CON LÀ THÂN TRO BỤI
Hôm nay là Thứ Tư lễ Tro, ngày khai mạc Mùa Chay thánh. Theo lời thánh Phaolô :”Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b)). Mùa Chay giúp chúng ta thực hành tinh thần thống hối, điều chỉnh lại hướng đi của mình và biết quay trở về với Chúa.
Mỗi người được xức tro trên đầu để chỉ sự khiêm nhường thống hối. Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa việc xức tro, đồng thời cầu xin Chúa giúp sức để thi hành trong Mùa Chay này những lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.
-
TÓM TẮT VỀ LỄ TRO
Ngày Thứ Tư lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ sách Sáng thế :”Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro”. Lời Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người, biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh Thánh và trong lễ nghi Thứ Tư đầu Mùa Chay.
Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng ngày xưa. Theo đó, những người đã phạm một số tội nặng công khai, mà mọi người biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình… là những người bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Để được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng : vào ngày thứ tư trước Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, họ tập trung tại nhà thờ chính tòa để, sau khi xưng thú tội mình, Đức Giám mục trao cho chiếc áo nhâm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình.
Sau đó họ bị đuổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thư Năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập tại nhà thờ chính tòa, được Đức Giám mục xem xét việc thực hành sám hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ dây, họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích.
Sau một thời gian lễ nghi tiếp tục biến chuyển. Vào năm 1091, công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ xức tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi xức tro, vị Linh mục đọc :”Ta là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi” (St 3,19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Lễ Lá năm trước để lại.
Trước công cuộc canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II, lễ nghi làm phép tro và xức tro được cử hành trước lễ. Vào năm 1970, khi công bố sách lễ Rôma được tu chỉnh, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa. Ngoài câu trích từ sách Sáng thế, còn có thêm một công thức khác dùng khi xức tro, lấy từ Phúc âm :”Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”(Mc 1,15).
Ý NGHĨA VIỆC XỨC TRO
Tro chỉ sự thống hối
Trong Cựu ước, việc xức tro và mặc áo nhâm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel.
Ngày xưa, khi ai làm việc gì không chính đáng, họ thường xức tro trên đầu để tỏ dấu chỉ ăn năn hối lỗi, quyết tâm làm điều lành, lánh sự dữ.
Tro là tập tục biểu hiệu của lòng ăn năn sám hối bên Trung Đông. Theo tập tục bên Do thái, trong Kinh Thánh còn ghi lại : Tro được dự trữ làm nước tẩy uế (Ds 19,9). Ông Abraham đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa nhận mình là thân tro bụi (St 18,27). Rắc tro trên đầu cũng là lễ nghi sám hối trong niềm tin đạo giáo văn hóa thời xa xưa bên Do thái (2Sm 13,19; Mac 3,47). Mặc áo vải thô và rắc tro trên đầu là dấu chỉ lòng ăn năn thống hối của con người với Thiên Chúa (Eth 4,1; Mt 11,21).
Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người xa Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con ngươi sẽ phải chết như là hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ.
-
Tro chỉ sự chóng qua
Việc xức tro mời gọi chúng ta ý thức về thân phận nhỏ nhoi mỏng dòn nơi bản tính con người của mình, vốn dễ bị tội lỗi thống trị. Nghi thức xức tro chính là nghi thức khai mạc Mùa Chay, nó là hành động hữu hiệu và cụ thể nhất nhắc nhở ta về thân phận và kiếp người mỏng dòn ấy : thân phận con người là tro bụi.
Trong lễ an táng, chúng ta thường hát bài thánh vịnh đáp ca 102. Bài thánh vịnh nói lên sự mong manh của kiếp con người, đời sống con người giống như loài hoa sớm nở chiều tàn, không có gì là bền vững :
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
(Tv 102, 15-16)
Thi sĩ Nguyễn Khuyến, nhìn cuộc đời chóng qua của kiếp người cũng phải kêu lên bằng những hình ảnh sống động :
Ôi ! nhân sinh là thế ấy !
Như bóng đèn, như mây nổi,
Như gió thổi, như chiêm bao !
Trong bài “Cát bụi” nhạc sĩ Trịnh công Sơn cũng nói lên kiếp mong manh của con người : Cát bụi, con người chỉ là cát bụi. Hạt bụi tuyệt vời khi hóa kiếp thân tôi. Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Một vòng quay. Trăm năm một kiếp người có là mấy :”Chợt một chiều tóc trắng như vôi”…
Trịnh công Sơn không bi quan. Ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao ! Sự sống cao quí biết bao ! Nhưng cũng chỉ như một “đóa hoa vô thường” như tên gọi của một bài hát khác của ông. Đó là thực tế, nhìn nhận đúng thực tế đó, đối diện với nó một cách can đảm có thể đưa đến một cuộc sống tốt đẹp và hữu ích hơn.
Tro không những chỉ được dùng trong lễ nghi thống hối xức tro hằng năm, mà còn được dùng trong nghi lễ nhậm chức đăng quang của Đức Giáo hoàng mới được bầu lên. Theo tập tục lễ nghi, vị hồng y niên trưởng đốt những sợi chỉ ra tro để nhắc nhở vị tân Giáo hoàng với câu :”Sic transit mundi gloria” : vinh quang thế gian cũng mau qua như thế.
-
Tro nhắc nhở về sự chết
Trong Cựu ước, tro chỉ thân xác chúng ta là tro bụi và sẽ phải chết :”Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19. x. Gb 34,4 ; Gr 6,26; Is 58,5).
Chết là án lệnh của Thiên Chúa sau khi nguyên tổ phạm tội :”Người sẽ trở về với bụi đất”(St 3,19). Vì thế không ai có thể tránh được cái chết.
Người Á Đông quan niệm : con người phải trải qua 4 giai đoạn là sinh, lão, bệnh, tử. Có người thoát được lão và bệnh vì chết quá sớm, còn không ai thoát được tử, vì đã có sinh thì phải có tử, sinh tử luôn nối kết với nhau.
Kinh nghiệm ngàn đời đã giúp ông Văn Thiên Trường suy nghĩ về cuộc sống mong manh của con người nên đã phát biểu ý kiến bằng một câu để đời :
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Ngàn xưa, người thế ai không chết,
Chết, để lòng son rạng sử xanh.
Vì thế, trong truyền thống các đan sĩ và tu viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Do đó, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martinô thành Tours ở bên Pháp đã nói :”Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó con trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết.
Chớ gì việc xức tro trên đầu khiến cho chúng suy nghĩ về sự chết để biết dọn mình sẵn sàng vì giờ chết đến như kẻ trộm, luôn có tinh cách bất ngờ như người ta nói :
Sinh hữu hạn, tử bất kỳ.
Ai cũng mong đời sống của mình được trở thành “cây bách niên” (agavé). Người ta cho biết : cứ một trăm năm một lần nở hoa, nhưng hoa đẹp lạ lùng. Trong một thế kỷ cây ấy đã sửa soạn cho cái ngày tươi đẹp ấy, nó dồn sức lực, nó trang điểm, nó làm cho đẹp, bằng công việc kín đáo, không ai trông thấy. Cả một thế kỷ ! Và khi đã hết thời nó nở những cánh hoa trắng muốt để làm đẹp lòng người đến xem cái phi thường của nó.
III. MÙA CHAY VÀ THÂN TRO BỤI
Trong việc xức tro hôm nay Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người lìa xa Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là hậu quả của tội lỗi. Vì thế, phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ.
Để thể hiện sự thống hối trong Mùa Chay, chúng ta phải làm gì ? Chắc chắn có nhiều việc phải làm và mỗi người có một chương trình riêng, nhưng thiết tưởng chúng ta phải thực hiện 3 điều mà Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thực hành theo bài Tin Mừng hôm nay : đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.
-
Hãy cầu nguyện
Cầu nguyện là một việc làm đẹp ý Chúa, mà ai cũng có thể làm được, ở đâu ta cũng có thể cầu nguyện được; chính vì thế Chúa Giêsu đã dạy :”Các con hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ”(Lc 22,40). Mà không những Chúa chỉ dạy chúng ta cầu nguyện, mà Chúa còn làm gương cầu nguyện nữa, nhiều chỗ trong Tin Mừng đã nói rõ (Lc 22,42; Ga 11,41-42). Còn rất nhiều đoạn khác trong Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu cầu nguyện, đặc biệt Chúa dạy chúng ta kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13).
Cầu nguyện là một vấn đề cần thiết và rất quan trọng, nó là vấn đề sinh tử.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu nó bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống siêu nhiên thì phải cầu nguyện, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu nhiên không khác nào cá phải chết vì không có nước.
Thánh Bênađô cũng đã so sánh sự hô hấp cần thiết cho con người như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho con người như vậy. Đối với linh hồn, cầu nguyện cần thiết cũng như hô hấp cần cho cơ thể con người. Nếu con người hô hấp khó khăn thì thân xác sẽ trở thành tiều tụy, và nếu hô hấp đình chỉ thì con người sẽ chết. Cũng thế, khi ta ít cầu nguyện, thì linh hồn biến thành bạc nhược, và khi ta không cầu nguyện tí nào, thì linh hồn ta sẽ chết trước mặt Chúa.
Thế nào là cầu nguyện ?
Các nhà tu đức học thường định nghĩa cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, hay cầu nguyện là cuộc trò chuyện giữa ta với Chúa. Thật thế, cầu nguyện là tâm tình với Chúa, thưa truyện với Chúa bằng tâm tư và ngôn ngữ của chính ta, như con cái thỏ thẻ với cha mẹ những tình cảm yêu mến, những nhu cầu xin Chúa thương ban, hoặc kể cho Chúa nghe những tâm sự vui buồn, lòng biết ơn…
Có những khi ta vui quá, hay buồn quá tự lòng ta không biết nói gì với Chúa, hoặc khi có đông người muốn có chung một lời cầu nguyện thì Giáo hội mới lập nên những lời kinh chung giúp chúng ta cùng nhau cầu nguyện. Do đó, cầu nguyện không chỉ là đọc kinh, đọc những công thức một cách máy móc, còn lòng trí thì để vào chuyện đâu đâu. Với kinh nguyện thì miệng đọc lòng ta phải kết hợp với lời kinh để suy gẫm với Chúa, với Đức Mẹ, các thánh… theo nguyên tắc “khẩu tụng tâm suy”.
Chúng ta thường nghe rất nhiều, đôi khi đã tham dự buổi cầu nguyện nhờ những kỹ thuật như : thiền, yoga, cầu nguyện theo cách của cộng đoàn Taizé, Béatitude (cộng đoàn Phúc thật), Chemin neuf (Con đường mới)… Những buổi tổ chức cầu nguyện như thế càng ngày càng được nhiều nơi tổ chức và hấp dẫn nhiều người vì những lợi ích sau : làm cho chúng ta “dễ nâng lòng lên với Chúa” , tạo cho chúng ta những bầu khí và tâm tình sốt sắng, ham thích cầu nguyện và thấy như Thiên Chúa ở bên chúng ta, lắng nghe chúng ta và an ủi chúng ta thật nhiều. Tóm lại, những kỹ thuật này góp phần tích cực vào cho buổi cầu nguyện. Điều này không ai có thể chối cãi được.
Nhưng nếu, cầu nguyện là trò chuyện với Chúa như bạn bè, cũng như tình bạn bè không cần kỹ thuật, thì cầu nguyện cũng không cần theo một kỹ thuật nào mà nó phải phát xuất tự trong lòng với những tâm tình riêng tư một cách tự nhiên và chân thành.
Truyện : Con chỉ nghe.
Một cụ già có thói quen ngồi bất động hằng giờ ở cuối nhà thờ. Một ngày nọ, cha xứ hỏi cụ là Chúa đã nói gì với cụ . Cụ trả lời :
– Thưa cha, Chúa chả nói gì cả, Ngài chỉ nghe con.
– Vậy à ? Thế thì cụ nói gì với Chúa ?
– Dạ, con cũng chẳng nói gì, con chỉ nghe Chúa !
Thực ra, đỉnh cao của cầu nguyện là hoàn toàn kết hợp với Chúa, lúc đó không còn ai nói ai nghe mà chỉ có sự im lặng, để con tim nói với nhau. Chúng ta có thể nói đây là một sự thinh lặng hùng biện, không nói gì mà lại nói rất nhiều. Vì thế cầu nguyện có 4 mức độ :
– Tôi nói, Chúa nghe.
– Chúa nói, tôi nghe.
– Không ai nói, cả hai cùng nghe.
– Không ai nói, không ai nghe. Đây là sự thinh lặng tuyệ đối.
Phải chăng người đời cũng hiểu sự thinh lặng hùng biện là thế nào :
Nước mắt nói lời của mắt,
Hương hoa nói lời của hoa,
Lặng im nói lời đôi ta !
Ngoài ra chúng ta còn thực hiện lời Chúa dạy :”Các con hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ”(Lc 22,40). Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện luôn khi chúng ta có trăm ngàn công việc phải làm ? Cầu nguyện ở đây là biến mọi công việc thành lời nguyện.
Cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất là trong mọi công việc hằng ngày, ta hãy có tâm lòng cùng làm việc với Chúa, và làm vì yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân. Qua đó những việc ta làm, những lời ta nói luôn luôn hướng về Chúa, cho Chúa và cho tha nhân… biến những lời nói việc làm của ta thành những việc lành, việc thiện như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nhặt một cọng rác, khâu một mũi kim cũng làm vì mến Chúa. Chúa muốn ta cầu nguyện liên tục là như vậy, chứ Chúa không bảo ta đọc kinh liên tục để khỏi sa chước cám dỗ đâu !
-
Hãy ăn chay
Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay, đã là Mùa Chay thì phải ăn chay. Nhưng phải ăn chay như thế nào thì mới đúng cách và hữu ích ?
Mùa Chay gợi nhớ 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, mà Ngài đã trải qua trước khi đi vào sứ vụ công khai. Chúng ta đọc thấy trong Tin mừng :”Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào trong hoang địa, để chịu quỉ cám dỗ. Ngài ăn chay ròng rã 40 đêm ngày, và sau đó, Ngài thấy đói” (Mt 4,1-2).
Giống như ông Maisen đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật (x.Xh 34,28), và việc ông Êlia ăn chay trước khi gặp Chúa ở núi Horép (x. 1V 19,8). Đức Giêsu cũng vậy, qua việc cầu nguyện và ăn chay, đã chuẩn bị cho sứ vụ đặt trước mặt Ngài, sứ vụ được đánh dấu vào lúc khởi đầu, bằng một cuộc chiến đấu nghiêm trọng với kẻ cám dỗ.
Tôn giáo nào cũng có ăn chay như Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo… nhưng phương cách và mục đích của họ lại khác nhau.
Người Do thái ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng đến chiều (Giona 3,7-8; Samuel 14,24). Tập tục ăn chay bằng cách nhịn ăn từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, ngày nay vẫn còn được anh chị em Hồi giáo tuân giữ trong suốt tháng Ramadan. Trong khi ấy, anh chị em Phật giáo lại ăn chay vào mồng một và ngày rằm, bằng cách vẫn ăn no, nhưng kiêng không ăn thịt của bất cứ động vật nào, chỉ ăn thực vật.
Ngày xưa, người Công giáo cũng ăn chay giống như người Do thái là nhịn ăn từ sáng cho đến chiều. Ngày nay người Công giáo chúng ta ăn chay một năm có hai lần vào ngày thứ Tư Lễ Tro và Thứ sáu Tuần thanh, và chỉ cần ăn ít đi vào buổi sáng và buổi chiều, đồng thời kiêng thịt vào hai ngày đó.
Chúng ta thấy việc ăn chay ngày nay rất đơn giản, đơn giản hơn các tôn giáo khác, nhưng việc ăn chay này có ý nghĩa nào đối với người Kitô hữu ? Thánh Tôma tiến sĩ đã giải thích cho chúng ta :
– Thứ nhất : để kềm chế sự thèm muốn của xác thịt. Nhờ chay tịnh, sẽ giữ được sự trong sạch. Trong Cựu ước cũng đề cập đến :”Sự thèm muốn bị kềm chế lại bởi kiêng rượu, thịt”.
– Thứ hai : nhờ vào sự chay tịnh để tâm hồn chúng ta gia tăng một cách tự do, hướng đến sự chiêm niệm về những điều thiện hảo của thiên đàng. Tiên tri Daniel cũng được Thiên Chúa mạc khải sau khi ăn chay ba tuần lễ.
– Thứ ba : ăn chay để đến bù cho những tội lỗi của mình. “Hãy đến với ta bằng cách thay đổi hoàn toàn tâm hồn ngươi, trong chay tịnh và trong khóc lóc”.
Thánh Augustinô cũng đã nhấn mạnh trong một bài giảng về cầu nguyện và ăn chay :”Chay tịnh làm sạch sẽ tâm hồn, gia tăng trí khôn, hướng xác thịt đến thần linh, thể hiện con tim thống hối và khiêm nhường, chẻ nhỏ những đám mây thèm muốn, dập tắt đám lửa dâm dục và đốt lên ánh sáng thật sự của đức ái”.
Từ xa xưa, tiên tri Isaia đã có ý kiến về việc ăn chay và đã vạch vẽ cho dân Do thái biết cách ăn chay cho đẹp lòng Thiên Chúa :”Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các người kêu tới trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày các ngươi phải thực hành khổ chế ? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa” ?
“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành”(Is 58,4-8).
Trong sứ điệp Mùa Chay 2009, Đức Thánh Cha bênêdictô XVI đã nói :”Trong thời đại chúng ta, chay tịnh dường như đã đánh mất điều gì thuộc về ý nghĩa thiêng liêng, và trong một nền văn hóa có đặc điểm là tìm kiếm hạnh phúc vật chất, nó đảm nhiệm vai trò chữa bệnh để chăm sóc thân thể. Chắc hẳn chay tịnh đem lại lợi ích cho hạnh phúc thể lý, nhưng đối với người tín hữu, trước tiên nó là “một phương thế chữa trị” để chữa lành tất cả những gì ngăn cản họ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Trong tông hiến Paenitemini năm 1966, Người Tôi Tớ Thiên Chúa Phaolô VI thấy nhu cầu trình bầy chay tịnh trong khuôn khổ ơn gọi của mọi Kito hữu “không còn sống cho chính mình, nhưng cho Đấng đã yêu thương và hiến thân vì mình, và sống cho anh chị em của mình”(x. Ch. 1).
Như vậy ăn chay thể xác không quan trọng bằng ăn chay tinh thần, nghĩa là từ bỏ ý riêng của mình để sống theo ý Chúa, loại bỏ tính ích kỷ và mở rộng con tim để yêu mến và đón nhận tha nhân, phục vụ anh chị em và đem hạnh phúc đến cho mọi người. Đúng là :
“An mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối” (Tục ngữ).
Hãy làm phúc bố thí
Mùa Chay là thời gian khám phá ra các nhu cầu của anh chị em mình và nhắc nhở chúng ta tìm mọi cách để gặp gỡ và giúp đỡ những người đau khổ thể xác cũng như tinh thần.
Trong sứ đệp Mùa Chay năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trích dẫn câu nói của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô :”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận(1Cr 4,7). Và ngài tiếp :”Một khi đã nhìn nhận như thế thì bạn phải yêu mến anh chị em và hy sinh cho họ”.
Làm phúc bố thí và ăn chay là những phương thế liên hệ mật thiết với nhau để giúp chúng ta ăn năn hối cải. Làm phúc bố thí có nghĩa là chia vui sẻ buồn với người khác, giúp đỡ người ta, nhất là những ai lâm cảnh thiếu thốn, phân phát cho người ta không nguyên của cải vật chất mà cả tinh thần nữa. Chính vì thế, chúng ta phải tỏ ra cởi mở đối với người khác, biết nhận ra những nhu cầu của họ và cảm thông những nỗi đau buồn của họ, đồng thời tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó và làm cho những đau thương của họ vơi nhẹ đi.
Như vậy, cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa đồng thời cũng hướng chúng ta tới tha nhân. Khi chúng ta đòi hỏi đối với bản thân và quảng đại đối với tha nhân, nhất là đối với những ai đau khổ và thiếu thốn là chúng ta sống kết hợp với Đức Kitô chịu đau khổ và bị đóng đinh vì Người tự đồng hóa với họ như Người nói :”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”(Mt 25,35-36).
Truyện : Cho đi tất cả.
Một người kia rất nghèo và vẫn thường nghĩ mình là người nghèo khổ nhất trên khắp mặt đất này. Thế rồi, một hôm ông ta lên đường và gặp một người hành khất khác còn nghèo khổ hơn mình hơn nữa. Ông dừng lại chào hỏi và nói :
– Từ trước tới nay tôi vẫn tưởng mình là người nghèo khổ nhất trong thiên hạ, thế mà hôm nay gặp anh tôi thấy anh còn nghèo hơn tôi nữa, vì đến cái che nắng che mưa trên đầu anh cũng không có. Người hành khất đáp :
– Này ông bạn ơi, xin ông đừng quên rằng mỗi người nghèo trên đường đi của mình đều gặp thấy những người khác còn nghèo khổ hơn nữa. Đó là điều duy nhất an ủi chúng ta hơn cả, bởi vì mình vẫn còn có thể cho đi người khác một cái gì đó.
Nghe vậy, người ấy liền giơ tay lên đầu lấy mũ trao cho người nghèo không có mũ. Dọc đường, người ấy lại gặp một người khác nghèo hơn nữa không có manh áo che thân, và người ấy liền cởi áo mình ra trao cho người kia. Tiếp tục con đường hành trình, người ấy lại gặp những người khác nghèo hơn nữa và trao cho mỗi người một chút cái mình có. Sau cùng, người ấy chỉ còn đôi dép trong chân và cảm thấy hài lòng sung sướng vì còn có thể tiếp tục đường đi.
Khi hoàn tất cuộc hành trình, người nghèo ấy thấy mình đến trước cửa thiên đàng và nhận ra mình chỉ còn hai bàn chân đi đất, thân mình hoàn toàn ở trần
Mẩu truyện trên đây nói lên ý nghĩa sâu xa của tinh thần nghèo khó là gì. Thật vậy, chúng ta thường nghe nói :”Không ai nghèo khó đến nỗi không có gì để cho đi và cũng không ai giầu có đến nỗi không có thể lãnh nhận được gì thêm nữa”.
Cái phải cho đi khó hơn là chính bản thân mình, khi nào chúng ta chưa biết cho đi chính mình chúng ta vẫn chưa phải là người nghèo khó nhất. Cho đi chính bản thân mình mới là điều kiện căn bản không thể thiếu sót để nhận lãnh tất cả, tức là nhận lấy tình yêu và chọn con đường yêu thương.
Làm sao có thể chọn yêu thươngkhi chúng ta cảm nghiệm được tình thương quá ít ỏi, khi chung quanh chúng ta vẫn còn nhiều hận thù và mọi hình thức ích kỷ ?
Phải, chúng ta vẫn có thể chọn yêu thương bắt đầu từ những bước nho nhỏ có thể được. Có thể bắt đầu từ một nụ cười, từ một lời nói âu yếm, một lời khích lệ cảm thông, một lời chào hỏi thân tình, một sự quan tâm chú ý, một đồng tiền nhỏ bé, một món quà đơn sơ. Đó là những bước tiến nho nhỏ trên con đường yêu thương, như những cái chấm nối lại thành một đường thẳng. Cũng vậy, những hành động yêu thương nho nhỏ sẽ ghép lại thành con đường yêu thương dài cho đến khi đạt tới nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa (R. Veritas).
Mùa Chay đòi hỏi chúng ta thống hối để kết hiệp mật thiết vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để cùng hưởng sự Phục sinh vinh hiển của Người. Vì vậy, cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí là thực hành sống những điều cốt yếu của tinh thần Mùa Chay.
Lm Giuse Đinh lập Liễm