Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
– Lv 13,1-2.44-46; Mc 1,40-45
Lời Chúa của Chúa Nhật 6B Mùa Thường Niên tiếp tục đề cập đến vấn đề nỗi thống khổ của con người trước những bất hạnh gặp phải trong cuộc sống của kiếp làm người. Lần này chủ đề hẹp hơn, chỉ qui về một căn bệnh đặc biệt duy nhất: BỆNH PHONG CÙI.
Nỗi bất hạnh mà căn bệnh này mang lại cho bệnh nhân thật lớn lao, đáng sợ: – thể xác đớn đau đã đành – về mặt luân lý xã hội, họ bị coi là kẻ tội lỗi và bi Chúa phạt – hơn nữa về mặt tôn giáo xã hội họ bị công khai loại trừ ra khỏi cộng đoàn: phải sống cách ly với mọi người, hoàn toàn bị cô lập.
Xã hội lẫn tôn giáo đều đưa ra những qui chế nghiêm cấm người cùi tiếp cận với cư dân bình thường, họ bị buộc phải cách ly, ra ở một nơi riêng biệt bên ngoài trại. Như thế đồng nghĩa với việc họ không được tham dự phụng tự với cộng đoàn, không được gặp gỡ thờ phượng Thiên Chúa trong các nghi thức tế tự công cộng.
Theo cái nhìn của người Do Thái, chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được bệnh cùi (Ds 12,13-16; 2V 5,7) hoặc vị ngôn sứ được Chúa ban quyền mà thôi (2V 5,8). Do đó, việc chữa lành bệnh cùi là một trong những dấu chỉ khai mạc thời thiên sai (x.Mt 10,8; 11,5; Lc 7,22). Và việc chữa lành bệnh cùi không chỉ đơn giản là khôi phục lại tình trạng khỏe mạnh thể lý mà còn phải được bổ sung thêm bằng nghi thức trình diện tư tế để được vị này công bố là bệnh nhân đã được đã được sạch và được hội nhập với cộng đoàn xã hội và tôn giáo.
Vậy việc chữa lành bệnh cùi không chỉ giải phóng bệnh nhân khỏi những khổ đau thể xác mà còn là phục hồi tinh thần và nhất là đưa họ tái hòa nhập vào cộng đoàn, được cùng toàn dân Chúa đến trước thiên nhan ca tụng Thiên Chúa. Đây quả là một cuộc giải phóng toàn diện chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được, hoặc những nhân vật vĩ đại như Môsê, Êlia. Do đó việc chữa lành bệnh cùi được xem là dấu chỉ vững chắc giúp nhận ra được Đấng Mêsia.
Bài đọc 1 chỉ đề cập đến vài qui chế để xác nhận một người có thật sự bị cùi hay không. Đó là vai trò của tư tế. Sau khi tư tế xác nhận thì bệnh nhân trở thành ô uế; họ phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên “Ô uế! ô uế!”, và bị tách riêng ra ở bên ngoài trại. Xã hội tôn giáo chỉ đưa ra được qui chế xác nhận ai bị cùi, chứ không có một cách thức nào để trợ giúp, an ủi họ. Chỉ trong Chúa Giêsu, họ mới được hồi phục trọn vẹn về thể lý, phẩm giá con người lẫn tôn giáo.
Bài Tin Mừng của Máccô thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một anh cùi, rồi sai anh đi thực hiện những gì luật Môsê đã dạy để được hội nhập lại với cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên trong trình thuật này có vài nét “tin mừng” chúng ta cần lưu ý tới:
– Cái gì đã khiến anh bị cùi trong đoạn Tin Mừng này đã dám cả gan vượt qua luật cấm để đến gặp Chúa Giêsu, quì xuống van xin Người?
– Cái gì đã khiến Chúa Giêsu không sợ những “ô uế” do luật qui định để dám “giơ tay đụng vào anh cùi” và chữa lành anh ta?
Đó là vì nơi Chúa Giêsu, “lòng chạnh thương” của Thiên Chúa đã tỏ bày rõ nét. Chúa Giêsu chính là hiện thân của “lòng chạnh thương của Thiên Chúa”. Và việc chữa lành anh cùi đã là một DẤU CHỈ KINH THÁNH kín đáo mặc khải Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia, là Thiên Chúa.
Phần anh cùi được chữa lành, dường như anh không vâng lời Chúa Giêsu: anh không giữ bí mật như Chúa Giêsu dạy; anh không đi trình diện tư tế, trái lại, anh rao truyền, tung tin ấy khắp nơi? Thực ra đối với những ai đã gặp được Chúa Giêsu, được chữa lành thì viẹc tuân thủ những chi tiết luật trở thành THỨ YẾU. Điều quan trọng là ca ngợi Thiên Chúa, vì tình yêu bao la của Thiên Chúa đã dành cho ta. Cuối cùng là một điều biến đổi kỳ diệu đã xảy ra cho DÂN CHÚA: hiệu năng mang tính cộng đoàn của phép lạ được nhấn mạnh, vì lời rao truyền của anh cùi, Chúa Giêsu không vào thành được “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”. Nhưng nơi nào có Chúa Giêsu, nơi đó không còn là hoang vắng nữa vì “dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”.
Chúa Giêsu đến để phục hồi con người, thiên nhiên. Tất cả được thăng hoa, tràn đầy sức sống. Hãy đến với Chúa Giêsu, nhất là lúc gặp khó khăn, mở rộng lòng đón nhận Người để ta được chữa lành và qua ta, vũ trụ được khởi sắc.