Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 02 ngày 14

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

 Hãy thuộc trọn về Chúa nhờ vào tình yêu, thuộc trọn về tha nhân của con nhờ vào đức ái, thuộc trọn về Thánh Thể qua việc dâng hiến và hy sinh toàn thể cái tôi của con.” [Gửi cho bà Stephanie Gourd, tháng 10/1859] 

Mặc dù vào thời đại của cha Eymard, quan niệm về Giao ước mà qua đó Thiên Chúa khao khát đến với toàn thể nhân loại đã không được biết đến hay chú ý tới, thế nhưng cha, qua việc dành nhiều giờ để cầu nguyện, đã có thể khám phá ra rằng đây là điều làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Cha không dùng thuật ngữ ‘giao ước’ nhưng quan niệm ấy chắc chắn có trong thời đại của cha! Thực ra, vào thời đại của chúng ta, chúng ta có thể nói, đặc biệt sau Công đồng Vaticano II rằng đây là ý định ban đầu mà Thiên Chúa có trong đầu khi tạo dựng con người chúng ta theo hình ảnh và chân dung của Ngài, để chúng ta bước vào mối tương quan tình yêu và sâu đậm với Ngài một cách tự do và có ý thức. Với việc sử dụng hợp lý trí khôn của mình, chúng ta khám phá ra sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa bao nhiêu có thể, và với khả năng của ý chí tự do, chúng ta chọn lựa mức độ của tương quan tình yêu và sống tương quan ấy. “Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là Dân của Ta!” chính là cách diễn tả mối tương quan này của Thiên Chúa trong Kinh Thánh.

Vì thế, từ trong sâu thẳm của mỗi người, có một sự thôi thúc nồng cháy để thuộc trọn về Chúa. Thánh Phao-lô nhấn mạnh điều này:“Chúng ta không sống cho chính mình, cũng như không chết cho chính mình. Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết là chết cho Chúa; vì thế dù sống hay chết, chúng ta cũng thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8). Thế nhưng, cùng lúc ấy, thật là nghịch lý, khi có một nỗi sợ hãi khó hiểu và sự cẩn trọng vì nếu thuộc trọn về Ngài, chúng ta sẽ đánh mất đi quyền làm chủ trên đời sống của chính mình. Đây là sự ảo tưởng khiến chúng ta bám vào Cái Tôi, thậm chí khi chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì Cái Tôi có thể đem lại cho chúng ta thì đau đớn và khổ đau hơn nhiều. Bấy giờ, không cần phải băn khoăn khi biết rằng ngay từ lúc khởi đầu việc rao giảng, Đức Giê-su đã thúc giục các môn đệ ‘từ bỏ chính mình… nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi… ai không từ bỏ cha mẹ… thậm chí cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được’ (Mt 10,37; 19,5; Ga 12,24). Không chỉ dừng lại ở lời giáo huấn này, Đức Giê-su còn để lại cho chúng ta mẫu gương tuyệt hảo về chính cuộc đời của Người, được đúc kết một cách thuyết phục trong thánh thi: “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; trút bỏ vinh quang… vâng lời… cho đến nỗi chết, chết trên thập  giá” (Pl 2,5-11). Việc hoàn toàn trút bỏ chính mình của Đức Giê-su đã đưa Người đi vào mối dây liên kết không thể diễn tả được với Chúa Cha: ‘Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người… và ban tặng một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…’

Tuy nhiên, theo một cách thức riêng biệt, cha Eymard còn đi xa hơn. Dù chúng ta thích hay không thích, chúng ta vẫn hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Điều mà cha Eymard thêm vào, đó là: chúng ta tái khẳng định điều này một cách có ý thức và bằng tình yêu. Vì chính tình yêu sẽ tạo nên sự khác biệt và tạo ra giá trị vô biên đối với việc hy sinh chính mình của chúng ta! Và nhiều lần cha đã diễn tả ở nhiều chỗ khác rằng tình yêu bao hàm sự phóng đại. Cha cũng nắm bắt được khía cạnh kép của tình yêu: Nếu tình yêu là chân thật thì tình yêu ấy phải mở ra với Thiên Chúa cũng như với tha nhân, tình yêu ấy phải nối kết với Thánh Thể và với việc trao ban chính mình trong sự hy sinh đầy yêu thương!