Qua nhiều thời gian lãnh trách nhiệm lãnh đạo Hiệp Hội Thánh Thể giáo xứ và giáo phận, điều làm tôi cảm nhận một cách sâu xa và cũng không kém phần cảm động đó là tập THINH LẶNG trước Thánh Thể Chúa.
Vốn dĩ giáo dân Việt Nam nói chung và giáo dân gốc Giáo Phận Vinh nói riêng, chúng tôi thường cầu nguyện qua những kinh kệ dài dòng và lê thê, cho nên chuyện tập thinh lặng những thời gian đầu cho các hội viên thật rắc rối (vất vả ).Mới thinh lặng được một phút thì đã có tiếng tằng hắng, ho hen…Đến phút thứ hai thêm tiếng chà dép, ho nhiều và to hơn; bước qua phút thứ ba thì đã có nhiều cái đầu quay lên gác đàn thầm nhắc : Làm gì mà lâu thế ! đọc kinh hay hát đi !
Thế nhưng qua một thời gian được hướng dẫn về giá trị của thinh lặng : Chúa nhìn con, con nhìn Chúa để tâm tư con được giãi bày… Các hội viên dần dần cảm mến sự Thinh Lặng Thánh ấy… Đến nỗi, có một lần, sau giờ chầu của Hiệp Hội, có hội viên đập vai tôi và nhắc :” Đọc vừa thôi, để cho em thinh lặng cầu nguyện, các chị đọc dài quá!”
Và nỗi thao thức đó được thể hiện bằng việc đóng góp xây dựng Phòng Tĩnh Nguyện cho Hiệp Hội và cả Giáo Xứ, nơi đó ôm trọn tâm tình sẻ chia vui buồn của cuộc đời, những trăn trở cơm áo gạo tiền và nài xin Thánh Thể ban ơn che chở cùng bao giọt nước mắt của các bà mẹ trẻ âm thầm rơi… mà khúc nguyện cầu thầm kín đó những mong Chúa Thánh Thể đoái thương.
Cảm nhận sự thinh lặng của tôi xin được dừng lại nơi bài thơ của Hàn Mạc Tử “ Đà Lạt trăng mơ”
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Chớ nói nhiều nghe nước hồ reo!
Để nghe tơ liễu run trong gió!
Và để nghe Trời, nghe trời giải nghĩa yêu!”
( Gia Kêu- Giáo Phận Buôn Ma Thuột )