Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Tình yêu tự bản chất là sự chiêm niệm.”
Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta yêu thương vì Người đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Nói cách khác, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết tình yêu chân thật là gì nếu tiên vàn Thiên Chúa không tuôn đổ tình yêu vô điều kiện và vô biên của Ngài xuống trên chúng ta. Chính nhờ tình yêu này mà chúng ta có thể hưởng nếm và đánh giá được những chiều sâu vĩ đại hơn, thậm chí tình yêu ấy còn dẫn chúng ta đến với những người khác, giúp chúng ta biết quảng đại chia sẻ tình yêu ấy với họ vì chính chúng ta đã nhận được tình yêu ấy. Tân Ước cũng nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu đích thực luôn luôn phải là vấn đề của hành động chứ không chỉ là những lời nói. Bởi lẽ, nói lời yêu thương thì rất là dễ. Tuy nhiên, thử thách của tình yêu luôn luôn là lò luyện của đau khổ và là sự hy sinh bản thân mà chúng ta muốn dành cho người khác. Vì thế, hành động sẽ chứng tỏ sự chân thành và chiều sâu của tình yêu nơi chúng ta.
Quả vậy, dù sao đi nữa, tất cả những điều này không mâu thuẫn với điều cha Eymard nói: tình yêu tự bản chất là sự chiêm niệm. Ở đây, cha đang đề cập đến vấn đề là: làm thế nào để một người đạt được thứ tình yêu có sức biến đổi ấy. Không nghi ngờ gì, chính Thiên Chúa Cha, Đấng đã tuôn đổ tình yêu của Ngài xuống trên chúng ta nhờ Thần Khí của Ngài ngự trong chúng ta (Rm 5,5). Thế nhưng, Thần Khí, mặc dù ở trong chúng ta, sẽ không ép buộc chúng ta phiêu lưu trong tình yêu. Ngài linh hứng cho chúng ta và điều này mở rộng ra là chúng ta ‘chiêm ngắm’ sự hiện diện, bản chất và những hiệu quả của tình yêu tuyệt vời của Chúa Cha đến nỗi chúng ta được linh hứng để cho tình yêu ấy tuôn chảy trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta. Chúng ta càng kín múc những đường lối yêu thương tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho chúng ta khi chúng ta chiêm niệm trong sự thinh lặng thâm sâu và tĩnh tại, chúng ta lại càng muốn bắt đầu bước đi trong đường lối yêu thương của Ngài. Sự chiêm niệm này giống việc lập trình máy tính là chính con người nội tâm của chúng ta. Khi phần mềm được cài đặt, có thể nói như vậy, tất cả những gì cần, đó là: một cơ hội thích hợp và một sự mô phỏng hợp lý- và sự đáp trả nội tâm sẽ mau chóng xảy ra.
Khi những người khác nhận ra ‘hoa trái’ này phát sinh mà không cần nhiều nỗ lực, thì điều đó có thể xem như là kết quả nỗ lực của con người. Thực ra, không có gì ngoài hoa trái của việc chiêm niệm, trong đó người ta vẫn thinh lặng và vẫn ở trước Nhan Đức Chúa khi Ngài ‘hoạt động’ nơi con người nội tâm của chúng ta. Khi chúng ta vẫn tiếp tục giữ được sự thinh lặng và tĩnh tại, nhiều kết quả tích cực sẽ đạt được trong việc cầu nguyện hơn là hàng loạt những hành động khác. Chúng ta càng dành nhiều thời giờ và sự tĩnh lặng cho Ngài, thì sự biến đổi mà Ngài có thể và sẽ đạt được nơi chúng ta sẽ càng lớn. Và quả thực đó là lý do vì sao tất cả những ai được trao phó những công việc khó khăn sẽ cần nhiều giờ chiêm niệm để dâng lên những thành quả của mình cũng như là để làm đẹp lòng Thiên Chúa; nếu chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình, họ sẽ không thể tiến xa được.
Lời đề nghị của cha Eymard, đó là: tình yêu tự bản chất là sự chiêm niệm. Thế nhưng sự năng động trong việc diễn tả lời đề nghị này quả là chân thực! Đối với một bức tranh hoàn hảo, cả hai khía cạnh này cần được giữ trong chiều hướng năng động với nhau, một nhiệm vụ khó khăn không thể đạt đến thành công nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa cũng như không có nhiều giờ kiên trì và nỗ lực thực hành!