CANH TÂN VIỆC THAM DỰ CỬ HÀNH THÁNH THỂ TẠI GIÁO XỨ (Phần III)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

III. Những đề nghị mục vụ cho giáo xứ (Tiếp theo)

7. Tham dự sứ vụ bác ái sau cử hành (diakonia)

Có thể nói như Louise-Marie Chauvet thuộc Học viện Công giáo Paris, Thánh lễ gồm 3 phần: Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể và Phụng vụ Hàng xóm.[1] Lệnh truyền “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; x. 1Cr 11,23-25) không có nghĩa là cử hành Thánh Thể chỉ giới hạn trong những bức tường của nhà thờ, nhưng các tín hữu còn được sai đi qua lời giải tán Thánh lễ: “Lễ xong, chúc anh chị đem đi bình an”. Đây là một hồng ân và trách nhiệm phải sống những gì vừa cử hành. Tức là các tín hữu phải sống như Tấm Bánh Thánh Thể sẵn sàng được bẻ ra và đem chia sẻ.[2]

Đức Benedicto viết rằng: “Không thể có sự tham dự tích cực vào các mầu nhiệm thánh nếu không đi kèm theo nỗ lực tham dự một cách tích cực vào đời sống của Giáo Hội nói chung, gồm cả việc dấn thân truyền giáo để đem tình yêu Chúa vào đời sống xã hội.[3] Theo Tông thư Dies Domini, “Chúa Nhật cũng phải cống hiến cho tín hữu cơ hội để dấn thân làm những công việc của lòng thương xót nữa, của bác ái và tông đồ.[4] Trong một bài huấn dụ, Đức Thánh cha Phanxicô đã đưa ra một loạt câu hỏi: “Bí tích Thánh Thể mà tôi cử hành, có đưa tôi tới với tất cả mọi người như anh chị em thực sự hay không? Nó có làm lớn lên trong tôi khả năng vui với người vui, khóc với người khóc hay không? Nó có thúc đẩy tôi tới với người nghèo, người bệnh, người bị gạt bỏ bên lề xã hội hay không?”[5]

Cha Pedro Arrupe, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Tên nói rằng:

Bất cứ nơi nào trên thế giới này còn đói khổ, thì việc cử hành Thánh Thể của chúng ta vẫn chưa trọn vẹn. Trong Thánh lễ, chúng ta tiếp nhận Đức Kitô đang đói khổ của thế giới. Người không một mình đến với chúng ta, nhưng đến cùng những anh chị em nghèo khổ, bị áp bức, đói rách trên trái đất. Qua Người, những anh chị em này đang tìm kiếm nơi chúng ta sự trợ giúp, công lý, tình yêu được diễn tả bằng hành động. Vì vậy, chúng ta không thể lãnh nhận Bánh Sự Sống một cách thích hợp trừ phi đồng thời chúng ta biết trao ban bánh sự sống cho những ai đang cần đến ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào chúng ta hiện diện.[6]

Cuối cùng, xin trích lại Kinh Nguyện Thánh Thể cầu cho các nhu cầu khác nhau (mẫu số IV):

Xin mở mắt cho chúng chúng con nhìn thấy những nhu cầu của anh em. Xin soi trí cho chúng con biết nói và làm những gì thích hợp để nâng đỡ những ai đang vất vả lầm than, những kẻ đang mang gánh nặng. Xin cho chúng con biết chân thành phục vụ những người ấy theo gương lành và mệnh lệnh của Đức Kitô. Xin cho Hội Thánh trở thành nhân chứng sống động của chân lý và tự do, công lý và hòa bình, để hướng mọi người về niềm hy vọng mới.

Bởi vậy, bên cạnh việc cử hành Thánh lễ, giáo xứ nên tổ chức các hoạt động bác ái và mời gọi giáo dân tham gia cộng tác vào đó. Nhờ vậy, họ học được cách hiến dâng chính mình như Chúa Kitô và trung thành tiếp tục sứ vụ cứu độ của Ngài.(7)

2. Tóm Kết

Chúng ta tham dự và tham dự tích cực vào Thánh lễ [Chúa nhật] không phải theo tính cách pháp lý bó buộc cho bằng vì những lý do sau: 1] Do Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa và của Giáo Hội; 2] Thánh Thể làm nên Giáo Hội, và việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là việc cử hành của toàn thể Giáo Hội; 3] Chúng ta cần được nuôi dưỡng, no thỏa và biến đổi bởi Lời Chúa và Thánh Thể vốn được trao ban cho chúng ta trong Thánh lễ; 4] Cùng với các chi thể khác trong Giáo Hội, chúng ta dâng lời chúc tụng, tri ân Chúa và kính mừng mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, Đấng đã hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Ngài; và ngày ngày công trình cứu chuộc vẫn diễn ra trong Thánh lễ.

Việc tham dự tích cực biểu lộ ra bên ngoài cốt ở chỗ chúng ta không tham dự như người quan sát, thụ động, như những khách bàng quan, câm lặng nhưng tham gia vào mọi chi tiết cử hành từ cử chỉ, tư thế cho đến ngôn ngữ và cả âm nhạc trong phụng vụ, chính xác hơn, là nhận chìm mình vào trong toàn bộ hành vi nghi thức. Còn thể hiện ở bên trong là đi vào chiều kích nội tâm của thái độ cầu nguyện “trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24), là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, mau mắn thi hành trong Thánh lễ và sau đó là cả ngoài Thánh lễ nữa, tức là gắn kết giữa cử hành phụng vụ và đời sống. Hoa trái của sự tham dự tích cực vào Thánh lễ làm cho chúng ta ngày càng học biết hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Những dấu chỉ ngoại tại của sự tham dự sẽ nuôi dưỡng sự tham dự nội tại của chúng ta trong việc hợp nhất hy lễ của chúng ta với hy lễ của Chúa Kitô đang được cử hành. Sự hợp nhất này được coi là sự tham dự cao nhất vào việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.


[1] Symbol và Sacrifice  (Collegeville, Minnesota, 1995). Trích lại trong Bí Tích Thánh Thể: Các Basic linh https://theeucharist.wordpress.com/index/chapter-7-the-post-eucharist-mission/

[2] Kon. GLCG 1070; QCSL 90c; Giáo Hội về Thánh Thể 20.

[3] Kon. Phát triển một đức tin 5 5.

[4] NCC 69; 90. QCSL 140; NCC 70-73.

[5] Xc. ĐGH Phanxicô, “Bí tích Thánh Thể phải đưa chúng ta tới cuộc sống bác ái quảng đại và tha thứ” ngày 12/02/2014 trong http://www.vietcatholic.net/News/html/121564.htm.

[6] Diễn văn tại Đại Hội Thánh Thể ở Philadelphia, Hoa Kỳ (ngày 2 tháng 8/1976).

[7] Xc. PV 48; QCSL 79f.