(Căn cứ vào những gì Cha Eymard đã nói khi trở thành Bề trên Giám tỉnh Dòng Đức Mẹ, chúng ta có thể hình dung ra như sau:) ‘Tôi là Bề trên Giám tỉnh… nhiệm vụ mới này đặt tôi trước mọi người. Vì mọi hành động của tôi sẽ trở nên công khai. Tôi phải hy sinh nhiều, điều này đi ngược lại với tính cách của tôi. Giờ đây tôi phải nghiêm túc, suy nghĩ chắc chắn, và tuân thủ kỷ luật trong mọi sự vì cuộc đời tôi đang được phơi bày ra. Thật là khó, vì anh em biết rằng theo lẽ tự nhiên tôi thích vui đùa hơn và trên tất cả đó là sự đơn sơ.’
Đối với cha Eymard, việc được bầu chọn vào vị trí Bề trên Giám tỉnh của một Hội dòng không phải là vấn đề danh dự hay uy tín cho bằng sự phục vụ hết mình đối với các tu sĩ đã tin tưởng cha. Cha đã nhận ra trách nhiệm của mình để tiến lên phía trước và đảm nhận nó một cách nghiêm túc. Cha đã quyết định thay đổi chính mình trước khi nói người khác thay đổi, và thậm chí ngay cả trong những vấn đề thực sự khó khăn đối với cha. Như thánh Phaolô, cha mong muốn trở nên “tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,19-23). Bên cạnh đó, nếu cha được đặt để vào vị trí đứng đầu của một tổ chức nhằm khích lệ mọi người hoàn toàn đi theo Đức Kitô, thì cha cần phải chỉ ra cho họ thấy bằng chính gương sống của cha. Đi xa hơn nữa, nếu ai đó gặp nhiều khó khăn trên bước đường của mình, thì chính kinh nghiệm bản thân của cha về việc vượt qua những khó khăn ấy sẽ giúp họ đứng vững hơn và nhận ra nhu cầu cần phải sống theo Luật mà không đòi hỏi bất kỳ sự thỏa hiệp nào.
Tuy nhiên, chúng ta có thể đoan chắc rằng đối với cha Eymard, đây không phải chỉ là vấn đề làm gương, bởi lẽ điều này sẽ dẫn cha đến hai tiêu chuẩn sau: một là cách cư xử khi cha ở trước mặt người khác; và một tiêu chuẩn nữa đó là khi chachỉ có một mình mà không ai để ý đến cả. Đây là mong ước chính đáng để dâng những điều tốt đẹp nhất của cha cho Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi cha, bất kể là người khác có nhìn thấy hay không. Nhưng trên hết, chính cha cũng cảm thấy mình được kêu gọi để khích lệ các anh em bằng gương sống hơn là lời dạy.
Thẩm quyền trong Giáo hội ngày hôm nay được hiểu dưới khía cạnh của sự phục vụ tha nhân hơn là chất gánh nặng lên vai họ. Nhưng chúng ta không thể tránh khỏi nguy cơ xem sự bổ nhiệm ấy như một yếu tố quyền lực và vị thế, với tất cả những người cấp dưới luôn tôn trọng người đứng đầu, và xem vị ấy như một bề trên đối với tất cả những người khác. Cha Eymard đã ao ước giữ lại sự đơn sơ của mình, và điều này chỉ có thể xảy ra khi một người nào đó biết cắm rễ sâu nơi tình yêu của Đức Kitô. Khi chúng ta xác tín rằng chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta, mặc cho những lỗi lầm và giới hạn của ta, thì ta cũng không cần lo lắng về những gì mà người khác nghĩ về ta. Chúng ta chấp nhận thực tế rằng chúng ta có thể mắc những sai lầm và vui vẻ nhận trách nhiệm vì những sai lầm mình đã gây ra. Nhưng những sai lầm ấy không phát xuất từ sự ương ngạnh hay kiêu ngạo tự mãn, nhưng là từ những giới hạn của con người.
Khi nhận ra những giới hạn của mình, những người làm lớn biết đón nhận ý kiến của người khác với niềm vui và sự khiêm nhường, lắng nghe bằng sự quan tâm và tình yêu, luôn luôn tìm kiếm những gì là tốt cho đa số hơn là thiểu số. Họ là những người luôn biết lắng nghe trong mọi lúc, và không giữ lại tư thù cá nhân đối với những ai suy nghĩ khác mình. Họ không cảm thấy lo sợ vì những người khác có những ý kiến, trình độ, phẩm chất cao hơn mình, nhưng họ sẵn sàng dâng mọi sự mình có để phục vụ anh em.