Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 01 ngày 05

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ         

 

(Sắc lệnh Tán thưởng của Đức Thánh Cha Pi-ô IX, năm 1859)

“Giờ đây chúng ta sẵn sàng chuẩn bị cho hai nhiệm vụ lớn của Hội dòng, đời sống chiêm niệm… và đời sống hoạt  động của lòng hăng say đối với Thánh Thể… nói một cách đơn giản, đó là thắp lên lửa Thánh Thể nơi mọi tâm hồn.” [Gửi cho Ma-gơ-rít đờ la Bu-in-lơ-ri, tháng 6/1856]

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su phán rằng “Thật, tôi bảo thật các ông, người Con không thể tự mình làm điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha thương mến người Con và tỏ cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn tỏ cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5,19-20). Chính Đức Giê-su đã đề cập đến hai khuynh hướng này trong cuộc đời của Người, nghĩa là trước tiên Người nhìn, quan sát, cảm nếm những gì Chúa Cha làm, sau đó trong suốt sứ vụ ở dương thế, Người cũng làm giống như vậy. Chúa Cha luôn là nguồn mạch và cội nguồn cho tất cả những gì chúng ta là và làm.

Vì thế chẳng ngạc nhiên khi người tu sĩ Thánh Thể cũng phải lưu ý đến hai chiều kích này trong cuộc đời dâng hiến của mình: chiều kích chiêm niệm, qua đó bằng một ‘cái nhìn của tình yêu’, người ấy kín múc tất cả những gì chính Chúa Cha làm, và sau đó là đến chiều kích hoạt động mà qua đó người ấy dập theo cùng một khuôn mẫu công việc của Chúa Cha. Cách làm này mời gọi chúng ta thể hiện phẩm chất cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt là thời giờ chúng ta dành để cầu nguyện trước Thánh Thể. Lối cầu nguyện này, không giống với những hình thức cầu nguyện khác của Ki-tô giáo, phải là một điều gì đó đặc biệt. Việc cầu nguyện này bao gồm ngợi khen, thờ lạy, thống hối, tôn thờ, xin ơn,… việc cầu nguyện này tốt nhất khi, giống như cô Maria, chúng ta ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe tất cả những gì Người nói với chúng ta. Những điều huyền bí cao trọng này tóm kết trong một cụm từ: ‘cái nhìn của tình yêu!’

Trong việc cầu nguyện này, lắng nghe quan trọng hơn là nói. Đây là thái độ của người môn đệ đích thực ngồi dưới chân Thầy để học hỏi từ Thầy. Đối với chúng ta, những tu sĩ Thánh Thể, việc cầu nguyện trước Thánh Thể của chúng ta là một bầu khí mà qua đó chúng ta học được ‘những bí mật của Nước Thiên Chúa’ (Mc 4,10-11) chỉ được mặc khải cho những ai thiết lập tương quan bạn hữu thân thiết với Đức Giê-su. Và ngày nay, nếu chúng ta không có một điều gì đó ‘đặc biệt’ để chia sẻ với người khác, thu lượm được từ sự gần gũi của chính chúng ta với Chúa, chúng ta sẽ chỉ đơn giản lập lại những cụm từ nhàm chán mà người khác đã nói và đã dạy, như thanh la phèng phèng hay chũm chọe vang rền! Và sẽ chẳng có nhiều uy lực nơi những gì chúng ta chia sẻ! ‘Hạt giống’ chân lý duy nhất mà bản thân chúng ta nhậntrực tiếptừ trái tim Thầy, có thể nói như vậy,thì giá trị hơn ngàn lời nói khác được vay mượn từ nhiều tác giả, không quan trọng họ thông minh thế nào, và đó là điều chúng ta sẽ chia sẻ cho người khác một cách hiệu quả.

Khi chính chúng ta suy niệm về những ý tưởng cá nhân thâm sâu này, bấy giờ chúng ta sẽ chuyển trao những ý tưởng ấy cho người khác. Mặc dù được diễn tả bằng những từ ngữ đơn giản, những chân lý này lại chứa đựng một sức mạnh nội tâm và thánh thiện lôi cuốn mọi người- không phải chúng ta, nhưng là tác giả của những chân lý này, là chính Đức Giê-su. Cha Eymard đã luôn luôn nói bằng những ngôn ngữ đơn giản, ngôn ngữ của con tim hơn là bằng những cụm từ và thành ngữ uyên bác thường chỉ kích thích đến đôi tai nhưng ít đụng chạm đến cõi lòng! Người ta có thể và cảm nghiệm được sức mạnh này chỉ khi có một sự chết đi thật sự cho Cái Tôi nơi chúng ta.