I. TÂM TÌNH THỜ LẠY
“Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành người đã ban cho,
Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu Thánh Danh Đức Chúa”.
Lạy Chúa không ngôn ngữ nào của chúng con có thể diễn tả đủ tình yêu Chúa dành cho chúng con. Lúc này đây, chúng con xin hiệp cùng Đức Thánh Cha, các linh mục, các tu sĩ và toàn thể nhân loại, đặc biệt là mỗi chị em nữ tỳ trên toàn thế giới chúng con xin thờ lạy Chúa. Chúng con xin thay mặt những con người đã quên đi cái nghèo của mình mà chia sẻ cái khổ với những ai túng thiếu, nhất là những ai đã nằm xuống trong khi bất chấp hiểm nguy cứu giúp người khác. Họ là những người đã và đang trở nên chứng nhân về tình yêu khi mang mặc và tỏ lộ dung nhan của lòng thương xót Chúa. Nhờ đó, nơi thế giới này trái tim Chúa được trở nên sống động hơn qua sự cộng tác của họ. Chúng con xin thờ lạy Chúa.
Chúng con xin dâng lên Chúa những nét đẹp của cuộc sống cùng với những cố gắng, hi sinh và nỗ lực nhỏ bé của chúng con trong tháng qua, ước mong tất cả sẽ thành lời ca khen, tôn thờ và chúc tụng đẹp nhất dâng lên Chúa.
(Thinh lặng)
II. TIN MỪNG: LC 10, 25 – 37.
1.Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:
“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
-
Suy niệm.
Mầu nhiệm tình yêu vượt quá quyền lực của tình yêu để hình thành ta với tư cách là con người, và vượt quá những biến đổi trong thời gian và về ý nghĩa. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu cũng là mầu nhiệm với tính cách Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm thần linh đối với ta. Đây là mầu nhiệm mà trong đó ta sống cởi mở với những tổn thương, với những khó khăn, với những hiểu nhầm, chán chường ,…và sống trong hy vọng. Tình yêu của Thiên Chúa làm ta có can đảm dám sống trong sự chấp nhận những đớn đau mà cuộc sống đem lại, và dám yêu với tất cả khả năng ta có.
Hôm nay, người Samari kia đã bộc lộ khả năng ấy khi ông gặp một người bị thương giữa đường. Ông không ngần ngại như thầy tư tế, không tránh né như thầy Lêvi, nhưng ông đi ngang qua, thấy và chạnh lòng thương. Ánh mắt của ông không làm ngơ trước tình cảnh khốn đốn của người đồng loại. Một người mà có lẽ ta nghĩ là thù thì nay lại là bạn, là ân nhân giúp đỡ mình. Không quen biết, không cùng chung niềm tin, thế nhưng người Samari ấy lại mở ra một bầu trời của tình yêu thương, nên ông xứng đáng với danh xưng “ Người Samari nhân hậu”.
Nhìn vào ông, vào tình thương mà ông dành cho người đi đường bị nạn kia, mỗi người cần ra khỏi chính mình. Đó là hành trình căn cốt nhất của mỗi người phải thực hiện. Hành trình ấy bắt đầu từ khi ta sinh ra cho tới lúc ta kết thúc cuộc đời. Điều mà thử thách ta nhất đó là thôi khỏi làm cái rốn của vũ trụ để hướng nhìn về tha nhân và nhận ra họ là người thân cận của ta. Hành trình ấy sẽ giải phóng ta khỏi ý nghĩ hạn hẹp, ích kỷ do ta đưa ra. Kế đến, ta cần có một tấm lòng để thấy. Ta không thể “phải lòng” hết tất cả mọi người, vì người Samari kia cũng không “phải lòng” người bị nạn. Ông cảm thấy bị đụng chạm, xót xa nên ra tay cứu giúp. Ta cần mở ra con mắt thể xác cũng như tâm linh để có thể nhận ra cái gì là tốt, cái gì là xấu cần phải tránh và nhận ra những nhu cầu của người bên cạnh mình. Chính ta phải trở nên bạn hữu của họ. Nghĩa là phải lên đường. Con đường này sẽ dẫn ta đến với Nước Trời, nơi ta sẽ khám phá và nhận ra mình là ai.
Điều cuối cùng là thực hành chứ không ngồi mơ mộng, ảo tưởng. Nếu không có thực hành thì những lý luận của ta chỉ là lý luận suông. Người Samari nhân hậu đã dùng tất cả hành lý đi đường của mình mà ra tay cứu giúp người bị nạn, thì đến lượt ta , ta cũng phải nhìn lên gương Đức Giêsu mà hy sinh, dấn thân trong cuộc sống chung. Yêu thương không ở đâu xa nhưng có sẵn trong lòng ta. Hạt giống yêu thương đã được Thiên Chúa gieo trong lòng mỗi người . Ta có bổn phận tưới gội, chăm sóc và làm cho hạt giống sinh sôi nảy nở. Trái tim yêu thương cần mở rộng để cho đi và đón nhận. Chính Đức Giê su cho ta thấy rằng trong vấn đề yêu thương không thể vạch ra một giới hạn chính xác. Người không nêu ra những tiêu chí, xác định một con số giới hạn gồm những kẻ mà ta phải yêu thương. Nhưng người thay đổi hướng nhìn, mở rộng chân trời. Vị thông luật hỏi “Ai là người thân cận?”. Đức Giê su đã đảo ngược câu hỏi “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị rơi vào tay bọn cướp?”. Như thế, Người thay đổi tầm nhìn.
Có lẽ những người ít ra khỏi cộng đoàn khi không có việc gì cần thiết, khi không có nhiệm vụ nhưng không vì thế mà sự ra đi vùng ngoại biên không được thực hiện. Bởi vì khi muốn ra đi đến vùng đất ấy, chính ta phải ra khỏi cái tôi của chính mình, đón nhận sự cắt tỉa, biến đổi để trở nên giống Chúa mỗi ngày hơn. Hãy là người Samari nhân hậu trong tương quan hiệp hành với Giáo hội và với anh chị em mình. Vì hành trình ấy là luôn luôn sẵn sàng, nó có thể làm đảo lộn những dự tính của ta để đưa ta vào nơi đầy yêu thương. Nơi đó Chúa sẽ chữa lành ta và có anh chị em luôn bên cạnh ta.
Xin Chúa giúp chúng con biết nhìn vào Chúa và nhìn vào mình để gặp gỡ tha nhân giữa thế giới công nghệ hiện đại này. Amen.
Hát: CN: 56
III. TÂM TÌNH SÁM HỐI.
-
Đức Giê su nói: “Anh em hãy xin thì sẽ được”. Lạy Chúa, ngày ngày chúng con luôn nguyện xin “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, thế nhưng cuộc sống chúng con chưa thể hiện trọn vẹn ý nguyện ấy. Chúng con thích cho ý mình được thể hiện hơn, những tư tưởng xem chừng hợp lý và khoa học song nhiều khi lại thiếu sự bác ái, là điều cốt yếu của lòng mến mà Chúa muốn chúng con sống để lề luật thực sự được nên kiện toàn. Xin Chúa thương xót và biến đổi chúng con.
Hát: “Xin Chúa xót thương con…”.
-
Lạy Chúa, bên cạnh những việc thiện ích mà chúng con làm được trong ân sủng của Chúa, thì còn biết bao nhiêu là những đổ vỡ, bệnh tật, đau khổ, thiên tai… mà con người ngày hôm nay đang phải gánh chịu do sự kiêu ngạo, cố chấp và tham lam. Con người chúng con khao khát hạnh phúc, nhưng nhiều khi đó chỉ là hạnh phúc và bình an cho cá nhân hay một nhóm người trong chúng con. Sự khát khao mang tính cá nhân ấy đôi khi mạnh mẽ đến nỗi khiến chúng con sẵn sàng đánh đổi bằng niềm vui, bình an, hạnh phúc và cả mạng sống của người khác một cách vô tâm. Xin Chúa thương xót và biến đổi chúng con.
Hát: “Xin Chúa xót thương con…”.
-
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là những nữ tỳ của Chúa đang theo bước cha Thánh Tổ phụ, chúng con được mời gọi trở nên những nữ tỳ khiêm nhường của lòng mến. Nhưng hiện thực cuộc sống cho thấy chúng con chưa đủ can đảm, hi sinh và từ bỏ để uốn mình theo thánh ý Chúa, chúng con chưa “lặng” đủ để có thể luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa…, chưa “lặng” đủ để nhìn thấy, đồng cảm và thấu hiểu những nỗi khổ của nhau, mà nhiều khi chỉ thấy những thiếu thốn và khốn khó của chính mình. Xin Chúa thương xót và biến đổi chúng con.
Hát: “Xin Chúa xót thương con…”.
-
Lạy Chúa, hình ảnh của Chúa dường như ngày càng bị lu mờ trong đời sống của con người thời đại, vậy do đâu mà còn nhiều người chưa biết đến Chúa? Phải chăng đó cũng là trách nhiệm của các Nữ tỳ sống đời chiêm niệm như chúng con? Phải chăng chúng con chưa cầu nguyện đủ cho việc truyền giáo? Phải chăng đời sống của chúng con không phác họa đúng hình ảnh của một Thiên Chúa như Ngài là? Phải chăng cách sống của chúng con đang đi ngược lại với lý tưởng mà chúng con muốn tiến bước khi đi theo Chúa? Và phải chăng Chúa không ở vị trí quan trọng nhất trong lòng chúng con? Xin Chúa thương xót và biến đổi chúng con.
Hát: “Xin Chúa xót thương con…”.
IV. TÂM TÌNH TẠ ƠN.
-
“ Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Tạ ơn Chúa vì hồng ân sự sống ,Chúa đã cho chúng con có không khí để thở; có thức ăn, nước uống, được sống trong một đất nước hòa bình,…Nhưng cao quí hơn, Chúa còn ban tặng cho chúng con sự sống của chính Chúa. Mầu nhiệm nhập thể là khởi điểm cho món quà ấy.
-
“Chúa đã chọn tôi phục vụ Thánh Thể Người cho dù tôi bất xứng”. Tạ ơn Chúa vì Chúa đã chọn gọi chúng con trong ơn gọi Thánh Thể. Ngày ngày, Chúa vẫn hiện diện và cho chúng con cảm nghiệm được sự hiện diện ấy trong cuộc đời. Cho dù chúng con mọn hèn nhưng Chúa lại yêu thích sự mọn hèn ấy của chúng con. Chúa đã tỏ cho chúng con nhận biết Chúa yêu chúng con và hằng khát khao đến ngự trong chúng con để trao ban hạnh phúc cho chúng con. Đó là niềm hạnh phúc mà con người ngày nay đang kiếm tìm.
-
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Tạ ơn Chúa đã quy tụ chúng con thành một cộng đoàn sống phúc âm sống nhờ và cho Chúa Kitô Phục sinh hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng con luôn ý thức được tiếng Chúa mời gọi, để cùng nhau chia sẻ một đoàn sủng và để làm vinh danh Chúa qua đời sống cộng đoàn,và nhờ đời sống Cộng đoàn mà chúng con mới có thể đứng vững và tiến tới mục tiêu chúng con đang theo đuổi. Đó là trở nên người tôn thờ trong tinh thần và chân lý mà Chúa Cha kiếm tìm.
Hát : NC 44
V. TÂM TÌNH XIN ƠN.
Lạy Chúa, Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập vẫn tồn tại và sống giữa muôn ngàn biến chuyển của thời đại. Để đi lên, Giáo Hội cũng cần có những bước chuyển phù hợp với thời đại hầu mong ước Thân Thể Chúa lớn mạnh mỗi ngày một hơn. Chúng con nguyện xin Thánh Thần Chúa đến nâng đỡ và gìn giữ niềm tin của chúng con ngay trong những tư tưởng, uốn nắn sửa đổi những suy nghĩ sai lạc của chúng con, hầu giúp nhân loại chúng con dần mang mặc lấy tư tưởng của Chúa, xin hãy bắt đầu sự thay đổi ấy từ nơi chúng con là những “môn đệ” Chúa đã tuyển chọn. Hơn nữa, xin cho chúng con không chỉ dừng lại ở ý nghĩ mà còn dùng tất cả những gì chúng con có để yêu, để cho đi, để hy sinh, để quảng đại, để dấn thân hầu loan báo một Giêsu đúng nhất trong hình ảnh của một Thiên Chúa nhân lành, đầy khoan dung và giàu lòng thương xót.
Chúng con cũng tạ ơn Chúa vì những nhịp tim nối kết yêu thương vốn tiềm ẩn nơi mỗi tâm hồn đã và đang được biểu lộ qua những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bằng những gì chúng con có. Song những mất mát và đau thương vẫn còn đó nơi những bệnh nhân và người thân của họ, xin Chúa là nguồn mạch bình an, nguồn mạch tình yêu xoa dịu những đớn đau trong tâm hồn họ. Xin Chúa hãy tưới gội trên chúng con một nguồn sức sống mới với những hy vọng mới trong một niềm tin yêu tràn đầy ân sủng của Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng con. Và trong tâm tình ấy, chúng con cũng tin tưởng dâng lên Chúa những ước nguyện của mỗi người chúng con.
VI. KẾT THÚC
Lạy Chúa, cha thánh tổ phụ Eymard chúng con đã nói: “Với chúng ta, chúng ta không làm chi khác hơn là phó thác cho Chúa, Chúa sẽ làm việc của Chúa và của chúng ta…”. “Hãy tín nhiệm vào một mình Chúa thôi, Người sẽ không từ chối ta, không từ bỏ ta” . Nhưng trong đời sống thường ngày, nhiều khi khó khăn thử thách làm cho chúng con cảm thấy sợ hãi, thay vì đến với Chúa chúng con lại tìm đến sự trợ giúp của người khác hoặc“chỉ cậy dựa vào chính mình, chính sức lực của mình, và để Chúa ra một bên”. Bởi đó cha cũng cảm thấy buồn và nói: “Chúa Giêsu không làm gì và không thể làm gì nữa dưới đất, vì người ta không còn cầu nguyện với Người, không còn tín nhiệm vào Người…”. Lạy Chúa, xin cho chúng con và tất cả mọi người trên thế giới luôn giữ vững niềm tin, một lòng trông cậy và phó thác nơi Chúa, nhất là trong cơn đại dịch này.
Hát: Kinh hòa bình.