Vatican, ngày 18 tháng 1 năm 2021
Prot. n. Sp.R. 2559/21
Kính gửi tất cả những người sống đời thánh hiến!
Chúng tôi viết Thư này gửi anh chị em trước ngày Lễ rất thân thương đối với chúng ta và tất cả những người nam người nữ sống đời thánh hiến. Đây là ngày được dành cho ơn gọi diệu kỳ của chúng ta, để tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người nam nữ và tất cả vũ hoàn này được chiếu sáng bằng nhiều cách khác nhau. Vào lúc 5g30 chiều ngày 2 tháng Hai, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, chúng tôi sẽ cử hành Ngày Thế giới Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 25. Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ, dù thiếu vắng các biểu hiện bên ngoài và những khuôn mặt vui tươi rạng rỡ như các năm trước, vẫn thể hiện niềm tri ân tràn đầy vốn là đặc trưng của đời sống chúng ta.
Qua lá thư này, chúng tôi ước mong thu hẹp khoảng cách thể lý đang áp đặt trên chúng ta qua nhiều ngày tháng do cơn đại dịch, và nói lên sự gần gũi của chúng tôi cũng như của những người đang làm việc trong Bộ Đời Sống Thánh Hiến với từng anh chị em, với từng cộng đoàn. Nhiều tháng qua, chúng tôi luôn theo dõi thông tin từ các cộng đoàn tại nhiều nước khác nhau: Các tin ấy nói về tâm trạng hoang mang, việc lây lan nhiễm bệnh, số tử vong, những khó khăn về con người và kinh tế, các Hội Dòng bị suy giảm số lượng, nỗi sợ hãi… nhưng đồng thời cũng nói về lòng trung thành được thử thách qua đau khổ, lòng can đảm, vững tâm làm chứng ngay cả trong đau đớn hoặc bấp bênh, chia sẻ từng nỗi đau và thương tích, chăm lo và gần gũi với những người thiếu thốn nhất, yêu thương và phục vụ đến mức liều mất mạng sống mình (x. Fratelli Tutti, Ch. II).
Chúng tôi không thể nhắc lại đây tất cả danh tánh của anh chị em, nhưng chúng tôi xin Chúa chúc lành cho từng người trong anh chị em, để anh chị em có thể chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”, khi nhận thức rằng “chúng ta đang cùng trên một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời, quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi cùng nhau chèo chống” (ĐGH Phanxicô, Buổi cầu nguyện ngoại thường, Thứ Sáu, 27/3/2020). Trong những ngày này, anh chị em hãy trở thành những người Samaria, vượt qua cơn cám dỗ muốn quay vào bên trong và than khóc cho chính mình, hoặc nhắm mắt lại trước những đau thương khốn khổ và đói nghèo của rất nhiều người nam nữ trên thế giới.
Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi chúng ta cùng nhau hành động, làm sống lại trong lòng mọi người “một lòng khao khát phổ quát về tình huynh đệ” (s.8), cùng nhau mơ ước (s.9), để “khi đứng trước các mưu toan ngày nay nhằm loại bỏ hay phớt lờ người khác, chúng ta có thể chứng tỏ khả năng đáp trả với tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội…” (s.6)
Những người nam người nữ sống đời thánh hiến trong các Tu Hội, các Hội Dòng Chiêm Niệm và các Đan viện, các Tu Hội Đời và các Tu Hội mới thành lập, thành viên của Hội Dòng các Trinh Nữ, các ẩn sĩ, thành viên của các Tu đoàn Tông đồ, chúng tôi xin tất cả anh chị em hãy đặt Thông điệp này vào trung tâm đời sống, vào việc đào tạo và sứ mạng của anh chị em. Chúng ta không thể cứ coi nhẹ chân lý này: tất cả chúng ta là anh em, chị em với nhau, như trong thực tế chúng ta vẫn cầu nguyện trong kinh Lạy Cha – dù không nhất thiết phải ý thức điều này – rằng, “nếu không mở ra với vị Cha chung của mọi người, sẽ không có những lý do vững mạnh để thúc đẩy tình huynh đệ” (s. 272).
Được viết trong một thời điểm lịch sử mà chính Đức giáo hoàng Phanxicô gọi là “giờ của chân lý”, Thông điệp này là quà tặng quý giá cho mọi hình thức sống đời thánh hiến, cho dù còn nhiều vết thương nơi tình huynh đệ, vẫn có thể tìm thấy trong đó những cội rễ ngôn sứ.
Chúng ta đang đứng trước một tiếng gọi mới của Chúa Thánh Thần. Dưới ánh sáng của giáo lý về Giáo Hội – Hiệp Thông, cũng như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thúc đẩy những người sống đời thánh hiến phải trở thành “những chuyên gia đích thực của hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông” (Vita Consecrata, 46), Đức giáo hoàng Phanxicô lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô, Đấng sáng lập và khơi nguồn nhiều Hội Dòng sống đời thánh hiến, đã mở rộng nhãn quan này và mời gọi chúng ta trở thành những nhà kiến tạo tình huynh đệ phổ quát, những người canh giữ ngôi nhà chung: trái đất và muôn vật trong đó (x. Laudato Si). Tất cả đều là anh em, chị em với nhau, bất kể tín ngưỡng, văn hóa hay truyền thống, vì tương lai không phải là “đơn sắc” (s.100) và thế giới này như một khối đa diện sẽ chiếu sáng vẻ đẹp của nó qua nhiều mặt khác nhau.
Vấn đề đặt ra những cách thế đồng hành, biến đổi và sáng tạo; để phát triển các dự án nhằm thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ và các dân tộc, để bắt đầu từ từng cá nhân trong cộng đoàn ơn gọi rồi vươn xa đến từng ngóc ngách của địa cầu và mỗi loài thụ tạo, bởi lẽ, chưa bao giờ như trong cơn đại dịch này, chúng ta nghiệm thấy mọi sự đều gắn kết, liên quan và kết nối với nhau như thế nào (x. Laudato Si).
“Vì thế, chúng ta hãy ước mơ, như một gia đình nhân loại duy nhất, như những người bạn lữ hành cùng chia sẻ một cốt nhục, như những người con của cùng mẹ trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta đóng góp bằng sự phong phú của niềm tin và xác tín của mình, bằng tiếng nói riêng của mỗi cá nhân, tất cả đều là anh chị em” (FT. 8). Vì vậy, như ước mơ này đã được trao gửi vào đôi tay, lòng nhiệt tình, và sự kiên trì của chúng ta, ngày 2 tháng Hai sắp tới đây lại sẽ là một ngày Lễ thật đẹp để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân ơn gọi và sứ mạng mà chúng ta đã nhận lãnh!
Chúng tôi phó thác từng người trong anh chị em cho Đức Maria, là Mẹ chúng ta, Mẹ của Hội Thánh, và là người phụ nữ trung tín, và cho thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ, trong năm đặc biệt kính Thánh Giuse. Cầu chúc anh chị em luôn vững mạnh trong đời sống đức tin cao quý, vững vàng và vui tươi với lòng trông cậy, nhiệt thành và khiêm tốn với lòng yêu mến.
Nguyện xin Thiên Chúa đầy lòng thương xót, là Cha, và Con và Thánh Thần, ban phúc lành cho từng người trong anh chị em.
Hồng y João Braz de Aviz, Bộ trưởng
Tổng Giám mục Rodríduez Carballo, O.F.M, Thư ký
*Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.