Frère Phêrô Long, FSC
Lv 19, 1-2.17-18; Mt 5,38-48
Chúng ta bước vào Chúa Nhật VII Thường Niên A. Lời Chúa mời gọi con người phải nỗ lực để trở nên giống Chúa theo ý định Thiên Chúa đã muốn khi dựng nên con người là HÌNH ẢNH CHÚA.
Điểm giống Chúa mà bài đọc 1 nhấn mạnh tới là “PHẢI NÊN THÁNH”, và động lực, căn nguyên phải NÊN THÁNH là chính Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta là ĐẤNG THÁNH.”
Còn điểm giống Chúa mà Tin Mừng quan tâm đến là ” NÊN HOÀN THIỆN”, và mẫu mực của sự hoàn thiện đó cũng chính là Thiên Chúa “Anh em hãy nên hoàn thiện NHƯ Cha anh em trên trời là ĐẤNG HOÀN THIỆN.
Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Hs 11,9), chỉ có Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Vậy “Nên Thánh”, “Nên hoàn Thiện” là hai cách nói của ơn gọi làm người “Con người là hình ảnh Thiên Chúa”, con người phải GIỐNG như Thiên Chúa.
Nhưng, Thiên Chúa là TẠO HÓA VÔ HÌNH còn chúng ta là THỌ TẠO HỮU HÌNH, Thiên Chúa là VÔ BIÊN, con người là HỮU HẠN, làm sao con người nên GIỐNG CHÚA được?
Đó là công trình yêu thương của Thiên Chúa, Người đã chuẩn bị mọi sự trong Đức Giêsu Kitô: “Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha”(Ga 14,9), chúng ta giống Chúa bằng hồng ân thần linh “được nên đồng hình đồng dạng, đồng thừa tự với Đức Kitô”
Để đạt được tầm mức ấy, Thiên Chúa đã để ra cho chúng ta những giải pháp cụ thể phù hợp, đúng nơi đúng lúc; Tuy nhiên nét chung đó là ĐỨC ÁI, Là YÊU NGƯỜI: “Yêu đồng loại NHƯ CHÍNH MÌNH”( x. Lv 19, 1-2.17-18) và “hãy yêu KẺ THÙ “( Mt 5, 43-48)
Trong bài đọc 1, đối tượng mà Thiên Chúa đòi hỏi phải nên Thánh là “Toàn thể cộng đồng con cái Israel”. Đây là một đòi hỏi buộc và long trọng vì nói lên nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ISRAEL. Cụ thể, toàn thể cộng đồng dân Chúa phải thực hành những định hướng sau:
– Không được ĐỂ LÒNG ghét người anh em. Yếu tố được nhấn mạnh là “ĐỂ LÒNG”, có nghĩa là đừng nuôi dưỡng hận thù trong lòng; không để chúng thống trị tâm trí, điều khiển chính mình. Đó là bước đầu để nên thánh.
– Nhưng phải “quở trách người đồng bào”, nghĩa là phải tìm cách giúp đồng bào mình nhận biết và đi ra khỏi điều sai lỗi của họ. Nếu cứ để mặc họ trong sai trái thì “ngươi sẽ mang tội vì nó”. Như vậy, dám cùng anh em cảm nhận và khắc phục những điều xấu nơi họ cũng là một bước để nên thánh.
Hai đòi hỏi trên được khẳng định lại bằng cách nói khác tổng quát hơn:
– Hãy tha thứ: “Không được trả thù, không được oán hận những người thuộc dân ngươi. Và cao hơn nữa là:
– Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.
Toàn bộ đòi hỏi trên được niêm ấn của Chúa: “TA LÀ ĐỨC CHÚA”.
Còn trong Tin Mừng, đối tượng được nhắm tới là các môn đệ, nghĩa là những người đã tin và theo Đức Giêsu. Giới luật yêu thương được mở rộng không biên giới: YÊU CẢ KẺ THÙ. Lập luận của Đức Giêsu là: Nếu chỉ yêu người thân, kẻ yêu mến mình thì ta có khác chi người thu thuế, người dân ngoại. Điều Chúa muốn là chúng ta phải hội nhập vào GIA ĐÌNH THẦN LINH, phải nên cón cái Thiên Chúa. Đã nhận mình là CON THIÊN CHÚA, thì tất cả mọi người đều phải là anh em.
Vậy khi nỗ lực yêu những người mà dưới cái nhìn trần gian ta gọi là “KẺ THÙ” thì chúng ta đang từng bước trở nên GIỐNG NHƯ CHÚA.
Chúng ta có hoàn thiện hay chưa thì CHÍNH CHÚA là Đấng đánh giá chứ không phải là chúng ta. Vì thế, chúng ta chỉ cần nỗ lực hết mình đáp trả lại những đòi hỏi cụ thể của Chúa trong hiện tại rồi phó dâng cho Chúa, chính Người sẽ trợ giúp và đánh giá việc chúng ta làm.
Điều Chúa đòi hỏi trong Tin Mừng hôm nay đó là THA THỨ cho tất cả những ai xúc phạm đến mình; là QUAN TÂM đến tha nhân, sẵn sàng đáp trả những nhu cầu cấp thiết của họ; và chóp đỉnh là YÊU KẺ THÙ, là CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ NGƯỢC ĐÃI anh em.
Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết TỪNG BƯỚC MỘT, NGAY TRONG PHÚT GIÂY HIỆN TẠI luôn đáp lại các đòi hỏi của Đức Giêsu trong Tin Mừng, đó chính là chúng ta đang DẤN BƯỚC trên con đường HOÀN THIỆN, để rồi chính Thiên Chúa, đến lúc Người sẽ can thiệp để đưa cái HOÀN THIỆN mà ta nỗ lực làm đạt đến mức NHƯ CHA. Đó là hoa trái của tình yêu bao la quảng đại của Thiên Chúa đã đưa cái HỮU HẠN của chúng ta thông hiệp vào cõi vô biên của Thiên Chúa.
Frère Peter Long, FSC