt yếu của đời sống Ki-tô giáo. Để hiểu được giá trị cao cả của quan niệm này của ngài, chúng ta cần nhớ lại đời sống tinh thần của Ki-tô hữu trong những thế kỷ 18-19. Sau cuộc Cách mạng Pháp, hầu hết mọi người dường như ‘vô tình vất bỏ cái quý giá trong đống lộn xộn cần vất đi’. Dân chúng được giáo dục rằng “vương quyền của những vị vua” cai trị người nghèo bắt nguồn từ chính kế hoạch của Thiên Chúa như đã được Hội Thánh dạy. Điều này gây ra một phản ứng thô bạo chống lại Thiên Chúa và tất cả những việc thực hành của đạo Công giáo. Vì thế, theo sau cuộc cách mạng này, có hai khuynh hướng trái ngược nhau nảy sinh nơi những Ki-tô hữu.
Khuynh hướng thứ nhất chính là xa lánh mọi hình thức tôn giáo và điều khiển thế giới bằng những nguồn nhân lực mới được hình thành, nhiều khía cạnh của khuynh hướng thứ nhất này được liên kết với Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Có lẽ, nạn nhân chính của sự biến động đột ngột này chính là nước Pháp, một đất nước được biết đến với tên gọi “trưởng nữ của Hội Thánh!”. Phần lớn dân chúng Pháp đã từ bỏ mọi thứ liên quan đến Thiên Chúa và tôn giáo. Khuynh hướng thứ hai được xem như một phản ứng chống lại thái độ của những người theo chủ nghĩa thế tục gây ra nơi một vài Ki-tô hữu trung thành xu hướng đối nghịch của việc “đền tội” cho tất cả tội lỗi của thế gian! Khuynh hướng tán thành việc khổ chế thân xác và đền tội sau này chịu ảnh hưởng của lạc giáo Jasenis vốn bao trùm khắp Hội Thánh. Cụ thể, lạc giáo này cổ võ một đời sống đền tội nghiêm khắc với việc chú trọng đến những việc hành xác được thực hiện chủ yếu trong việc đền tội.
Lớn lên trong bầu khí tinh thần mang tính tiêu cực này (gia đình của cha chịu ảnh hưởng sâu đậm của bầu khí ấy), thật là kinh ngạc khi cha Eymard, ngay từ những giai đoạn đầu của cuộc đời, đã có thể xa tránh những khuynh hướng tinh thần lầm lạc này và cổ võ việc thực hành tích cực của tình yêu như một điều duy nhất có tầm quan trọng. Nhận ra những dư thừa to lớn này, cha đã phải chống trả lại, cha đã tìm kiếm những người sẵn sàng trở nên những môn đệ đầu tiên, được đào luyện nhờ Tin Mừng để đạt đến tình yêu. Chính những người môn đệ mà cha hy vọng này sẽ ra đi và trở thành những tông đồ của tình yêu, loan truyền ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
Sự hiểu biết của cha Eymard vềvai trò thiết yếu của tình yêu là một điều gì đó đặc biệt và khác biệt mà cha phải đem đến cho thế gian, ngay cả khi điều đó không mới mẻ gì cả. Chính cha đã dựa vào Kinh Thánh, đáng chú ý là những tác phẩm của thánh Gioan và thánh Phao-lô. Thật là tuyệt vời nếu ngày nay chúng ta, những tu sĩ Thánh Thể, cũng có những điều đặc biệt và khác biệt để đem đến cho thế giới công nghệ cao và đang từng bước toàn cầu hóa của thế kỷ 21 này! Phải chăng chúng ta đang có được sự hiểu biết sâu sắc về bản tính nội tại của Thiên Chúa vốn là câu trả lời thích hợp nhất cho những vấn nạn của thời đại chúng ta?