“Hãy trở nên tông đồ của Nhiệm Tích Thánh Thể, như một ngọn lửa soi rọi và sưởi ấm, như Sứ Giả của trái tim Ngài ra đi loan báo Ngài cho những ai chưa nhận biết Ngài, và động viên những ai yêu mến Ngài cũng như những ai đang gặp đau khổ.” (Gửi cho cô Antoinette de Grandville, tháng 7 năm 1859)
Không còn nghi ngờ gì nữa khi cha Eymard xem Thánh Thể như giải pháp dành cho mọi tội ác xấu xa của thế giới vào thời đại của cha, và cho mọi vấn đề của mọi thời đại. Có lẽ điều làm cha buồn phiền nhất chính là còn quá ít người quan tâm đến phương dược kỳ diệu và hiệu quả nhất này, trong khi đó tất cả những phương tiện khác vốn chỉ hứa hẹn đem đến một chút thảnh thơi thì lại được xem là quan trọng hơn. Cha không chỉ cố gắng hết sức mình để đem con người đến với quyền năng của Thánh Thể nhằm biến đổi xã hội và Hội thánh, nhưng cha còn ra sức chiêu mộ càng nhiều người càng tốt để phụ giúp cha trong dự án này. Trong lá thư gửi cho cô Antoinette, cha cố thuyết phục cô phải trở thành một tông đồ của Thánh Thể, chứ không chỉ là một con người trầm lặng và thụ động. Việc cầu nguyện là, và luôn luôn sẽ là, lời chứng năng động hơn.
Qua việc dùng những hình ảnh yêu thích, cha khuyên cô nên trở thành một ngọn lửa phát ra từ ngọn lửa của tình yêu Thánh Thể. Ngọn lửa ấy sẽ sưởi ấm tâm hồn của những ai tìm kiếm phương dược này và đem họ tới sự trọn hảo. Tuy nhiên, điều mà con người ta cần nhất chính là một bằng chứng thuyết phục phát xuất từ kinh nghiệm thực tế của những con người bằng xương bằng thịt. Vì thế, cha khuyên cô trở thành một sứ giả cho trái tim yêu thương của Thiên Chúa để ra đi và nói cho người ta biết về tình yêu của Thiên Chúa. Bao giờ cũng vậy, lời chứng này sẽ thôi thúc người ta đón nhận tình yêu của Đức Giê-su chỉ khi nào những chứng nhân có thể kể lại sự biến đổi mà Đức Giê-su đã thực hiện trong chính cuộc đời của họ. Có lẽ ví dụ điển hình nhất về điều này trong Kinh Thánh chính là lời chứng của thánh Gioan. Ngài viết như sau:
“…điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.
Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, Chúng tôi đã thấy và làm chứng, …để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người. …” (1Ga 1,1-4).
Tuy nhiên, tầm nhìn của cha Eymard luôn luôn nhắm đến bức tranh tổng thể. Cha kêu gọi hãy làm chứng cho những ai chưa nghe biết sứ điệp này, nhưng cùng lúc đó, cha đòi hỏi người tông đồ cũng phải đi đến với những ai đã nghe được sứ điệp ấy, nhưng có lẽ chưa nắm bắt đủ những hàm ý của chân lý có tầm ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ này. Vào thời đại của chúng ta, số lượng của nhóm này không nhiều. Kiểu làm chứng này lại càng khó khăn hơn, vì một vài người trong nhóm này có thể có khuynh hướng hoài nghi. Bên cạnh đó, họ luôn luôn đối lập với chúng ta để bảo vệ cho vị thế và địa vị của họ, nói chung họ cằn nhằn những Ki-tô hữu, là những người đã đối xử tệ bạc với họ. Tuy nhiên, thông điệp ẩn đằng sau đó, chính là: công việc này không phải thực sự của chúng ta, nhưng là công việc của chính Đức Giê-su. Chúng ta đơn thuần chỉ là những khí cụ trong tay Ngài, những môn đệ và tông đồ của Ngài, và vì thế chúng ta làm theo những kế hoạch của Ngài mà thôi. Chính Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta biết cách tiếp cận những con người mà Ngài đã tuyển chọn, và Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta biết cách hành xử trong từng trường hợp. Nhiệm vụ của chúng ta là hoàn toàn cậy dựa vào Ngài, giống như cục đất sét trong tay người thợ gốm vậy!