Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 02 ngày 16

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

 Thiên Chúa đã cùng chung chia với cuộc sống của con người, công việc của con người cũng như lương thực của người nghèo” [ ]

Khi bàn về Giao Ước, người ta thường nhấn mạnh đến chân lý, đó là: Chúng ta, những con người bình thường, được mời gọi để chia sẻ sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nói chung chúng ta không dừng lại để suy xét đến khía cạnh khác của chân lý này, đó là: Thiên Chúa cũng hoàn toàn chia sẻ cuộc sống tầm thường của con người chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái khẳng định điều này một cách mạnh mẽ khi nói: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, nhưng Người đã chịu thử thách về mọi phương diện y như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi là Người không hề phạm. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để lãnh nhận lòng thương xót và tìm thấy ân sủng hầu được trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,15-16).

Một khía cạnh khác mà chúng ta cần suy xét cẩn thận và lâu dài, đó là: khi chúng ta cam kết để chia sẻ sự sống của Thiên Chúa trong và qua các Bí Tích, thì chính Thiên Chúa cũng cam kết gìn giữ chúng ta cũng như niềmhạnh phúc của chúng ta một cách chân thật và tín thành. Kết quả của bản cam kết qua lại này chính là việc chúng ta không bao giờ có thể xem mình như một cá thể “đơn lẻ” hay những đứa con mồ côi như Chúa Giê-su đã nói. Thiên Chúa đến để nâng đỡ chúng ta đặc biệt khi chúng ta gặp thử thách vì danh Người. Trong sách ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa nhắc nhở dân Người: “Người đàn bà lại có thể quên đứa con của mình, hay không tỏ lòng thương xót đến đứa con mình cưu mang sao? Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì Ta vẫn không quên ngươi. Hãy xem, Ta đã khắc tạc các ngươi vào lòng bàn tay của Ta” (49,15-16).

Thiên Chúa chia sẻ rất nhiều với nhân loại, cụ thể: Người sống gần gũi với những người nghèo và những tấm lòng tan vỡ, thật là chính đáng vì những con người này không được ai bênh đỡ và bảo vệ quyền lợi cho họ! Thiên Chúa trở thành người bạn đồng hành, người thân máu mủ ruột thịt ràng buộc về trách nhiệm để đến hỗ trợ khi bị bách hại hay chà đạp. Dù những người thân thuộc đôi lúc quên chúng ta hay thậm chí bỏ rơi chúng ta trong hoàn cảnh bi đát đi nữa, thì không bao giờ có thể tưởng tượng rằng Thiên Chúa lại làm điều đó. Người là Đấng trung thành. Ý tưởng này thật mạnh mẽ biết bao khi chúng ta nhớ lại rằng có nhiều lúc trong cuộc sống của con người, họ cảm thấy mất tin tưởng, bị công kích từ nhiều phía cũng như bị mọi người loại trừ. Đấng Cứu Độ chúng ta luôn trung thành với lời cam kết của Người, và sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta mỗi khi chúng ta cần. 

Mỗi Ki-tô hữu được sai đi vào trần gian này như một sứ giả và một chứng nhân cho lòng trung thành của Tình Yêu Thiên Chúa. Nhưng trước khi chúng ta có thể loan báo điều này cho người khác, thì chính chúng ta cần phải cảm nghiệm điều đó trước để chúng ta thực sự sống điều chúng ta loan báo. Quả thực, đây là thách đố đối với mỗi người “tôn thờ” thực sự để có được tình yêu và lòng dũng cảm. Họ phải là người đầu tiên vượt qua chính mình cũng như những nghi kỵ và sợ hãi ẩn tàng từ bên trong. Được trang bị bằng chính tình yêu trung thành này, những lời của họ sẽ đem lại sức mạnh và sự an bình cho những ai đang gặp đau khổ, đặc biệt khi họ có ý định quên lãng hay xem nhẹ những lời đảm bảo của Thiên Chúa. Người tôn thờ đích thực trở nên cuốn Tin Mừng sống cho tất cả mọi người để đọc thấy lòng trung thành của Thiên Chúa đã được thể hiện qua đời sống của mình! Đời sống của người ấy là một sứ điệp sống động được loan báo cho tất cả những ai chăm chú lắng nghe: “Ai có tai thì hãy nghe” (Mc 4,3-9).