CANH TÂN VIỆC THAM DỰ CỬ HÀNH THÁNH THỂ TẠI GIÁO XỨ (Phần III)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

III. Những đề nghị mục vụ cho giáo xứ (Tiếp theo)

4. Tham dự vào việc ca hát:

Nhiệm vụ của ca đoàn là “thúc đẩy cộng đoàn tham dự phụng vụ cách tích cực qua việc ca hát.”[1] Cho nên ca đoàn không nên “độc quyền” trong việc hát thánh ca, nhất là trong các ngày Chúa nhật và các dịp trọng thể. Bởi thế, nên chọn những bài hát đơn giản, có một hoặc hai bè để mọi người, mọi lứa tuổi trong cộng đoàn có thể dễ dàng tham gia.[2] Có những phần vừa được ưu tiên phải hát vừa phải thực sự dễ hát đối với cộng đoàn, đó là: Tung hô trước Tin Mừng (Alleluia và câu tung hô đi kèm); Thánh, Thánh, Thánh; Tung hô tưởng niệm (Đây là mầu nhiệm đức tin – Chúng con loan ….); Amen long trọng (sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể). Theo tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (MVTN)[3], những chỗ ấy nên được hát trong mọi Thánh lễ, không những trong Thánh lễ Chúa nhật, lễ trọng và lễ kính mà còn cả trong Thánh lễ ngày thường hoặc Thánh lễ cho những cộng đoàn nhỏ hơn, ngay cả khi không có nhạc cụ kèm theo.[4] Lĩnh xướng viên nên cùng hát với toàn thể cộng đoàn nhưng không để tiếng hát của mình lấn át cộng đoàn trừ khi chuyển nhạc hay chuyển đoạn hát thì có thể hát lớn hơn nhằm khơi động và dẫn dắt cộng đoàn.[5]

Trong việc hát lễ, tùy theo khả năng của mình, vị chủ tế thể hiện sự tham gia tích cực vào phụng vụ khi hát những lời nguyện được dành riêng cho chủ sự, những phần đối đáp (giữa chủ tế và cộng đoàn), cũng như hát chung với cộng đòan (câu tung hô, điệp xướng, ca vịnh và những bài ca phụng vụ). Như vậy, bằng cách nêu gương, vị chủ tế sẽ khuyến khích cộng đoàn đem lời ca tiếng hát tham gia vào phụng vụ.[6]

5. Tham dự trong sự thinh lặng cần thiết

Một trong những cách thức quan trọng nhất để có thể canh tân chính chúng ta khi tham dự phụng vụ, đó là làm sao tập cho quen và dễ dàng đi vào hồi tâm, suy niệm trong thinh lặng. Đây không phải là một thái độ thụ động, trái lại, truyền thống phụng vụ xác nhận rằng đó là hình thức tham dự thâm sâu và hiệu quả, là sự cởi mở trước hành động của Thiên Chúa trong chúng ta, gia tăng thái độ chiêm niệm trong phụng vụ, giúp chúng ta chuẩn bị nội tâm một cách sốt sắng hơn, hướng chúng ta về trời cao cũng như cảm nhận được sự huyền nhiệm và siêu việt của Thánh lễ. Quả thật Thiên Chúa nói với chúng ta không những qua Kinh Thánh và lời kinh khẩu nguyện mà còn qua sự thing lặng. Vì vậy, đừng biến Thánh lễ thành một buổi cử hành ồn ào, vội vã, như một dịch vụ hay làm mất đi cảm thức linh thánh, ý nghĩa huyền nhiệm. Thay vào đó, nên tôn trọng những chỗ thinh lặng cần thiết như đã được Giáo Hội hướng dẫn: trong Nghi thức sám hối; sau lời mời cầu nguyện (Chúng ta hãy cầu nguyện); sau Bài đọc Sách Thánh (Bài đọc I và II) và bài diễn giảng;[7] sau mỗi ý nguyện trong Lời nguyện Tín hữu; sau khi Hiệp lễ.[8]

6. Cử hành một cách linh hoạt

Có nhiều lý do để làm điều đó: 1] Sách lễ hiện nay là một kho tàng phong phú; 2] Mỗi cộng đoàn giáo xứ có đặc tính và những hoàn cảnh riêng biệt; 3] Cử hành Thánh lễ được thực hiện qua các dấu chỉ khả giác, cho nên vị chủ tế và cộng đoàn nên năng động thay đổi các mẫu cử hành đã được Giáo Hội dự liệu trong Sách lễ hầu giúp đắc lực hơn cho việc tham dự của tín hữu được tích cực và đầy đủ, đồng thời đáp ứng cách thích hợp hơn lợi ích thiêng liêng của họ.[9] Ví dụ: 3 mẫu của nghi nghi thức thống hối và nghi thức làm phép – rảy nước thánh; 2-3 mẫu tuyên xưng đức tin sau bài giảng; 3 mẫu tung hô tưởng niệm sau khi truyền phép (Đây là mầu nhiệm đức tin…); 13 mẫu Kinh nguyện Thánh Thể.[10] Để gắn kết giữa cử hành và cuộc sống, chủ tế nên thay đổi việc sử dụng các bản văn cử hành Thánh lễ khi có nhu cầu phải cầu nguyện cho Hội Thánh, cầu cho lợi ích chung và trong một số trường hợp đặc biệt (gồm tới 49 bài lễ khác nhau); ngoài ra còn có 19 bài lễ dùng trong Thánh lễ ngoại lịch.[11] Chủ tế có thể linh hoạt nói theo ý mình những lời không được in trong Sách lễ như: lời dẫn nhập vào Thánh lễ; giới thiệu về kinh Tiền tụng và Kinh nguyện Thánh Thể; lời dẫn nhập vào kinh Lạy Cha và những lời giải tán cuối Thánh lễ.[12]

Vì các tư tế là một dấu chỉ để mọi người tham gia cử hành phụng vụ có thể cảm nhận được Thiên Chúa và mầu nhiệm của Ngài cũng như là một dụng cụ để tôn vinh Chúa Kitô, cho nên các vị cần đáp ứng 3 tiêu chuẩn của cử hành là: xứng đáng, chăm chú và đạo đức.[13]

Nên có người dẫn lễ trong Thánh lễ trọng thể hay Thánh lễ có nghi thức kèm theo. Nhiệm vụ của tác viên này là cắt nghĩa và hướng dẫn các lễ nghi để đưa các tín hữu vào cử hành phụng vụ, giúp họ hiểu rõ ý nghĩa của các nghi thức và các phần khác nhau trong Thánh lễ cũng như hỗ trợ cho diễn tiến của các nghi thức được diễn ra trôi chảy và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều này: 1] Hãy để cho biểu tượng và hành động biểu tượng tự chúng nói lên ý nghĩa, chứ đừng giải thích đang khi cử hành vì như thế sẽ có nguy cơ phủ lấp hay hủy hoại chính biểu tượng;[14] 2] Không dẫn ý hay suy niệm đang khi rước; 3] Những lời hướng dẫn phải được sửa soạn trước và phải vắn tắt rõ ràng.[15]


[1] Các nhạc ‘s acre (1967) để 19.

[2] Xc. QCSL 103; Tiến sĩ Helmut Hucke: “Sau việc rước lễ, ca hát chung là hình thức giúp mỗi ca nhân tham gia vào phụng vụ một một cách sâu xa nhất…” (Le chant liturgique après Vatican II, Paris 1966, 38-39).

[3] Ủy ban Thánh nhạc – Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (= MVTN), phát hành tháng 04 năm 2014. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc – chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam – cho thử nghiệm trong thời gian 3 năm, từ ngày 28/04/2014.

[4] Xc. MVTN 103.

[5] Xc. Ibid ., 41.

[6] Xc. Ibid ., 20.

[7] Trước câu hỏi: Suy niệm trong thinh lặng sau bài giảng có thích đáng không và trong lúc thinh lặng có thể dạo đàn phong cầm cách nhẹ nhàng không? (Estne opportunum post homiliam in silentio meditari? Potestne organum leviter edi dum hoc silentium servatur?) thì Notitiae 9 (1973), 192 đã trả lời: Thinh lặng sau bài giảng là thích đáng (Est valde opportunum) và có thể dạo đàn phong cầm cách thực sự êm nhẹ nhàng để không làm người ta chia trí nhưng giúp họ cầm trí suy niệm (Potest, dummodo vere leviter fiat et a meditatione non distrahat, sed illi faveat).

[8] Xc. PV 30; QCSL 45.43.51.54-56.66.84.127-128.130.136.164-165 (Cần thinh lặng hơn, không cần nhiều lời hơn).

[9] Xc. PV 11; QCSL 18; 20;

[10] Xc. Marie-Noelle Thabut, “Các thành viên của cuộc họp,” Joseph in Gélineau, op. cit. 325.

[11] Theo Sách lễ Roma 2002 – ấn bản thứ III.

[12] Kevin W. Irwin, Responses to 100 câu hỏi về Thánh Lễ , 34 tuổi.

[13] Xc. QCSL 93; Jorge A. Đức Hồng Y Medina Estévez, “Bình luận về Chỉ thị Redem p tionis Sacramentum : Tham gia vào Phụng Vụ Thánh” trong Đức Hồng Y Reflections: tham gia tích cực và phụng vụ , 32-33.

[14] Marie-Noelle Thabut, “Các thành viên của cuộc họp,” in Joseph Gelineau, op. cit. 337.

[15] Xc. Jorge A. Medina Estévez Đức Hồng Và, op. cit ., 32-33.