CANH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN

Bắt đầu từ Chúa Nhật 1 Mùa Vọng hôm nay, toàn thể giáo hội chính thức bước vào Năm Phụng Vụ mới, cùng với lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Marcô: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.  Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13, 33, 35-36).

Tại các nhà thờ Đức có một tục lệ rất ý nghĩa là mỗi nhà thờ đều trang điểm vòng hoa Mùa Vọng với những cành thông tươi xanh và bốn cây nến, tượng trưng cho 4 Chúa nhật Mùa Vọng.  Khởi đầu thánh lễ mỗi Chúa nhật, đang khi cộng đoàn hát bài Mùa Vọng, cây nến được thắp sáng.  Chúa nhật thứ nhất thắp sáng một cây.  Chúa nhật thứ hai thắp sáng hai cây.  Khi cả bốn cây được thắp sáng, thì đại lễ giáng sinh cũng đã gần kề.  Tục lệ này cũng được lan rộng trong nhân gian, tới hầu hết các công sở, các gia đình.  Nơi nào cũng bầy vòng thông Mùa Vọng với đủ loại nến mầu đỏ, tím…

Như vậy ý nghĩa thứ nhất trong Mùa Vọng là mùa canh thức chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Chúa Giáng Sinh.  Trọng tâm của lịch sử và Tin Mừng cứu độ chính là biến cố: Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu nhân độ thế.

Ngày giáng trần của Chúa Giêsu phải được đón mừng vì đây là Biến Cố có một không hai trong lịch sử cứu độ: nhờ Ngôi Lời nhập thể làm người thì vũ trụ vạn vật lại được đổi mới (TNKB, s. 3).  Kể từ Biến Cố này, Trời giao hòa với Đất, nhân loại được Thiên Chúa yêu thương và toàn thể vũ trụ được đón nhận TIN Mừng cứu độ.  Chính vì thế, Biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu đã trở nên Trung Tâm điểm của lịch sử nhân loại, mốc điểm thời gian.

Theo Kinh Thánh, canh thức là thái độ của một người “đang tỉnh thức chờ đợi”, không ngủ mê, không thụ động, nhưng canh chừng, luôn phòng bị để kịp đối phó với kẻ địch tấn công bất ngờ (Tv 127, 1t), lòng nhiệt tâm chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, đang khi ngóng chờ một biến cố sắp xẩy đến… sẵn sàng đón tiếp Chúa, khi Ngày của Ngài điểm.

Đây là lời khuyên nhủ, dặn dò chính yếu của Chúa Giêsu dậy các môn đệ của Ngài.  Vì Chúa đến bất chợt như kẻ trộm ban đêm (Mt 24,43t), như ông chủ trở về mà không báo cho các đầy tớ biết (Mt 13,35t), như chàng rể đến lúc canh khuya, và chỉ năm cô trinh nữ khôn ngoan đang canh thức với đèn đầy dầu, mới kịp ra đón rước chàng rể vào dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13).

Vậy canh thức là đặc tính căn bản, là thái độ sắp sẵn của người môn đệ Chúa, để chỗi dậy khỏi giấc ngủ đam mê, nghĩa là dứt khoát với tội lỗi, dứt bỏ trần thế và những đam mê dục vọng (Lc 21, 34tt).  Canh thức là hoán cải và trở về với Chúa, không nằm lì trong tội ác, không cứng lòng và khinh thường tiếng mời gọi thống hối của Chúa.  Canh thức trong cầu nguyện, tiết độ, không chè chén say sưa, không cờ bạc, không say đắm nhục dục… quyết không để “ba cái lăng nhăng” nó quấy ta!

Canh thức để nhận diện ra kẻ thù và chiến đấu với thần dữ.  Trong giờ kinh tối, các linh mục và tu sĩ thường đọc: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1P 5,8).  Ma quỷ có thể ẩn hiện trong những phim ảnh xấu, những sách báo đồi trụy, ma túy… những dịp tội gần xa đưa chúng ta xa Chúa, lạc đường về Quê Trời.

Canh thức để phân biệt phải trái: đừng bị ru ngủ, bị đầu độc, bị tuyên truyền bởi óc hưởng thụ, bởi tinh thần vị kỷ cá nhân, bởi các học thuyết vật chất vô thần, bởi những ông đạo buôn thần bán thánh, bởi những mê tín dị đoan, bởi những quảng cáo quyến rũ, những truyền đơn loan tin thất thiệt ngày tận thế…

Canh thức để khỏi bị chán nản, ngã lòng nản chí, bỏ cuộc.  Có những tín hữu gặp thử thách trong đời sống gia đình, gặp những khó khăn về vật chất, bị đau ốm lâu dài… đã nản lòng, kêu trách Chúa, và nhiều khi bỏ nhà thờ, bỏ cầu nguyện, bỏ Giáo hội!

Canh thức trong cầu nguyện theo gương Chúa trong vườn cây dầu.  Cầu nguyện ở đây được hiểu là cầu kinh sớm tối.  Cầu nguyện là đọc và suy gẫm Lời Chúa trong Thánh Kinh.  Cầu nguyện có thể là lần chuỗi Mân Côi, miệng đọc lòng suy.  Cầu nguyện cao đẹp nhất là tham dự thánh lễ Chúa nhật…  Tất cả những hình thức cầu nguyện trên đây, giúp người tín hữu luôn hiệp thông với Chúa, tâm hồn luôn lắng nghe những “thánh chỉ” của Chúa.

Canh thức để trung tín giữ luật Chúa: luật yêu thương, luật công bằng.  Trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, người tín hữu hằng để luật Chúa như đèn soi, như kim chỉ nam cho mọi ước muốn, mọi tư tưởng, mọi lời nói và việc làm của mình.

Canh thức để phục vụ anh em: người tín hữu luôn được Chúa mời gọi để sống đời phục vụ trong bác ái và trong yêu thương.  Đời sống gia đình là môi trường phục vụ lý tưởng nhất.  Vợ chồng Kitô hữu hiến thân cho nhau, tha thứ cho nhau, biết tận tâm giáo dục con cái, biết dùng của cải Chúa ban để mưu sống gia đình, nhưng đồng thời cũng biết chia cơm sẻ bánh cho anh em nghèo đói kém may mắn hơn trên khắp thế giới.  Mỗi tín hữu còn được Chúa mời gọi để phục vụ cộng đồng, các giáo xứ, Hội Thánh, tùy theo khả năng và hoàn cảnh.

Canh thức để đón chờ Chúa đến.  Tín hữu Chúa Kitô biết rõ ràng rằng: cuộc sống trần gian, tất cả của cải đều mau qua chóng hết, không ai sống mãi, nhưng đi về vĩnh cửu.  Điều chắc chắn là mỗi người chúng ta sẽ có một ngày phải từ giã cõi đời tạm này.  Nhưng chết vào ngày giờ nào, chết cách nào, chết ở đâu?  Chẳng có ai biết được.  Do đó, tín hữu Chúa phải tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.

Từ ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy, người tín hữu là con cái của ánh sáng, nên phải luôn tỉnh thức để mình khỏi rơi vào đêm tối của sự chết, không mất mục tiêu, không quên ngày Chúa đến cuối đời của mình…

Lm Bùi Thượng Lưu