Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 01 ngày 16

Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ     
      

  “Vậy đây là điều mà tôi phải trở nên cho anh em và những người láng giềng của tôi, đó là lời của Đức Ki-tô” (x. Cl 3,16) [Ghi chú cá nhân, tháng 5/1845]

Lời của Thiên Chúa mang theo sứ điệp sự sống  vĩnh cửu (Ga 6,68): Lời ấy soi sáng chúng ta về mục đích của cuộc đời chúng ta, nhắc nhở chúng ta về cội nguồn của mình và đảm bảo cho chúng ta vận mệnh sau cùng trong vương quốc tình yêu của Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta không bao giờ có thể quên được rằng Lời của Thiên Chúa đã trở thành xác phàm nơi Đức Giê-su, Đấng cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Những ai đón nhận Người thì trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa! Hơn nữa, Lời của Thiên Chúa không chỉ nuôi dưỡng chúng ta, Lời ấy còn xoa dịu nỗi đau trong những lúc buồn phiền của con người cũng như hướng dẫn họ trong lúc bối rối. Và khi cũng những con người này trở nên tự mãn và quá tự tin, Lời sẽ không an ủi và không  ở lại nơi họ để đem họ trở về với Người. Hơn nữa, Lời sẽ linh hứng và thúc đẩy mọi người dâng hiến phần tốt nhất của mình ngay trong những tình cảnh khó khăn (Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước… Tv 109,105).

Quan điểm của cha Eymard dường như là: cũng như Lời đã trở nên xác phàm và mặc lấy hình dạng con người để tiếp tục thực hiện tất cả những gì mà lời Kinh Thánh muốn ám chỉ tới cho dân Thiên Chúa, thì cha (Eymard) cũng sẽ trở nên lời được hóa thành nhục thể cho con người của thời đại cha. Cha coi mình như được mời gọi để ‘biểu hiện’ tình yêu, lòng trắc ẩn, sự quan tâm và sự tha thứ của Thiên Chúa cho dân Ngài, để chuyển những nhân đức thành những hành động sống động. Sự hiểu biết này của cha là có nền tảng, vì con người được thúc đẩy để hành động nhờ vào những mẫu gương được linh hứng hơn là những ký tự lạnh lùng của một cuốn sách! Vì, khi một ai đó đạt được một sự hiểu biết mới mẻ về thực tại thông qua những cuộc chiến đấu và nỗ lực của chính mình cũng như chia sẻ điều ấy cho người khác, thì lời chứng của người ấy sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Cha Eymard ao ước đem sự trợ giúp này đến cho những người cùng thời với cha.

Lý do là, vào thời cha Eymard, chắc chắn Sách Thánh không được người ta dễ dàng đón nhận như ngày nay, cũng như là không có nhiều sách chú giải và những trợ giúp mà chúng ta có sẵn như ngày nay. Vì thế, một sứ giả nhân loại sẽ trở nên tất cả những gì hữu ích hơn và cần thiết hơn trong thời đại của mình. Cha không chỉ muốn trở nên một điều gì đó cho con người trong thời đại cha, nhưng cha còn ao ước mỗi một tu sĩ thuộc hội dòng của cha cũng sẽ hành động tương tự như vậy. Nói tóm lại, cha sẽ làm cho mỗi người trở thành một ‘Tin Mừng sống’ để tất cả mọi người đều có thể đọc – không nghi ngờ gì nữa, đó là một ý tưởng cao siêu và cũng là một thách đố lớn lao!

Điều hiệu quả nhất đối với con người đó là chính vị tông đồ thực hành điều mà ngài giảng dạy cho người khác. Việc thực hành của ngài không chỉ là một sứ điệp về niềm hy vọng cũng như sự an ủi mang tính cách cá nhân, nhưng là một lời đem lại sự sống. Sứ điệp của Thiên Chúa chính là vấn đề sự sống và sự chết. Đây là điều tạo nên sự khác biệt giữa một Mục Tử Nhân Lành với một kẻ làm thuê, một khí cụ hăng hái với một người chỉ biết làm theo sở thích riêng. Thường thì người ta sẵn sàng trở nên Lời cho người khác bao lâu họ biết đón nhận và tỏ lòng biết ơn. Nhưng sẽ như thế nào nếu những người thụ nhận không phải là những người biết ơn? Chẳng phải một kinh nghiệm như vậy sẽ dập tắt lòng hăng hái của người tông đồ hay sẽ khiến anh ta phải quyết định tìm những phương tiện tốt hơn để tiếp cận họ bằng sứ điệp sự sống? Một người môn đệ và người tôn thờ đích thực sẽ loan truyền sứ điệp của Thiên Chúa vì niềm vui khôn tả là có thể đóng góp phần nhỏ bé của mình cho Nước Trời mau đến chứ không phải vì điều gì khác!