BIẾT !

Một lần kia, ngồi nói chuyện với một người, đang nói bâng quơ thì người ấy nhắc đến một người nọ. Bản thân tôi không biết rõ về nhân vật đó nên cứ lẳng lặng mà nghe :
– Chú biết hông ! Bà đó hả ! Cái gì bả cũng biết hết đó nha ! Bả hay lắm đó!…Nhưng có cái bả hổng biết à !
Thiệt tình nên tui hỏi :
– Cái gì bà ấy hổng biết hả cô ?
– Chời ơi ! Có cái bả hổng biết là hông biết điều đó chú.
“Hổng biết điều !” 3 từ nhưng xem cũng hay hay đó chứ ! Đơn giản rằng ở đời ai ai cũng mong mình được người khác đối xử tử tế với mình. Để được như vậy thì buộc mình phải sống tử tế với người khác. Và như vậy, ngược với tử tế đó là .. không biết điều.
Biết điều khởi đi từ chuyện biết người biết ta trong cuộc sống. Chính vì ích kỷ, chính vì chỉ biết mình và không biết người khác nên nó sinh ra nhiều chuyện dở hơi.
Từ biết xem ra rất quan trọng trong cuộc sống. Đúng như người kia nói về người nọ là cái gì cũng biết nhưng biết ở mức độ nào và chuyện gì cần biết và chuyện gì không cần biết trong cuộc sống. Có lẽ vì không biết gì hết nên mới sống không biết điều với người khác.
Những ngày này, khi tham dự Thánh Lễ, ta nghe mãi, nghe tới nghe lui chuyện Chúa Giêsu ví mình như là vị mục tử nhân lành. Trong tâm tình đó, nhiều người đi tìm hiểu nào là cửa chuồng chiên, nào là mục tử xấu, mục tử tốt. Thế nhưng rồi, trong mạch văn Chúa nói đó, ta có thể dừng lại ở từ biết.
Chỉ trong đoạn Tin Mừng rất ngắn, Chúa cứ nói đi nói lại từ biết : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha.”
Và như vậy, ta lại có dịp nhìn lại từ biết mà Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta. Chúa, dĩ nhiên như mục tử, Chúa biết từng con chiên và dĩ nhiên biết từ tình trạng của nó. Chúa lại yêu thương những con chiên ghẻ, những con chiên tật nguyền và nhất là những con chiên đi lạc. Chúa đã hào phóng để bỏ lại 99 con chiên mà quyết đi tìm con chiên lạc.
Khi suy nghĩ đến điều này, ta lại khám phá ra sự biết của Chúa về ta.
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 138, 1)
Chúa là như vậy đó ! Còn ta, ta có biết Chúa không ? Dĩ nhiên là ta cũng sẽ nói là ta biết nhưng ta biết ở góc độ nào và như thế nào ? Hay là ta chỉ biết Chúa như những người Do Thái xưa và hành xử với Chúa như vậy. Nếu như biết Chúa thật sự thì họ sẽ không hành xử tàn bạo với Chúa như thế.
Cuộc đời của ta, chuyện rất quan trọng là ta biết Chúa. Một khi mình đã biết Chúa thì cuộc đời của mình sẽ thay đổi và sẽ không dở dở ương ương sáng nắng chiều mưa trưa trưa có bão.
Chắc chắn ta không quên Thánh Augustinô. Dường như cả cuộc đời ăn chơi trác táng trụy lạc nhưng rồi chạm phải con tim của Chúa thì Thánh nhân đã trở lại và trở thành vị Thánh lớn trong Giáo Hội. Khi gặp Chúa rồi thì Ngài thủ thỉ : Lạy Chúa xin cho con biết Chúa và cho con biết con. Xin cho con biết Chúa để con yêu mến Chúa hơn, và xin cho con biết con để con coi nhẹ con hơn.
Vâng ! Khi ta chưa biết Chúa đúng nghĩa, ta sẽ nghĩ ta thế này thế kia và tự cao tự đại. Chính vì sự tự cao tự đại đã làm cho bao nhiêu con người phải hư mất.
Sự thường ở đời, khi ta biết ai đó và ta yêu ai đó đủ thì ta chấp nhận hy sinh tất cả vì người đó. Có thể ở cái mức lý tưởng như Chúa Giêsu : Ta đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” thì mỗi người chúng ta khi yêu ai đó, khi biết ai đó thì cũng sống như Chúa Giêsu mời gọi. Tất cả mọi sự đều quy hướng về Chúa Giêsu là Chủ của đời ta.
Đặc biệt, khi biết Chúa và trong thinh lặng, nhà thơ Tagore thủ : “Chỉ mong ngài lấy đi Mong chẳng còn gì thuộc về con Mong chẳng còn gì là của con. Để con được trắng tay Con chỉ còn ngài để giữ lấy Con được chọn Chúa Mãi là của con Chỉ mong Ngài xóa đi Mong chẳng còn gì Để chiếm hữu Con tìm được Ngài là chân lý Con được cùng Chúa đồng hành luôn.”
Khó chứ không phải dễ để sống tâm tình như vậy. Thế nhưng rồi tưởng nghĩ khi ta kết hợp sâu lắng và mật thiết với Chúa cũng như nhờ ơn Chúa ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm với tất cả mọi sự trên đời này. Và cuối cùng, chỉ mình Chúa mới là nguồn Chân Lý chứ không còn chuyện nào khác. Thế cho nên, ngày mỗi ngày, ta cũng thưa với Chúa như Thánh Augustinô xưa : Xin cho con biết Chúa để con yêu mến Chúa hơn.
Người Giồng Trôm